TÁC ĐỘNG CỦA QUY CHẾ KHÔNG GÂY MẤT RỪNG CỦA LIÊN MINH CHÂU ÂU (EUDR) ĐẾN CÁC HỘ SẢN XUẤT NHỎ, NGƯỜI DÂN BẢN ĐỊA, DOANH NGHIỆP VỪA VÀ NHỎ Ở VIỆT NAM
Mai Hải Đăng*
Tóm tắt: Bài viết này là một nghiên cứu tổng quan về tác động của EUDR đối với các hộ sản xuất nhỏ, người dân bản địa, doanh nghiệp vừa và nhỏ ở Việt Nam. Các phương pháp nghiên cứu được sử dụng chủ yếu là định tính thông dụng như nghiên cứu miêu tả, quan sát, phân tích tài liệu, suy luận, phạm trù hóa, hệ thống hóa, khái quát hóa. Những vấn đề chính được trình bày trong bài này là: (i) Quy định mới của Liên minh Châu Âu về các sản phẩm không gây mất rừng (EUDR)[1]; (ii) Những tác động của EUDR đối với các hộ sản xuất nhỏ, người dân bản địa, doanh nghiệp vừa và nhỏ ở Việt Nam và (iii) Đề xuất hoàn thiện pháp luật Việt Nam đối với các sản phẩm không gây mất rừng.
Từ khóa: Tác động, EUDR, Sản phẩm nông nghiệp, Không gây mất rừng, Việt Nam.
IMPACTS OF EUDR ON SMALLHOLDERS, INDIGENOUS PEOPLES, SMALL AND MEDIUM-SIDE ENTERPRISES IN VIETNAM
Abstract: This article is a review paper on the potential impacts of EUDR on smallholders, indigenous peoples, small and medium-sized enterprises in Vietnam. The research techniques employed are the qualitative techniques commonly used for descriptive research. These are observation, document analysis, inferencing, categorization, systematization, generalization. The main issues presented are (i) the new European Union Regulation on deforestation-free products (EUDR); (ii) Impacts of EUDR on Smallholders, indigenous peoples, small and medium-sized enterprises in Vietnam; and (iii) Giving some recommendations for improving Vietnamese's Law and policy on deforestation-free products.
Keywords: Impacts, EUDR, Agricultural Products, Deforestation- free, Vietnam, EU.
1. Đặt vấn đề
FAO đã chỉ ra trong báo cáo đánh giá tài nguyên rừng toàn cầu, biến đổi khí hậu, mất đa dạng sinh học và nạn phá rừng là những mối lo ngại có tầm quan trọng toàn cầu cao nhất, ảnh hưởng đến sự sống còn của nhân loại và điều kiện sống bền vững trên Trái đất[2]. Rừng là nguồn cung cấp thực phẩm, thuốc men và nhiên liệu sinh học, bảo vệ đất và nước, lưu giữ hơn 3/4 đa dạng sinh học trên cạn của thế giới và giúp giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu. WWF trong Báo cáo tháng 4/2021 cho rằng, Liên minh Châu âu (EU) là một trong những nhà nhập khẩu lớn nhất thế giới những sản phẩm có liên quan đến nạn phá rừng nhiệt đới và phát thải khí[3]. Đẩy mạnh hành động của EU nhằm bảo vệ và khôi phục rừng trên thế giới, đặc biệt là hợp tác với các nước sản xuất, để hỗ trợ họ giải quyết các nguyên nhân gốc rễ của nạn phá rừng, tăng cường hợp tác quốc tế với các nước tiêu dùng lớn bằng cách khuyến khích buôn bán các sản phẩm không bị phá rừng và áp dụng các biện pháp tương tự để tránh đưa các sản phẩm từ chuỗi cung ứng liên quan đến nạn phá rừng và suy thoái rừng vào thị trường EU. Ngày 16/5/2023, Uỷ ban Châu Âu (EC) đã thông qua Quy định về việc cung cấp trên thị trường Liên minh và xuất khẩu từ Liên minh một số mặt hàng và sản phẩm liên quan đến nạn phá rừng và suy thoái rừng (EUDR)[4]. Thị trường các quốc gia thành viên EU là thị trường tiềm năng đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam. Nếu các nhà sản xuất và các doanh nghiệp Việt Nam không chủ động thích ứng, đáp ứng các tiêu chuẩn của EUDR (số 2023/1115) thì một số mặt hàng và các sản phẩm phái sinh của chúng không thể nhập khẩu vào thị trường EU. Câu hỏi đặt ra là chúng ta cần làm gì để thích ứng với quy định này, tránh ảnh hưởng tới xuất khẩu các mặt hàng như cà phê, cao su, gỗ và sản phẩm phái sinh khác sang thị trường EU nói riêng và thị trường toàn cầu nói chung. Nghiên cứu này: (i) Cung cấp một cái nhìn khái quát về EUDR; (ii) Đưa ra dự báo những tác động của EUDR đối với các hộ sản xuất nhỏ, người dân bản địa, doanh nghiệp vừa và nhỏ ở Việt Nam và (iii) Đề xuất hoàn thiện pháp luật Việt Nam đối với các sản phẩm không gây mất rừng.
2. Quy định về việc cung cấp trên thị trường Liên minh và xuất khẩu từ Liên minh một số mặt hàng và sản phẩm liên quan đến nạn phá rừng và suy thoái rừng (EUDR).
