Phát triển kinh tế thông tin và truyền thông trong bối cảnh chuyển đổi số

Phát triển kinh tế thông tin và truyền thông trong chuyển đổi số thúc đẩy tăng trưởng và đổi mới. Doanh nghiệp cần tận dụng công nghệ như trí tuệ nhân tạo và dữ liệu lớn, cùng với hạ tầng vững chắc và môi trường pháp lý phù hợp để đảm bảo an ninh mạng và quyền riêng tư.

Trong bối cảnh chuyển đổi số, thông tin và truyền thông ngày càng trở nên quan trọng, đóng vai trò to lớn với phát triển. Kinh tế thông tin và truyền thông là ngành kinh tế có vị trí quan trọng trong cơ cấu ngành của nền kinh tế quốc dân Việt Nam. Theo Quyết định Số 27/2018/QĐ-TTg của Thủ Tướng chính phủ, ngày 06 tháng 7 năm 2018 về Ban hành hệ thống ngành kinh tế Việt Nam, kinh tế thông tin và truyền thông là một trong 21 ngành kinh tế cấp 1, bao hàm trong đó 60 ngành trong tổng số 734 ngành cấp 5. Nghiên cứu về phát triển kinh tế thông tin và truyền thông là một lĩnh vực đã được quan tâm nghiên cứu gần đây, tuy nhiên với bối cảnh chuyển đổi số, ngành có nhiều những chuyển biến mới, nghiên cứu làm rõ thực trạng xu hướng phát triển của kinh tế thông tin và truyền thông là vô cùng cần thiết trong bối cảnh hiện nay.

1. Khái niệm, vai trò của kinh tế thông tin và truyền thông

1.1. Khái niệm của kinh tế thông tin và truyền thông

Kinh tế

Kinh tế là tập hợp tất cả những hoạt động của con người nhằm tạo ra giá trị cho xã hội. Hoạt động kinh tế của mỗi một chủ thể, một doanh nghiệp, một lĩnh vực, một ngành nghề có thể tham gia tạo ra toàn bộ, hay một phần trong chuỗi giá trị của hàng hóa. Trong nền kinh tế hiện đại, thông tin và truyền thông ngày càng tạo ra tỷ trọng giá trị lớn hơn trong chuỗi giá trị hàng hóa.

Thông tin

Hiện nay có rất nhiều quan niệm khác nhau về thông tin, tùy theo góc tiếp cận và nhu cầu nghiên cứu mà các nhà khoa học có thể đưa ra những định nghĩa khác nhau về thông tin. Từ điển tiếng anh Oxford định nghĩa thông tin là "điều mà người ta đánh giá hoặc nói đến; là tri thức, tin tức" cũng có quan niệm cho rằng thông tin là tri thức, là hiểu biết, là cách thức chuyển giao tri thức và tăng thêm hiểu biết cho con người.

Hiểu theo nghĩa thông thường, thông tin là các sự việc, sự kiện, ý tưởng, phán đoán làm tăng thêm sự hiểu biết của con người. Thông tin hình thành trong quá trình giao tiếp: một người có thể nhận thông tin trực tiếp từ người khác thông qua các phương tiện thông tin đại chúng, từ các ngân hàng dữ liệu, hoặc từ tất cả các hiện tượng quan sát được trong môi trường xung quanh.

Trên quan điểm triết học, thông tin là sự phản ánh của tự nhiên và xã hội (thế giới vật chất) bằng ngôn từ, ký hiệu, hình ảnh... hay nói rộng hơn bằng tất cả các phương tiện tác động lên giác quan của con người.

Theo Điều 2 Luật Tiếp cận thông tin 2016, định nghĩa về thông tin là tin, dữ liệu được chứa đựng trong văn bản, hồ sơ, tài liệu có sẵn, tồn tại dưới dạng bản viết, bản in, bản điện tử, tranh, ảnh, bản vẽ, băng, đĩa, bản ghi hình, ghi âm hoặc các dạng khác do cơ quan nhà nước tạo ra.

