Trên 3.000 dự án sử dụng vốn nhà nước có thất thoát, lãng phí

Tâm An

02/11/2022 16:30

Theo dõi trên

Đó là một trong những thông tin được đưa ra tại Phiên thảo luận buổi ngày 31.10, Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khoá XV, thảo luận về việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016-2021.

tren-3000-du-an-su-dung-von-nha-nuoc-that-thoat-lang-phi-1667380434-1667381271.jpg
Đại biểu đề nghị xử lý đối với trên 3.000 dự án sử dụng vốn nhà nước có thất thoát, lãng phí. Ảnh minh hoạ

Phát biểu tại phiên thảo luận, Đại biểu Lê Hữu Trí (Khánh Hòa) khẳng định, kết quả giám sát chuyên đề thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016-2021 cho thấy tình hình lãng phí, thất thoát các nguồn lực của đất nước về tài chính, ngân sách, tài sản công, đất đai, tài nguyên khoáng sản, thời gian lao động về nguồn lực rất lớn và nghiêm trọng.

Đại biểu Lê Hữu Trí nêu con số trong báo cáo về thất thoát, lãng phí trong sử dụng vốn ngân sách nhà nước, quản lý đất đai tại các lâm trường, các dự án chậm tiến độ, dự án phải điều chỉnh quyết định đầu tư, dự án dang dở, gây thất thoát, lãng phí.

Vấn đề quan trọng đặt ra là ai sẽ chịu trách nhiệm về những thiệt hại, tổn thất, lãng phí đó; giải pháp để xử lý tiếp theo các tồn tại đó như thế nào?

Đại biểu đề nghị cần có sự đánh giá nghiêm túc về các giải pháp khắc phục hiệu quả từ công tác giáo dục, nâng cao ý thức đến công tác xây dựng và tổ chức thực hiện chính sách pháp luật.

Đồng thời mong muốn Quốc hội, Chính phủ quyết liệt chỉ đạo làm rõ các vi phạm, thất thoát, lãng phí, trong đó cần thiết phải làm rõ trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân và các phương án khắc phục, xử lý đối với trên 3.000 dự án sử dụng vốn nhà nước có thất thoát, lãng phí; trên 79.000 hecta đất nông, lâm nghiệp đã quyết định thu hồi nhưng có phương án sử dụng…

Bên cạnh đó, tập trung xử lý các dự án không hiệu quả, chậm tiến độ, vi phạm trong quản lý, sử dụng đất, các dự án BT, BOT đang triển khai dở dang gặp nhiều khó khăn, vướng mắc; các dự án đã hoàn thành nhưng không đưa vào sử dụng, không phát huy hiệu quả, chất lượng không bảo đảm.

Góp ý về việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016-2021, đại biểu Trần Thị Hoa Ry (Bạc Liêu) cho rằng cần xem xét việc quản lý, sử dụng đất nông, lâm trường; xem xét việc thiếu đất ở, đất sản xuất cho đồng bào dân tộc thiểu số nhằm thực hiện tốt hơn các Chương trình Mục tiêu Quốc gia.

Theo báo cáo của Chính phủ, hiện nay có khoảng 9 triệu hecta đất có nguồn gốc nông, lâm trường do các tổ chức công ty, ban quản lý hộ gia đình quản lý. Trong đó có khoảng 10% là do UBND xã, hộ gia đình quản lý và khoảng 90% đất do tổ chức công ty quản lý còn nhiều bất cập, chưa hiệu quả. Nhiều công ty thua lỗ, hiệu quả sử dụng không cao nhưng vẫn giữ đất, chưa đề xuất phương án giải thể.

Vấn đề đặt ra là một số công ty nông, lâm nghiệp giữ diện tích đất quá lớn, hàng chục ngàn hécta mà nhân lực thì quá mỏng.

Trong khi việc quản lý sử dụng đất, nguồn gốc từ nông, lâm trường còn bất cập thì rất nhiều hộ gia đình, trong đó có đồng bào dân tộc thiểu số đang trong tình trạng thiếu đất ở, đất sản xuất hoặc có đi chăng nữa còn đang ở vị trí khó khăn, đất dốc, đất bạc màu và thiếu nước sản xuất.

Đại biểu cho biết, việc quản lý, sử dụng không hiệu quả, lãng phí nhưng kiến nghị đến nay vẫn chưa được xem xét, giải quyết đến nơi đến chốn.

Về câu chuyên lãng phí thất thu ngân sách, Đại biểu Đặng Thị Bảo Trinh (Quảng Nam) nêu tình trạng kê khai giá chuyển nhượng bất động sản trên hợp đồng mua bán, hợp đồng chuyển nhượng hay trên các tờ khai xác định nghĩa vụ nộp thuế thấp hơn so với giá trị thật…

Theo đại biểu, cần có giải pháp xử lý trách nhiệm của các tổ chức công chứng, tập thể, cá nhân trong việc kê khai giá mua bán bất động sản hai, giá không đúng thực tế, gây thất thu ngân sách.

Phản ánh việc rà soát, thu hồi, điều chuyển trụ sở, Đại biểu Nguyễn Văn Mạnh (Vĩnh Phúc) cho biết một số địa phương, trụ sở làm việc của cơ quan, tổ chức bị phân tán do vẫn duy trì 2-3 trụ sở làm việc như trước khi sắp xếp đơn vị hành chính.

Vẫn còn nhiều trụ sở bỏ không chưa được đưa vào sử dụng, địa phương không có kinh phí để bảo trì, sửa chữa, bảo vệ dẫn đến tình trạng trụ sở xuống cấp, hư hỏng.

Theo đại biểu, một số cơ quan ngành dọc của địa phương sau khi đã được tỉnh bố trí xây dựng trụ sở mới nhưng không bàn giao trụ sở cũ cho địa phương quản lý, sử dụng nhiều khu đất có vị trí đắc địa là đất vàng giá trị lớn ở các trung tâm đô thị nhưng bị bỏ hoang nhiều năm, gây lãng phí nguồn lực.

Do vậy, để tránh tiếp tục lãng phí trụ sở công đại biểu tỉnh Vĩnh Phúc đề nghị Chính phủ quyết liệt chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương khẩn trương rà soát danh sách các trụ sở cơ quan, tổ chức, các đơn vị hành chính đã thực hiện sắp xếp giai đoạn 2019-2021 mà đến nay vẫn chưa thực hiện bố trí, sắp xếp, sử dụng hoặc thanh lý.

Bạn đang đọc bài viết "Trên 3.000 dự án sử dụng vốn nhà nước có thất thoát, lãng phí" tại chuyên mục Môi trường. Mọi thông tin chi tiết xin liên hệ số hotline: 0775.198.669 hoặc gửi email về địa chỉ: bbtpld@gmail.com