Sinh viên đánh giá giảng viên: Lợi bất cập hại

Thay vì coi đánh giá của sinh viên như một cơ chế chính để cải tiến việc giảng dạy trong các trường đại học, cần hướng đến các tiếp cận giúp phát triển sự hiểu biết chung về những gì tạo nên chất lượng giảng dạy và cung cấp những đường hướng cụ thể để tiến hành các cải tiến.

Theo TS. James Wicks, cố vấn nghề nghiệp tại trường đại học cộng đồng Collin College, bang Texas, Mỹ, sinh viên cần được khuyến khích chịu trách nhiệm về sự thành bại trong việc học của chính mình. Điều này hoàn toàn đúng bởi ở bậc đại học, học tập là một hoạt động chủ động, đòi hỏi sự tập trung, cam kết và kỷ luật.

95dso-36-giao-duc-anh-1jpg-1663492181.crdownload

Việc đánh giá giảng viên được cho là khuyến khích sinh viên trông vào các yếu tố nằm ngoài tầm kiểm soát thay vì trở nên có trách nhiệm trước những thành bại trong học tập của họ. Nguồn: TNT

Tất nhiên, giảng viên có trách nhiệm hướng dẫn sinh viên giải quyết những vấn đề khó khăn trong học tập, chẳng hạn như các lĩnh vực sinh viên cần cải thiện (mà trước đây chúng ta gọi là ‘điểm yếu’), nhưng họ không phải là người duy nhất chịu trách nhiệm cho sự thành bại của sinh viên.

Vậy mà khi đăng nhập vào những trang web như Rate My Professors [trang web cho phép sinh viên đại học xếp hạng các giáo sư ở hơn 7.000 cơ sở giáo dục đại học ở Mỹ, Canada và Vương quốc Anh], sinh viên lại có ấn tượng khác. Ở đó, có một giả định ngầm rằng thành công của sinh viên phụ thuộc hoàn toàn vào mức độ “tuyệt vời” của giảng viên. Sinh viên thường cho rằng họ không thể hoàn thành khóa học trừ khi giảng viên là người cực kỳ hiểu biết, diễn đạt hoàn hảo, có sức lôi cuốn cao, trả lời email nhanh chóng và đặc biệt linh hoạt trong vấn đề điểm danh và ra hạn nộp bài.

Sinh viên chắc chắn sẽ tránh xa tất cả những giảng viên được đánh giá dưới 3 điểm [trên thang điểm 5] - mặc dù trong nhiều trường hợp, những kết quả này chỉ dựa trên đánh giá của chưa tới năm người và tất cả đều ẩn danh. Điều tệ hơn là nếu một khóa học chỉ cung cấp những giảng viên được đánh giá 2,5 điểm (hoặc thậm chí 1 điểm, mức “tồi tệ”) thì sinh viên đăng ký khóa học đó có khả năng đến lớp với tâm trạng mặc định sẽ có những trải nghiệm tồi tệ và nhận điểm thấp. Điều này rốt cuộc lại trở thành lời tiên tri tự ứng nghiệm.

Nói cách khác, những trang web kiểu như Rate My Professors khuyến khích sinh viên trông vào các yếu tố nằm ngoài tầm kiểm soát của họ. Cũng giống như chất lượng giảng viên, các yếu tố ngoài tầm kiểm soát có thể bao gồm năng lực thiên bẩm, tình trạng sức khỏe, môi trường xã hội hoặc thậm chí là thời tiết. Những sinh viên nghĩ theo hướng này ít có khả năng chịu trách nhiệm về sự thành bại trong học tập và nỗ lực thay đổi để giành lấy từng điểm. Trong khi đó, sinh viên cần quy sự thành công và thất bại cho những điều trong tầm kiểm soát của mình, chẳng hạn như sự cố gắng, chăm chỉ và thói quen học tập.

