Sau nhiều bức xúc của nhà đầu tư, Bộ Tài chính thanh tra hành chính đối với HOSE

Trước tình trạng nghẽn lệnh trên hệ thống Sở giao dịch chứng khoán Thành phố Hồ Chí Minh (HOSE) diễn ra trong thời gian qua nhưng chưa được xử lý dứt điểm; trong nhiều phiên giao dịch bảng giá nhảy loạn xạ hoặc bị "đơ", không nhìn thấy giá chuẩn; đặt lệnh mua/bán không khớp, sửa, huỷ lệnh không được… trên HOSE, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc đã yêu cầu Thanh tra Bộ Tài chính khẩn trương thực hiện thanh tra.
Nhà đầu tư bức xúc với tình trạng nghẽn lệnh kéo dài, hủy lệnh không được

Hiện tượng nghẽn lệnh trên hệ thống giao dịch tại HOSE đã xảy ra từ cuối tháng 12/2020. Nguyên nhân chính là do thanh khoản của thị trường tăng trưởng quá nhanh ngoài dự báo. Số lượng lệnh giao dịch trung bình hàng ngày trong tháng 12/2020 tăng khoảng 4 lần so với năm 2019, và tiếp tục tăng rất mạnh trong năm 2021. Chính vì vậy, “chiếc áo” của HOSE đã không đáp ứng được “độ lớn” của thị trường và việc xảy ra tình trạng quá tải là dễ hiểu.

HOSE cũng đã có nhiều “sáng kiến” để “chữa cháy” tình trạng nghẽn lệnh nhưng nâng lô 100 cổ phiếu/lần giao dịch. Thậm chí, nâng lô vẫn nghẽn, HOSE lại đề xuất nâng lô lên 1.000 và vừa đưa ra đã vấp phải sự phản đối gay gắt của nhà đầu tư. Hay sáng kiến không cho nhà đầu tư huỷ/sửa lệnh cũng lại bị nhà đầu tư phản đối. Thị trường liên tục tăng trưởng, HOSE lại vẫn “điệp khúc” lỗi, nửa năm nay vẫn chưa khắc phục xong.

le hai tra
Tổng Giám đốc HOSE Lê Hải Trà)

Đặc biệt, ngày 1/6, HOSE xảy ra sự cố nghiệm trọng “báo động an toàn của hệ thống”. Đây là điều chưa từng xảy ra trong lịch sử chứng khoán Việt Nam khi HOSE buộc phải ngừng giao dịch phiên 1/6, giá đóng cửa là giá khớp lệnh cuối cùng trong buổi sáng.

Tổng Giám đốc HOSE Lê Hải Trà cho hay, chỉ trong tháng 5, tính bình quân phiên, giá trị giao dịch trên HOSE đã đạt mức khoảng 22,4 nghìn tỷ đồng/phiên. Đây là con số rất lớn trên HOSE kể từ ngày thành lập và mang tính đột biến khi so sánh với thời gian gần đây. Cụ thể, tháng 12/2020  giá trị giao dịch bình quân phiên là 12,7 nghìn tỷ đồng/phiên; từ tháng 1-4/2021 con số này là 16,6 nghìn tỷ đồng/phiên. Phiên sáng 1/6, giá trị giao dịch trên HOSE đã vượt mức 21,7 nghìn tỷ đồng, dẫn tới tình trạng báo động đối với an toàn của hệ thống.

hose 9.6 do nang
Bảng điện tử "đơ")

Ông Lê Hải Trà trả lời báo giới: “Việc tạm ngừng giao dịch trong phiên chiều là giải pháp ngoài mong muốn, nhằm đảm bảo an toàn chung cho cả thị trường. Ngày 2/6, hệ thống giao dịch của HOSE sẽ trở lại giao dịch bình thường”. Thế nhưng, ngay sáng hôm sau, hệ thống từ phiên sáng đã xảy ra tình trạng đơ nghẽn, đặt lệnh khoảng 15-20 phút sau mới thông, đến lúc thông thì giá không như mong muốn.

Sự cố nghẽn ngày càng nghiêm trọng, phiên ngày 7/6 và 8/6, nhà đầu tư bị ép không được sửa/hủy lệnh.