Truyền thông là quá trình truyền tải thông tin, ý kiến, tin tức,... giữa hai hoặc nhiều người với nhau nhằm giao tiếp, kết nối, tăng sự hiểu biết và nhận thức. Truyền thông được thực hiện qua nhiều kênh khác nhau, bao gồm truyền thông đại chúng, truyền thông xã hội, truyền thông trực tuyến,... Đây là công cụ quan trọng trong việc xây dựng hình ảnh thương hiệu, quảng bá sản phẩm/ dịch vụ, tạo dựng tình cảm, uy tín từ khách hàng, đối tác của các doanh nghiệp.

Ngoài ra, truyền thông còn có vai trò quan trọng trong việc lan tỏa thông tin về các sự kiện, vấn đề xã hội và chính trị, đóng vai trò giúp người dân có được những thông tin cần thiết để đưa ra quyết định và hành động phù hợp.

Mục đích của truyền thông là để truyền tải thông tin, ý tưởng và giá trị từ một người hoặc nhóm người đến một người hoặc nhóm người khác. Truyền thông có thể được thực hiện thông qua nhiều kênh khác nhau, bao gồm lời nói, viết, hình ảnh, video, âm thanh,...

Kinh tế thông tin và truyền thông

Trên cơ sở quan niệm chung về kinh tế, kinh tế thông tin là tập hợp các hoạt động sản xuất, phân phối, trao đổi và sử dụng thông tin. Mọi quá trình sản xuất và tiêu dùng đều cần có thông tin. Trong lịch sử kinh tế, hoạt động thu thập, xử lý, sản xuất và sử dụng thông tin thống nhất trong mỗi giai đoạn của quá trình kinh tế. Ngày nay với sự phát triển của phân công lao động xã hội, thông tin và truyền thông trở thành một hoạt động kinh tế phổ biến, có tính độc lập tương đối với các hoạt động kinh tế khác. Thực trạng đó dẫn đến kinh tế thông tin và truyền thông ra đời, được ghi nhận và đánh giá cao trong cơ cấu ngành kinh tế của bất kỳ quốc gia nào.

Khi thông tin và truyền thông trở thành những hoạt động kinh tế độc lập tương đối, kinh tế học thông tin và truyền thông cũng bắt đầu ra đời và phát triển. Vậy đến hiện nay, kinh tế học thông tin và truyền thông là một nhánh của khoa học kinh tế vi mô, tập trung nghiên cứu sự hình thành phát triển của hệ thống thông tin và truyền thông; quá trình sản xuất, phân phối, trao đổi và tiêu dùng thông tin trong nền kinh tế; thông qua đó khái quát lên các phạm trù và quy luật kinh tế trong lĩnh vực thông tin và truyền thông. Xây dựng khung khổ lý thuyết cho sự phát triển của ngành kinh tế thông tin và truyền thông trong hiện tại và tương lai.

1.2. Vai trò của kinh tế thông tin và truyền thông trong chuỗi giá trị hàng hóa dịch vụ

Bất kỳ một hàng hóa, dịch vụ nào cũng là sự hợp thành của rất nhiều yếu tố, là kết quả của rất nhiều hoạt động lao động trong quá khứ cho tới hiện tại. Trong hiện tại, hàng hóa, dịch vụ là kết quả của nhiều hoạt động lao động khác nhau. Trong nền kinh tế hàng hóa nhỏ, các yếu tố hợp thành và các hoạt động tạo ra giá trị thường nằm trong tay một chủ thể sản xuất nhất định, khái niệm về chuỗi giá trị chưa được quan tâm. Trong bối cảnh hiện nay, phân công lao động xã hội phát triển vô cùng sâu sắc, một sản phẩm vô cùng nhỏ bé cũng là kết quả lao động chung của rất nhiều người, khái niệm chuỗi giá trị được ra đời và phát triển thành chuỗi giá trị của từng sản phẩm, từng doanh nghiệp, từng ngành hàng, từng quốc gia và chuỗi giá trị toàn cầu.

Vậy có thể hiểu, chuỗi giá trị là một tập hợp các hoạt động trực tiếp hoặc gián tiếp nhằm tạo, phân phối và sử dụng hàng hóa, dịch vụ.

