Tôi chọn nghề “luật sư” – từ cảm hứng của một người Thầy

Thu Trang

19/11/2021 10:38

Theo dõi trên

Tôi có ấn tượng sâu sắc với hình ảnh của người luật sư tài ba khi bắt đầu vào học đại học. Trong ánh mắt ngây thơ, hồn nhiên của cô sinh viên năm thứ nhất Trường Đại học Bách Khoa Hà Nội, tôi đã chăm chú lắng nghe bài giảng của thầy giáo môn Lịch sử Đảng. Bằng sự tận tâm với nghề, thầy đã cùng với chúng tôi trao đổi về quyền con người được ghi nhận tại Bản Tuyên ngôn Quốc tế về nhân quyền năm 1948. Hình ảnh người Luật sư thông minh, dũng cảm đã bào chữa thành công cho Bác Hồ trước tòa án của Anh quốc tại HongKong vào năm 1931 luôn hiện về trong tôi mỗi khi có điều gì đó liên quan đến pháp luật, công bằng xảy ra. Vị Luật sư đó đã làm tròn chức năng bào chữa vì có tư duy độc lập và không bị lệ thuộc vào chính quyền HongKong đang có quan hệ mật thiết với chính quyền Đông Dương tại thời điểm đó. Dĩ nhiên, chính quyền Đông Dương có thể tác động tới quá trình xét xử theo nhiều cách. Sự dũng cảm của vị luật sư có tên Luzeby đó đã giải cứu Bác Hồ của chúng ta khỏi sự truy bắt và xử tử của chính quyền thực dân Pháp. Để ghi nhận công ơn của vị luật sư đó, Nhà nước ta đã đúc tượng đặt sau lăng của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Tôi yêu nghề luật sư bắt đầu từ đó.

Với tấm bằng kỹ sư điện – điện tử, tôi đã trải qua rất nhiều công việc khác nhau tại nhiều cơ quan, đơn vị ở khu vực tư cũng như khu vực công. Tôi đam mê học hỏi, tìm tòi nghiên cứu, khám phá những điều thú vị trong cuộc sống. Trong quá trình làm việc tôi đã kết hợp học thêm mã ngành quản lý kinh tế để phục vụ tốt cho công việc của mình cũng như đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của xã hội. Vào một ngày đẹp trời, tôi có may mắn được gặp Thầy – người có tầm ảnh hưởng đến tôi rất nhiều. Hồi đó tôi đang làm kế toán tại một dự án tại Đài truyền hình Việt Nam. Ấn tượng ban đầu của tôi, Thầy là người vô cùng giản dị, tính tình cởi mở, cách ứng xử trí tuệ và nhân hậu. Thầy luôn trăn trở một câu hỏi lớn: “Làm thế nào để Việt Nam có nền tư pháp độc lập” và đặc biệt là “sự độc lập của luật sư trong quá trình tranh tụng các vụ án”.

Thầy có niềm đam mê khoa học, đã có rất nhiều công trình nghiên cứu khoa học về mặt lý luận và thực tiễn có giá trị cao trong ngành luật học ở trong nước và quốc tế. Bên cạnh đó, thầy còn là nhà giáo, nhà báo, trọng tài viên quốc tế có tiếng, tham gia rất nhiều các dự án nghiên cứu quốc tế, dự án quốc gia trọng điểm. Điều đặc biệt là tôi nhận thấy ở thầy còn là một luật sư rất tài ba, bởi lẽ, có rất nhiều vụ án phức tạp mà với tư duy logic, sự phán đoán thông minh, sắc bén, thầy đã giúp bảo vệ được các thân chủ thành công. Trong quá trình làm việc ở đơn vị nơi thầy phụ trách, tôi được tiếp xúc với nhiều Luật sư tư vấn và tranh tụng ở trong nước và quốc tế. Tôi đã thấy được sự ngưỡng mộ của các học trò thầy từng dạy, các đồng nghiệp, các đối tác khách hàng là người Việt Nam hoặc là người nước ngoài. Khi tham gia các dự án quốc tế liên quan đến qui định pháp luật về đồng bào dân tộc thiểu số, các hộ nghèo, cận nghèo hay cách tiếp cận của thầy thực sự độc đáo, thu hút được từ người già, phụ nữ cho đến cách em tham gia vào những trao đổi của thầy. Thầy biết cách làm cho những gì mà người khác tìm cách quan trọng hóa trước mắt người dân thành những điều giản đơn, thân thiện. Ngay cách “độc lập” của thầy khi tiếp xúc với với khách hàng, với cơ quan tiến hành tố tụng, đối với đồng nghiệp, tổ chức nghề cũng khác và cách thầy “độc lập” với chính bản thân mình cũng ấn tượng. Và chính thầy là người đã thôi thúc tôi đến việc đi học tại trường Đại học Luật Hà Nội.

