Phân cấp, phân quyền giúp cho đầu tư công “thuận buồm xuôi gió”

Liên quan đến dự thảo Luật Đầu tư công (sửa đổi), đại biểu Phạm Văn Hoà cho rằng việc phân cấp, phân quyền mạnh là rất cần thiết, qua đó giúp cho việc đầu tư công “thuận buồm xuôi gió”.

Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ tám Quốc hội khóa XV, sáng nay 6/11, Quốc hội thảo luận tại hội trường về Dự thảo Luật Đầu tư công (sửa đổi). Đại biểu Trần Chí Cường (TP. Đà Nẵng) cơ bản tán thành với 5 nhóm nội dung đề nghị sửa đổi, bổ sung trong dự án luật, trong đó có các quy định mới góp phần rút ngắn thời gian trong việc triển khai thực hiện dự án. Tuy nhiên, đại biểu Cường cho rằng, quy định về quy trình thủ tục thực hiện đầu tư dự án công cần phải được nghiên cứu, rà soát, điều chỉnh nhằm rút ngắn hơn nữa thời gian thực hiện dự án.

Theo ông Cường, thủ tục đầu tư không chỉ được quy định trong Luật Đầu tư mà còn được quy định trong nhiều luật khác nhau như: đất đai, xây dựng, môi trường, chuyển giao công nghệ, phòng cháy chữa cháy… Theo quy định hiện hành, thời gian thực hiện các thủ tục về đất đai, xây dựng, môi trường, chuyển giao công nghệ, phòng cháy chữa cháy thường mất nhiều thời gian. Mỗi thủ tục lại có yêu cầu riêng về hồ sơ, trình tự và thời gian, một số thủ tục lại quy định nhiều bước thực hiện (thủ tục xây dựng), một số thủ tục phải thực hiện tuần tự, kết quả của thủ tục này là đầu vào của thủ tục khác

dai-bieu-tran-tri-cuong-luat-dau-tu-cong-1303-1730879152.jpg
Đại biểu Trần Trí Cường phát biểu thảo luận về dự thảo Luật Đầu tư công (sửa đổi)

Tính trung bình, thời gian để thực hiện đầy đủ các thủ tục nêu trên (tùy theo loại dự án A, B hay C) sẽ kéo dài từ khoảng 250 ngày đến 350 ngày mới khởi công xây dựng, tức là phải hơn 8 tháng kể từ lúc HĐND thông qua mới thực hiện. Trên thực tế, thời gian thực hiện thủ tục có thể kéo dài hơn do độ trễ vì phải hoàn thiện các hồ sơ và tài liệu có liên quan.

“Tôi đề nghị dự thảo luật cần nghiên cứu bổ sung quy định thời gian ở các bước lập thủ tục và phê duyệt của các cơ quan, tương tự như quy định ở điều 36a bổ sung Luật đầu tư quy định về thủ tục đầu tư đặc biệt trình Quốc hội trong dự án Luật sửa đổi, bổ sung Luật Quy hoạch, Luật Đầu tư, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư và Luật Đấu thầu”, đại biểu Trần Chí Cường nêu ý kiến.

Liên quan tới quy định thời gian bố trí vốn đối với dự án nhóm A là 6 năm, nhóm B là 4 năm và nhóm C là 3 năm không thay đổi so với quy định tại Luật Đầu tư công hiện hành, đại biểu đoàn TP. Đà Nẵng cho rằng, “việc thực hiện theo quy định tại khoản 2, điều 89 Luật đầu tư công hiện hành về hạn mức đối với phần vốn của các dự án đã được phê duyệt chủ trương đầu tư trong kỳ đầu tư công trung hạn hiện tại chuyển tiếp sang kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn sau không được vượt quá 20% là việc bất khả thi”.

Vì thế, đại biểu đề nghị xem xét nâng hạn mức phần vốn chuyển tiếp của kỳ đầu tư công trung hạn hiện tại sang kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn sau không vượt quá 50% trên cơ sở căn cứ định hướng, chiến lược phát triển, dự kiến nguồn vốn và khả năng cân đối vốn của trung ương và địa phương khi phê duyệt kế hoạch đầu tư công trung hạn.

Đại biểu Phạm Văn Hòa (Đoàn Đồng Tháp) cho rằng những sửa đổi, bổ sung của Dự thảo Luật Đầu tư công kỳ này, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ủy quyền, phân cấp, phân quyền cho các bộ, Chủ tịch UBND các cấp, đặc biệt là phân quyền cho Chủ tịch UBND cấp tỉnh và Chủ tịch UBND tỉnh lại phân quyền cho cấp huyện và cấp xã, đối với những trường hợp dự án nhóm A, nhóm B, nhóm C.

db-pham-van-hoa-1313-1730879152.jpg
Đại biểu Phạm Văn Hòa: việc thực hiện các dự án trọng điểm quốc gia, các dự án trọng điểm của địa phương được nhanh gọn.