Nghiên cứu về chuỗi giá trị có nhiều nhà khoa học lớn, trong đó Michael Porter, xem xét chuỗi giá trị ở góc độ doanh nghiệp đã chỉ ra chuỗi giá trị bao gồm các hoạt động liên quan trực tiếp hoặc gián tiếp đến việc sản xuất và tiêu thụ sản phẩm của doanh nghiệp. Tập hợp các hoạt động trong chuỗi giá có thể chia làm 2 nhóm, các hoạt động chính và các hoạt động hỗ trợ. Hoạt động chính ảnh hưởng trực tiếp đến kết quả và hiệu quả sản xuất của doanh nghiệp, bao gồm hoạt động đầu vào (Inbound Logistics), hoạt động sản xuất (Operation), hoạt động đầu ra Outbound Logistics), hoạt động marketing và bán hàng (Marketing and Sale), dịch vụ sau bán hàng (Service). Nhóm các hoạt động hỗ trợ bao gồm các hoạt động tác động gián tiếp trong quá trình tạo ra sản phẩm, nhờ nó mà hoạt động chính được thực hiện và thực hiện tốt hơn, bao gồm: cơ sở hạ tầng doanh nghiệp, quản lý nguồn nhân lực, phát triển công nghệ, mua hàng.

Phương pháp Filière trong phân tích chuỗi giá trị trong sản xuất nông nghiệp đã chỉ ra chuỗi giá trị là tập hợp hoạt động kết nối nông nghiệp với công nghiệp chế biến, thương mại và tiêu dùng.

Raphael Kaplinsky và Mike Morris tiếp cận chuỗi giá trị theo quan điểm vĩ mô, toàn cầu đã chỉ ra "Chuỗi giá trị toàn cầu là một dây chuyền sản xuất kinh doanh theo phương thức toàn cầu hóa, trong đó có nhiều nước tham gia và các công đoạn khác nhau từ thiết kế, chế tạo, tiếp thị đến phân phối và hỗ trợ người tiêu dùng". Trên cơ sở đó đến cuối những năm 1990 và đầu thế kỷ XXI, khái niệm chuỗi giá trị toàn cầu trở nên phổ biến trên toàn thế giới.

Trên cơ sở quan niệm của các nhà khoa học về chuỗi giá trị, có thể thấy thông tin và truyền thông là vốn là những chức năng nội tại của kinh tế, của hoạt động sản xuất kinh doanh, nhờ sự phát triển của phân công lao động xã hội mà thông tin đã trở thành những hoạt động độc lập, tham gia vào suốt quá trình sản xuất kinh doanh, quá trình vận hành nền kinh tế. Đồng thời, trong chuỗi giá trị, có những khâu hoạt động, những mắt xích trong chuỗi đã được chuyên môn hóa, tồn tại chức năng thông tin cơ bản. Trên phạm vi nền kinh tế toàn thế giới, nền kinh tế quốc gia hay một doanh thì thông tin và truyền thông đều thể hiện là một mắt xích quan trọng trong chuỗi giá trị. Từ đó hình thành nền kinh tế thông tin và truyền thông trong nền kinh tế quốc dân. Đây cũng là cơ sở thực tiễn cho sự ra đời của một chuyên ngành kinh tế học vi mô là kinh tế thông tin truyền thông.

Trong kinh tế học hiện đại, thông tin là một trong các loại nguồn lực cơ bản của một nền kinh tế, mỗi doanh nghiệp, bao gồm: tài nguyên, tài chính; nhân lực; thông tin và quản lý điều hành. Thông tin và truyền thông là chất keo dính kết nền kinh tế, giúp cho nền kinh tế vận hành như một chỉnh thể thống nhất. Thông tin và truyền thông có chất lượng sẽ giúp cho các quyết định sản xuất và tiêu dùng đúng đắn, thúc đẩy kinh tế, xã hội phát triển.