Quy định về việc cung cấp trên thị trường Liên minh và xuất khẩu từ Liên minh một số mặt hàng và sản phẩm liên quan đến nạn phá rừng và suy thoái rừng (EUDR) của Uỷ ban Châu Âu (EC) là quy định mới nhất của EU liên quan đến vấn đề phát triển xanh và bền vững, trong đó quy định cụ thể về việc cung cấp trên thị trường Liên minh và xuất khẩu từ Liên minh một số mặt hàng và sản phẩm có nguồn gốc từ phá rừng và gây suy thoái rừng. Mục tiêu của Quy định này nhằm giảm thiểu sự đóng góp của EU vào nạn phá rừng và suy thoái rừng trên toàn thế giới; giảm thiểu sự đóng góp của EU đối với phát thải khí nhà kính và mất đa dạng sinh học trên toàn cầu do EU tiêu thụ và sản xuất các mặt hàng liên quan đến nạn phá rừng và suy thoái rừng.
EUDR cấm cung cấp trên thị trường EU và xuất khẩu từ EU một số mặt hàng có quy trình sản xuất trên đất có nguồn gốc từ phá rừng và gây suy thoái rừng kể từ sau ngày 31/12/2020. EUDR định nghĩa “các hàng hóa liên quan” nghĩa là gia súc, ca cao, cà phê, dầu cọ, cao su, đậu nành và gỗ; “các sản phẩm có liên quan” nghĩa là các sản phẩm phái sinh có chứa, được nuôi dưỡng bằng hoặc được sản xuất bằng cách sử dụng các mặt hàng liên quan như: thịt bò, sản phẩm da, sô cô la, giấy in, đồ nội thất, than củi, dầu cọ, bột đậu vv… (Chi tiết các mặt hàng được liệt kê trong phụ lục I của Quy định). Các hàng hóa liên quan và các sản phẩm có liên quan không được đưa ra thị trường EU hoặc xuất khẩu từ EU, trừ khi đáp ứng đầy đủ các điều kiện sau: (i) không gây mất rừng; (ii) được sản xuất phù hợp với quy định pháp luật tại nước sản xuất và (iii) đã có báo cáo thẩm định gửi cơ quan có thẩm quyền.
(i) Để chứng minh rằng những “hàng hóa liên quan” hoặc “sản phẩm liên quan” không gây mất rừng “nhà điều hành” hoặc các công ty xuất khẩu phải chứng minh rằng hàng hóa đó được sản xuất hoặc nuôi dưỡng trên đất không gây mất rừng hoặc suy thoái rừng kể từ ngày 31/12/2020. Theo EUDR “nhà điều hành” nghĩa là bất kỳ thể nhân hoặc pháp nhân nào, trong quá trình hoạt động thương mại, đưa các sản phẩm có liên quan ra thị trường hoặc xuất khẩu chúng; “rừng” có nghĩa là đất có diện tích trên 0,5 ha với cây cao hơn 5 mét và độ che phủ tán trên 10 % hoặc cây có thể đạt đến ngưỡng đó tại chỗ, không bao gồm đất chủ yếu được sử dụng là đất nông nghiệp hoặc đô thị; “phá rừng” có nghĩa là việc chuyển đổi rừng sang sử dụng cho mục đích nông nghiệp, dù có do con người gây ra hay không; “suy thoái rừng” có nghĩa là những thay đổi về cấu trúc của độ che phủ rừng, dưới hình thức chuyển đổi: a). Rừng nguyên sinh hoặc rừng tái sinh tự nhiên thành rừng trồng hoặc đất rừng khác; hoặc b). Rừng nguyên sinh thành rừng trồng.
(ii) Được sản xuất phù hợp với quy định pháp luật tại nước sản xuất: Việc sản xuất “hàng hóa liên quan” hoặc “sản phẩm liên quan” không chỉ bao gồm phải tuân thủ pháp luật tại quốc gia sản xuất liên quan đến: quyền sử dụng đất; bảo vệ môi trường; các quy định liên quan đến quản lý rừng và bảo tồn đa dạng sinh học; quyền của bên thứ ba; quyền lao động; các quy định về thuế, chống tham nhũng, thương mại và hải quan, mà còn bao gồm các quyền con người được bảo vệ theo luật pháp quốc tế; nguyên tắc tự do thỏa thuận trước và được thông tin đầy đủ, bao gồm cả những nội dung được nêu trong Tuyên bố của Liên hợp quốc về quyền của các dân tộc và bộ lạc bản địa.
(iii) Đã có báo cáo thẩm định gửi cơ quan có thẩm quyền: Trước khi đưa “hàng hóa liên quan” hoặc “sản phẩm liên quan” cung cấp trên thị trường EU hoặc xuất khẩu chúng từ EU, nhà điều hành; các thương nhân hay công ty xuất khẩu phải gửi bản báo cáo thẩm định bằng điện tử cho Ủy ban Châu âu (EC). Báo cáo thẩm định phải xác nhận rằng thẩm định đã được thực hiện và “hàng hóa liên quan” hoặc “sản phẩm liên quan” không gây mất rừng hoặc suy thoái rừng và được sản xuất phù hợp với quy định pháp luật tại nước sản xuất.
Nội dung báo cáo thẩm định bao gồm: (i) thu thập thông tin, tài liệu và dữ liệu cụ thể; (ii) các biện pháp đánh giá rủi ro; (iii) các biện pháp giảm thiểu rủi ro.