Luật Đầu tư công hiện tại còn rất nhiều bất cập như quy định đầu tư công được giao cho Trung ương. Theo đó, Trung ương là chủ dự án, chủ đầu tư, nhưng lần sửa đổi này phân cấp cho cấp tỉnh, mà trước đây là phân công cho Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quyết định. Dự án luật lần này chủ trương phân công cho Ủy ban nhân dân cấp tỉnh chứ không thông qua Hội đồng nhân dân vì việc này có thể gây chậm trễ. Thậm chí, chủ đầu tư được phân tới tận cấp xã đảm nhiệm.

“Việc phân cấp, phân quyền mạnh như vậy trong Luật Đầu tư công sửa đổi theo tôi là rất cần thiết, qua đó giúp cho việc đầu tư công “thuận buồm xuôi gió”. Việc thực hiện các dự án trọng điểm quốc gia, các dự án trọng điểm của địa phương được nhanh gọn, tuy nhiên cũng cần phải đảm bảo đúng quy định của pháp luật” - đại biểu Phạm Văn Hòa nhấn mạnh.

Về nâng cao chất lượng công tác chuẩn bị đầu tư và trách nhiệm của người đứng đầu, đại biểu Triệu Quang Huy (Đoàn Lạng Sơn) cho rằng, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công 9 tháng năm 2024 của cả nước ước đạt 47,29% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, thấp hơn cùng kỳ năm 2023 (51,38%). Theo Báo cáo, công tác chuẩn bị dự án đầu tư vẫn còn là khâu yếu, dẫn đến tình trạng vốn chờ dự án.

Đại biểu nhấn mạnh, việc nâng cao chất lượng công tác chuẩn bị đầu tư, nâng cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu khi phê duyệt chủ trương đầu tư dự án, quyết định đầu tư dự án sẽ góp phần thúc đẩy tiến độ triển khai thực hiện dự án, giải ngân vốn đầu tư công, góp phần nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn vốn đầu tư công trong thời gian tới.

465864096-1122120456583054-2836809827798952405-n-1730879231.jpg

Đại biểu Trần Hoàng Ngân (Đoàn Thành phố Hồ Chí Minh) kiến nghị tăng cường quản lý, kiểm tra, giám sát việc sử dụng vốn nhà nước tại doanh nghiệp nhà nước, chống thất thu trong lĩnh vực thương mại điện tử, đặc biệt là thuế nhập khẩu; đồng thời tiếp tục chống lãng phí, khai thác hiệu quả tài sản công, đất công, vốn nhà nước; xem xét điều chỉnh thuế giá trị gia tăng đối với một số lĩnh vực như khoa học công nghệ, văn hóa, nông nghiệp để tạo động lực tăng trưởng.

Ở góc độ cử tri, chuyên gia kinh tế, ông Huỳnh Anh Tuấn (Thành phố Hồ Chí Minh) cho rằng, để tháo gỡ "điểm nghẽn" giải ngân đầu tư công cần có các giải pháp tăng cường, phát huy vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu các bộ, ngành và địa phương trong lãnh đạo, chỉ đạo công tác lập kế hoạch đầu tư công. Người đứng đầu phải trực tiếp chỉ đạo, kiểm tra, rà soát từng dự án để bảo đảm hiệu quả đầu tư; đồng thời cần cải thiện thủ tục hành chính, cơ chế, chính sách trong đầu tư công; công khai, minh bạch các dự án đầu tư để phòng, chống tham nhũng và lợi ích nhóm trong đầu tư công.

Bộ trưởng Bộ Tài chính, Phó Thủ tướng Chính phủ Hồ Đức Phớc giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu và cho biết trong năm nay cả nước giảm tiết kiệm được khoảng 7.000 tỷ đồng chi thường xuyên. Thường trực Chính phủ đang chỉ đạo tiết kiệm chi trong đầu tư công. Trước đây, trong những năm 2009-2011, Chính phủ đã thực hiện việc này, đến nay, việc này được tái khởi động lại, cụ thể là tiết kiệm từ định mức dự toán đến định mức thi công, tiết kiệm trong bảo quản, thi công, vận chuyển. Vấn đề này sẽ được đưa vào hồ sơ mời thầu để tổ chức đấu thầu.