Trần Đề là cảng biển đặc biệt, cửa ngõ vùng đồng bằng sông Cửu Long

Nguyễn Văn

10/10/2023 22:22

Theo dõi trên

Phó Thủ tướng Lê Minh Khái chỉ đạo UBND tỉnh Sóc Trăng phối hợp Bộ Giao thông vận tải khẩn trương hoàn thành, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt các quy hoạch cụ thể để kêu gọi đầu tư cảng biển Trần Đề. Đây sẽ là cảng biển đặc biệt, cửa ngõ vùng đồng bằng sông Cửu Long.

hinh-phoi-canh-cang-bien-tran-de-pld-1696950850.jpg
Hình phối cảnh Cảng biển Trần Đề

Tại hội nghị công bố quy hoạch tỉnh Sóc Trăng thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 mới đây, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái đã có những chỉ đạo để sớm đưa Sóc Trăng trở thành tỉnh phát triển khá trong khu vực.

Một trong số đó là phát triển cảng Trần Đề thành cảng đặc biệt, cửa ngõ vùng đồng bằng sông Cửu Long.

Cụ thể, để sớm cụ thể hóa quy hoạch của tỉnh là đến năm 2030 phát triển Cảng Trần Đề thành cảng đặc biệt và cửa ngõ vùng Phó Thủ tướng đề nghị tỉnh Sóc Trăng phối hợp Bộ Giao thông vận tải khẩn trương hoàn thành, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt các quy hoạch cụ thể để kêu gọi đầu tư dự án.

Cảng biển Trần Đề sẽ giúp đồng bộ hạ tầng giao thông, trực tiếp thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của vùng.

Theo quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn 2050, Cảng biển Trần Đề được quy hoạch với tiềm năng trở thành cảng biển đặc biệt, đảm nhận vai trò cảng cửa ngõ của vùng đồng bằng sông Cửu Long với diện tích khoảng 550 ha, cầu cảng vượt biển dài 16 km.

Cảng có năng lực tiếp nhận tàu tổng hợp, tàu chuyên container tải trọng 100.000 DWT hoặc lớn hơn, tàu hàng rời 160.000 DWT... Ngoài cảng còn có khu dịch vụ logistics, hậu cần cảng với diện tích khoảng 4.000 ha, các khu công nghiệp sau cảng tại cửa Mỹ Thanh 4.000 ha.

Được biết, giai đoạn đầu của dự án cảng Trần Đề có nhu cầu vốn lên đến 50.000 tỉ đồng.

Hướng phát triển Sóc Trăng được quy hoạch ra sao?

Theo quy hoạch tỉnh Sóc Trăng thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, tỉnh này sẽ phát triển theo 4 vùng kinh tế - xã hội gồm:

Vùng ven biển: Là vùng gồm toàn bộ diện tích đất liền của thành phố Sóc Trăng với đất liền và phần không gian biển của thị xã Vĩnh Châu và huyện Trần Đề.

Đây là vùng động lực, trung tâm phát triển, lan tỏa; phát triển kinh tế vùng ven biển theo hướng tổng hợp, đa ngành, đa lĩnh vực bao gồm: đô thị - công nghiệp - thương mại, dịch vụ hậu cần logistics - du lịch - nông nghiệp, thủy sản gắn với kinh tế biển, cảng biển.

Vùng ven sông Hậu: Là vùng gồm toàn bộ diện tích của huyện Châu Thành, huyện Kế Sách và huyện Long Phú. Phát triển kinh tế vùng ven sông Hậu theo hướng tập trung vào lĩnh vực nông nghiệp hiệu quả cao, công nghiệp, đô thị và dịch vụ.

vung-noi-dia-pld-1696950851.jpg

Vùng nội địa: Là vùng gồm toàn bộ diện tích của thị xã Ngã Năm, huyện Thạnh Trị, huyện Mỹ Tú và huyện Mỹ Xuyên.

Phát triển kinh tế vùng nội địa theo hướng khai thác các điều kiện thuận lợi sản xuất nông nghiệp gắn với công nghiệp, đô thị và dịch vụ (nguồn nguyên liệu cho công nghiệp chế biến).

Vùng Cù lao Dung: Là vùng chỉ gồm huyện Cù Lao Dung; định hướng phát triển chủ yếu về du lịch kết hợp đô thị, thương mại, dịch vụ và các mô hình nông nghiệp.

 Đây là vùng đặc biệt, vùng du lịch trọng điểm của tỉnh với tầm nhìn sẽ trở thành nơi nghỉ dưỡng cao cấp và nơi đáng sống của nhân dân trong và ngoài tỉnh.

Bạn đang đọc bài viết "Trần Đề là cảng biển đặc biệt, cửa ngõ vùng đồng bằng sông Cửu Long" tại chuyên mục Dự án. Thông tin chi tiết xin liên hệ số hotline: 0971.008.956 hoặc gửi email về địa chỉ: bbtpld@gmail.com