(i) Thu thập thông tin, tài liệu và dữ liệu để chứng minh rằng các sản phẩm liên quan tuân thủ Điều 3; các giữ liệu thu thập được cần sắp xếp và lưu giữ trong 5 năm kể từ ngày đưa sản phẩm đó ra thị trường hoặc xuất khẩu chúng, kèm theo bằng chứng liên quan đến từng “hàng hóa liên quan” hoặc “sản phẩm liên quan”, bao gồm: tên thương mại, loại sản phẩm có liên quan và trong trường hợp sản phẩm liên quan có chứa hoặc được làm bằng gỗ thì ghi tên thông thường của loài và tên khoa học đầy đủ của chúng; mô tả sản phẩm phải bao gồm danh mục hàng hóa liên quan hoặc các sản phẩm liên quan có trong đó hoặc được sử dụng để tạo ra các sản phẩm đó; số lượng sản phẩm liên quan. Đối với các sản phẩm liên quan đưa vào hoặc đưa ra khỏi thị trường EU, số lượng phải được biểu thị bằng kilôgam khối lượng tịnh, mã hàng hóa; nước sản xuất; vị trí địa lý của tất cả các lô đất nơi sản xuất ra các mặt hàng liên quan, chứa sản phẩm liên quan hoặc đã được sử dụng, cũng như ngày hoặc thời gian sản xuất; trong trường hợp một sản phẩm liên quan chứa hoặc được làm từ các hàng hóa liên quan được sản xuất trên các thửa đất khác nhau thì phải bao gồm cả vị trí địa lý của tất cả các thửa đất khác nhau đó; đối với các sản phẩm liên quan có chứa hoặc được sản xuất bằng cách sử dụng gia súc và đối với các sản phẩm liên quan đó đã được cho ăn bằng các sản phẩm liên quan, phải đề cập đến tất cả vị trí địa lý các cơ sở nơi gia súc được nuôi dưỡng; đối với tất cả các sản phẩm liên quan khác thuộc Phụ lục I thì vị trí địa lý là thửa đất; tên, địa chỉ gửi thư và địa chỉ email của bất kỳ doanh nghiệp hoặc cá nhân nào mà họ đã được cung cấp các sản phẩm liên quan; tên, địa chỉ bưu chính và địa chỉ email của bất kỳ doanh nghiệp, nhà điều hành hoặc thương nhân nào đã cung cấp các sản phẩm liên quan; thông tin có thể kết luận và kiểm chứng đầy đủ rằng các sản phẩm liên quan không gây mất rừng; thông tin có thể kết luận và kiểm chứng đầy đủ rằng hàng hóa liên quan đã được sản xuất phù hợp với luật pháp liên quan của nước sản xuất, bao gồm mọi thỏa thuận trao quyền sử dụng khu vực tương ứng cho mục đích sản xuất hàng hóa liên quan.
(ii) Các biện pháp đánh giá rủi ro: nhà điều hành phải xác minh, phân tích thông tin, tài liệu và dữ liệu được thu thập theo Điều 9 và mọi tài liệu liên quan khác, tiến hành đánh giá rủi ro để xác định liệu có rủi ro rằng các sản phẩm liên quan dự định đưa ra thị trường hoặc xuất khẩu không tuân thủ hay không. Nhà điều hành không được đưa hàng hóa liên quan hoặc sản phẩm liên quan ra thị trường hoặc xuất khẩu chúng, trừ khi việc đánh giá rủi ro cho thấy không có hoặc chỉ có rủi ro không đáng kể là các hàng hóa liên quan, sản phẩm liên quan không tuân thủ. Việc đánh giá rủi ro phải đặc biệt tính đến các tiêu chí sau: sự hiện diện rừng của quốc gia sản xuất; sự hiện diện của người dân bản địa tại quốc gia sản xuất; sự tham vấn và hợp tác thiện chí với người dân bản địa ở nước sản xuất; tỷ lệ mất rừng hoặc suy thoái rừng tại quốc gia sản xuất; nguồn gốc, độ tin cậy, tính hợp lệ của thông tin để chứng minh rằng các sản phẩm liên quan tuân thủ qui định vv… Việc đánh giá rủi ro phải được lập thành văn bản, xem xét hàng năm và cung cấp cho cơ quan có thẩm quyền khi có yêu cầu.
(iii) Các biện pháp giảm thiểu rủi ro: trước khi đưa các sản phẩm liên quan ra thị trường hoặc xuất khẩu chúng, nhà điều hành phải áp dụng các qui trình và biện pháp giảm thiểu rủi ro thích hợp để không có hoặc chỉ có rủi ro không đáng kể. Những qui trình và biện pháp như vậy có thể bao gồm: yêu cầu bổ sung thông tin, dữ liệu hoặc tài liệu; tiến hành khảo sát hoặc kiểm toán độc lập.
3. Tác động của EUDR đối với một số hàng nông sản Việt Nam
Cà phê, cao su, gỗ và sản phẩm gỗ là những mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam bị ảnh hưởng bởi EUDR[5]. Việc triển khai EUDR sẽ có nhiều thách thức, tác động trực tiếp đến các hộ sản xuất nhỏ, người dân bản địa; các doanh nghiệp vừa và nhỏ ở Việt Nam. Theo số liệu từ Tổng cục thống kê, 5 năm trở lại đây cho thấy, số lượng xuất khẩu cà phê và cao su của Việt Nam đều tăng: Năm 2018 đạt 1,88 triệu tấn, trị giá 3,54 tỷ USD; 2019 đạt 1,65 triệu tấn, trị giá 2,85 tỷ USD; 2020 đạt 1,57 triệu tấn, trị giá 2,70 tỷ USD; 2011 đạt 1,56 triệu tấn, trị giá 3,07 tỷ USD; 2022 đạt 1,78 triệu tấn, trị giá 4,06 tỷ USD[6]. Lượng cao su xuất khẩu của Việt Nam trong 5 năm gần đây cũng gia tăng: năm 2018 xuất khẩu được 1,56 triệu tấn, trị giá 2,0 tỷ USD; năm 2019 được 1,70 triệu tấn, trị giá 2,3 tỷ USD; năm 2020 được 1,17 triệu tấn, trị giá 2,3 tỷ USD; năm 2021 được 1,9 triệu tấn, trị giá 3,2 tỷ USD; năm 2022 được 2,14 triệu tấn, trị giá 3,3 tỷ USD[7]. Theo số liệu từ Bộ Công thương, trong những năm gần đây, ngành gỗ xuất khẩu phát triển rất nhanh. Năm 2010, xuất khẩu toàn ngành mới chỉ đạt khoảng 3 tỷ USD, đến năm 2022 là 16 tỷ USD và hiện nay là ngành xuất khẩu thứ 6 trong những ngành xuất khẩu chủ lực[8].
