Tăng cường kiểm tra, xử lý các hành vi gây tai nạn giao thông đường sắt

Để bảo đảm trật tự, an toàn giao thông, Cục Cảnh sát giao thông đã chỉ đạo tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm hành vi là nguyên nhân gây tai nạn giao thông đường sắt.

Tàu hỏa va chạm ô tô ở thành phố Biên Hòa khiến hai người tử vong

Vào tối ngày 28/7, nhân viên gác chắn đóng đường Phạm Văn Thuận, phường Thống Nhất, để đón tàu từ Bắc vào Nam. Một ô tô bán tải biển Đồng Nai do ông Võ Văn Khải, 49 tuổi, cầm lái chở ba người từ trong hẻm đi ra đã bất ngờ bị tàu đâm khi băng qua giao cắt đường sắt.

Tai nạn khiến ô tô bị văng sang vỉa hè và va chạm với một công nhân đang dọn rác, khiến người này tử vong tại chỗ. Một bé trai trên xe cũng không qua khỏi. Tài xế và hai người còn lại bị thương nặng. Phần đầu ô tô bán tải bị biến dạng, mảnh vỡ văng xa khiến nhiều người hoảng sợ, tìm cách thoát thân.

Theo lực lượng chức năng, khu vực tai nạn có gác chắn ở hai đầu đường Phạm Văn Thuận và hẻm vào chợ dân sinh phường Thống Nhất ngay cạnh đường sắt. Hướng ôtô di chuyển từ đường dân sinh song song với đường sắt đi theo hướng ra đường Phạm Văn Thuận không có gác chắn.

Theo một số người chứng kiến, khi tàu hỏa sắp tới, nhân viên trực chốt đã hạ barie, thổi còi báo hiệu nhưng ôtô vẫn chạy vào.

oto-bi-tau-tong-bien-dang-phan-dau-va-duoi-pld-1722326300.jpg
Ôtô bị tàu tông biến dạng phần đầu và đuôi. (Nguồn: VnExpress)

Phân loại mức độ thiệt hại do tai nạn giao thông đường sắt gây ra

Tai nạn giao thông đường sắt được giải thích tại khoản 7 Điều 3 Thông tư 23/2018/TT-BGTVT là việc phương tiện giao thông đường sắt xảy ra đâm nhau, trật bánh, đổ tàu; đâm, va vào người, phương tiện giao thông khác và ngược lại hoặc phương tiện giao thông đường sắt đang hoạt động đâm, va vào chướng ngại vật gây thiệt hại cho tính mạng, sức khỏe của con người hoặc gây thiệt hại về tài sản; cháy tàu đường sắt đô thị.

Mức độ thiệt hại do tai nạn giao thông đường sắt gây ra được phân loại theo Điều 8 Thông tư 23/2018/TT-BGTVT quy định:

Điều 8. Phân loại theo mức độ thiệt hại do tai nạn giao thông đường sắt gây ra

1. Tai nạn giao thông đường sắt ít nghiêm trọng là tai nạn có từ 01 đến 05 người bị thương hoặc gây thiệt hại về tài sản có giá trị từ 20 triệu đồng đến dưới 100 triệu đồng.

2. Tai nạn giao thông đường sắt nghiêm trọng là tai nạn có 01 người chết hoặc có từ 06 đến 08 người bị thương hoặc gây thiệt hại về tài sản có giá trị từ 100 triệu đồng đến dưới 500 triệu đồng.

3. Tai nạn giao thông đường sắt rất nghiêm trọng là tai nạn có 02 người chết hoặc có từ 09 đến 10 người bị thương hoặc gây thiệt hại về tài sản có giá trị từ năm trăm triệu đồng đến dưới 01 tỷ 500 triệu đồng.

4. Tai nạn giao thông đường sắt đặc biệt nghiêm trọng là tai nạn có từ 03 người chết trở lên hoặc có từ 11 người bị thương trở lên hoặc gây thiệt hại về tài sản có giá trị từ 01 tỷ 500 triệu đồng trở lên.

Như vậy, mức độ thiệt hại do tai nạn giao thông đường sắt gây ra được phân loại theo 4 mức độ theo quy định trên.

hien-truong-tai-nan-pld-1722326300.jpg
Hiện trường tai nạn. (Nguồn: Giao thông 24h)

Xử lý vi phạm an toàn giao thông đường sắt

Cục Cảnh sát giao thông đã chỉ đạo lực lượng cảnh sát giao thông tăng cường rà soát tổ chức giao thông tại các khu vực đường ngang giao với đường sắt để kiến nghị đường sắt và chính quyền địa phương lắp đặt gác chắn, đèn tín hiệu… và nhiều giải pháp khác.

Tiếp tục đẩy mạnh công tác kiểm tra, bảo đảm trật tự an toàn đường sắt; xử lý nghiêm các hành vi không chấp hành các quy định khi đi qua đường ngang, vi phạm hành lang an toàn giao thông đường sắt… Rà soát các đường ngang dân sinh đi qua đường sắt không đảm bảo an toàn;

Tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm các hành vi là nguyên nhân gây TNGT đường sắt tại các đường ngang, lối đi tự mở, khu vực không có gác chắn, vị trí nguy hiểm như: vượt qua đường ngang khi đèn đỏ bật sáng; không chấp hành hiệu lệnh, chỉ dẫn của biển báo hiệu, vạch kẻ đường khi qua đường ngang; dừng xe, đỗ xe, quay đầu xe trong phạm vi đường ngang; người đi bộ vi phạm khổ giới hạn đường sắt;

Xử lý các hành vi vi phạm về bảo vệ kết cấu hạ tầng đường sắt, vi phạm hành lang an toàn giao thông đường sắt; rà soát tổ chức giao thông tại các khu vực đường ngang giao với đường sắt để kiến nghị đường sắt và chính quyền địa phương lắp đặt gác chắn, đèn tín hiệu… tăng cường tuyên truyền kỹ năng tham gia giao thông.