Kinh tế thông tin và truyền thông là ngành sản xuất và cung cấp dịch vụ thông tin và truyền thông cho xã hội, doanh nghiệp và người dân. Khác với vai trò của thông tin và truyền thông, kinh tế thông tin và truyền thông có vai trò riêng biệt trong nền kinh tế quốc dân, trong cơ cấu ngành nghề kinh tế, bao gồm:

Một là, đối với xã hội, kinh tế thông tin và truyền thông đóng vai trò cung cấp các dịch vụ để kết nối thông tin giữa công nghiệp với nông nghiệp và dịch vụ, giữa sản xuất với tiêu dùng, giữa trong nước với ngoài nước, giữa các bộ phận trong doanh nghiệp và các tổ chức kinh tế.

Hai là, kinh tế thông tin trực tiếp tạo ra giá trị đóng góp cho tăng trưởng, phát triển kinh tế. Tỷ trọng giá trị của ngành dịch vụ nói chung và ngành thông tin và truyền thông ngày càng tăng trong cơ cấu giá trị theo ngành của các quốc gia.

Ba là, kinh tế thông tin và truyền thông là thị trường tiêu thụ hàng hóa, dịch vụ cho các ngành công nghiệp, nông nghiệp và dịch vụ khác. Ngành kinh tế thông tin và truyền thông chỉ có thể phát triển trên cơ sở các ngành sản xuất của cải vật chất khác. Tốc độ, quy mô của công nghiệp, dịch vụ có ảnh hưởng lớn đến quy mô và tốc độ phát triển của ngành kinh tế thông tin và truyền thông. Các ngành công nghiệp vừa cung cấp hàng hóa thiết bị truyền thông tin đồng thời cung cấp hàng hóa dịch vụ - đối tượng phản ánh cho ngành kinh tế thông tin và truyền thông.

Bốn là, ngành kinh tế thông tin và truyền thông giúp phát triển xã hội, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho toàn xã hội. Kinh tế thông tin và truyền thông cung cấp thông tin là chất liệu để nâng cao tri thức, hiểu biết cho mọi người dân và doanh nghiệp.

Năm là, kinh tế thông tin truyền thông góp phần định là công cụ quan trọng để triển khai chủ trương, đường lối, chính sách phát triển kinh tế, chính trị, xã hội, an ninh quốc phòng. Không thể phủ nhận được sự thật là số lượng và chất lượng dịch vụ thông tin và truyền thông góp phần đặc biệt quan trọng trong định hướng nhận thức và hành động của xã hội theo các mục đích, mục tiêu đề ra.

Sáu là, kinh tế thông tin và truyền thông là ngành giúp lấy ý kiến phản hồi, phản biện cho mọi quyết định kinh tế của chính phủ, các tổ chức phi chính phủ, các doanh nghiệp, người dân… thông qua đó các chủ thể quản lý kịp thời điều chỉnh hoạt động, điều chỉnh quyết định cho hợp lý và hiệu quả nhất.

Tóm lại, kinh tế thông tin và truyền thông ngày càng đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế quốc dân. Việc nghiên cứu về vai trò của kinh tế thông tin và truyền thông mới đang ở giai đoạn ban đầu.

2. Thực trạng và giải pháp phát triển kinh tế thông tin và truyền thông trong bối cảnh chuyển đổi số

2.1. Thực trạng của phát triển kinh tế thông tin và truyền thông ở Việt Nam

Trong thời gian qua, kinh tế thông tin có sự phát triển mạnh mẽ, sự phát triển được ghi nhận trong danh mục ngành kinh tế thông tin và truyền thông do Thủ tướng chính phủ ban hành bao gồm: kinh tế xuất bản; kinh tế điện ảnh, sản xuất chương trình truyền hình, ghi âm và xuất bản âm nhạc; cung ứng dịch vụ phát thanh, truyền hình; cung ứng dịch vụ viễn thông; cung ứng dịch vụ lập trình máy vi tính, dịch vụ tư vấn và các hoạt động khác liên quan đến máy vi tính; kinh tế dịch vụ thông tin.

