Theo báo cáo của Sở Xây dựng Hà Nội, lượng chất thải phát sinh của toàn thành phố hiện nay là khoảng 6.500-7.500 tấn/ngày.
Lượng rác thải ngày càng tăng trong khi công nghệ, hạ tầng, quy mô xử lý chưa đáp ứng được nhu cầu.
Ngoài các khu xử lý rác nhỏ lẻ thì Hà Nội hiện chỉ có ba khu vực xử lý rác chính là Khu liên hợp xử lý chất thải Nam Sơn (Sóc Sơn), Khu xử lý chất thải rắn Xuân Sơn (Sơn Tây) và Khu xử lý chất thải Cầu Diễn (Nam Từ Liêm). Phương thức xử lý rác thải ở các khu xử lý trên hiện chủ yếu vẫn là chôn lấp, chưa ứng dụng công nghệ tiên tiến. Chính vì thế mà qua thời gian, diện tích dùng để chôn lấp bị thu hẹp, hạ tầng quá tải dẫn đến phát sinh các sự cố.
Gần nhất là cuối năm 2021, đã có hai lần rác thải ở Hà Nội bị ùn ứ do quá tải và sự cố tại các bãi chôn lấp. Đầu tháng 10/2021, bãi rác Xuân Sơn (nơi tiếp nhận và xử lý rác thải cho một số quận, huyện phía tây ngoại thành Hà Nội) đã phải dừng tiếp nhận.
Nhìn lại những lần phát sinh sự cố về rác thải có thể nhận thấy, dù các cơ quan chức năng của Hà Nội đã có nhiều biện pháp “nóng” để tháo gỡ, như phân luồng rác thải về các khu xử lý khác; có các biện pháp thu gom nhỏ lẻ và xử lý tạm thời như rắc vôi bột, quây khu, ép, bọc kín rác trong khi chờ xe đến vận chuyển... Tuy nhiên, trên thực tế, mỗi lần xảy ra sự cố ở các khu xử lý rác, nhiều khu vực trong khu dân cư, thậm chí lòng đường phố cũng trở thành nơi chứa rác bất đắc dĩ. Trên một số tuyến phố, rác thải sinh hoạt thu gom chậm được chuyển đi gây mùi xú uế... tác động trực tiếp đến môi trường sống của người dân.
Liên quan vấn đề này, Tổng Giám đốc Công ty TNHH một thành viên Môi trường đô thị Hà Nội (Urenco) Nguyễn Hữu Tiến cho biết, trong quá trình triển khai đấu thầu, tổ chức thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn sinh hoạt, bên cạnh thực hiện các hạng mục theo yêu cầu của chủ đầu tư, thời gian qua, công ty đã chủ động nghiên cứu, cải tiến, đổi mới kỹ thuật và trang thiết bị để bảo đảm chất lượng vệ sinh môi trường. Tuy nhiên vẫn còn những tồn tại, như: Nước rác chảy ra đường từ hoạt động thu gom, tập kết, vận chuyển gây ảnh hưởng vệ sinh môi trường; các xe gom rác chờ thu cẩu tập kết hàng dài gây ách tắc giao thông, mất mỹ quan đô thị.
Cùng với đó, các xe ô-tô chạy thu rác ban ngày gây ách tắc giao thông; hạ tầng cho công tác thu gom, vận chuyển rác thiếu, chưa rõ cơ chế đầu tư, vận hành; việc xử phạt hành chính chưa thực hiện tốt, không có tính răn đe, không phát huy hiệu quả trong việc bảo vệ môi trường. Về thu phí dịch vụ thu gom rác, hiện mức phí áp dụng đang cào bằng, với mức thu phí vệ sinh môi trường 6.000 đồng/người/tháng ở phường và 3.000 đồng/người/tháng ở huyện, xã, thị trấn.
Tại các huyện có diện tích rộng, ít dân, nhà thầu phải cân đối phí dịch vụ với thu rác ngõ xóm, dẫn đến tình trạng rác không được thu gom trong ngày, các huyện đang mời chào dự thầu thực hiện thu theo tần suất đối với ngõ xóm (2 lần/tuần hoặc 3 lần/tuần). Hiện nay, chủ yếu là kinh phí do Nhà nước chi trả cho việc thu gom, vận chuyển và xử lý rác thải.
Điều này không tuân thủ theo đúng nguyên tắc của Luật Bảo vệ môi trường là “người gây ô nhiễm phải trả tiền”, cũng như tạo gánh nặng cho ngân sách công. Từ bất cập đó, Công ty Urenco đề nghị thành phố xây dựng và ban hành lại mức phí thu theo khối lượng (thu rác theo lượng thải), đối với hộ kinh doanh tính toán giá dịch vụ áp dụng tính đúng, tính đủ 100% cho các khâu thu gom, vận chuyển, xử lý. Đối với hộ dân thực hiện theo lộ trình, có thể tăng dần theo từng giai đoạn.
Để tăng cường thực hiện chính sách thu gom, vận chuyển, lưu giữ và xử lý chất thải trên địa bàn thành phố Hà Nội, bên cạnh đề xuất các cơ quan chức năng, cần xây dựng lộ trình tăng dần giá dịch vụ thu gom, vận chuyển, xử lý rác thải nhằm giảm dần hỗ trợ từ nguồn ngân sách nhà nước.
Cần quy định cụ thể hình thức và mức kinh phí hộ gia đình, cá nhân phải chi trả cho công tác thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn sinh hoạt dựa trên khối lượng hoặc thể tích chất thải đã được phân loại theo quy định của Luật Bảo vệ môi trường sửa đổi... Điều quan trọng là cần làm tốt công tác tuyên truyền để thay đổi nhận thức của người dân trong thực hiện việc thu gom, xử lý rác thải; trong đó cần nhân rộng mô hình “Phân loại chất thải rắn sinh hoạt hộ gia đình”.
Tuyên truyền rộng rãi, thường xuyên trên các phương tiện thông tin đại chúng, thông qua sinh hoạt thường kỳ của các tổ chức đoàn thể ở cơ sở, về tác hại của chất thải rắn sinh hoạt khi không được xử lý triệt để và lợi ích của việc phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn.