Mô hình tài chính bền vững cho các trường đại học

Đăng Linh lược dịch

08/08/2022 11:32

Theo dõi trên

Ở nhiều nước trên thế giới, việc cung cấp tài chính cho nền giáo dục đại học công lập có hai mục tiêu then chốt: để phần lớn người dân đủ khả năng chi trả, và làm cho hệ thống bền vững về mặt tài chính. Trên thực tế, hai mục tiêu ấy hiếm khi đạt được.

Trước hết, cần xem xét hai hướng tiếp cận chủ yếu. Một là đặt cơ sở giáo dục làm trọng tâm (institution-based): học phí được giữ ở mức thấp so với chi phí đào tạo. Chính phủ trả hầu hết chi phí, do đó việc hỗ trợ tài chính cho sinh viên chỉ đóng vai trò nhỏ.Trước hết, cần xem xét hai hướng tiếp cận chủ yếu. Một là đặt cơ sở giáo dục làm trọng tâm (institution-based): học phí được giữ ở mức thấp so với chi phí đào tạo. Chính phủ trả hầu hết chi phí, do đó việc hỗ trợ tài chính cho sinh viên chỉ đóng vai trò nhỏ.

4d2so-31-giao-duc-bai-1-1659932901.png
Cần xác định mức học phí dựa trên khả năng chi trả thực tế của các gia đình bởi nếu việc vận hành nền giáo dục đại học phụ thuộc quá mức vào những khoản vay sinh viên thì có thể dẫn đến tỷ lệ lớn người vay không thể hoặc không muốn trả nợ. Ảnh minh họa: INT

Hướng tiếp cận thứ hai thiên về đặt sinh viên làm trọng tâm (student-based): học phí chiếm tỷ trọng lớn trong chi phí đào tạo, bởi vậy sinh viên cần được hỗ trợ nhiều về tài chính để có thể trả phần chi phí còn lại.

Phổ biến là hướng tiếp cận đầu, dựa trên quan niệm cho rằng giáo dục đại học là một mặt hàng công và người nộp thuế cần trả toàn bộ chi phí cho việc cung ứng mặt hàng ấy. Về lý thuyết mà nói, hướng tiếp cận này giúp số đông có thể chi trả do mức học phí rất thấp – mặc dù vấn đề thanh toán sinh hoạt phí cho sinh viên thường không được giải quyết rốt ráo.

Nhưng thực tế là hầu hết các chính phủ không sở hữu đủ nguồn lực để cung cấp một nền giáo dục có chất lượng nếu đặt học phí ở mức thấp. Kết quả là, số lượng tuyển sinh sẽ bị giới hạn và hệ thống giáo dục đại học bị co lại thay vì phát triển. Hoặc chi phí tính trên đầu sinh viên sẽ bị giảm mạnh.

Thách thức để đạt tới bền vững tài chính

Cả hai mô hình nêu trên đều không bền vững. Những ngoại lệ nổi trội là một số quốc gia Scandinavia, nhờ nền tảng đánh thuế cao, có thể duy trì mức học phí thấp và cung cấp một nền giáo dục có chất lượng cho phần đông người dân.

Ngược lại, hướng tiếp cận đặt sinh viên làm trọng tâm (thường được gọi là chế độ học phí cao – hỗ trợ cao) phần nhiều coi giáo dục đại học như một món hàng tư hữu, ở đó sinh viên được hưởng lợi chủ yếu bởi lẽ sau khi tốt nghiệp, họ sẽ kiếm được thu nhập cao hơn. Đi theo triết lý này, các cơ sở giáo dục có xu hướng nâng học phí và cung cấp nhiều hỗ trợ tài chính hơn cho những sinh viên không có khả năng chi trả.

Hướng tiếp cận học phí cao – hỗ trợ cao bền vững hơn hẳn so với tiếp cận học phí thấp, ở chỗ nó tạo ra nhiều lợi nhuận hơn trên mỗi sinh viên. Tuy nhiên, nếu các khoản hỗ trợ tài chính bổ sung không đủ, số sinh viên có khả năng chi trả sẽ giảm, dẫn tới hệ thống chủ yếu chỉ dành để phục vụ những người có tiền.

Trong mô hình này, chênh lệch giữa mức học phí cao và khả năng chi trả của sinh viên thường khiến cho sinh viên phải phụ thuộc nhiều hơn vào các khoản vay. Lúc này, các khoản vay trở thành cơ chế then chốt để thỏa mãn cả việc tăng tỉ lệ sinh viên có khả năng chi trả và mức độ bền vững cao hơn trong hoạt động tài chính của nền giáo dục đại học.

Tuy vậy, rất thường xuyên, những bất cập trong thiết kế chương trình có thể ngăn cản những khoản vay của sinh viên đạt được mục tiêu kép. Ví dụ, việc kiểm soát học phí một cách yếu kém có thể khiến việc vận hành nền giáo dục đại học phụ thuộc quá mức vào những khoản vay, dẫn tới tỷ lệ quá đông người vay không thể hoặc không muốn trả nợ. Điều này làm cho lựa chọn dựa vào các khoản vay trở nên kém lý tưởng.

Một cách làm hiệu quả hơn

Vậy liệu có cách làm nào tốt hơn nhằm đạt được cả hai mục tiêu cốt yếu như đã nêu mà phần đông các quốc gia có thể áp dụng thành công?

Bước đầu, để tăng khả năng chi trả các khoản phí của người học, phải từ bỏ quan niệm cho rằng chức năng chủ yếu của học phí là giúp trang trải chi phí vận hành các cơ sở đào tạo. Thay vào đó, các quốc gia cần xác định mức học phí từ thực tế một gia đình trung bình có thể chi trả, và xây dựng các cơ sở đào tạo của mình từ đó. Chẳng hạn, các cơ sở đào tạo có thể đặt ra học phí và các khoản phí bắt buộc từ mức 10% tới 25% GDP bình quân đầu người.

Các cơ sở và các chương trình học có nhu cầu nhiều nhất từ người học có thể đưa ra con số lớn hơn. Một thành tố quan trọng của hướng tiếp cận này là nguồn lực tài chính phải đủ để cung cấp các học bổng - bao gồm cả học phí và sinh hoạt phí - cho những sinh viên không có khả năng chi trả.

Càng có nhiều cơ sở đào tạo tính học phí trong phạm vi có thể chấp nhận được thì chính phủ sở tại càng ít phải hỗ trợ. Nhưng, đối với những cơ sở thu học phí cao, nguồn hỗ trợ tài chính lại cần được tăng lên bởi sẽ có nhiều sinh viên hơn không thể đáp ứng khoản phí cao ấy.

Ngược lại, đối với các cơ sở đào tạo thu phí ở mức thấp trong phạm vi chấp nhận được, chính phủ cần tăng hỗ trợ cho bản thân cơ sở trong khi giảm khoản hỗ trợ tài chính cho sinh viên.

Điểm then chốt là các nước cần đặt ra các giới hạn thực tế và hợp lý đối với học phí tính theo tỷ trọng GDP đầu người. Khi được lên kế hoạch một cách cẩn trọng, các chính sách này có thể làm giảm yêu cầu tài trợ ròng vì mức giảm trợ cấp cho các cơ sở đào tạo sẽ lớn hơn mức bù đắp sự gia tăng cần thiết trong khoản hỗ trợ tài chính cho sinh viên.

Trong một hệ thống như vậy, các khoản vay của sinh viên sẽ trở về vai trò ban đầu của chúng là cho phép các nhóm sinh viên đầu tư cho bản thân với mức chi phí hợp lý.

Từ sự bền vững đến tăng trưởng trong tuyển sinh

Muốn đạt được mức độ bền vững cao của nền giáo dục đại học, các quốc gia cần phát triển những chính sách phù hợp với nhu cầu của xã hội.

Hiện nay, nhiều quốc gia hỗ trợ tài chính cho sinh viên theo học các chương trình hàn lâm nhiều hơn so với các chương trình định hướng nghề nghiệp, bao gồm cả học nghề. Sự chuyển hướng nguồn tài trợ sang các chương trình định hướng nghề nghiệp có thể làm tăng mức độ phù hợp với nhu cầu của nền kinh tế cũng như giúp giảm bớt chi phí mà mỗi sinh viên phải bỏ ra bởi việc đào tạo nghề thường có chi phí thấp hơn so với các chương trình hàn lâm.

Mặt khác, ở hầu hết các quốc gia, các khoản tài trợ của chính phủ không tương ứng với việc tăng lượng tuyển sinh, đòi hỏi các cơ sở đào tạo phải dựa vào học phí do sinh viên trả để trang trải các chi phí cận biên của bất kỳ sự gia tăng lượng tuyển sinh nào ngoài dự kiến. Tạo ra một khoản riêng do chính phủ tài trợ, không bị giới hạn khi số lượng sinh viên đăng ký tuyển sinh tăng lên quá mức dự kiến, có nghĩa là người nộp thuế phải chia sẻ phần chi trả cho việc tăng mức tuyển sinh ấy.

Do đó, việc phân bổ tài trợ cho các cơ sở đào tạo cần dựa trên các khoản phí định mức (normative costs). Về cơ bản, các chính phủ hoặc các cơ quan tài trợ dựa trên báo cáo của các cơ sở đào tạo về số tiền những nơi ấy chi trả cho mỗi sinh viên để ra quyết định phân bổ ngân sách. Thế nhưng, các cơ sở đào tạo thường phóng đại những khoản chi của họ. Phần chi phí có thể được giới hạn nếu công thức phân bổ dựa trên khoản phí định mức, nghĩa là, số tiền “cần” chi cho mỗi sinh viên ở các ngành khác nhau được xác định bằng phân tích dữ liệu khách quan.

Đây chỉ là một phác thảo hẵng còn sơ sài, nhưng áp dụng tất cả các bước này vào thực tế có thể giúp việc phân bổ ngân sách cho nền giáo dục đại học trở nên vừa phù hợp về khả năng chi trả đối với người học vừa bền vững về mặt tài chính đối với hệ thống. Một mô hình cân bằng như vậy là mục tiêu đáng để nhiều quốc gia hướng tới.

Theo International Higher Education

 

Bạn đang đọc bài viết "Mô hình tài chính bền vững cho các trường đại học" tại chuyên mục Chính sách - Sự kiện. Thông tin chi tiết xin liên hệ số hotline: 0971.008.956 hoặc gửi email về địa chỉ: bbtpld@gmail.com