Trước những cáo buộc tình hình thị trường đặc biệt (PMS), ADC cho rằng không có bằng chứng cho thấy có sự khác biệt về giá nguyên liệu giữa Việt Nam và các nước khác; và không có sự tác động của Chính phủ làm lệch lạc giá trị thông thường; các văn bản quy hoạch định hướng tổng thể cho ngành thép không còn hiệu lực ảnh hưởng. Chính vì vậy, ADC kết luận không tồn tại PMS tại Việt Nam.
Trong đó, cáo buộc bán phá giá và trợ cấp, tất cả các doanh nghiệp Việt Nam đều được kết luận có biên độ bán phá giá âm (không bán phá giá) và không nhận trợ cấp hoặc nhận trợ cấp không đáng kể từ Chính phủ. Cụ thể, biên độ bán phá giá xác định cho các doanh nghiệp Việt Nam từ -12,2% tới -6,5%; biên độ trợ cấp từ 0% tới 0,01%.
Trong mối quan hệ nhân quả, ADC kết luận rằng: Hàng hóa từ Việt Nam và Đài Loan không gây ra thiệt hại đáng kể. Thiệt hại của ngành sản xuất trong nước xuất phát từ hàng hóa có xuất xứ Trung Quốc và Hàn Quốc. Mức thuế CBPG sơ bộ mà các nhà sản xuất, xuất khẩu Hàn Quốc bị áp dụng là 6,2%; tổng mức thuế CBPG và CTC mà các nhà sản xuất, xuất khẩu Trung Quốc bị áp dụng từ 11,9% đến 54,5%.
Theo thống kê của Hải quan Việt Nam, kim ngạch xuất khẩu mặt hàng này của Việt Nam sang Australia năm 2019 đạt hơn 15 triệu USD.
Ngoài ra, Cục Phòng vệ thương mại – Bộ Công Thương cho biết: Trong quá trình vụ việc diễn ra, Bộ Công Thương đã thường xuyên phối hợp, trao đổi với các bộ, ngành, địa phương, hiệp hội và các doanh nghiệp liên quan chuẩn bị tốt hỗ trợ doanh nghiệp; đảm bảo sự hợp tác đầy đủ, toàn diện, cung cấp đầy đủ thông tin, tài liệu theo đúng yêu cầu của ADC.
Kết luận sơ bộ của ADC đã chỉ ra hiệu quả của việc phối hợp giữa Chính phủ và doanh nghiệp, cũng như sự hợp tác giữa doanh nghiệp và Cơ quan điều tra nước ngoài trong vụ việc điều tra phòng vệ thương mại.
Ở giai đoạn tiếp theo, Cục Phòng vệ thương mại cho hay ADC sẽ gửi khuyến nghị về kết luận cuối cùng để Bộ trưởng Bộ Công nghiệp, Khoa học và Công nghệ Australia đưa ra quyết định chính thức về vụ việc.