Mặt hàng cà phê có khả năng sẽ bị ảnh hưởng nhiều nhất. Theo số liệu của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Việt Nam hiện có trên 700.000 ha cà phê[9], trong đó, 32.000 ha tập trung thuộc các tập đoàn, tổng công ty Nhà nước quản lý; 668.000 ha còn lại phân tán nhỏ lẻ, không tập trung, được trồng bởi các hộ nông dân, tức là mỗi hộ nông dân chỉ sở hữu từ 0,5-1 ha đất trồng cà phê. Theo số liệu thống kê của IDH, ở Việt Nam có khoảng 600.000 hộ gia đình có diện tích trồng cà phê dưới 1ha, chiếm 95% lượng cà phê của cả nước[10]. Khoảng 92% diện tích cà phê của cả nước được trồng và sản xuất tại các tỉnh Tây Nguyên: Đăk Lăk, Lâm Đồng, Đăk Nông, Kon Tum và Gia Lai[11]. Tây Nguyên là nơi sinh sống của 54 dân tộc, trong đó dân tộc thiểu số khoảng 2,2 triệu người[12].
Thời hạn để thực thi EUDR đối với doanh nghiệp có quy mô lớn là tháng 12/2024, đối với doanh nghiệp quy mô vừa và nhỏ là tháng 6/2025. Điều đó có nghĩa là hàng nông sản tại Việt Nam sẽ phải đối mặt với rất nhiều thách thức để đáp ứng EUDR:
Thứ nhất, để chứng minh những “hàng hóa liên quan” hoặc “sản phẩm liên quan” không gây mất rừng theo yêu cầu của EUDR, các hộ nông dân, nhà sản xuất, doanh nghiệp chế biến, doanh nghiệp sản xuất và xuất khẩu Việt Nam phải thiết lập hệ thống dữ liệu ở nhiều cấp để truy xuất nguồn gốc. Theo Ủy ban Châu Âu ước tính chi phí liên quan đến việc tuân thủ EUDR đối với các hộ sản xuất nhỏ, người dân bản địa, các doanh nghiệp không hề nhỏ[13]. Như đã đề cập ở trên, ở Việt Nam hầu hết cà phê, cao su phân tán nhỏ lẻ, không tập trung, được trồng bởi các hộ nông dân với trình độ học vấn thấp, nguồn tài chính hạn chế. Theo Hoàng và những người khác, ở Việt Nam các hộ sản xuất nhỏ có năng lực hạn chế trong việc tuân thủ các biện pháp thúc đẩy chuỗi cung ứng bền vững, do trình độ học vấn thấp, nguồn tài chính hạn chế, các vấn đề liên quan đến quyền sử dụng đất … khả năng tiếp cận thông tin hạn chế, thái độ ngại rủi ro[14]. Do vậy, có khả năng các hộ sản xuất nhỏ, người dân bản địa, doanh nghiệp vừa và nhỏ ở Việt Nam sẽ không đủ kinh phí để sẵn sàng đầu tư chi phí để trang trải tất cả các chi phí liên quan đến triển khai hệ thống truy xuất nguồn gốc theo như yêu cầu của EUDR. Các hộ sản xuất nhỏ, nhà sản xuất, doanh nghiệp chế biến, doanh nghiệp sản xuất và xuất khẩu Việt Nam có qui mô vừa và nhỏ sẽ đối mặt với nguy cơ bị loại khỏi chuỗi cung ứng. Điều này cũng được Eliza và những người khác dự báo về tác động của EUDR đối với các hộ sản xuất nhỏ, người dân bản địa và cộng đồng địa phương ở các quốc gia ngoài EU[15]. Nguyễn Vinh Quang và những người khác cũng chỉ ra những rào cản mà các hộ sản xuất nhỏ gặp phải đã hạn chế họ tham gia vào các chương trình chứng nhận liên quan đến chuỗi cung ứng bền vững[16]. Điều đó có thể dẫn đến tình trạng được mùa mất giá, nhiều hộ gia đình có thể sẽ chuyển hướng đầu tư trồng các loại cây khác với hi vọng có thêm thu nhập cao hơn đảm bảo sinh kế của họ, gây nên tình trạng mất cân đối, phá vỡ quy hoạch cây trồng; đặc biệt có thể nhiều diện tích chuyển đổi cây trồng sang các vùng có điều kiện đất đai, sinh thái không phù hợp thổ nhưỡng, khí hậu[17]. Trong thực tế đã xảy ra trường hợp nông dân chặt cà phê trồng chanh leo vào năm 2016[18]. Nhiều vườn trồng cà phê, điều đã bị chặt phá để chuyển đổi khiến diện tích sầu riêng tăng đột biến tỉnh Đắk Nông, Đắk Lắk, Gia Lai, Lâm Đồng trong năm 2023.
