Thanh Thủy – Phú Thọ: Lợi dụng đề án đóng cửa mỏ, doanh nghiệp xẻ núi bán đất san lấp?

Triệu Hồ

24/06/2021 12:44

Theo dõi trên

Dù được phê duyệt đề án đóng cửa mỏ để phục hồi môi trường tại khu vực đã khai thác và quản lý, bảo vệ khoáng sản chưa khai thác hết trữ lượng thế nhưng Công ty TNHH sản xuất và thương mại Đại Phát lại ngang nhiên cho khai thác đất để bán và thu lợi bất chính. Chính quyền địa phương có đang buông lỏng quản lý hoạt động khai thác khoáng sản khiến tài nguyên bị thất thoát?

Theo thông tin phản ánh của người dân, thời gian gần đây hàng chục xe tải siêu trường siêu trọng 3 – 4 chân liên tục vào chở đất ra khỏi khu vực mỏ sắt Tăng Ma, thuộc địa phận khu 19, xã Đào Xá, huyện Thanh Thủy, tỉnh Phú Thọ gây nhiều hệ lụy. Con đường độc đạo chạy vào khu 19 của xã Đào Xá bị các xe siêu trọng tải này liên tục cày xới hõm xuống thành những vũng, hố sâu. Con đường xuống cấp quá nghiêm trọng khiến người dân không thể thoát khỏi cảnh bụi bặm hành hạ vào những ngày nắng, còn những ngày mưa con đường nhão nhoét bùn đất, việc di chuyển trở nên khó khăn và nguy hiểm.

Do khu vực này không có mỏ đất đá nào được cấp phép hoạt động nên người dân cho rằng, chủ mỏ đã khai thác đất trái phép thu lời bất chính. Việc các xe tải quá cỡ, có dấu hiệu cơ nới thành thùng, chở quá khổ quá tải liên tục hoạt động vận chuyển gây nên tình trạng hư hỏng đường sá, ô nhiễm môi trường nghiêm trọng.

anh 1 bai dao xa thanh th
Các Xe tải đang ăn đất từ mỏ sắt Tăng Ma, khu 19, xã Đào Xá, huyện Thanh Thủy, tỉnh Phú Thọ.)

Theo tìm hiểu, ngày 11/12/2020, UBND tỉnh Phú Thọ đã có quyết định số 3241/QĐ-UBND về việc phê duyệt Đề án đóng cửa mỏ sắt Tăng Ma, tại xã Đào Xá, huyện Thanh Thủy, tỉnh Phú Thọ của Công ty TNHH sản xuất và thương mại Đại Phát (Công ty Đại Phát). Mục đích của việc đóng cửa mỏ là để phục hồi môi trường tại khu vực đã khai thác trước đó và quản lý, bảo vệ khoáng sản chưa khai thác hết trữ lượng. Tổng diện tích thực hiện đóng cửa mỏ là 13,92ha, thời gian thực hiện là 24 tháng. Kinh phí thực hiện đóng cửa mỏ vào khoảng hơn 650 triệu đồng do Công ty Đại Phát tự chi trả. Tuy nhiên, sau khi được phê duyệt đề án đóng cửa mỏ, công ty này không hề thực hiện san lấp hoàn trả mặt bằng moong khai thác mà chủ yếu là xẻ đồi khai thác đất để bán phục vụ các công trình trong và ngoài địa phương.

Theo ghi nhận thực tế của phóng viên vào những ngày đầu tháng 6/2021, hàng chục xe tải cỡ lớn gắn logo “Công ty CP Ba Vì” và “DP” liên tục di chuyển vào lấy đất từ khu vực mỏ sắt Tăng Ma. Qua quan sát, khu vực hiện trường diện tích đất đã bị khai thác rất lớn, quả đồi đã bị đào xẻ tan hoang. Ngoài ra, một số cấy cối xung quanh khu vực khai thác bị đổ gãy, sạt lở.

anh 2 bai dao xa thanh th
Biên bản làm việc của UBND xã Đào Xá yêu cầu công ty Đại Phát dừng việc vận chuyển đất ra ngoài phạm vi mỏ.)

Trao đổi với Phóng viên liên quan đến sự việc trên, ông Lê Anh Đoàn – Chủ tịch UBND xã Đào Xá khẳng định: “Công ty Đại Phát được phê duyệt cho đóng cửa mỏ, khi phát hiện vận chuyển đất ra khỏi địa bàn phía xã đã vào kiểm tra việc đóng cửa mỏ, lập biên bản yêu cầu dừng việc vận chuyển đất ra khỏi dự án. Chúng tôi tiếp tục theo dõi giám sát và đã có thông tin trực tiếp với Phòng TNMT huyện về việc này”.

Theo biên bản được UBND xã Đào Xá lập ngày 23/5/2021 thể hiện: “Sau khi kiểm tra thực tế tại khu vực mỏ Tăng Ma đang tiến hành san gạt và đang chở đất ra ngoài phạm vi của mỏ. Vậy UBND xã yêu cầu công ty Đại Phát dừng ngay việc vận chuyển đất ra ngoài và thực hiện san gạt trong phạm vi của mỏ Tăng Ma theo đề án đã được duyệt”. Biên bản cũng thể hiện ý kiến của đại diện công ty Đại Phát là: “Việc vận chuyển đất đá ra ngoài phạm vi mỏ công ty thực hiện theo đúng đề án đã được phê duyệt”. Theo Chủ tịch UBND xã Đào Xá thì ngoài biên bản trên, UBND xã Đào Xá cũng chưa hề báo cáo UBND huyện Thanh Thủy bằng văn bản mà chỉ thông tin bằng lời nói đến Phòng Tài nguyên và môi trường huyện về việc công ty này đang chuyển đất ra khỏi địa bàn. Trước sự phản ứng “yếu ớt” của chính quyền sở tại, hoạt động khai thác vận chuyển đất trái phép vẫn rầm rộ và ngày càng nhiều.

anh 3 bai dao xa thanh th
Căn cứ được viện dẫn cho việc bán đất “đúng luật” chỉ là duy nhất một câu ngắn gọn của mục “Phương pháp thi công” trong đề án.)