Trong những ngày đầu đến với Trường Luật cùng các bạn, tôi luôn liên kết các sự kiện xảy ra trong cuộc sống với sự phân tích, tổng hợp các khái niệm thành chuỗi kiến thức của riêng mình. Đầu tiên đó là những khái niệm trong  môn lý luận chung của nhà nước và pháp luật[1] như qui phạm pháp luật, quan hệ pháp luật, thực hiện pháp luật, vi phạm pháp luật và trách nhiệm pháp lý, pháp chế, tăng cường pháp chế… Sau đó, tôi bị lôi cuốn vào những trăn trở khi gặp phải những vấn đề nảy sinh trong cuộc sống. Tôi luôn tự tìm cho mình câu trả lời đối với những câu hỏi: i) vấn đề được ngành luật nào điều chỉnh? ii) các chủ thể tham gia vào các quan hệ có vấn đề phát sinh gồm những ai và đia vị pháp lý của họ như thế nào?, iii) phương thức nào sẽ xử lý tốt nhất vấn đê xảy?. Rất nhiều những câu hỏi đã có được trong tôi câu trả lời song nhiều cái còn mơ hồ. May mắn cho tôi, chính Thầy đã khai sáng tinh thần học thuật đó trong tôi bằng cách tiếp cận và xử lý các vụ việc của thân chủ, của người dân và cả trong công việc hàng ngày. Mỗi công việc được thầy tiếp cận với tư duy lý luận, kỹ năng phù hợp. Tác phong giản dị, sự nhẫn nại, kiên trì nghe người khác có lẽ là khó tìm được ở người có vị thế quản lý và uy tín khoa học như thầy.

Tôi học được rất nhiều ở thầy về tính “độc lập” của một luật sư trong hành nghề. Điều đó được thể hiện xuyên suốt nhất quán trong công việc của thầy.

Thứ nhất, đó là “độc lập” với khách hàng vì hành nghề luật sư là cung ứng dịch vụ tư vấn luật. Uy tín của luật sư và mức yêu cầu mức phí mà khách hàng phải trả luôn là hai mặt của tấm huân chương. Quá lồi mặt này sẽ lõm mặt kia. Ủy tín và mức phí dịch vụ cũng là con dao hai lưỡi: Giúp luật sư giàu có song cũng nhấn chìm luật sư trong sự lùm xùm nhân cách. Thầy vẫn hay đùa rằng đó là: “tiền nhận có giá trị danh dự”. Nhận tiền ít nhưng được khách hàng tôn kính tốt hơn nhiều là nhận nhiều tiền song bị coi thường. Luật sư là người đại diện và bảo vệ cho lợi ích hợp pháp của khách hàng cũng như lợi ích chung của xã hội chứ không mang tính chất đơn thuần của người làm công cho khách hàng và chỉ tuân theo ý của khách hàng. Có lẽ vì thế mà tôi thấy thầy gần như chỉ tư vấn giúp người dân, giúp doanh nghiệp gỡ rối mà không nhận tiền. Tôi đã chứng kiến nhiều khách hàng tìm đến Thầy. Trước hết vì họ đang sợ hãi trước các cơ quan tiến hành tố tụng hoặc trước đối phương của mình trong vụ tranh chấp. Sau đó, họ đến để bảo đảm về mặt tinh thần vì họ tin ở khả năng chuyên môn của Thầy muốn nhờ Thầy làm cái cầu nối với các cơ quan liên quan. Chính vì vậy, thông qua tiếp xúc gặp gỡ lần đầu tiên, Thầy luôn tôn trọng sự lựa chọn của khách hàng, chỉ nhận vụ việc theo khả năng của mình và thực hiện việc trong phạm vi yêu cầu hợp pháp của khách hàng… Có đôi lúc, tôi vẫn thấy thầy từ chối đại điện cho khách hàng khi họ yêu cầu vi phạm qui tắc đạo đức nghề nghiệp hay các vụ việc mang tính xung đột lợi ích.

Thứ hai,  sự “độc lập” với các cơ quan tiến hành tố tụng. Điều này rất khó vì sự đan xen các quan hệ Chính – Tà trong trong thể chế tư pháp hiện hành, sự đan xen đáng báo động do tác động từ những mặt trái của kinh tế thị trường. Quay cuồng trong tham vọng tiền và quyền. Vì thế, luật sư đứng trước thách thức về sự “độc lập”, tức là không đến cửa sau vẫn bảo vệ được công lý. Cũng có một số khách hàng cậy có nhiều tiền nên “thuê luật sư” với những yêu cầu “phải thắng bằng tiền”. Tôi cũng từng chứng kiến có khách hàng đến trình bày nội dung tranh chấp của mình và tìm cách ngầm hỏi xem Thầy có quan hệ quen thân với Thẩm phán hay không?  Tôi thấy thầy trả lời: “Tất cả chỉ là quan hệ đồng nghiệp”. Thế là họ tìm cách rút lui, thầy cũng không níu kéo lại. Thầy lại mất đi một khách hàng…nhưng giữ được “độc lập” của chính mình. Cũng có khách hàng đến gặp thầy nhờ tư vấn song không nói hết sự thật. Họ chỉ trình bày hoặc cung cấp tài liệu chứng cứ được xem là có lợi cho mình, để Luật sư ứng xử theo hướng phù hợp với tài liệu mang tính một chiều. Sau khi phân tích các vấn đề liên quan đến tính hợp pháp của các quyền lợi nghĩa vụ của khách hàng, Thầy đưa ra các phương án để khách hàng lựa chọn phương thức bảo vệ nhưng không bao giờ khẳng định phương án nào là tốt nhất và chắc thắng. Lúc đó thì chưa nhưng giờ thì tôi hiểu rằng: “Nhiệm vụ của luật sư là trình bày vụ việc của khách hàng bằng lý lẽ thuyết phục của mình. Thực hiện nghĩa vụ này và duy trì lòng tin của khách hàng phụ thuộc chính vào thái độ của bản thân, hay nói cách khác tuy có nghĩa vụ bảo vệ quyền lợi cho khách hàng của mình thì cũng không được sử dụng thủ đoạn bẫy hay lừa dối”…