Thứ hai, trong trường hợp “hàng hóa liên quan” hoặc “sản phẩm liên quan” không thể nhập khẩu vào thị trường EU, hàng nông sản của Việt Nam rất có thể bị ép giá khi xuất khẩu hàng sang các quốc gia có yêu cầu về việc tuân thủ ít hơn. Đứng trước thực trạng này, các doanh nghiệp chế biến, sản xuất và xuất khẩu Việt Nam sẽ phải liên kết, hợp nhất với nhau thiết lập hệ thống dữ liệu truy xuất nguồn gốc hàng hóa để đáp ứng yêu cầu EUDR. Điều đó có thể dẫn đến trường hợp mua bán sáp nhập doanh nghiệp, nguy cơ tạo ra môi trường độc quyền, trong đó chỉ có một số người mua và có quá nhiều người bán; đồng thời những doanh nghiệp nước ngoài với lợi thế nguồn vốn, công nghệ vv... sẽ tìm cách mua lại doanh nghiệp Việt Nam, hàng nông sản có thương hiệu Việt Nam có nguy cơ bị thôn tính để chuyển sang một thương hiệu mới. Nhưng nguy hiểm nhất là nếu chúng ta không chịu thay đổi để phù hợp với xu hướng tiêu dùng xanh, gắn với bảo vệ môi trường, bảo vệ quyền con người, phát triển bền vững, chuyển đổi số trong nông nghiệp nhằm khắc phục sản xuất manh mún, nhỏ lẻ chúng ta sẽ tụt hậu. Vì vậy, rất cần sự hỗ trợ từ Chính phủ Việt Nam để thiết lập hệ thống dữ liệu để truy xuất nguồn gốc hàng nông sản Việt Nam đáp ứng yêu cầu EUDR, đây vừa là xu hướng tất yếu, vừa là điều kiện để chúng ta tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu.
Thứ ba, hiện nay Việt Nam có khoảng 25 triệu người dân sống phụ thuộc vào rừng, trong đó có đa phần là người dân miền núi, vùng sâu, vùng xa, vùng còn nhiều khó khăn, đa phần trong số đó là các dân tộc ít người với những đặc điểm văn hoá, xã hội, truyền thống, thói quen, tập tục khác nhau[19], nếu họ bị bị loại khỏi chuỗi chuỗi cung ứng hàng hóa, với tập quán du canh du cư từ nơi này sang nơi khác để phát nương, làm rẫy có thể lại tiếp tục gây ra những điểm nóng về phá rừng, lấn chiếm đất rừng, tranh chấp đất đai, đặc biệt đã phá vỡ quy hoạch. Rừng có nguy cơ bị chặt phá cao hơn, đất bị thoái hoá không còn khả năng canh tác, ô nhiễm môi trường, mất cân bằng hệ sinh thái, tác hại không chỉ với người dân du canh du cư mà còn ảnh hưởng lớn đến sự phát triển kinh tế, xã hội chung của cả nước làm trầm trọng thêm tình trạng nghèo đói ở nông thôn; bất bình đẳng trong thu nhập ở nông thôn và đặc biệt là không đạt được mục tiêu phát triển bền vững đã được Chính phủ Việt Nam đó là “không để ai bị bỏ lại phía sau”.
Thứ tư, EUDR không chỉ cấm nhập khẩu những mặt hàng nông sản có quy trình sản xuất trên đất có nguồn gốc từ phá rừng và gây suy thoái rừng, mà quan trọng hơn là yêu cầu các sản phẩm đó phải phù hợp với luật pháp Việt Nam, bao gồm giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, sử dụng lao động, điều kiện lao động cho người nông dân và những quy định khác liên quan đến lao động. Hiện nay cả nước có khoảng 15-20% diện tích trồng cà phê chưa có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất do vậy rất khó khăn cho tính hợp pháp của vườn theo quy định của EUDR[20].
4. Một số đề xuất hoàn thiện chính sách, pháp luật Việt Nam
Việt Nam là một trong những quốc gia rất tích cực thực hiện những cam kết quốc tế về bảo tồn và phát triển rừng, đã tham gia Tuyên bố của Lãnh đạo Glasgow về rừng và sử dụng đất tại hội nghị COP26 nhằm ngăn chặn và đẩy lùi nạn phá rừng vào năm 2030; đã xây dựng nhiều chính sách và các chương trình nhằm giảm phá rừng và suy thoái rừng: Luật Lâm nghiệp năm 2017, Nghị định số 156/2018/NĐ-CP ngày 16/11/2018 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Lâm nghiệp; Luật Trồng trọt năm 2018; Quyết định số 523/QĐ-TTg ngày 01/4/2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược Phát triển Lâm nghiệp Việt Nam giai đoạn 2021-2030 và tầm nhìn 2050; Quyết định số 524/QĐ-TTg ngày 01/4/2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Trồng một tỷ cây xanh giai đoạn 2021-2025”; Quyết định số 1662/QĐ-TTg ngày 04/10/2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Bảo vệ rừng ven biển nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu và thúc đẩy tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030”; Quyết định số 327/QĐ-TTg ngày 10/3/2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án phát triển ngành công nghiệp chế biến gỗ bền vững, hiểu quả giai đoạn 2021-2030; Quyết định số 809/QĐ-TTg, ngày 12/7/2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình phát triển Lâm nghiệp bền vững giai đoạn 2021-2025; Thông tư 26/2022/TT-BNNPTNT quy định quản lý và truy xuất nguồn gốc lâm sản; Quyết định số 993/QĐ-TTg ngày 24 tháng 8 năm 2023 của Thủ tướng Chính phủ, phê duyệt Kế hoạch quốc gia triển khai Tuyên bố Glasgow về rừng và sử dụng đất đến năm 2030.