Nhưng không thể đơn giản nói với sinh viên rằng hãy nỗ lực trau dồi kiểm soát tâm lý bên trong. Không phải lúc nào sinh viên cũng dễ dàng đón nhận ý kiến phê bình, nhất là khi họ đã phải đánh vật với việc học. Rất khó để trò chuyện với sinh viên về kết quả học tập kém trong hệ quy chiếu này vì nó thường giống như “đổ lỗi cho sinh viên”.

Sinh viên phải tự nhận ra rằng thành công trong học tập của họ thực sự phụ thuộc vào những thứ mà họ có thể và nên chịu trách nhiệm. Trong quá trình đó, giảng viên chỉ có thể thúc đẩy họ đi đúng hướng và nên hỏi những câu hỏi như “Bạn đã học hết sức có thể chưa?”, “Bạn có thể nói rằng mình luôn tập trung trong lớp không?”, “Bạn có tin rằng mình ghi chép đầy đủ và dễ hiểu không?”, và “Bạn có nghĩ rằng thói quen học tập của mình đã tốt hết mức có thể chưa?” Mỗi khi đối mặt với một câu hỏi như vậy, sinh viên phải tự chất vấn bản thân để tìm ra câu trả lời, từ đó có những điều chỉnh để tạo ra kết quả học tập tốt hơn.

Trong giáo dục đại học cũng như trong cuộc sống, sinh viên phải học cách thành công khi đối mặt với nghịch cảnh. Ví dụ, ngôn ngữ chỉ là một rào cản và có thể vượt qua khi có đủ nỗ lực và cam kết; sinh viên có thể tuân thủ chính sách điểm danh nghiêm ngặt bằng cách điều chỉnh lịch trình sinh hoạt của mình; hay nộp bài đúng hạn nếu lên kế hoạch phù hợp và chú ý đến từng chi tiết. Nhưng sinh viên phải nhận ra trước tiên rằng thành công của họ phụ thuộc vào những gì họ sẵn sàng điều chỉnh và giải quyết, chứ không phải những gì giảng viên sẽ đáp ứng.

Con người hầu như không bao giờ có cơ hội chọn sếp hoặc đồng nghiệp. Họ phải học cách thành công bất chấp những điều họ không thể kiểm soát. Đã đến lúc sinh viên cần quên đi việc đánh giá, xếp hạng giảng viên và đón nhận bất cứ thử thách nào đang chờ đợi. Họ sẽ trở nên sẵn sàng hơn với nó.

Hiểu về chất lượng giảng dạy

Theo TS. Sally Patfield, nghiên cứu viên cao cấp tại Trường Giáo dục thuộc Đại học Newcastle (Úc), việc phụ thuộc vào những đánh giá của sinh viên về hoạt động giảng dạy ở trường đại học dẫn đến hiểu biết sai lệch về “chất lượng”.

Những đánh giá như vậy đôi khi có thể cung cấp thông tin phản hồi hữu ích để chỉnh sửa hoặc thiết kế lại một khóa học, nhưng ngày càng có nhiều bằng chứng là các đánh giá của sinh viên cơ bản chỉ phô ra những thành kiến - phản ánh những nhận thức sai lệch về giáo viên hơn là bất cứ điều gì liên quan đến thực tiễn giảng dạy của họ.

d61so-36-giao-duc-anh-2jpg-1663492227.crdownload

Đánh giá chất lượng giảng dạy sẽ bị sai lệch nếu phụ thuộc quá nhiều vào phản hồi của sinh viên. Ảnh minh hoạ: TNT

Không có gì đáng ngạc nhiên khi đánh giá của sinh viên đã trở thành cơ chế chi phối để đánh giá và xác định chất lượng của hoạt động giảng dạy. Xét cho cùng, sinh viên được định vị như một “khách hàng” chính mà trường đại học phải đáp ứng. Nhưng nếu vậy thì việc cải thiện chất lượng giảng dạy và hiểu được những gì thực sự tạo nên “giảng dạy chất lượng” (quality teaching - QT) sẽ nằm ở đâu? Thật không may, việc coi đánh giá của sinh viên như một cơ chế chính để cải tiến việc giảng dạy trong các trường đại học đã dẫn đến cách hiểu sai lệch về “giảng dạy chất lượng”.

