Thiệt đơn, thiệt kép khi đánh bắt cá bất hợp pháp

Phải có những biện pháp quyết liệt để ngư dân hiểu rõ thiệt hại đối với cá nhân mình và lợi ích quốc gia khi đánh bắt hải sản bất hợp pháp tại vùng biển của nước khác; đưa ra xử lý thật nghiêm minh các vụ vi phạm để nâng cao tính răn đe.
pho-thu-tuong-tran-luu-quang-nhan-manh-pld-1685697695.jpg
Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang nhấn mạnh, cảnh báo thẻ vàng của EC đối với xuất khẩu thủy sản của Việt Nam được dỡ bỏ hay không phụ thuộc rất lớn từ chính ý thức, trách nhiệm của mỗi chính quyền địa phương có biển và các ngư dân tham gia khai thác hải sản - Ảnh: VGP/Hải Minh

Đây là yêu cầu buộc phải làm, được Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang nhấn mạnh tại cuộc họp lần thứ 7 của Ban Chỉ đạo quốc gia về chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU). Cuộc họp được kết nối trực tuyến với các điểm cầu của 28 tỉnh, thành ven biển.

Yêu cầu trên được đưa ra trong bối cảnh chỉ còn 4 tháng nữa Việt Nam sẽ đón đoàn của Ủy ban châu Âu (EC) lần thứ tư đến thanh tra, kiểm tra công tác chống khai thác IUU tại Việt Nam.

Phó Thủ tướng nêu rõ thực trạng việc đánh bắt cá ở vùng biển nước khác dẫn đến còn hơn 300 ngư dân đang bị nước ngoài giam giữ, điều này không chỉ ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống của gia đình ngư dân mà còn làm suy giảm vị thế, uy tín quốc tế của Việt Nam.

Quan trọng hơn, toàn ngành thủy sản của Việt Nam đứng trước thách thức nghiêm trọng là thị trường xuất khẩu thủy sản bị thu hẹp nếu thời hạn áp dụng thẻ vàng kéo dài, thậm chí là thể đỏ nếu vẫn tiếp tục có vi phạm, và nhiều thị trường nhập khẩu thủy sản của Việt Nam có thể áp dụng biện pháp tương tự như của EC.

Trước tình hình đó, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang nhấn mạnh, cảnh báo thẻ vàng của EC đối với xuất khẩu thủy sản của Việt Nam được dỡ bỏ hay không phụ thuộc rất lớn từ chính ý thức, trách nhiệm của mỗi chính quyền địa phương có biển và các ngư dân tham gia khai thác hải sản.

Phó Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương phải quyết liệt, nỗ lực cao nhất, vì vẫn còn nhiều việc chưa hoàn thành liên quan đến hoàn thiện thống pháp lý, đầu tư nâng cấp cơ sở vật chất, trang thiết bị, chế độ chính sách cho lực lượng chức năng… trong khi mục đích, yêu cầu đặt ra rất cao.

Từ nay đến 15/6, Bộ NN&PTNT - cơ quan thường trực của Ban Chỉ đạo, tham mưu cho Trưởng Ban Chỉ đạo chỉ đạo những nhiệm vụ hết sức cụ thể từ nay đến tháng 10; chuẩn bị chu đáo cho việc đón đoàn kiểm tra của EC đạt kết quả tốt nhất; rà soát, sửa đổi, bổ sung cơ chế, chính sách cho lực lượng chống IUU.

Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Quốc phòng chỉ đạo tiếp tục tăng cường tuần tra, giám sát tại cảng cá và các vùng biến giáp ranh, chồng lấn. Bộ Công an chỉ đạo công an địa phương đưa ra xét xử thật nghiêm minh các vụ vi phạm theo quy định để nâng cao tính răn đe.

Đánh giá cao những mô hình ứng dụng công nghệ thông tin vào quản lý tàu cá tại Cà Mau, Phó Thủ tướng giao Bộ NN&PTNT, Bộ Quốc phòng hỗ trợ Cà Mau nâng cấp các mô hình này để phát huy hiệu quả hơn nữa và nhận rộng ra các địa phương khác.

Dự kiến, trong tháng 6 tới, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang sẽ trực tiếp dẫn đầu đoàn đi kiểm tra công tác chống IUU tại một số địa phương.

du-kien-trong-thang-6-toi-pho-thu-tuong-tran-luu-quang-se-truc-tiep-dan-dau-doan-di-kiem-tra-cong-tac-chong-iuu-tai-mot-so-dia-phuong-pld-1685697695.jpg
Dự kiến, trong tháng 6 tới, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang sẽ trực tiếp dẫn đầu đoàn đi kiểm tra công tác chống IUU tại một số địa phương - Ảnh: VGP/Hải Minh

Theo Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến, sau hơn 5 năm (từ ngày 23/10/2017) triển khai thực hiện các giải pháp chống khai thác IUU theo khuyến nghị của EC, tình hình chống khai thác IUU đã có những chuyển biến tích cực.

Theo đó, EC tiếp tục ghi nhận, đánh giá cao quyết tâm chính trị của Việt Nam, đặc biệt là sự quan tâm, chỉ đạo quyết liệt của Thường trực Ban Bí thư, của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, nhờ đó khung pháp lý cơ bản đã đáp ứng được yêu cầu quốc tế về chống khai thác IUU và tiếp tục được hoàn thiện.

Bộ NN&PTNT đang tiếp tục rà soát, sửa đổi bổ sung Nghị định 26/2019/NĐ-CP và Nghị định 42/2019/NĐ-CP cho phù hợp với thực tiễn nghề cá Việt Nam và các quy định quốc tế theo khuyến nghị của EC tại đợt thanh tra lần thứ 3.

Hệ thống giám sát tàu cá được triển khai đồng bộ từ Trung ương đến địa phương, kết nối, chia sẻ giữa cá cơ quan, đơn vị chức năng liên quan; tổ chức trực ban 24/24 giờ để theo dõi, kiểm soát tàu cá trên biển.

Tính đến nay, việc lắp đặt thiết bị giám sát hành trình (VMS) trên tàu cá có chiều dài từ 15 m trở lên đạt hơn 97%. Số lượng các tàu cá chưa lắp đặt thiết bị VMS đã được các địa phương lập danh sách theo dõi, quản lý.

Việc thực hiện kiểm soát sản phẩm thủy sản nhập khẩu theo quy định của Hiệp định về biện pháp quốc gia có cảng (PSMA) về tổng thể đã có sự cải thiện tốt hơn so với trước đây.

Tuy nhiên, việc tổ chức triển khai Luật Thủy sản, các quy định chống khai thác IUU còn chưa đồng bộ, có nơi chưa đạt yêu cầu.

Số lượng các vụ vi phạm hành chính đối với hành vi khai thác IUU còn lớn, trong khi tỉ lệ xử lý các vụ vi phạm còn thấp và chưa đồng đều giữa các địa phương.

Còn diễn ra tình trạng tháo dỡ thiết bị giám sát hành trình gửi sang tàu khác, hoặc ngắt kết nối thiết bị, mang biển kiểm soát giả, khai thác sai vùng, sử dụng ngư cụ khai thác vị cấm, không nghi và nộp nhật ký khai thác, môi giới đưa tàu cá vào vùng biến nước khác.