Sửa Luật Thủ đô – Tạo cơ chế đặc thù để Thủ đô bứt phá

Đồng tình với sự cấp thiết phải sửa đổi Luật Thủ đô sau gần 10 năm thực hiện, thế nhưng, theo các chuyên gia, Dự thảo Luật (sửa đổi) phải giải quyết được những hạn chế, bất cập đã và đang tồn tại…

Theo đó, Luật Thủ đô được Quốc hội thông qua ngày 21/11/2012 và có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2013. Sau gần 10 năm thực hiện Luật Thủ đô đã mang lại những kết quả quan trọng trong xây dựng và phát triển Thủ đô toàn diện về mọi mặt kinh tế – xã hội, an ninh quốc phòng… tuy nhiên, sau 10 năm thực hiện cho thấy, Luật Thủ đô 2012 đã bộc lộ những hạn chế, bất cập.

trong-boi-canh-phat-trien-hien-nay-viec-sua-doi-luat-thu-do-duoc-cho-la-can-thiet-pld-1690456356.jpg
Trong bối cảnh phát triển hiện nay, việc sửa đổi Luật Thủ đô được cho là cần thiết – Ảnh minh họa

Cụ thể, nội dung Luật hiện hành còn thiếu những quy định cần thiết về cơ chế, chính sách, một số điều của luật chỉ mang tính nguyên tắc, định hướng chung mà chưa có các quy định cụ thể đặc thù… dẫn đến những khó khăn, vướng mắc trong triển khai thực hiện.

Chưa kể, thời gian quan, việc ban hành một số Luật mới, quy định mới, trong đó có những điều luật khác với Luật Thủ đô như Luật Cư trú, Luật Nhà ở… đã làm giảm hiệu lực của Luật Thủ đô, không tạo được sự thống nhất về tính pháp lý khi thi hành.

Để giải quyết những tồn tại đã nêu, mới đây, cơ quan soạn thảo đã hoàn thiện Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) đưa ra lấy ý kiến rộng rãi. Theo đó, Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) gồm 6 Chương, 59 Điều; tăng 2 Chương, 32 Điều so với Luật Thủ đô hiện hành. Nội dung Dự thảo Luật (sửa đổi) lần này bám sát 9 nhóm chính sách trong đề nghị xây dựng Luật Thủ đô (sửa đổi) đã được Chính phủ thông qua để quy phạm hóa thành các cơ chế, chính sách cụ thể, mang tính đặc thù vượt trội phục vụ cho sự nghiệp xây dựng, phát triển Thủ đô của cả nước. Các nội dung này được cụ thể hóa tại các điều từ Chương II đến Chương V tại Dự thảo.

Đồng tình với sự cấp thiết phải sửa đổi Luật Thủ đô sau gần 10 năm thực hiện, thế nhưng, theo các chuyên gia, Dự thảo Luật (sửa đổi) phải giải quyết được những hạn chế, bất cập đã và đang tồn tại.

theo-cac-chuyen-gia-viec-sua-doi-luat-thu-do-phai-giai-quyet-duoc-nhung-han-che-pld-1690456356.jpg
Theo các chuyên gia, việc sửa đổi Luật Thủ đô phải giải quyết được những hạn chế, bất cập đã và đang tồn tại – Ảnh minh họa

Góp ý Dự thảo Luật (sửa đổi), PGS.TS Doãn Minh Tâm – Nguyên Viện trưởng Viện Khoa học Công nghệ giao thông vận tải cho biết, Luật Thủ đô là bộ luật tổng hợp của tất cả các quy định có tính đặc thù áp dụng dành riêng cho Thủ đô Hà Nội mà các Luật khác không đề cập. Do đó, với tầm quan trọng và vai trò, ý nghĩa của Thủ đô, Luật Thủ đô là chỗ dựa pháp lý vững chắc để tạo điều kiện cho Hà Nội phát triển vượt bậc trong thời gian tới, xứng đáng là Thủ đô của cả nước.

“Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) – Phiên bản tháng 7/2023 (lần 2) tuy đã thể hiện và luật hóa được 9 chính sách mới của Hà Nội nhưng nội dung các quy định mới chưa đáp ứng được nhu cầu đòi hỏi các quy định pháp luật để giải quyết các tồn tại. Trong đó, vấn đề giao thông là một trong những vấn đề phức tạp và cần phải tập trung giải quyết”, vị chuyên gia này bày tỏ.

Bên cạnh đó, liên quan quản lý không gian, kiến trúc, cảnh quan và xây dựng đô thị (Điều 22), Dự thảo Luật (sửa đổi) quy định, giao Hội đồng nhân dân (HĐND) quy định việc xây dựng, quản lý, khai thác không gian ngầm, khoảng không công trình ngầm trên địa bàn Thủ đô. Việc quản lý, xây dựng và khai thác khoảng không, không gian ngầm tại các đô thị, khu nội đô lịch sử phải bảo đảm bảo tồn không gian văn hóa và cảnh quan sạch đẹp, khang trang.

Xoay quanh vấn đề này, đại diện Cục Hạ tầng kỹ thuật, Bộ Xây dựng cho biết, việc quản lý xây dựng và khai thác khoảng không, không gian ngầm là vấn đề lớn nhưng các văn bản quy phạm pháp luật liên quan (Luật Đất đai, Luật Quy hoạch đô thị) đều chưa có quy định cụ thể về vấn đề này, hiện chỉ có Nghị định 39/2010/NĐ-CP về quản lý không gian xây dựng ngầm đô thị, nên Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) cần đánh giá kỹ lưỡng quy trình, thủ tục, trách nhiệm trong quản lý, sử dụng và khai thác không gian ngầm, quy định rõ nguyên tắc giao HĐND.

Còn theo Thứ trưởng Bộ Xây dựng – Nguyễn Tường Văn, Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) đã tiếp cận nhiều vấn đề hơn Luật Thủ đô hiện hành, tuy nhiên, cần đánh giá kỹ các tồn tại, các vấn đề mà Luật cũ chưa làm được từ đó có cơ sở để quy định các nội dung mới, trong đó có vấn đề về thu hồi đất khi mở rộng đường. Các quy định của Dự thảo Luật cần rõ về nội hàm và nguyên tắc để dễ thực hiện.

Về việc quản lý xây dựng và khai thác khoảng không, không gian ngầm, theo Thứ trưởng Nguyễn Tường Văn, nếu chỉ giao cho HĐND như Dự thảo Luật sẽ rất khó thực hiện. Theo đó, cần đánh giá tổng kết thực tiễn thi hành Nghị định 39/2010/NĐ-CP để tổng hợp vướng mắc, từ đó cơ sở để xây dựng quy định phù hợp, khả thi. Đối với phát triển đô thị, Hà Nội cần tập trung 2 vấn đề là quy hoạch, cải tạo, tái thiết đô thị cũ và phát triển đô thị mới.