Tập đoàn công nghệ lớn gia tăng hiện diện tại Việt Nam: Cơ hội nào cho ngành điện tử?

Việt Nam có lợi thế trong việc thu hút các nhà đầu tư vào ngành điện tử, từ đó giúp các DN trong nước tham gia vào quá trình hoàn thiện chuỗi cung ứng.

Hội tụ nhiều tập đoàn công nghệ lớn

Việt Nam đã thu hút được những tập đoàn điện tử lớn trên thế giới đến đầu tư như Samsung, LG, Intel, Canon, Poster… Năm 2024, nhiều ông lớn công nghệ cho biết sẽ tiếp tục mở rộng, tăng đầu tư tại Việt Nam.

viet-nam-da-thu-hut-duoc-nhung-tap-doan-dien-tu-lon-tren-the-gioi-den-dau-tu-pld-1715159932.jpg
Việt Nam đã thu hút được những tập đoàn điện tử lớn trên thế giới đến đầu tư

Theo Bộ Công Thương, với hàng loạt doanh nghiệp điện tử lớn đầu tư vào Việt Nam như Samsung, Apple, LG, Intel… ngành công nghiệp điện tử Việt Nam có thể sẽ là trung tâm sản xuất của châu Á. Nhiều tập đoàn lớn trên thế giới thông báo sẽ tham gia như Walmart, Amazon, Boeing, Carrefour, Central Group; Coppel (Mexico), IKEA (Thụy Điển); Aeon, Uniqlo (Nhật Bản)…

Đáng chú ý, thị trường điện thoại di động Việt Nam đã trở thành một điểm sáng với sự phát triển nhanh chóng và tiềm năng khổng lồ, trong đó Apple ghi nhận thành công vượt bậc.

Cùng với kết quả kinh doanh sáng sủa, Apple cũng đồng thời liên tục gia tăng cam kết tại Việt Nam. Từ năm 2019 tới nay, Apple đã chi gần 400 nghìn tỷ đồng thông qua chuỗi cung ứng địa phương và đã tăng hơn gấp đôi mức chi hàng năm cho Việt Nam trong cùng kỳ.

Trong khi đó, 3 đối tác lớn cho Apple tại Việt Nam là Foxconn, Luxshare và GoerTek đã liên tục mở rộng cơ sở sản xuất điện tử. Hãng Apple đã đề nghị đối tác lớn nhất là Foxconn mở dây chuyền sản xuất MacBook tại Việt Nam từ khoảng tháng 5/2023. Foxconn sau khi đầu tư 1,5 tỷ USD xây dựng cơ sở sản xuất, tới đây sẽ đầu tư thêm 300 triệu USD vào nhà máy Fukang đang xây dựng tại Khu công nghiệp Quang Châu (Bắc Giang). Trong khi đại diện Goertek cho biết, tiếp tục đầu tư 300 triệu USD mở rộng nhà máy tại Bắc Giang; Còn Luxshare hiện có 6 nhà máy với khoảng 40.000 nhân sự tại Việt Nam.

Pegatron đang mở rộng dự án thứ 2 linh kiện điện tử, với tổng vốn đầu tư khoảng 481 triệu USD tại Hải Phòng. Theo kế hoạch, Pegatron sẽ tiếp tục đầu tư dự án thứ 3 với quy mô 500 triệu USD trong giai đoạn 2025 – 2026.

Sự xuất hiện của những tập đoàn sản xuất lớn cho thấy, Việt Nam đang trở thành trung tâm sản xuất lớn toàn cầu. Trước đó, những doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) có mặt từ sớm tại thị trường nội địa như Intel, Samsung, LG, Qualcomm… cũng liên tục công bố mở rộng đầu tư. Đáng chú ý nhất khi cuối năm 2023, Samsung chính thức đưa Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển (R&D) tại Hà Nội vào hoạt động – đây là trung tâm R&D lớn nhất tại khu vực Đông Nam Á của tập đoàn này trong kế hoạch nâng tầm vị thế của Việt Nam vượt qua vai trò là cứ điểm sản xuất toàn cầu. Hiện Samsung đã dịch chuyển toàn bộ dây chuyền sản xuất điện thoại của tập đoàn về Việt Nam và Ấn Độ. Khoảng 60% sản lượng điện thoại thông minh của Samsung bán ra trên toàn thế giới được sản xuất tại Việt Nam.

Bà Đỗ Thị Thúy Hương – Ủy viên Hiệp hội Doanh nghiệp điện tử Việt Nam (VEIA) cũng nhận định, đây là cơ hội của doanh nghiệp Việt Nam và chúng ta phải nắm bắt cơ hội đó.

Tuy nhiên, được đánh giá là ngành công nghiệp mũi nhọn và đạt được một số thành tựu trong thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài, đóng vai trò lớn trong xuất khẩu, nhưng thực tế, nhóm hàng điện tử, máy tính và linh kiện Việt Nam vẫn phụ thuộc phần lớn vào các doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài.

Bà Hương chỉ ra nguyên nhân căn bản là tỷ lệ nội địa hóa ngành điện tử còn thấp; các sản phẩm điện tử trên thị trường Việt Nam đa số là hàng nhập khẩu nguyên chiếc hoặc lắp ráp trong nước bằng linh kiện ngoại; doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ ngành điện tử dù đã tham gia vào chuỗi giá trị của ngành, nhưng mới cung cấp được các sản phẩm đơn giản, có giá trị hàm lượng công nghệ thấp.

“Ngành công nghiệp điện tử có đặc thù là thâm dụng lao động lớn. Điều đó ngược hẳn với ngành công nghiệp điện tử ở các nước khác trên thế giới khi tập trung vốn và công nghệ. Nguyên nhân do Việt Nam tập trung vào khâu hạ nguồn, chủ yếu là lắp ráp và thâm dụng lao động”, bà Đỗ Thị Thúy Hương chỉ ra.

Tạo sức bật cho doanh nghiệp nội

Chia sẻ về chuỗi cung ứng ngành công nghiệp điện tử tại Việt Nam, bà Đỗ Thị Thúy Hương, cho hay, chuỗi cung ứng được đầu tư tương đối đầy đủ nhưng mạnh về sản xuất gia công linh kiện, cụm linh kiện.

Theo bà Hương, việc đầu tư vào ngành công nghiệp điện tử tại Việt Nam được trải rộng trong hầu hết ngành công nghiệp hỗ trợ, sản xuất và gia công linh kiện, phụ kiện, cụm linh kiện và lắp ráp gia công, hoàn thiện sản phẩm. Trong đó, lĩnh vực sản xuất và gia công linh kiện, phụ kiện, cụm linh kiện chiếm tỷ lệ nhiều hơn. Các dự án gia công lắp ráp sản phẩm hoàn thiện chiếm số lượng ít nhưng số vốn đầu tư lại lớn. Đặc biệt, số lượng dự án và vốn đầu tư vào hạng mục sản xuất gia công linh kiện, phụ kiện, cụm linh kiện gia tăng đáng kể.

Thời gian qua, Bộ Công Thương đang triển khai nhiều chương trình, dự án hợp tác quốc tế, các doanh nghiệp FDI đã có những chính sách nhất định nhằm hỗ trợ các nhà cung ứng nội địa và bản thân các doanh nghiệp trong nước cũng rất nỗ lực nâng cao chất lượng sản phẩm và khả năng cạnh tranh để gia nhập vào chuỗi cung ứng của các doanh nghiệp FDI.

Theo đó, Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương) đã tích cực tham gia các hoạt động hợp tác quốc tế trong lĩnh vực công nghiệp, đặc biệt là công nghiệp điện tử và công nghiệp hỗ trợ. Cụ thể, với Hàn Quốc đã phối hợp xây dựng nên Trung tâm Tư vấn và giải pháp công nghệ Việt Nam – Hàn Quốc (VITASK).

Ông Phạm Tuấn Anh – Phó Cục trưởng Cục Công nghiệp cho biết, Bộ Công Thương đã hợp tác với Samsung Việt Nam Toyota triển khai nhiều chương trình thiết thực, hiệu quả, góp phần nâng cao năng lực của ngành công nghiệp hỗ trợ tại Việt Nam. “Trong đó, có Chương trình hợp tác với Samsung đào tạo chuyên gia tư vấn lĩnh vực nghiệp hỗ trợ; Chương trình “Tổ chức tư vấn, hỗ trợ kỹ thuật để cải tiến sản xuất tại các doanh nghiệp Việt Nam trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ và sản xuất sản phẩm hoàn chỉnh nhằm nâng cao tính chủ động, năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp cũng như khả năng tham gia vào các chuỗi sản xuất toàn cầu”- ông Phạm Tuấn Anh khẳng định.

Để chủ động và phát triển nhanh, bền vững cho ngành công nghiệp điện tử hiện nay, Cục Công nghiệp cho rằng, cần tập trung hỗ trợ một số doanh nghiệp triển vọng của Việt Nam trong lĩnh vực điện tử nhằm tạo cơ hội cho các doanh nghiệp này phát triển, đóng vai trò dẫn dắt thị trường điện tử trong nước.

Nêu giải pháp, ông Phạm Tuấn Anh nhận định, trong thời gian tới, cần xây dựng một chiến lược hỗ trợ dài hơi, giúp nâng cao năng lực cạnh tranh của ngành từ việc lắp ráp đơn giản sang sản xuất, chế tạo các sản phẩm có giá trị gia tăng cao. Ðầu tiên, cần thúc đẩy phát triển các sản phẩm như màn hình, chất bán dẫn và linh kiện điện tử quan trọng. Nguồn lực để sản xuất các sản phẩm có vòng đời lâu dài như vậy đòi hỏi đầu tư lớn, mất thời gian 10-20 năm, nhưng đầu tư liên tục là cần thiết để cải thiện năng lực sản xuất, khoa học công nghệ, góp phần tạo ra việc làm có giá trị gia tăng cao cũng như tăng trưởng kinh tế.

Ngoài ra, cần phát triển ngành điện tử hài hòa cả phần cứng, phần mềm để tạo nền tảng cho đổi mới sáng tạo; tập trung hình thành các trung tâm R&D thông qua hợp tác chung giữa tập đoàn lớn với doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Để tạo cơ hội cho ngành công nghiệp điện tử phát triển, Bộ Công Thương đã chủ động nâng cao năng lực cạnh tranh và tìm kiếm nhà cung cấp tiềm năng, góp phần giúp daonh nghiệp trong nước gắn kết với các tập đoàn đa quốc gia, tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu. Bên cạnh đó, rà soát, hoàn thiện chính sách pháp luật, đặc biệt là quy định cụ thể về hàng hóa xuất xứ Việt Nam; thực hiện các giải pháp mở rộng thị trường trong nước và xuất khẩu.