2.1.1. Thực trạng kinh tế xuất bản

Kinh tế xuất bản là toàn bộ hoạt sản xuất và cung ứng dịch vụ xuất bản các tác phẩm của tập thể, cá nhân bằng các phương thức khác nhau. Kinh tế xuất bản bao gồm các hoạt động của chủ thể cung ứng dịch vụ xuất bản, khách hàng - những người có nhu cầu xuất bản. Mối quan hệ tương quan giữa hai chủ thể này sẽ xác định được loại hình xuất bản, chi phí xuất bản, phương thức thanh toán và các nội dung kinh tế khác. Kinh tế xuất bản chịu sự quản lý nhà nước về mặt kinh tế và về chất lượng chuyên môn của nội dung các ấn phẩm xuất bản.

Nếu xét theo định dạng vật lý xuất bản thì có xuất bản dưới dạng vật lý trên giấy bao gồm xuất bản sách ấn phẩm, báo, tạp chí. Xuất bản dưới dạng số (xuất bản mềm) bao gồm xuất bản sách, báo, tạp chí, các tác phẩm điện ảnh, video, chương trình truyền hình, tác phẩm âm nhạc, các bản ghi âm khác.

Ở Việt Nam xuất bản đã thực sự trở thành một hoạt động kinh tế sôi nổi, nhiều nhà xuất bản đã và đang tham gia tích cực vào chuỗi giá trị hàng hóa, dịch vụ trong nền kinh tếquốc dân. Trong số đó không ít những nhà xuất bản đã tự chủ được tài chính hoàn toàn, đảm bảo thu nhập và đời sống cho người lao động. Đồng thời đóng góp các khoản thuế, phí đầy đủ cho ngân sách nhà nước.

Xuất bản điện tử đang trở thành một xu thế rõ nét từ đầu thế kỷ XXI trở lại đây. Với những ưu thế đặc biệt của xuất bản điện điện tử về chi phí in ấn, chi phí phát hành và tiếp cận độc giả, đồng thời cũng có thể xuất bản được nhiều thể loại thông tin dạng số khác nhau, trên đa dạng các nền tảng.

2.1.2. Kinh tế điện ảnh, sản xuất chương trình truyền hình, ghi âm và xuất bản âm nhạc

Hoạt động kinh tế điện ảnh, sản xuất chương trình truyền hình, ghi âm và xuất bản âm nhạc bao gồm các hoạt động điện ảnh, sản xuất chương trình truyền hình và hoạt động ghi âm và xuất bản âm nhạc

Ngành kinh tế này có nguồn cung đa dạng như hoạt động sản xuất phim điện ảnh, phim video và chương trình truyền hình; hoạt động sản xuất phim điện ảnh; hoạt động sản xuất phim video; hoạt động sản xuất chương trình truyền hình; hoạt động hậu kỳ; hoạt động phát hành phim điện ảnh, phim video và chương trình truyền hình. Hoạt động chiếu phim cố định, chiếu phim lưu động, hoạt động ghi âm và xuất bản âm nhạc.

Các hoạt động thực sự là một khu vực kinh tế sôi động với hàng ngàn doanh nghiệp đang hoạt động chuyên biệt hoặc tích hợp với các dịch vụ khác. Mang lại khối lượng doanh thu và lợi nhuận không nhỏ cho nền kinh tế. Nhận thức của xã hội về ngành kinh tế này đã tương đối rõ nét, xu hướng dịch chuyển các nguồn lực của xã hội như vốn đầu tư, nhân lực và các nguồn lực khác của xã hội ngày càng tăng.

2.1.3. Kinh tế cung ứng dịch vụ phát thanh, truyền hình

Dịch vụ phát thanh truyền hình hiện nay là khu vực kinh tế đang được đầu tư bởi cả nhà nước và tư nhân. Dịch vụ phát thanh truyền hình trở thành món hàng mà hầu hết mọi thành viên trong xã hội đều có nhu cầu. Dịch vụ này thu hút được khối lượng khách hàng đông đảo, hầu hết mọi gia đình, người dân, doanh nghiệp đều là khách hàng của dịch vụ này.

