Những đề xuất đáng chú ý tại Dự thảo Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ mới nhất

Bộ Công an đang lấy ý kiến Dự thảo Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ mới nhất với nhiều đề xuất đáng chú ý. Cụ thể như thế nào, mời các bạn xem bài viết sau đây.

Đề xuất thay đổi phân hạng giấy phép lái xe

Theo Điều 39 của Dự thảo Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ mới, giấy phép lái xe sẽ bao gồm các hạng sau:

Hạng A2: Cấp cho người lái xe mô tô hai bánh có dung tích xi-lanh từ 50 cm3 đến 175 cm3 hoặc có động cơ có công suất định mức tương đương.

Hạng A: Cấp cho người lái xe mô tô hai bánh có dung tích xi-lanh từ 175 cm3 trở lên hoặc động cơ có công suất định mức tương đương và các loại xe quy định cho giấy phép lái xe hạng A2.

Hạng A3: Cấp cho người lái xe mô tô ba bánh và các loại xe quy định cho giấy phép lái xe hạng A2.

Hạng B: Cấp cho người lái xe ô tô chở người đến 9 chỗ ngồi (kể cả chỗ của người lái xe); xe ô tô tải (kể cả ô tô tải chuyên dùng), máy kéo có khối lượng hàng chuyên chở theo thiết kế không vượt quá 3.500 kg; các loại xe ô tô quy định cho giấy phép lái xe hạng B có gắn kèm rơ-moóc với khối lượng toàn bộ thiết kế của rơ-moóc không vượt quá 750 kg; các loại xe quy định cho giấy phép lái xe hạng B2.

Hạng C1: Cấp cho người lái xe ô tô tải (kể cả ô tô tải chuyên dùng, ô tô chuyên dùng), máy kéo có khối lượng hàng chuyên chở theo thiết kế trên 3.500 đến 7.500 kg; các loại xe ô tô tải quy định cho giấy phép lái xe hạng C1 có gắn kèm rơ-moóc với khối lượng toàn bộ thiết kế của rơ-moóc không vượt quá 750 kg; các loại xe quy định cho giấy phép lái xe các hạng B.

Hạng C: Cấp cho người lái xe ô tô tải (kể cả ô tô tải chuyên dùng, ô tô chuyên dùng), máy kéo có khối lượng hàng chuyên chở theo thiết kế trên 7.500 kg; các loại xe ô tô tải quy định cho giấy phép lái xe hạng C có gắn kèm rơ-moóc với khối lượng toàn bộ thiết kế của rơ-moóc không vượt quá 750kg; các loại xe quy định cho giấy phép lái xe các hạng B, C1.

Hạng D2: Cấp cho người lái xe ô tô chở người (kể cả ô tô buýt) từ 10 đến 30 chỗ; các loại xe ô tô chở người quy định cho giấy phép lái xe hạng D2 có gắn kèm rơ-moóc với khối lượng toàn bộ thiết kế của rơ-moóc không vượt quá 750kg; các loại xe quy định cho giấy phép lái xe các hạng B, C1, C.

Hạng D: Cấp cho người lái xe ô tô chở người (kể cả ô tô buýt) trên 30 chỗ; xe ô tô chở người giường nằm; các loại xe ô tô chở người quy định cho giấy phép lái xe hạng D có gắn kèm rơ-moóc với khối lượng toàn bộ thiết kế của rơ-moóc không vượt quá 750kg; các loại xe quy định cho giấy phép lái xe các hạng B, C1, C, D2.

Hạng BE: Cấp cho người lái xe để lái các loại xe ô tô quy định cho giấy phép lái xe hạng B khi kéo rơ-moóc với khối lượng toàn bộ thiết kế của rơmoóc trên 750 kg.

Hạng C1E: Cấp cho người lái xe để lái các loại xe ô tô quy định cho giấy phép lái xe hạng C1 khi kéo rơ-moóc với khối lượng toàn bộ thiết kế của rơ-moóc trên 750 kg.

Hạng CE: Cấp cho người lái xe để lái các loại xe ô tô quy định cho giấy phép lái xe hạng C khi kéo rơ-moóc với khối lượng toàn bộ thiết kế của rơ-moóc trên 750 kg; xe ô tô đầu kéo kéo sơ-mi rơ-moóc.

Hạng D2E: Cấp cho người lái xe để lái các loại xe ô tô quy định cho giấy phép lái xe hạng D2 khi kéo rơ-moóc với khối lượng toàn bộ thiết kế của rơ-moóc trên 750 kg.