Tuy nhiên, để hàng nông sản Việt Nam có thể đáp ứng yêu cầu của EUDR Việt Nam cần
Thứ nhất, xây dựng và ban hành các tiêu chuẩn, quy chuẩn quy định về truy xuất nguồn gốc theo chuỗi cung ứng đến vùng, có gắn với định vị của từng vườn; số hóa dữ liệu bản đồ địa chính các vườn trồng; áp dụng các chứng chỉ bền vững đối với các mặt hàng cà phê, cao su, gỗ và các mặt hàng bị ảnh hưởng bởi EUDR; xây dựng hệ thống truy xuất nguồn gốc; mã truy vết sản phẩm; mã truy vết địa điểm đối với sản phẩm, hàng hóa. Đặc biệt là cần xây dựng cổng thông tin truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa quốc gia.
Thứ hai, xây dựng bản đồ về hiện trạng tài nguyên rừng, bao gồm cơ sở dữ liệu rừng và vùng sản xuất, phân vùng sản xuất theo các cấp độ nguy cơ gây mất rừng, suy thoái rừng; xây dựng các vùng sản xuất rủi ro, vùng an toàn; rà soát hệ thống thông tin, dữ liệu về rừng và đất lâm nghiệp, các diện tích chống lấn và đặc biệt là hoàn thiện cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các hộ gia đình chưa có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.
Thứ ba, tăng cường hợp tác với các tổ chức quốc tế và quốc gia khác để trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm và tìm kiếm các giải pháp để hàng nông sản Việt Nam có thể đáp ứng yêu cầu của EUDR. Chính phủ cần có những hỗ trợ về nguồn vốn, tài chính, kỹ thuật, cho các hộ nông dân, các công ty xuất khẩu; tuyên truyền phổ biến quy định EUDR nhằm thúc đẩy sản xuất nông nghiệp và chăn nuôi bền vững, chuyển đổi sang chuỗi cung ứng không phá rừng; hỗ trợ chuyển đổi, cải thiện sinh kế cho nông dân, đặc biệt người dân tộc ở khu xen kẽ rừng và tiếp giáp rừng.
Thứ tư, những quy định về hạn điền, thời hạn sử dụng đất trong Luật đất đai năm 2013 vô hình chung đã ngăn cản những hộ nông dân tích tụ và đầu tư trên đất, cản trở nông dân sử dụng các thiết bị cơ giới hóa hiện đại, tạo ra sự bất bình đẳng giữa những người sử dụng đất. Do vậy Luật đất đai cần xóa bỏ những quy định về mức hạn điền đối với hộ gia đình, cá nhân, tạo cơ hội nâng cao hiệu quả sử dụng đất cũng như tạo ra sự bình đẳng giữa những người sử dụng đất.
5. Kết luận
Tiêu dùng xanh, tiêu dùng sản phẩm thân thiện với môi trường đang là một xu hướng tất yếu của thị trường toàn cầu chứ không chỉ riêng EU. Không gây mất rừng là mang lại lợi ích cho các quốc gia chứ không chỉ riêng EU. EU là một thị trường rộng lớn, quy chuẩn về an toàn thực phẩm, nguồn gốc xuất xứ, sở hữu trí tuệ, bảo vệ môi trường đều nghiêm ngặt. EUDR là thách thức, đồng thời là cơ hội đối với hàng nông sản xuất khẩu của Việt Nam. Việc thực thi EUDR là một biện pháp quan trọng nhằm giúp Việt nam tiếp cận và hướng tới xu hướng tiêu dùng xanh tất yếu của thị trường toàn cầu. Nếu chúng ta không đổi mới, chúng ta sẽ bị tụt hậu. Để thích ứng với những qui định này, Nhà nước cần có các chính sách hỗ trợ nhằm thúc đẩy sản xuất nông nghiệp và chăn nuôi không phá rừng. Việc truy xuất nguồn gốc là rất khó khăn và tốn kém, đây không chỉ là công việc của các hộ sản xuất nhỏ, người dân bản địa, doanh nghiệp vừa và nhỏ, các công ty xuất nhập khẩu, mà là công việc quốc gia, do đó rất cần có sự hỗ trợ nhiều từ Chính phủ Việt Nam.
Tài liệu tham khảo
1. Bộ Công thương, Xuất khẩu cao su năm 2022 lập kỷ lục, Bộ Công thương, (30/01/2023), https://cmsc.gov.vn/xem-chi-tiet/-/asset_publisher/WqvULR6gmpvh/Content/xuat-khau-cao-su-nam-2022-lap-ky-luc?2852028
2. Bộ Nông nghiệp và Phát triên Nông thôn, Công văn số: 5179/BNN-HTQT ngày 01/8/2023 về việc triển khai Khung Kế hoạch hành động thích ứng với Quy định không gây mất rừng EU, https://thuvienphapluat.vn/cong-van/Tai-nguyen-Moi-truong/Cong-van-5179-BNN-HTQT-2023-Khung-Ke-hoach-hanh-dong-khong-gay-mat-rung-EU-576579.aspx
3. Quỳnh Chi, Không đẩy nông dân vào thế khó để sớm đạt tiêu chuẩn EUDR bằng mọi giá, Nông nghiệp Việt Nam, (07h41 05/11/2023), https://nongnghiep.vn/khong-day-nguoi-nong-dan-vao-the-kho-de-som-dat-tieu-chuan-eudr-bang-moi-gia-d367278.html#:~:text=C%C3%B3%20kho%E1%BA%A3ng%2015%2D20%25%20di%E1%BB%87n,c%E1%BA%A3%20Vi%E1%BB%87t%20Nam%20v%C3%A0%20EUDR
4. Eliza Zhunusova,Vianny Ahimbisibwe, Le Thi Hoa Sen, Azin Sadeghi, Tarin Toledo-Aceves, Gillian Kabwe, Sven Günter, Potential impacts of the proposed EU regulation on deforestation-free supply chains on smallholders, indigenous peoples, and local communities in producer countries outside the EU, Forest Policy and Economics, 143, 3, (13/08/2022), https://doi.org/10.1016/j.forpol.2022.102817
5. European Commission, 2021. Annexes to the Proposal for a Regulation on deforestation-free Products. Impact Assessment Report. https://ec.europa.eu/enviro nment/publications/proposal-regulation-deforestation-free-products_en.