Hiện nay, ngoài những kênh phát thanh truyền hình quốc gia, đại chúng miễn phí, dịch vụ phát thanh truyền hình trả tiền đang phát triển vô cùng mạnh mẽ, tham gia thị trường cung cấp dịch vụ này hiện có 34 doanh nghiệp được cấp phép (tính đến tháng 2/2024). Mỗi một nhà cung cấp có những thế mạnh khác nhau, khách hàng tùy theo nhu cầu sử dụng của mình có thể lựa chọn dịch vụ phát thanh truyền hình phù hợp.

2.1.4. Kinh tế cung ứng dịch vụ viễn thông

Dịch vụ viễn thông bao gồm nhiều loại đa dạng, nếu theo phương tiện truyền thông tin có thể phân thành dịch vụ viễn thông có dây và dịch vụ viễn thông không dây. Dịch vụ viễn thông có dây bao gồm các dịch vụ được cung cấp trực tiếp, dịch vụ cung trên hạ tầng viễn thông của đơn vị khác. Dịch viễn thông không dây

Hoạt động cung cấp trực tiếp dịch vụ viễn thông không dây thông qua vệ tinh, thông qua các nền tảng mạng, dịch vụ cung cấp dung lượng truy cập và nhiều những hoạt động dịch vụ viễn thông đa dạng khác.

Trong những năm gần đây dịch vụ viễn thông không dây phát triển mạnh mẽ và chiếm ưu thế tuyệt đối. Thông tin được truyền đi xa, với dung lượng thông tin lớn, độ chính xác cao, trong khoảng thời gian rất ngắn, với chi phí truyền tải thấp, tính bảo mật, an toàn cao.

Sự xuất hiện của internet, mạng xã hội với khả năng tạo ra diện phủ vô cùng rộng rãi của thông tin đã tạo ra nhiều cơ hội sản xuất và kinh doanh ở các ngành kinh tế khác phát triển theo.

2.1.5. Kinh tế cung ứng dịch vụ lập trình máy vi tính, dịch vụ tư vấn và các hoạt động khác liên quan đến máy vi tính

Các loại dịch liên quan đến hệ thống phần mềm máy vi tính vô cùng đa dạng, bao gồm: lập trình máy vi tính; tư vấn máy vi tính và quản trị hệ thống máy vi tính; Hoạt động dịch vụ công nghệ thông tin và dịch vụ khác liên quan đến máy vi tính; xử lý dữ liệu, cho thuê và các hoạt động liên quan; cổng thông tin; xử lý dữ liệu, cho thuê và các hoạt động liên quan; cổng thông tin; hoạt động thông tấn…

Với sự phát triển mạnh mẽ của cách mạng công nghiệp lần thứ tư, trí tuệ nhân tạo đang trở thành hiện thực, ngành kinh tế lập trình máy vi tính lên ngôi. Tất cả các hoạt động của vạn vật trên thế giới được chuyển hóa lên không gian số thông qua dịch vụ lập trình. Lập trình máy tính còn tạo ra nhiều ứng dụng giúp con người thực hiện những hoạt động kinh tế vượt xa khả năng thực tiễn của con người thực. Khối lượng những công việcmà con người thực đang triển khai được giảm bớt và chuyển đổi nhanh chóng sang cho các ứng dụng mà lập trình mang lại.

Thực tế đó cho thấy kinh tế lập trình và dịch vụ liên quan đến máy vi tính đang là một ngành kinh tế chiếm vị trí quan trọng trong nền kinh tế quốc dân và ngày càng có vai trò quan trọng hơn.

2.1.6. Kinh tế dịch vụ thông tin

Cùng với sự bùng nổ của kinh tế số, mọi quyết định trong nền kinh tế cần phải được đưa ra trên cơ sở hệ thống thông tin đa dạng, phong phú và chất lượng. Để có được thông tin chính xác cho những quyết định chính xác cần hệ thống tập hợp, lưu trữ, xử lý dữ liệu tốt. Đồng thời khi các quyết định kinh tế được đưa ra, việc phổ biến thông tin đến thị trường sẽ quyết định sự phát triển của doanh nghiệp. Từ đó dịch vụ thu thập, xử lý dữ liệu, mua bán, cho thuê cổng thông tin và các dịch vụ khác trở nên vô cùng sôi động. Nhiều doanh nghiệp chuyên doanh trong lĩnh vực này đang phát triển mạnh mẽ. Thực tiễn này đã tạo ra những khái niệm kinh tế mới như kinh tế nền tảng, kinh tế chia sẻ, kinh tế thông tin… vô cùng sôi động cả dưới góc độ khoa học và thực tiễn hiện nay.