Hạng D: Cấp cho người lái xe để lái các loại xe ô tô quy định cho giấy phép lái xe hạng D khi kéo rơ-moóc với khối lượng toàn bộ thiết kế của rơ-moóc trên 750 kg.

Ngoài ra, người khuyết tật điều khiển xe mô tô ba bánh dùng cho người khuyết tật sẽ được cấp giấy phép lái xe hạng A2. Người khuyết tật điều khiển xe ô tô có cơ cấu điều khiển phù hợp với tình trạng khuyết tật được cấp giấy phép lái xe hạng B.

Trong khi đó, theo Luật giao thông đường bộ 2008, giấy phép lái xe được chia thành các hạng là A1, A2, A3, A4, B1, B2, C, D, E, FB2, FD, FE, FC. Như vậy, nếu Dự thảo mới được thông qua thì sẽ không còn giấy phép lái xe hạng A1 và B1.

Đề xuất không phải mang theo giấy tờ nếu đã đồng bộ trên ứng dụng VNeID

Điều 38 của Dự thảo Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ mới nếu rõ người lái xe tham gia giao thông đường bộ phải có giấy phép lái xe phù hợp với loại xe đang điều khiển, trừ người lái xe gắn máy. Khi tham gia giao thông, người lái xe phải mang theo các giấy tờ sau:

Chứng nhận đăng ký xe;

Giấy phép lái xe phù hợp với loại xe đang điều khiển;

Giấy chứng nhận kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường đối với xe cơ giới theo quy định của pháp luật;

Giấy chứng nhận bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới.

Trong khi đó, người điều khiển xe máy chuyên dùng phải có bằng hoặc chứng chỉ điều khiển xe máy chuyên dùng phù hợp loại xe máy chuyên dùng đang điều khiển và một trong các loại giấy phép lái xe quy định tại khoản 1 Điều 39 của Dự thảo hoặc chứng chỉ bồi dưỡng kiến thức pháp luật về giao thông đường bộ. Khi tham gia giao thông, người điều khiển xe máy chuyên dùng phải mang theo các loại giấy tờ sau:

Chứng nhận đăng ký xe;

Bằng hoặc chứng chỉ điều khiển và giấy phép lái xe hoặc chứng chỉ bồi dưỡng kiến thức pháp luật về giao thông đường bộ;

Giấy chứng nhận kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường đối với xe máy chuyên dùng theo quy định của pháp luật;

Giấy chứng nhận bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự theo quy định của pháp luật.

Trong trường hợp thông tin của các loại giấy tờ trên đã được đồng bộ vào tài khoản định danh điện tử VNeID thì người điều khiển xe tham gia giao thông sẽ không phải mang theo các loại giấy tờ nêu trên. Bên cạnh đó, người lái xe gắn máy tham gia giao thông đường bộ phải đủ điều kiện về độ tuổi và sức khỏe theo quy định.

Đề xuất người dân được xuất trình giấy tờ tích hợp trên VNeID khi CSGT kiểm tra

Theo khoản 5 Điều 54 của Dự thảo mới, khi tuần tra, kiểm soát, trường hợp thông tin giấy tờ của phương tiện, người điều khiển phương tiện đã được đồng bộ vào tài khoản định danh điện tử thì CSGT sẽ thực hiện kiểm soát các thông tin giấy tờ đó trên tài khoản định danh điện tử.

Đề xuất 4 trường hợp Cảnh sát giao thông được dừng xe

Theo Điều 55 của Dự thảo Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ mới, Cảnh sát giao thông (CSGT) được dừng phương tiện tham gia giao thông đường bộ để kiểm soát thuộc một trong các trường hợp sau đây:

1. Khi phát hiện hành vi vi phạm pháp luật hoặc có căn cứ xác định có hành vi vi phạm pháp luật.

2. Những hành vi vi phạm pháp luật về trật tự, an toàn giao thông đường bộ mà buộc phải dừng phương tiện để kiểm soát trực tiếp mới phát hiện được.

3. Có văn bản đề nghị của cơ quan có thẩm quyền về việc dừng phương tiện để kiểm soát phục vụ bảo đảm an ninh, trật tự; phòng, chống thiên tai, hỏa hoạn; cứu nạn, cứu hộ; phòng, chống dịch bệnh.