Ông Đặng Văn Thắng – Giám đốc công ty TNHH sản xuất và thương mại Đại Phát cho biết toàn bộ phần đất đã khai thác và vận chuyển ra khỏi mỏ là đất thải, không có giá trị tái sử dụng: “Cái này toàn bộ là vật liệu không thể sử dụng, toàn bộ là bãi thải trước đây khai thác sắt. Không phải là chất thải nguy hại nhưng đất này không có tính kết dính chỉ sử dụng để đổ ao, đổ hồ thôi chứ không thể tái sử dụng được nữa, đất đen sì độ liên kết không có”.

Về việc vận chuyển số đất thải không sử dụng được trên ra khỏi địa bàn ông Thắng cho biết do đất không đủ K90 (K= hệ số đầm nén chặt - PV) để làm đất san lấp nên số đất này có giá trị không cao: “Trong đề án có nói rõ đóng cửa mỏ phải mang đất đi thì mới đóng cửa mỏ được. Có cái thuê chở đi mất tiền, có cái người ta hỗ trợ lại. Thực ra đất đây giá trị không cao, nếu là đất đủ độ K để san nền thì sẽ làm hẳn một đề án khác. Phương tiện vận chuyển toàn xe Hyundai, không có xe nào trên 30m3 cả, toàn xe mười mấy khối thôi”.

anh 4 bai dao xa thanh th
Hình ảnh cắt từ video thể hiện các xe mang logo Công ty CP Ba Vì chở đất từ mỏ sắt Tăng Ma (khu 19, xã Đào Xá, Thanh Thủy, Phú Thọ) đến san nền cho dự án xây dựng trường Tiểu học  Vạn Thắng (xã Vạn Thắng, Ba Vì, Hà Nội).)

Vậy căn cứ vào đâu, lý do gì khiến lãnh đạo công ty Đại Phát dám khẳng định việc chuyển đất là thực hiện đúng quy định? Trả lời cho câu hỏi này, đại diện công ty Đại Phát cho rằng: Trong phần phương pháp thi công trong đề án được UBND tỉnh Phú Thọ duyệt có ghi là: “Các vật liệu không thể tái sử dụng như gạch đá, bê tông được vận chuyển bằng ô tô đi san lấp các khu vực xung quanh”. Đại diện công ty cũng cho rằng các xe chở đất theo phản ánh là “các vật liệu không thể tái sử dụng” chính vì vậy, việc chuyển đất đi san lấp là thực hiện đúng theo đề án được duyệt.

Dù lãnh đạo công ty Đại Phát liên tục khẳng định đất vận chuyển đi ra khỏi mỏ là đất không có giá trị sử dụng, không đủ độ K để làm đất san lấp, san nền. Tuy nhiên theo hình ảnh, video ghi nhận thực tế của phóng viên khi “bám đuôi” các xe tải gắn logo Công ty CP Ba Vì mang biển số: 29H - 735.01; 29H – 751.51 ; 29H – 185.40  ;29H - 476.32 ,… lại liên tục chở đất đến san nền cho dự án đầu tư công do Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng huyện Ba Vì làm chủ đầu tư. Cụ thể là dự án xây dựng trường Tiểu học Vạn Thắng giai đoạn 2 (xã Vạn Thắng, huyện Ba Vì, TP Hà Nội). Dự án này do Công ty Cổ phần đầu tư xây dựng Nam Hồng làm đơn vị thi công toàn bộ phần xây lắp của dự án này.

Ngoài ra, theo đề án được UBND tỉnh Phú Thọ phê duyệt, các phương tiên được sử dụng là 2 máy xúc dung tích gầu 0,8m3, 2 xe tải hyundai, máy gạt, máy khoan, xe tưới đường,... Còn trên thực tế, việc vận chuyển đất tại đây lại diễn ra với hàng loạt binh đoàn xe Howo cơi nới thành thùng, siêu trường siêu trọng chạy rầm rập bất chấp hạ tầng đường xá bị hư hỏng, xuống cấp nghiêm trọng gây mất an toàn giao thông, ảnh hưởng cuộc sống của người dân.

Trước sự việc trên dư luận đặt ra câu hỏi, có hay không việc địa phương đang cố tình ưu ái cho doanh nghiệp lợi dụng đóng cửa mỏ để khai thác đất bán trục lợi? Tính pháp lý của việc bán đất trên là như thế nào? Phóng viên đã có Giấy giới thiệu và Nội dung đề nghị làm việc gửi đến UBND huyện Thanh Thủy để làm rõ sự việc. Tuy nhiên đến nay vẫn chưa nhận được câu trả lời từ đơn vị này.

Tạp chí Kinh tế tập đoàn sẽ tiếp tục thông tin.

Bạn đang đọc bài viết "Thanh Thủy – Phú Thọ: Lợi dụng đề án đóng cửa mỏ, doanh nghiệp xẻ núi bán đất san lấp?" tại chuyên mục Môi trường. Thông tin chi tiết xin liên hệ số hotline: 0971.008.956 hoặc gửi email về địa chỉ: bbtpld@gmail.com