Thứ ba, “độc lập” ngay cả với đồng nghiệp và tổ chức hành nghề. Điều này vô cùng quan trọng khi quan hệ với khách hàng, đồng nghiệp. Trong các đồng nghiệp của thầy có rất nhiều học trò cũ. Tôi luôn nhận thấy thầy tôn trọng và đề cao đồng nghiệp khi tiếp xúc, trao đổi trực tiếp hay quả các cuộc điện thoại. Đó là một mối quan hệ rất bình đẳng, mối quan hệ hợp tác, giúp đỡ lẫn nhau nhằm nâng cao nghiệp vụ và phục vụ khách hàng tốt hơn. Nhiều khi trên truyền thông hoặc trong diễn đàn các luật sư thậm chí xúc phạm hay hạ thấp uy tín của đồng nghiệp. Nhiều khách hàng đến chỗ Thầy sau khi đã đi qua các văn phòng luật sư khác đã chỉ trích rằng “văn phòng đó thế này, thế nọ”. Nhưng Thầy luôn tỏ ra thông cảm và thận trọng trước sự phê phán và chỉ trích đó. Việc góp ý, phê bình đó Thầy gác lại bằng những cách rất hợp lý, không hùa vào để xoa dịu khách hàng và cũng không bào chữa để tạo sự thiếu thiện cảm của họ. Thầy luôn tìm cách chuyển hướng trao đổi vào trọng tâm của công cuộc tiếp xúc. Trong điều hành tổ chức hành nghề luật sư, Thầy luôn tâm niệm phải đảm bảo nguyên tắc i) tuân thủ pháp luật, ii) tuân thủ đạo đức, nghề nghiệp luật sư, iii) trung thực, tôn trọng sự thật khách quan và chịu trách nhiệm trước pháp luật về hoạt động nghề nghiệp của mình.

Thứ tư, chính là sự “độc lập” với chính bản thân mình. Điều này vô cùng khó trong xã hội mà ranh giới đạo đức và quyền lực có khoảng cách lớn như hiện nay. Và câu nói của Thầy khi khích lệ việc tôi đi học luật sư chính là: “Để làm một luật sư kiếm tiền bằng mọi giá thì chỉ kiếm được vài lần và sau đó chỉ là đi dọa dẫm mà thôi… Làm được một luật sư mà mục đích mang lại công lý,  trên cơ sở đó có thu nhập để sống là không dễ nhưng vô cùng lý thú… Thành quả đạt được mang lại niềm vui tinh thần nhiều hơn…”

Tôi có những kiến thức thu được từ sự ghế nhà trường nhưng tôi may mắn hơn là được Thầy trực tiếp đào tạo qua công việc, từ đơn giản đến phức tạp, từ ngôn ngữ giao tiếp với đối tác, cách xử lý các tình huống diễn ra trong công việc, hay trong khi tham gia hỗ trợ thầy thực hiện hoạt động tư vấn, tranh tụng cho khách hàng hay các dự án khoa học. Từ những chi tiết rất nhỏ đến những vấn đề lớn, thầy luôn tận tình hướng dẫn tôi biết đâu là đích đến của cuộc đời mình. Mặc dù biết con đường phía trước còn rất nhiều những khó khăn, thử thách với nghề mình đã chọn, song mong muốn bảo vệ lẽ phải, muốn công lý luôn tỏa sáng, tôi chọn nghề luật sư và quyết tâm đồng hành cùng với thầy. Thầy đã thôi thúc tôi quyết định bước chân vào nghề Luật sư với mong ước bảo vệ công lý, bảo vệ “những con bệnh pháp luật”.

Bạn đang đọc bài viết "Tôi chọn nghề “luật sư” – từ cảm hứng của một người Thầy" tại chuyên mục Sự kiện. Mọi thông tin chi tiết xin liên hệ số hotline: 0775.198.669 hoặc gửi email về địa chỉ: bbtpld@gmail.com