4. Có tin báo, tố giác, phản ánh, kiến nghị của tổ chức, cá nhân về tội phạm, hành vi vi phạm pháp luật.

So với quy định hiện hành, những trường hợp CSGT được dừng xe có nhiều điểm mới như dừng xe để phòng, chống thiên tai, hỏa hoạn; cứu hộ, cứu nạn; phòng chống dịch bệnh; có tố giác về tội phạm, hành vi vi phạm pháp luật;...

tai-du-thao-luat-trat-tu-an-toan-giao-thong-duong-bo-pld-1689756894.jpg
Tại Dự thảo Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ mới nhất có đề xuất về 4 trường hợp CSGT được dừng xe (ảnh minh họa)

Đề xuất 4 trường hợp phải tắt đèn pha, bật đèn chiếu gần

Việc bật đèn pha vô tội vạ là điều khiến không ít người tham gia giao thông cảm thấy bức xúc, thậm chí là gây mất an toàn giao thông. Do đó, Dự thảo Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ mới có đề xuất về 4 trường hợp phải tắt đèn pha, bật đèn chiếu gần như sau:

- Người lái xe, người điều khiển xe máy chuyên dùng tham gia giao thông trong thời gian từ 19 giờ ngày hôm trước đến 5 giờ ngày hôm sau hoặc khi có sương mù, khói, bụi, trời mưa, thời tiết xấu làm hạn chế tầm nhìn phải bật sáng những đèn sau:

Đèn chiếu sáng phía trước là đèn chiếu xa hoặc đèn chiếu gần;

Đèn soi biển số sau;

Đèn vị trí được trang bị theo thiết kế của nhà sản xuất.

- Người lái xe, người điều khiển xe máy chuyên dùng phải tắt đèn chiếu xa, bật đèn chiếu gần trong các trường hợp sau đây:

Khi gặp người đi bộ qua đường;

Khi đi trên các đoạn đường qua khu dân cư có bố trí hệ thống chiếu sáng và đang hoạt động;

Khi gặp xe đi ngược chiều;

Khi chuyển hướng xe tại nơi đường giao nhau.

- Người lái xe, người điều khiển xe máy chuyên dùng khi thực hiện công việc trên đường bộ phải bật sáng đèn cảnh báo màu vàng.

Đề xuất các trường hợp giấy phép lái xe không có hiệu lực

Khoản 5 Điều 39 của Dự thảo Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ mới nêu rõ giấy phép lái xe sẽ không có hiệu lực trong các trường hợp:

Giấy phép lái xe đang trong thời gian áp dụng hình thức xử phạt tước quyền sử dụng;

Giấy phép lái xe hết thời hạn sử dụng;

Giấy phép lái xe có Quyết định thu hồi theo quy định tại khoản 4 Điều 43 của Dự thảo.

Đề xuất trẻ em không ngồi trên ghế trước của ô tô

Theo đề xuất tại Dự thảo Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ mới, trẻ em dưới 10 tuổi hoặc chiều cao dưới 1,35 mét được chở trên xe ô tô con không được ngồi cùng hàng ghế của người lái xe khi tham gia giao thông đường bộ. Bên cạnh đó, trẻ em dưới 4 tuổi phải được chở bằng ghế thiết kế dành cho trẻ em (trừ xe ô tô kinh doanh vận tải hành khách theo quy định của pháp luật đường bộ). Người lái xe có trách nhiệm kiểm tra, hướng dẫn việc thắt dây an toàn cho trẻ em.

du-thao-luat-trat-tu-an-toan-giao-thong-duong-bo-moi-pld-1689756894.jpg
Dự thảo Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ mới đề xuất trẻ em không được ngồi ở ghế trước của ô tô (ảnh minh họa)

Đề xuất nhường đường cho người đi bộ, xe lăn của người khuyết tật qua đường

Dự thảo Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ mới đề xuất:

- Tại nơi có vạch kẻ đường hoặc báo hiệu khác dành cho người đi bộ, người điều khiển phương tiện phải quan sát, giảm tốc độ hoặc dừng lại nhường đường cho người đi bộ, xe lăn của người khuyết tật qua đường.

- Tại nơi không có vạch kẻ đường cho người đi bộ, người điều khiển phương tiện phải quan sát, nếu thấy người đi bộ, xe lăn của người khuyết tật đang qua đường hoặc có tín hiệu qua đường thì phải giảm tốc độ hoặc dừng lại nhường đường cho người đi bộ, xe lăn của người khuyết tật qua đường.

Bổ sung quy định về sử dụng làn đường

Dự thảo Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ mới bổ sung 2 quy định về sử dụng làn đường:

- Trên làn đường dành riêng cho một loại phương tiện, người điều khiển loại phương tiện khác không được đi vào làn đường đó. Nơi có làn đường dành cho xe ưu tiên, chỉ xe ưu tiên mới được đi vào làn đường ưu tiên.

- Trên đường hai chiều có từ hai làn xe cơ giới trở lên trên một chiều xe chạy, phương tiện tham gia giao thông của chiều này không được đi vào làn đường của chiều ngược lại.