Bên cạnh sự phát triển vô cùng sôi động và chuyển đổi số nhanh trong trong khu vực kinh tế thông tin và truyền thông trong nền kinh tế Việt Nam, kinh tế thông tin và truyền thông ở Việt Nam cũng còn tồn tại không ít hạn chế.

Một là, nhận thức của xã hội về ngành kinh tế thông tin và truyền thông chưa rõ ràng, đầy đủ. Dưới góc độ khoa học, kinh tế thông tin và truyền thông chưa có nhiều nghiên cứu làm rõ. Lý luận về bản chất vai trò, cơ cấu, xu thế phát triển của kinh tế thông tin và truyền thông còn là một khoảng trống.

Hai là, quản lý nhà nước với kinh tế thông tin và truyền thông còn lỏng lẻo. Hoạt động quản lý chủ yếu chú trọng tới nội dung ấn phẩm thông tin và truyền thông, chưa chú ý tới khía cạnh kinh tế của hoạt động thông tin và truyền thông.

Kiểm soát cung cầu, giá cả, cơ cấu ngành nghề, số lượng, chất lượng còn lỏng lẻo. Thất thu thuế, phí của nhà nước ở khu vực kinh tế thông tin và truyền thông còn nhiều.

Thống kê về hoạt động của kinh tế xuất bản chưa được thực hiện. Trong hệ thống danh mục báo cáo thống kê kinh tế của Tổng cục thống kê không có mảng về kinh tế thông tin và truyền thông.

Ba là, chưa có nhiều chính sách hỗ trợ, định hướng phát triển đối với ngành kinh tế thông tin và truyền thông. Nhiều hoạt động kinh tế thông tin và truyền thông mang tính tự phát, thiếu sự quản lý, trong đó một số gây ra những hậu quả nghiêm trọng.

2.2. Giải pháp phát triển kinh tế thông tin và truyền thông trong thời gian tới

Kinh tế thông tin và truyền thông đang phát triển mạnh mẽ tự thân do tác động của cách mạng công nghiệp lần thứ tư, của chuyển đổi số một cách toàn diện trong nền kinh tế quốc dân. Để thúc đẩy kinh tế thông tin và truyền thông phát triển trong thời gian tới cần thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ giải pháp sau:

Một là, nâng cao nhận thức của xã hội về kinh tế thông tin và truyền thông. Dưới góc độ khoa học, lý luận cần làm rõ bản chất, vai trò, đặc điểm, xu hướng phát triển của ngành kinh tế thông tin và truyền truyền thông trong bối cảnh hiện nay. Đi sâu nghiên cứu phân ngành kinh tế thông tin truyền thông bao gồm kinh tế xuất bản, kinh tế báo chí, kinh tế truyền hình, kinh tế mạng xã hội, kinh tế nền tảng… làm rõ đặc điểm đặc thù, ưu thế, hạn chế của từng ngành kinh tế. Thông qua đó cung cấp cơ sở lý luận cho hoạt động kinh tế thông tin và truyền thông phát triển.

Hai là, hoàn thiện hệ thống pháp luật liên quan đến phát triển kinh tế thông tin và truyền thông

Kinh tế thông tin là ngành kinh tế mới phát triển mạnh mẽ trong thời gian gần đây, sẽ có nhiều những biểu hiện mới mà những quy định của hệ thống pháp luật và quy định hiện hành chưa bao quát hết. Để hoạt động kinh tế thông tin phát triển lành mạnh, đúng định hướng, hiệu quả cần có hành lang pháp lý hoàn chỉnh. Kinh tế thông tin cần được đối xử một cách bình đẳng với các khu vực khác trong nền kinh tế thị trường. Để hoàn thiện hành lang pháp lý cần có các nghiên cứu thấu đáo để chỉ ra những lỗ hổng trong hệ thống quy định hiện hành. Đồng thời nghiên cứu để dự báo xu thế phát triển của kinh tế thông tin và truyền thông, khái quát được đúng tính quy luật trong phát triển ngành kinh tế này, để đảm bảo những quy định của pháp luật đưa ra có tính ổn định tương đối vì sự phát triển lâu dài của ngành này.

Ba là, tăng cường thanh tra, kiểm tra các hoạt động kinh tế thông tin và truyền thông.

Cũng như các ngành nghề kinh tế khác, kinh tế thông tin truyền thông là một ngành kinh tế, để tối đa hóa lợi nhuận thì các chủ thể kinh doanh trong lĩnh vực thông tin truyền thông cần tối đa hóa nguồn thu và tối thiểu hóa các khoản chi. Nguồn thu từ kinh tế thông tin và truyền thông thì vô cùng đa dạng, có khác biệt rất lớn so với khu vực kinh tế nông nghiệp và công nghiệp. Vì vậy trên cơ sở hoàn thiện hành lang pháp lý với kinh tế thông tin và truyền thông thì cần tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát các hoạt động kinh tế thông tin và truyền thông. Để đảm bảo các hoạt động kinh tế này diễn ra theo đúng quyđịnh của pháp luật, đóng góp hữu hiệu cho sự phát triển các ngành kinh tế khác.

Bốn là, tăng cường tuyên truyền định hướng các hoạt động kinh tế thông tin và truyền thông chân chính.

Thông tin và truyền thông là một ngành kinh tế, trong đó có người sản xuất, người tiêu dùng, có cung có cầu, có giá cả, chủng loại, chất lượng hàng hóa dịch vụ như bất kỳ ngành kinh tế nào khác. Nền kinh tế thị trường sẽ hoạt động hiệu quả khi được thông tin đầy đủ vì vậy truyền thông về kinh tế thông tin và truyền thông đóng vai trò đặc biệt quan trọng.

Tăng cường tuyên truyền về vai trò, tầm quan trọng của ngành, truyền thông về kinh tế thông tin và truyền thông có văn hóa và bền vững. Khuyến khích nhân rộng những gương sáng về phát triển kinh tế thông tin và truyền thông và ngược lại, lên án, phê phán gay gắt những.

Kết luận

Kinh tế thông tin và truyền thông là một ngành kinh tế quang trọng trong cơ cấu ngành kinh tế quốc dân Việt Nam. Sự phát triển của kinh tế thông tin truyền thông mang lại ích lợi to lớn cho nền kinh tế, tạo ra sự lan tỏa, dẫn dắt các ngành kinh tế khác cùng phát triển, qua đó thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập cho người lao động, kết nối nền kinh tế Việt Nam và thế giới, nâng cao vị thế của nền kinh tế Việt Nam trên trường quốc tế. Bài viết bước đầu khai phá những vấn đề lý luận và thực tiễn về kinh tế thông tin và truyền thông ở Việt Nam và đề xuất một số giải pháp thúc đẩy sự phát triển của ngành trong thời gian tới.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Tổng cục thống kê Việt Nam, chuyên trang thống kê Kinh tế, https://www.gso.gov.vn/thuong-mai-dich-vu/

2. Bùi Chí Trung (2017), Kinh tế báo chí (sách chuyên khảo), NXB Chính trị Quốc gia Sự thật.

3. Bùi Chí Trung (2013), Tìm hiểu Kinh tế truyền hình, NXB Đại học Quốc gia Hà Nội.

3. Nguyễn Viết Thảo (2022), Kinh tế truyền thông - Lý luận, thực tiễn và kinh nghiệm, NXB Chính trị Quốc gia

4. Smith, Datus C.(1977), The economics of book publishing in developing countries (Kinh tế xuất bản sách ở các nước đang phát triển), NXB. Paris: Unesco.

5. Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Quyết định Số 27/2018/QĐ-TTg của Thủ Tướng chính phủ, ngày 06 tháng 7 năm 2018 về Ban hành hệ thống ngành kinh tế Việt Nam.