Theo số liệu của Hiệp hội Thị trường Trái phiếu Việt Nam (VBMA), tổng khối lượng phát hành trái phiếu trong quý 3/2022 đạt 61,374 tỷ đồng. Trong đó, tỷ lệ phát hành riêng lẻ chiếm 97.39%, giá trị phát hành ra công chúng là 1,603 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ 2.61%.
Trong quý 3/2022, tổng khối lượng phát hành giảm khoảng 68% so với cùng kỳ năm 2021. Nhóm xây dựng và bất động sản có giá trị phát hành sụt giảm nhiều nhất, mất lần lượt 98.7% và 93.4%. Nhóm ngân hàng dẫn đầu về khối lượng phát hành, tổng giá trị ở mức 45,542 tỷ đồng, giảm 33% so với quý 3/2021.
Báo cáo mới đây của FiinRatings cho biết, các ngân hàng hiện đang nắm giữ danh mục trái phiếu doanh nghiệp (phi ngân hàng) quy mô 284 nghìn tỷ đồng, chiếm khoảng 2,47% trên tổng tài sản sinh lời tại 30/6/2022. Có thể thấy, cơ cấu trái phiếu doanh nghiệp trong hệ thống ngân hàng vẫn còn tương đối khiêm tốn.
Nửa đầu năm qua, nhiều ngân hàng tăng cường phân bổ thêm tỉ trọng vào chứng khoán đầu tư để tối ưu hóa hiệu suất sử dụng vốn khi mà tốc độ huy động vốn còn nhanh hơn tăng trưởng tín dụng. Trước các biến động của thị trường trái phiếu doanh nghiệp, xu hướng này sau đó đã có dấu hiệu đảo chiều nhằm giảm bớt rủi ro, ngoài ra cũng để tạo dư địa cho vay ở các tháng cuối năm khi “room” tín dụng cạn kiệt.
Trong bối cảnh Ngân hàng Nhà nước tiếp tục nâng lãi suất điều hành và nhiều thông tin bất lợi trên thị trường, lợi suất trái phiếu chính phủ và trái phiếu doanh nghiệp đã đồng loạt quay đầu giảm giá trong thời gian qua do gia tăng cả lãi suất tham chiếu lẫn phần bù rủi ro. Theo đó, FiinRatings dự báo danh mục trái phiếu của vài ngân hàng tiếp tục ghi nhận lỗ chưa thực hiện trong quý tới.
Tuy nhiên, rủi ro tín dụng trong hệ thống sẽ có sự phân hóa rõ rệt, ít ảnh hưởng tới các ngân hàng có quy mô nắm giữ trái phiếu doanh nghiệp nhỏ so với tổng tài sản có sinh lãi, chất lượng trái phiếu doanh nghiệp đa dạng và được thẩm định rủi ro kỹ lưỡng. Đây cũng không phải một vấn đề lớn nếu ngân hàng có trích lập dự phòng giảm giá đầy đủ.
Theo thống kê của FiinRatings, Top 5 ngân hàng nắm giữ lượng trái phiếu doanh nghiệp lớn nhất hiện nay là: MBBank, Techcombank, VPBank, TPBank và SHB.
Trong báo cáo mới cập nhật về triển vọng ngành ngân hàng, SSI Research nhận định thị trường trái phiếu doanh nghiệp, vốn là nguồn tài trợ quan trọng cho các chủ đầu tư bất động sản trong giai đoạn 2018-2021, đang gặp nhiều khó khăn. Đây dự kiến sẽ là trở ngại lớn nhất trong hai năm tới đối với cả thị trường bất động sản và lĩnh vực ngân hàng.
Tổng số trái phiếu sau khi loại trừ nhóm trái phiếu do ngân hàng phát hành hiện đang lưu hành là khoảng 945 nghìn tỷ đồng, trong đó 27% sẽ đáo hạn vào năm 2023 và 2024, và 12% sẽ đáo hạn vào năm 2025.
Gần một phần ba số trái phiếu này nằm trên bảng cân đối kế toán của ngân hàng. Tuy nhiên, con số này vẫn không bao gồm những trái phiếu đã được phân phối cho các nhà đầu tư cá nhân nhưng có bảo lãnh thanh toán, cũng như những trái phiếu hiện không có trên bảng cân đối kế toán của ngân hàng. Do đó, ngân hàng vẫn sẽ chịu rủi ro tín dụng liên quan (đối với những trái phiếu theo hợp đồng repo).
“Chúng tôi duy trì quan điểm rằng các ngân hàng sẽ phải đối mặt với vấn đề chất lượng tài sản trong thời gian tới. Trừ khi có các quy định đặc biệt về phân loại nợ/trích lập dự phòng cho các khoản vay/trái phiếu đáo hạn vào năm 2023 được thực hiện, nợ xấu và trích lập dự phòng sẽ là những áp lực tương đối lớn”, báo cáo nhận định.