Mô hình Làng nông nghiệp ứng phó với biến đổi khí hậu ở Tây Bắc

Mô hình này bảo đảm về thu nhập cho những cộng đồng canh tác nông nghiệp thông minh, thích ứng với khí hậu và thân thiện với môi trường.
2dsc02567-1-1664263140.jpg
Thành viên Nhóm Nông dân ứng phó BĐKH bản Nà Khái. Ảnh: PanNature

Biến đổi khí hậu (BĐKH) đang tạo ra ngày càng nhiều thách thức cho sản xuất nông nghiệp của Việt Nam nói chung và khu vực Tây Bắc nói riêng. Theo một khảo sát của Trung tâm Con người và Thiên nhiên (PanNature) vào năm 2017 tại 7 xã ở các tỉnh Tây Bắc, mỗi bản làng đều gặp những vấn đề khác nhau do BĐKH như hạn hán, lũ ống. "Như vậy, không thể kỳ vọng có một chính sách chung cho tất cả, mà mỗi địa phương đều cần phải cân nhắc vấn đề ứng phó BĐKH trong sản xuất nông nghiệp khi lập kế hoạch phát triển kinh tế xã hội", theo PanNature.

Do đó, dự án Tăng cường tiếng nói và năng lực của các nhóm nông dân người dân tộc dễ bị tổn thương đối với BĐKH ở Tây Bắc Việt Nam (VOF) ra đời, hướng tới hỗ trợ cộng đồng người dân tộc tăng cường khả năng phục hồi trước tác động của BĐKH.

Dự án do Hiệp hội Tổ chức Xã hội Dân sự Đan Mạch (CISU) tài trợ; Tổ chức Phát triển Nông nghiệp Đan Mạch Châu Á (ADDA), PanNature, Hội Nông dân tỉnh Sơn La và Lai Châu phối hợp thực hiện trong giai đoạn 2019-2022.

Ngày 20/9, tại Hội nghị Tổng kết Dự án, ông Nguyễn Đức Tố Lưu, Điều phối viên Dự án - Trưởng Phòng Quản trị Tài nguyên thuộc PanNature, cho biết, Dự án đã tiến hành xây dựng thử nghiệm thành công mô hình Làng nông nghiệp ứng phó với BĐKH tại 6 thôn bản của 6 huyện thuộc 2 tỉnh Sơn La và Lai Châu. Mô hình áp dụng cách tiếp cận lấy người nông dân làm trung tâm, nâng cao nhận thức và năng lực ứng phó với BĐKH của cộng đồng, tăng cường vai trò của nông dân trong lập kế hoạch và quy hoạch sản xuất nông nghiệp, tiếp cận thị trường nông sản thân thiện với môi trường và đảm bảo các cơ hội bình đẳng cho người dân tộc thiểu số.

Chia sẻ về kết quả Dự án tại Sơn La, ông Cầm Văn Minh, Phó Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Sơn La, cho hay, Dự án đã hỗ trợ người dân địa phương xây dựng kế hoạch chuyển đổi diện tích cây nông nghiệp ngắn ngày không hiệu quả trên đất dốc sang trồng cây ăn quả theo mô hình nông lâm kết hợp. Dự án cũng đề xuất lồng ghép vấn đề định hướng sản xuất cây ăn quả theo tiêu chuẩn VietGap vào kế hoạch của bản, xã. "Các hoạt động của Dự án cũng từng bước tác động làm nâng cao ý thức của người dân về bảo vệ môi trường trong sản xuất, chăn nuôi. Người dân đã nắm được các kiến thức về trồng cây ăn quả theo mô hình nông lâm kết hợp; nuôi bò thịt và bò đực giống; ủ thức ăn cho gia súc; ủ phân từ phân thải chăn nuôi và phế phẩm nông nghiệp, tránh phải đốt rơm rạ tại đồng".

Với tỉnh Lai Châu, Dự án tập trung thay đổi nhận thức của người dân về thói quen lạm dụng thuốc trừ sâu, thuốc bảo vệ thực vật. Bên cạnh đó, ông Mùa A Trừ, Chủ tịch Hội nông dân tỉnh Lai Châu, cho hay, một trong những thành công của Dự án đó là "phổ biến được kỹ thuật canh tác lúa cải tiến SRI tại xã Bản Lang".

2dsc02973-1664263140.jpg
Ông Vàng Văn Chẻo, trưởng nhóm Nông dân ứng phó BĐKH tại bản Hợp 1 (xã Bản Lang, huyện Phong Thổ, tỉnh Lai Châu) bên khoảnh ruộng trồng lúa nếp tan theo kỹ thuật SRI. Ảnh: PanNature

SRI (System of Rice Intensification) là kỹ thuật canh tác lúa cải tiến theo các nguyên tắc đơn giản, dễ thực hiện như: cấy mạ non, cấy thưa, cấy 1-2 dảnh, điều tiết nước hợp lý, làm cỏ sục bùn và tăng cường sử dụng phân hữu cơ. Tại huyện Phong Thổ (Lai Châu) - một trong những huyện tham gia Dự án, lúa nếp tan là một trong những đặc sản nông nghiệp. Song phương pháp canh tác truyền thống chưa thực sự tối ưu, phụ thuộc vào thời tiết và phát thải nhiều khí nhà kính. Chỉ sau hơn một năm được tập huấn để chuyển đổi sang kỹ thuật SRI, từ 5 ha đầu tiên, nông dân đã thu lúa nếp tan với năng suất cao, chất lượng hạt tốt, và làm giảm đáng kể các tác động tiêu cực tới môi trường.

Kết quả khả quan từ mô hình của nhóm nông dân ban đầu đã thu hút nhiều nông dân khác trong bản cùng tham gia, nâng tổng diện tích lúa nếp tan áp dụng phương pháp mới lên 30 ha và số lượng thành viên nhóm lên 38 hộ gia đình từ năm 2021. Nhóm cũng thành công ký kết hợp tác cùng Công ty TNHH MTV Giống Vật tư Nông nghiệp Tây Bắc để thúc đẩy sản phẩm tiếp cận thị trường.

Nhìn chung, "Dự án đã hoàn thành tốt các mục tiêu đặt ra, khi không chỉ giúp thay đổi nhận thức về môi trường mà còn góp phần gia tăng thu nhập cho người dân," ông Soren Thorndal Jogensen – Chủ tịch ADDA, nhận định. "Hy vọng các các mô hình của Dự án sẽ tiếp tục được triển khai, nhân rộng trong thời gian tới".