6. European Commission, Regulation (EU) 2023/1115 of the European Parliament and of the Council of 31 May 2023 on the making available on the Union market and the export from the Union of certain commodities and products associated with deforestation and forest degradation and repealing Regulation (EU) No 995/2010, (09/6/2023), https://eur-lex.europa.eu/legal-content/EN/TXT/PDF/?uri=CELEX:32023R1115
7. FAO, Global Forest Resources Assessment 2020 Main Report, (18/11/2020), http://www.fao.org/3/ca9 825en/ca9825en.pdf
8. Phạm Nguyên, Thời cơ và động lực để các tỉnh Tây Nguyên phát triển mạnh mẽ, Dân tộc và Phát triển, (03h32 02/12/2023), https://baodantoc.vn/thoi-co-va-dong-luc-de-cac-tinh-tay-nguyen-phat-trien-manh-me-1701452090068.htm
9. Phạm Hoàng, Nông dân lại ồ ạt bỏ cây cà phê, trồng chanh dây, Dân Trí, (13h40 26/4/2023), https://dantri.com.vn/lao-dong-viec-lam/nong-dan-lai-o-at-bo-cay-ca-phe-trong-chanh-day-20230420113032746.htm
10. Hoang, H.T.N., Hoshino, S., Onitsuka, K., Maraseni, T., Cost analysis of FSC forest certification and opportunities to cover the costs a case study of Quang tri FSC group in Central Vietnam, Journal of Forest Research, 24 (3), 137–142. https://doi.org/10.1080/ 13416979.2019.1610993
11. IDH, Coffee Production in the face of Climate Change. Country Profiles, Global Coffee Platform, p. 55, https://www.idhsustainabletrade.com/uploaded/2019/08/CountryProfile_Climate_Coffee_ALL.pdf
12. Tuệ Minh, Đẩy mạnh xúc tiến thương mại ngành gỗ, Bộ Công thương, (15h35 12/7/2023), https://moit.gov.vn/tin-tuc/xuc-tien-thuong-mai/day-manh-xuc-tien-thuong-mai-nganh-go.html
13. Phạm Nguyên, Thời cơ và động lực để các tỉnh Tây Nguyên phát triển mạnh mẽ, Dân tộc và Phát triển, (03h32 02/12/2023), https://baodantoc.vn/thoi-co-va-dong-luc-de-cac-tinh-tay-nguyen-phat-trien-manh-me-1701452090068.htm
14. Nguyen Vinh Quang, To Xuan Phuc, Naomi Basik Treanor, Nguyen Ton Quyen, Cao Thi Cam, Linking Smallholder Plantations to Global Markets: Lessons from the IKEA model in Vietnam, Forest Trends Report Series, Forest Policy, Trade, and Finance, p. 40, Forest Trends, https://www.forest-trends.org/wp-content/uploads/2018/06/IKEA-case-study-15-June_Final.pdf
15. Sở Giao dịch hàng hóa Việt Nam, Xuất khẩu cà phê: Điểm sáng trong nhiều thách thức, Báo Điện tử Chính phủ, (11h03 16/2/2023), https://baochinhphu.vn/xuat-khau-ca-phe-diem-sang-trong-nhieu-thach-thuc-102230216105807171.htm
16. Trung Tân, Diện tích trồng sầu riêng Tây Nguyên tăng quá nhanh, Tuổi Trẻ, (17h42 23/10/2023), https://tuoitre.vn/dien-tich-trong-sau-rieng-tay-nguyen-tang-qua-nhanh-20231022123913106.htm
17. Vũ Thành, Trần Thảo, Sống tốt với nghề rừng, Nhân Dân, (06h20 11/9/2023), https://nhandan.vn/bai-1-song-tot-voi-nghe-rung-post771822.html [1] Nguyễn Hiền, Xuất khẩu cà phê khởi đầu niên vụ mới với nhiều nỗi lo, Hải Quan, (14h03 24/12/2023), https://haiquanonline.com.vn/xuat-khau-ca-phe-khoi-dau-nien-vu-moi-voi-nhieu-noi-lo-181676-181676.html
18. Phan Tuấn, Cà phê Tây Nguyên và một năm được mùa, giá cao kỷ lục, Lao Động, (14h06 01/01/2024), https://laodong.vn/xa-hoi/ca-phe-tay-nguyen-va-mot-nam-duoc-mua-gia-cao-ky-luc-1286900.ldo
19. WWF, Stepping Up? The Continuing Impact of EU Consumption on Nature Worldwide, (14/4/2021), https://www.fao.org/3/ca9825en/ca9825en.pdf
[1] EUDR: EU Deforestation-Free Regulation: Quy chế không gây mất rừng của EU
[2] FAO, Global Forest Resources Assessment 2020 Main Report, (18/11/2020), http://www.fao.org/3/ca9 825en/ca9825en.pdf
[3] WWF, Stepping Up? The Continuing Impact of EU Consumption on Nature Worldwide, trang…., (14/4/2021), https://www.fao.org/3/ca9825en/ca9825en.pdf
[4] European Commission, Regulation (EU) 2023/1115 of the European Parliament and of the Council of 31 May 2023 on the making available on the Union market and the export from the Union of certain commodities and products associated with deforestation and forest degradation and repealing Regulation (EU) No 995/2010, (09/6/2023), https://eur-lex.europa.eu/legal-content/EN/TXT/PDF/?uri=CELEX:32023R1115
