LTS: Để xác lập “bình thường mới” cho thị trường trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) cần tăng cường khung pháp lý, từ đó thúc đẩy thị trường ổn định và linh hoạt hơn.
Thị trường TPDN bước qua “khủng hoảng”
Nếu căn cứ trên sự sôi động trở lại nhất định thị trường có người bán và có người mua để các đợt chào bán sơ cấp thành công; cũng như căn cứ vào sự tích cực hiện diện nhiều hơn của các mã hàng trên thị trường giao dịch tập trung TPDN riêng lẻ (300/ >1300 mã), thì có lẽ thể nói thị trường TPDN đã phần nào đã lấy lại niềm tin sau “thiên nga đen” 2022.
Tuy nhiên, cấu trúc khối phát hành và nhu cầu vốn vẫn thuộc về 2 ngành “nóng”, với gần 11 tháng 2023 (tính đến nửa quý IV), ngân hàng vẫn là khối “áp đảo” về hoạt động phát hành mới với hơn 110.000 tỷ đồng chiếm hơn ½ tổng giá trị huy động của toàn thị trường. Bất động sản bám sát với gần 74.000 tỷ đồng.
Theo đó, các đợt phát hành của ngân hàng là sự cơ cấu lại dòng vốn với chi phí rẻ hơn. Ở bất động sản, lãi suất vẫn cao nhưng phát hành thành công phần nào có sự hỗ trợ của các ngân hàng và công ty chứng khoán. VIS Ratings dẫn 1 số CTCK như TCBS hay VPBanks đã có sự tăng tốc về giá trị nắm giữ TPDN lên 40-50% tổng tài sản trong 3 quý đầu 2023 và cho rằng các khoản đầu tư này nằm trong mục tiêu chung của cả hệ sinh thái lớn nhằm hỗ trợ nhu cầu thanh khoản cho các khách hàng doanh nghiệp của họ. Điều đó vừa cho thấy rằng việc tham gia của các định chế đầu tư tổ chức và nhà đầu tư (NĐT) cá nhân vẫn rất hạn chế, vừa là dấu hiệu để xác định mối liên thông ngân hàng – chứng khoán- bất động sản trên thị trường.
Áp lực phía trước
Ông Nguyễn Quang Thuân, Chủ tịch Fiin Group và FiinRatings nhận định, việc nhận diện được 147 tổ chức phát hành (TCPH) vi phạm trả lãi/gốc tính đến tháng 11/2023, giúp thị trường xác định nhóm các TCPH có tài chính lành mạnh, là cơ sở và tiền đề cho việc khôi phục hoạt động phát hành TPDN của nhóm TCPH nói trên và thị trường nói chung.
Nhưng áp lực trên thị trường vẫn còn rất lớn. Thống kê cho thấy 2024 vẫn còn tới hơn 381.954 tỷ đồng nợ phải trả dự kiến của các TCPH trên thị trường. Con số này có giá trị lớn tuyệt đối cao hơn nhiều so với giá trị nợ phải đáo hạn trong 2 năm căng thẳng của thị trường TPDN vừa qua (năm 2022 chỉ có 144.500 tỷ đồng, năm 2023 là 271.400 tỷ đồng).
Bên cạnh các yếu tố tích cực như thị trường đã khoanh vùng được vùng khó khăn, thông tin minh bạch hơn và vẫn có cơ hội cho những TPDN tốt, ông Thuân cũng cho rằng, nếu như sang năm (2024), môi trường kinh doanh khả năng tiếp tục khó khăn, phục hồi chậm, sẽ đến sự gia tăng rủi ro, đặc biệt với nhóm TCPH ngành bất động sản và năng lượng do triển vọng kinh doanh kém. Cùng với đó là yếu tố tiêu cực về sự thiếu tham gia mạnh mẽ của các NĐT tổ chức định chế phi tài chính và NĐT cá nhân.
Mặt khác, “Kỳ vọng sửa đổi Thông tư 02 (tạo điều kiện cơ cấu lại tín dụng) và sửa đổi Nghị định 08 (giãn hoãn trái phiếu doanh nghiệp) nhưng tác động lây chéo sang tín dụng ngân hàng là rủi ro lớn hiện nay, nhất là các ngân hàng có bộ đệm vốn thấp hoặc bao phủ nợ xấu thấp”, ông Nguyễn Quang Thuân nhận định.
Hiện Thông tư 02 đang được các NHTM – người trong cuộc cung cấp tín dụng và tài trợ TPDN- kiến nghị cần được gia hạn. Việc “phanh” 3 nội dung quy định tại Điều 3/ Nghị định 08 về quy định áp dụng chứng minh NĐT chứng khoán phải là NĐT chuyên nghiệp, xếp hạng tín nhiệm bắt buộc và giảm thời gian phân phối trái phiếu sau khi kết thúc năm 2023, cũng được xem là bước đi để xác lập thời “bình thường mới” của thị trường TPDN.
Song thực tế thị trường hiện tại và khoảng trống trong tạo sức hút NĐT, đặc biệt NĐT cá nhân, việc phanh các quy định là cần thiết; hay cần thiết hơn vẫn là cơ chế, chế tài cụ thể về vai trò, trách nhiệm của tổ chức công nhận NĐT chứng khoán chuyên nghiệp, cũng như năng lực thanh kiểm tra giám sát của cơ quan quản lý khi áp dụng Nghị định 65 và các quy định khác, để đây không chỉ là một giai đoạn quá độ phục hồi còn hàm chứa những rủi ro của thị trường TPDN?