Bức xúc vì bị thiệt hại do sàn giao dịch tắc nghẽn trong thời gian dài, nhiều nhà đầu tư đồng loạt đánh giá "1 sao" cho HOSE trên Google. Lãnh đạo sàn bị “cư dân mạng” tố bao biện, trốn tránh trách nhiệm.

hose
Bão 1 sao được khôi phục sau 1 đêm)

Bất ngờ hơn, bão “1 sao” trên Google bất ngờ biến mất, tối 9/6, số điểm HOSE được khôi phục trở về mức 4,5 sao. Mặc dù đã xảy ra rất nhiều sự cố nghiêm trọng, đến nay lãnh đạo sàn HOSE chưa có một lời xin lỗi chính thức khiến nhà đầu tư càng bức xúc.

Ủy ban chứng khoán nhà nước (UBCKNN) cam kết khắc phục nghẽn lệnh trong tháng 7

Bình luận về các sự cố nghẽn lệnh vừa qua trên hệ thống giao dịch tại HOSE, ông Phạm Hồng Sơn, Phó Chủ tịch UBCKNN trả lời trên baochinhphu.vn: Hiện tượng nghẽn lệnh trên hệ thống giao dịch tại HOSE đã xảy ra từ cuối tháng 12/2020. Nguyên nhân chính là do thanh khoản của thị trường tăng trưởng quá nhanh. Nhiều giải pháp cấp bách đã được Bộ Tài chính, UBCKNN đã chỉ đạo HOSE triển khai. Song song công việc đối với hệ thống hiện tại, HOSE và các đơn vị liên quan cũng đã tích cực triển khai đồng thời hệ thống giao dịch phối hợp với Tập đoàn FPT và hệ thống công nghệ thông tin cho toàn thị trường do  phía Hàn Quốc xây dựng (KRX). Tất cả công tác vẫn tiến hành khẩn trương, bảo đảm đúng tiến độ, lộ trình. Theo báo cáo của HOSE, đến cuối tháng 6, đầu tháng 7 tới, sự cố nghẽn lệnh sẽ được xử lý tương đối triệt để.

Bộ Tài chính thanh tra

Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Bộ trưởng, Chánh Thanh tra Bộ Tài chính đã ký Quyết định số 81/QĐ-TTr ngày 10/6 quyết định thanh tra hành chính tại Sở Giao dịch chứng khoán TP HCM.

Căn cứ tình hình dịch bệnh COVID-19, đoàn thanh tra sẽ có kế hoạch làm việc cụ thể, phù hợp với các quy định về phòng chống dịch tại TP HCM.

Trước đó, việc chậm trễ khắc phục tình trạng nghẽn lệnh thời gian qua khiến nhà đầu tư bức xúc vì sự bất ổn của hệ thống giao dịch, tình trạng nghẽn, chậm phản hồi đang đẩy nhà đầu tư vào những rủi ro khó lường.

Hiện nay với mỗi giao dịch nhà đầu tư phải trả cho HoSE khoản phí cố định ở mức 0,027%/tổng giá trị giao dịch. Riêng năm 2020, HoSE ghi nhận lãi sau thuế xấp xỉ 553 tỉ đồng, tăng gần 46% so với năm trước.
Trong buổi trả lời báo giới ngày 11/6, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, Bộ Tài chín và UBCKNN đang tích cực thực hiện 2 giải pháp đồng thời. Trước tiên là cùng FPT cải tiến, khắc phục hệ thống kỹ thuật cùng HOSE, dự kiến sẽ khắc phục nghẽn lệnh vào đầu tháng 7.
Thứ hai, Bộ Tài chính sẽ triển khai dự án đổi mới công nghệ có nguồn vốn hỗ trợ từ Hàn Quốc. Do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 nên các chuyên gia chưa sang được Việt Nam khiến việc tiếp tục phối hợp triển khai ít nhiều khó khăn.
“Chúng tôi đang cố gắng hoàn thành trong năm nay, dự án mới này sẽ giải quyết dứt điểm được tình trạng nghẽn mạng”, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cho biết.