[5] Bộ Nông nghiệp và Phát triên Nông thôn, Công văn số: 5179/BNN-HTQT ngày 01/8/2023 về việc triển khai Khung Kế hoạch hành động thích ứng với Quy định không gây mất rừng EU, https://thuvienphapluat.vn/cong-van/Tai-nguyen-Moi-truong/Cong-van-5179-BNN-HTQT-2023-Khung-Ke-hoach-hanh-dong-khong-gay-mat-rung-EU-576579.aspx
[6] Sở Giao dịch hàng hóa Việt Nam, Xuất khẩu cà phê: Điểm sáng trong nhiều thách thức, Báo Điện tử Chính phủ, (11h03 16/2/2023), https://baochinhphu.vn/xuat-khau-ca-phe-diem-sang-trong-nhieu-thach-thuc-102230216105807171.htm
[7] Bộ Công thương, Xuất khẩu cao su năm 2022 lập kỷ lục, Bộ Công thương, (30/01/2023), https://cmsc.gov.vn/xem-chi-tiet/-/asset_publisher/WqvULR6gmpvh/Content/xuat-khau-cao-su-nam-2022-lap-ky-luc?2852028
[8] Tuệ Minh, Đẩy mạnh xúc tiến thương mại ngành gỗ, Bộ Công thương, (15h35 12/7/2023), https://moit.gov.vn/tin-tuc/xuc-tien-thuong-mai/day-manh-xuc-tien-thuong-mai-nganh-go.html
[9] Nguyễn Hiền, Xuất khẩu cà phê khởi đầu niên vụ mới với nhiều nỗi lo, Hải Quan, (14h03 24/12/2023), https://haiquanonline.com.vn/xuat-khau-ca-phe-khoi-dau-nien-vu-moi-voi-nhieu-noi-lo-181676-181676.html
[10] IDH, Coffee Production in the face of Climate Change. Country Profiles, Global Coffee Platform, p. 55, https://www.idhsustainabletrade.com/uploaded/2019/08/CountryProfile_Climate_Coffee_ALL.pdf
[11] Phan Tuấn, Cà phê Tây Nguyên và một năm được mùa, giá cao kỷ lục, Lao Động, (14h06 01/01/2024), https://laodong.vn/xa-hoi/ca-phe-tay-nguyen-va-mot-nam-duoc-mua-gia-cao-ky-luc-1286900.ldo
[12] Phạm Nguyên, Thời cơ và động lực để các tỉnh Tây Nguyên phát triển mạnh mẽ, Dân tộc và Phát triển, (03h32 02/12/2023), https://baodantoc.vn/thoi-co-va-dong-luc-de-cac-tinh-tay-nguyen-phat-trien-manh-me-1701452090068.htm
[13] European Commission, 2021. Annexes to the Proposal for a Regulation on deforestation-free Products. Impact Assessment Report. https://ec.europa.eu/enviro nment/publications/proposal-regulation-deforestation-free-products_en.
[14] Hoang, H.T.N., Hoshino, S., Onitsuka, K., Maraseni, T., Cost analysis of FSC forest certification and opportunities to cover the costs a case study of Quang tri FSC group in Central Vietnam, Journal of Forest Research, 24 (3), 137–142. https://doi.org/10.1080/ 13416979.2019.1610993
[15] Eliza Zhunusova,Vianny Ahimbisibwe, Le Thi Hoa Sen, Azin Sadeghi, Tarin Toledo-Aceves, Gillian Kabwe, Sven Günter, Potential impacts of the proposed EU regulation on deforestation-free supply chains on smallholders, indigenous peoples, and local communities in producer countries outside the EU, Forest Policy and Economics, 143, 3, (13/08/2022), https://doi.org/10.1016/j.forpol.2022.102817
[16] Nguyen Vinh Quang, To Xuan Phuc, Naomi Basik Treanor, Nguyen Ton Quyen, Cao Thi Cam, Linking Smallholder Plantations to Global Markets: Lessons from the IKEA model in Vietnam, Forest Trends Report Series, Forest Policy, Trade, and Finance, p. 40, Forest Trends, https://www.forest-trends.org/wp-content/uploads/2018/06/IKEA-case-study-15-June_Final.pdf
[17] Trung Tân, Diện tích trồng sầu riêng Tây Nguyên tăng quá nhanh, Tuổi Trẻ, (17h42 23/10/2023), https://tuoitre.vn/dien-tich-trong-sau-rieng-tay-nguyen-tang-qua-nhanh-20231022123913106.htm
[18] Phạm Hoàng, Nông dân lại ồ ạt bỏ cây cà phê, trồng chanh dây, Dân Trí, (13h40 26/4/2023), https://dantri.com.vn/lao-dong-viec-lam/nong-dan-lai-o-at-bo-cay-ca-phe-trong-chanh-day-20230420113032746.htm
[19] Vũ Thành, Trần Thảo, Sống tốt với nghề rừng, Nhân Dân, (06h20 11/9/2023), https://nhandan.vn/bai-1-song-tot-voi-nghe-rung-post771822.html
[20] Quỳnh Chi, Không đẩy nông dân vào thế khó để sớm đạt tiêu chuẩn EUDR bằng mọi giá, Nông nghiệp Việt Nam, (07h41 05/11/2023), https://nongnghiep.vn/khong-day-nguoi-nong-dan-vao-the-kho-de-som-dat-tieu-chuan-eudr-bang-moi-gia-d367278.html#:~:text=C%C3%B3%20kho%E1%BA%A3ng%2015%2D20%25%20di%E1%BB%87n,c%E1%BA%A3%20Vi%E1%BB%87t%20Nam%20v%C3%A0%20EUDR