Có rất nhiều cách để hiểu khái niệm “giảng dạy chất lượng”, dựa trên quan điểm của các bên liên quan khác nhau. Sinh viên quan tâm đến chất lượng trải nghiệm của mình, các nhà tuyển dụng quan tâm đến chất lượng sinh viên tốt nghiệp, còn các trường lại thường quan tâm nhất đến khả năng tiêu thụ các khóa học của họ.

Đánh giá của sinh viên thường coi “chất lượng” như một dạng trách nhiệm giải trình, nhấn mạnh tới việc cung cấp các sản phẩm và dịch vụ giáo dục. Ở đây, việc quản lý giảng dạy rốt cuộc lại được nhấn mạnh hơn là thực tiễn giảng dạy. Mức “xuất sắc”, giống như trong thang đánh giá của sinh viên, là một cách hữu hình để nói đến chất lượng giảng dạy trong trường. Những giảng viên giành giải thưởng sư phạm cấp cơ sở và quốc gia được công nhận là “nhà giáo ưu tú”. Được trao cho một số lượng tương đối nhỏ các cá nhân, các giải thưởng này đóng vai trò như một hình thức để phân biệt giảng viên với các mức độ lành nghề khác nhau.

Tuy nhiên, cuối cùng, những cách tiếp cận như vậy thường không đề cập được những gì thực sự tạo nên hiệu quả giảng dạy. Chúng cung cấp rất ít hoặc hầu như không hỗ trợ cho những giảng viên đang tìm cách hiểu và tinh chỉnh phương pháp giảng dạy của mình.

Một số trường còn thực hiện quy trình lấy ý kiến đánh giá và dự giờ đồng nghiệp để xây dựng văn hóa học hỏi và phát triển chuyên môn. Tuy nhiên, những cơ hội như vậy thường mang tính dò xét và tập trung vào quy trình nhiều hơn là phương pháp sư phạm.

Trong bối cảnh đó, có một giải pháp khá đơn giản là chuyển từ quản lý chất lượng sang hiện thực hóa chất lượng. Trong một nghiên cứu gần đây, Đại học Newcastle (Úc) đã thử nghiệm một mô hình sư phạm dựa trên bằng chứng được gọi là Quality Teaching Model để nâng cao hiểu biết về khái niệm về “giảng dạy chất lượng” ở trường học. Đặc điểm chính của Mô hình QT là nó tôn trọng sự phức tạp của việc giảng dạy. Những người tham gia nghiên cứu - từ giảng viên, phó giáo sư, giáo sư - được dự một hội thảo ngắn giới thiệu Mô hình QT, sau đó họ dùng khung này để tự đánh giá, đánh giá cho đồng nghiệp hoặc áp dụng cho cộng đồng nghề nghiệp. Kết quả, họ đều báo cáo những lợi ích trực tiếp đối với việc phân tích thực hành, lập kế hoạch khóa học, cộng tác với đồng nghiệp, và cải thiện trải nghiệm của sinh viên. Điều quan trọng là, Mô hình QT cung cấp một lăng kính mới để giảng viên có thể hiểu sâu về thực tiễn giảng dạy và những yếu tố cấu thành chất lượng giảng dạy; đồng thời phản tỉnh, thách thức và nâng cao chất lượng của các cách làm việc.

Chất lượng giảng dạy trong giáo dục đại học luôn là một vấn đề bức thiết. Để thực sự cải thiện chất lượng giảng dạy đòi hỏi phải chuyển từ các thước đo tiệm cận “chất lượng” sang các tiếp cận cung cấp những hiểu biết cụ thể và rõ ràng về cách làm, mà Mô hình QT là một thí dụ.

