Thông tin trên được bà Carolyn Turk, Giám đốc World Bank Việt Nam, cho biết tại buổi Lễ Công bố Báo cáo Quốc gia Khí hậu và Phát triển Quốc gia Việt Nam (CCDR) diễn ra vào ngày 14/7. Với hơn 3.200 km bờ biển, nhiều thành phố có địa hình trũng thấp và các vùng đồng bằng ven sông, Việt Nam là một trong những quốc gia dễ bị tổn thương nhất trên thế giới trước biến đổi khí hậu. Các tác động của biến đổi khí hậu - chủ yếu là nhiệt độ và mực nước biển dâng cao hơn và biến động lớn hơn - đã và đang làm gián đoạn hoạt động kinh tế và suy yếu tăng trưởng.
Do đó, World Bank đề xuất năm ưu tiên chính sách để Việt Nam giải quyết các rủi ro khí hậu, đồng thời duy trì tăng trưởng kinh tế.
Thứ nhất, một chương trình cấp vùng có điều phối cho khu vực Đồng bằng sông Cửu Long. Nội dung chính tập trung vào ngăn chặn lún và xâm nhập mặn thông qua hạn chế khai thác cát và nước ngầm, thay đổi phương thức canh tác, tăng dòng chảy và bổ cập tầng chứa nước, phục hồi rừng ngập mặn.
Thứ hai, một chương trình đầu tư khả năng chống chịu ven biển tích hợp cho các trung tâm đô thị chính và cơ sở hạ tầng kết nối. Các khu vực ven biển miền Trung thường xuyên xảy ra các hiện tượng thời tiết cực đoan đã cho thấy rõ nhu cầu nâng cấp đường sá và cơ sở vật chất ngành điện theo tiêu chuẩn thiết kế chống chịu với khí hậu.
Thứ ba, một chương trình giảm thiểu ô nhiễm không khí ở Hà Nội nhằm đạt được mục tiêu giữa kỳ của WHO vào năm 2030 và nâng cao năng suất lao động.
Thứ tư, tăng tốc quá trình chuyển dịch sang năng lượng tái tạo bằng cách cải thiện khung pháp lý để khuyến khích sự tham gia của khu vực tư nhân.
Thứ năm, áp dụng các phương thức bảo vệ những đối tượng dễ bị tổn thương nhất bởi biến đổi khí hậu có xu hướng ảnh hưởng nhiều hơn đến các hộ gia đình nghèo ở các khu vực dễ bị ảnh hưởng hoặc những hộ gia đình chưa được chuẩn bị để ứng phó với hậu quả của biến đổi khí hậu.