#kỷ nguyên mới

Thu hồi 136ha đất để triển khai hai tuyến vành đai trọng điểm của Hà Nội

Hà Nội dự kiến thu hồi khoảng 136ha đất để triển khai hai dự án giao thông trọng điểm với tổng vốn đầu tư hơn 11.000 tỷ đồng, bao gồm đoạn đường Vành đai 3,5 từ Phúc La - Văn Phú đến cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ và đoạn đường Vành đai 2,5 từ Nguyễn Trãi đến Đầm Hồng. Cả hai dự án đều nhằm giảm ùn tắc giao thông và thúc đẩy phát triển đô thị.
so-do-tuyen-du-an-1735004589.jpg
Sơ đồ hướng tuyến Vành đai 3,5. 

Dự án Vành đai 3,5 có tổng chiều dài 10,34km, với điểm đầu tại phố Văn Khê (quận Hà Đông) và điểm cuối giao với cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ. Tuyến đường này có chiều rộng từ 60-80m, tốc độ thiết kế 80km/h và được xây dựng 6 cây cầu vượt tại các điểm giao thông quan trọng như sông Nhuệ, cầu vượt Quốc lộ 1A và cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ.

Tổng mức đầu tư dự án là 8.556 tỷ đồng, trong đó chi phí bồi thường, hỗ trợ tái định cư chiếm phần lớn. Tổng diện tích đất cần thu hồi cho dự án khoảng 129,9ha, bao gồm 48,54ha đất trồng lúa 2 vụ.

Theo kế hoạch, việc lựa chọn nhà thầu sẽ được thực hiện từ quý IV/2024 đến quý I/2025. Dự án dự kiến hoàn thành và bàn giao vào quý IV/2027. Khi đi vào hoạt động, tuyến đường Vành đai 3,5 sẽ kết nối các khu đô thị phía Tây và Nam Hà Nội với các trục giao thông lớn, đồng thời đẩy nhanh quá trình phát triển kinh tế - xã hội khu vực này.

Còn Vành đai 2,5 đoạn từ Nguyễn Trãi đến Đầm Hồng có chiều dài 1,5km, rộng 40m, với 6 làn xe và tốc độ thiết kế 60km/h. Công trình do UBND quận Thanh Xuân làm chủ đầu tư, tổng mức đầu tư hơn 2.500 tỷ đồng.

Để thực hiện dự án, Hà Nội sẽ thu hồi khoảng 6,09ha đất, ảnh hưởng đến 681 trường hợp, bao gồm 664 hộ dân và 17 tổ chức. Các hộ dân bị ảnh hưởng sẽ được tái định cư tại các khu nhà CTI.1B, CTI.2 Vĩnh Hoàng (quận Hoàng Mai) và nhà C1 số 289A đường Khuất Duy Tiến (quận Cầu Giấy).

Dự án được triển khai từ năm 2022 và dự kiến hoàn thành vào năm 2026. Khi đi vào hoạt động, đoạn Vành đai 2,5 này sẽ giảm áp lực giao thông trên các tuyến đường chính của quận Thanh Xuân và kết nối thông suốt các khu vực phía Nam với nội đô Hà Nội.

Khi hoàn thành, hai tuyến vành đai này sẽ kết nối các khu vực phía Tây, Nam và trung tâm thành phố với các trục giao thông lớn như Quốc lộ 1A và cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ, hình thành mạng lưới giao thông hiện đại và liên vùng. Điều này không chỉ thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội mà còn nâng cao chất lượng sống cho người dân Thủ đô.