Ở các nước phương Tây, trước năm 1970, việc đánh giá giảng viên thường chỉ dựa vào kết quả nghiên cứu và phát triển của giảng viên, nhưng từ thập kỷ 1980 trở lại đây việc đánh giá đã mang tính toàn diện hơn và dựa trên các bằng chứng đa dạng, trong đó có các nguồn đánh giá từ sinh viên (có thể chiếm tỷ trọng khoảng 35%), bên cạnh các nguồn từ đồng nghiệp và tự đánh giá.

Ở Việt Nam, hoạt động đánh giá giảng viên từ phía người học bắt đầu được thí điểm từ năm 2007 và được Bộ trưởng Bộ GD&ĐT yêu cầu thực hiện đồng loạt ở các trường đại học, cao đẳng từ năm 2010. Chúng nằm trong chính sách “Đổi mới cơ bản và toàn diện giáo dục Đại học Việt Nam giai đoạn 2006-2020”. Theo quy định, các trường cần xử lý dữ liệu và gửi báo cáo tổng kết về Bộ GD&ĐT vào cuối tháng Bảy hằng năm.

Trong những hoạt động khảo sát như thế, các trường thường tuyên bố sẽ bảo mật tuyệt đối thông tin phản hồi của sinh viên. Về hình thức, các bảng hỏi về đánh giá giảng viên được lồng ghép trong bảng hỏi lấy ý kiến phản hồi của sinh viên về cả học phần và do các trường tự thiết kế.

Chẳng hạn, ở Đại học Quốc gia Hà Nội, giảng viên được sinh viên đánh giá chủ yếu ở phần Hoạt động giảng dạy (ví dụ, giảng viên có hướng dẫn sinh viên phương pháp học tập, nghiên cứu và các kỹ năng bổ trợ phục vụ học tập và học tập suốt đời? các hoạt động dạy học phù hợp với chuẩn đầu ra của học phần? phương pháp giảng dạy của giảng viên có khuyến khích sinh viên tích cực tham gia vào các hoạt động học tập? giảng viên có hỗ trợ hiệu quả về các vấn đề học tập khi sinh viên có yêu cầu? giảng viên ứng dụng thành thạo công nghệ thông tin trong giảng dạy?...); nhưng cũng có thể xuất hiện ở một số tiêu chí liên quan như Nội dung học phần, Hoạt động kiểm tra đánh giá, hoặc Cơ sở vật chất phục vụ giảng dạy học phần.

Một số nghiên cứu trong nước đã chỉ ra rằng ý kiến phản hồi từ sinh viên về hoạt động giáo dục có tác động tích cực đến giảng viên và nhà trường trong việc tìm kiếm những giải pháp cụ thể và khả thi để nâng cao chất lượng giảng dạy, tuy nhiên chưa có nghiên cứu nào xem xét ảnh hưởng của việc cung cấp ý kiến phản hồi đối với bản thân người học.

 

Tài liệu tham khảo:

[1] James Wicks, Rate My Professors is bad for student learning, Times Higher Education (THE), August 15, 2022, https://www.timeshighereducation.com/blog/rate-my-professors-bad-student-learning

[2] Sally Patfield, It’s time to drop the tyranny of student reviews of teaching, Times Higher Education (THE), September 4, 2022, https://www.timeshighereducation.com/blog/its-time-drop-tyranny-student-reviews-teaching

[3] Trần Xuân Bách, Sinh viên đánh giá giảng viên - nguồn thông tin quan trọng trong quy trình đánh giá giảng viên, Tạp chí Khoa học ĐHQGHN, Khoa học Xã hội và Nhân văn 23 (2007) 198-207, https://js.vnu.edu.vn/SSH/article/view/2279

[4] Bộ Giáo dục & Đào tạo, Công văn số 2754/BGDĐT-NGCBQLGD ngày 20/5/2010 về việc hướng dẫn tổ chức lấy ý kiến phản hồi từ người học về hoạt động giảng dạy của giảng viên

[5] Đại học Quốc gia Hà Nội, Hướng dẫn đánh giá chất lượng thông qua phản hồi từ các bên liên quan, công văn số 581/HD-ĐHQGHN, ngày 20 tháng 02 năm 2020