Khoa học, công nghệ ứng phó biến đổi khí hậu

Đồng bằng sông Cửu Long là vùng kinh tế trọng điểm của cả nước, nhưng cũng là khu vực đang phải đối mặt nhiều thách thức do biến đổi khí hậu tác động đến tất cả các ngành, lĩnh vực, thành phần kinh tế. Bộ Khoa học và Công nghệ đã ban hành Quyết định phê duyệt Chương trình khoa học và công nghệ cấp quốc gia ứng phó với biến đổi khí hậu phục vụ phát triển bền vững Đồng bằng sông Cửu Long.
nhieu-giong-lua-duoc-nghien-cuu-nham-thich-ung-bien-doi-khi-hau-pld-1710077744.jpg
Nhiều giống lúa được nghiên cứu nhằm thích ứng biến đổi khí hậu.

Giám đốc Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh Vũ Hải Quân nhận định, việc xây dựng và triển khai các giải pháp trên nền tảng khoa học và công nghệ với tầm nhìn dài hạn, bền vững nhằm thích ứng với những biến đổi khí hậu mang tính cấp thiết. Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chương trình hành động tổng thể thực hiện Nghị quyết số 120/NQ-CP của Chính phủ về phát triển bền vững Đồng bằng sông Cửu Long thích ứng với biến đổi khí hậu; Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 13-NQ/TW ngày 2/4/2022 của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế-xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045…

Bộ Khoa học và Công nghệ cũng đã triển khai nhiều Chương trình khoa học và công nghệ cấp quốc gia phục vụ cho sự phát triển bền vững vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Giai đoạn 2021-2030, nhiều chương trình đã và sẽ được thực hiện, trong đó nổi bật là Chương trình “Khoa học và công nghệ ứng phó với biến đổi khí hậu phục vụ phát triển bền vững vùng Đồng bằng sông Cửu Long”. Hiện nay, Bộ Khoa học và Công nghệ đang ghi nhận những ý kiến của đông đảo các nhà khoa học đóng góp vào chương trình này, nhất là các nhà khoa học hiện đang công tác trong vùng Đồng bằng sông Cửu Long, chịu tác động trực tiếp cũng như am hiểu sâu về vùng đất này.

Theo Viện Nhiệt đới môi trường (Viện Khoa học và Công nghệ quân sự), tại Đồng bằng sông Cửu Long những năm gần đây, việc xây dựng các đập thủy lợi, thủy điện của các quốc gia thượng nguồn sông Mê Công đã làm giảm lưu lượng chảy của sông Tiền, sông Hậu vào Việt Nam, dẫn đến tình trạng xâm nhập mặn tại một số tỉnh ven biển Đồng bằng sông Cửu Long diễn ra ngày càng khắc nghiệt, phức tạp, khó lường và không theo quy luật tự nhiên. Các sông chính và kênh nhánh bị nhiễm mặn sớm hơn, ranh giới nhiễm mặn vào sâu hơn trong nội đồng. Điều này đã gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống và sản xuất, công trình xây dựng của người dân toàn vùng.

Nhiều nhà khoa học đều cho rằng, cần có kịch bản khoa học và dài hơi đối với vấn đề thích ứng biến đổi khí hậu tại Đồng bằng sông Cửu Long. Trong đó tập trung vào các nhóm giải pháp lớn: Truyền thông thay đổi, nâng cao nhận thức cho cộng đồng nhằm giảm các hành động gây tổn thương đến môi trường; thúc đẩy hợp tác quốc tế, liên kết vùng để tận dụng tối đa tài nguyên chất xám của các nhà khoa học trong và ngoài nước hiến kế cho phát triển bền vững toàn vùng…

Giáo sư, Tiến sĩ, Anh hùng Lao động Võ Tòng Xuân cho rằng, cần có sự quy hoạch, có các giải pháp mang tính thuận tiện để người dân có thể chung sống với biến đổi khí hậu. Ông nhấn mạnh, việc nỗ lực đi ngược với sự biến đổi của tự nhiên sẽ khiến mất nhiều sức người, sức của mà kết quả lại không cao. Thí dụ, nếu cứ cố gắng “ngọt hóa” các vùng nước mặn để mở rộng diện tích trồng lúa, sẽ làm mất cân bằng sinh thái vùng, khi nơi bị điều phối nước ngọt sẽ bị hụt nguồn nước ngọt; nơi có nguồn nước mặn vẫn sẽ không thể thuận lợi trồng lúa như vùng nước ngọt bình thường. Thay vào đó, hãy nghĩ tới những giải pháp khoa học, công nghệ, nghiên cứu ra những giống cây trồng, vật nuôi thích ứng với xâm nhập mặn, hạn hán…

Lãnh đạo Ủy ban nhân dân thành phố Cần Thơ cho rằng, thành phố là trung tâm của vùng Đồng bằng sông Cửu Long, nơi hội tụ các chuyên gia đầu ngành. Theo đó, lãnh đạo địa phương cầu thị đặt hàng các nghiên cứu về mô hình kinh tế, tuần hoàn, tăng trưởng xanh giúp địa phương và vùng thúc đẩy kinh tế, xã hội theo hướng phát triển bền vững.

Lãnh đạo thành phố Cần Thơ mong muốn các nhà nghiên cứu đưa ra cơ sở khoa học thực tiễn, các mô hình công nghệ bảo vệ nguồn tài nguyên, bảo tồn đa dạng sinh học, các giải pháp thích ứng hạn hán, xâm nhập mặn, ngập lụt, sạt lở, lún, giảm khí nhà kính, bảo vệ môi trường đất, nước, không khí. Nhà khoa học cũng được đặt hàng nghiên cứu ứng dụng công nghệ cao phát triển nông nghiệp thông minh, lai tạo giống có khả năng thích ứng biến đổi khí hậu, nghiên cứu vật liệu mới phát triển đô thị thông minh, kiến trúc xanh thích ứng biến đổi khí hậu, phòng chống thiên tai.

Vùng cần phát triển hệ thống giao thông đường thủy thông minh, hệ thống cấp nước và ngăn mặn thông minh; hệ thống dự báo sụt lún tức thời cho các vùng quan trọng và nhạy cảm với sụt lún và sạt lở. Nghiên cứu cơ sở khoa học, thực tiễn, mô hình, giải pháp ứng dụng văn minh sinh thái trong phát triển kinh tế-xã hội, bảo vệ môi trường và ứng phó hiệu quả với biến đổi khí hậu để phát triển bền vững vùng Đồng bằng sông Cửu Long, sẽ góp phần đưa khu vực này trở thành vùng kinh tế trọng điểm, văn minh, sinh thái mang đậm bản sắc văn hóa sông nước của cả nước, hội nhập khu vực và quốc tế.