Nên “hồi sinh” hay “khai tử” các dự án chậm tiến độ?

Lưu Bang

27/08/2022 15:47

Theo dõi trên

UBND tỉnh Quảng Nam vừa tổ chức tổng rà soát các dự án bất động sản trên địa bàn tỉnh nhằm tìm hướng xử lý đối với các dự án đầu tư chậm tiến độ.

20210304-081340-1-1661589871.jpg

Ông Lê Trí Thanh - Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam kiểm tra tiến độ một dự án khu dân cư tại thị xã Điện Bàn Ảnh: Lưu Bang

77 dự án chậm tiến độ

Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Quảng Nam vừa báo cáo kết quả rà soát các dự án đầu tư chậm tiến độ trên địa bàn tỉnh.

Theo đó, từ khi tái lập tỉnh (năm 1997- PV) đến nay, tỉnh Quảng Nam thu hút được 1.291 dự án, trong đó có 1.126 dự án sản xuất kinh doanh và 165 dự án nhà ở, khu dân cư, khu đô thị.

Tính đến nay, toàn tỉnh có 57 dự án bị thu hồi, 119 dự án hết thời hạn hoạt động và 1.115 dự án dự án đầu tư còn hiệu lực.

Trong số 1.115 dự án đầu tư còn hiệu lực, Quảng Nam có 957 dự án sản xuất, kinh doanh và 158 dự án nhà ở, khu dân cư, khu đô thị.

Riêng 158 dự án nhà ở, khu dân cư, khu đô thị còn hiệu lực tại Quảng Nam tập trung chủ yếu tại Khu đô thị mới Điện Nam – Điện Ngọc với 74 dự án và bên ngoài khu đô thị mới này có 84 dự án.

Trong đó số đó có 112 dự án đang triển khai thực hiện, song có đến 77 dự án chậm tiến độ quá 12 tháng.

Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Quảng Nam cho biết, đa số các dự án nhà ở điều chỉnh gia hạn trên 12 tháng, có nhiều dự án điều chỉnh nhiều lần. Thậm chí có dự án đã triển khai 3 – 5 năm nhưng chỉ mới hoàn thành thủ tục đầu tư, xây dựng, trong khi phương án giải phóng mặt bằng vẫn chưa được duyệt để chi trả đền bù, thu hồi đất và giao đất triển khai thi công.

Bên cạnh đó, một số dự án nhà ở điều chỉnh quy hoạch chi tiết xây dựng nhiều lần dẫn đến dự án phải điều chỉnh tiến độ và kéo dài thời gian thực hiện.

Ngoài ra, việc chủ đầu tư một số dự án nhà ở huy động vốn khi chưa đầu tư hoàn chỉnh cơ sở hạ tầng, dẫn đến hậu quả mất khả năng tài chính, triển khai chậm dẫn đến tranh chấp, khiếu kiện, khiếu nại làm mất an ninh trật tự.

Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Quảng Nam cũng cho biết thêm, có không ít công trình, dự án mà nhà đầu tư phải thực hiện các thủ tục tại các Bộ, ngành Trung ương nên thời gian kéo dài hơn so với dự kiến ban đầu. Trong đó, tập trung chủ yếu vào các dự án du lịch quy mô lớn, có một số hạng mục công trình cấp I, thuộc khu vực ven biển Điện Bàn – Hội An.

Đặc biệt, trong năm 2020 – 2021, dịch bệnh Covid-19 bùng phát đã ảnh hưởng đến mọi mặt kinh tế - xã hội và việc cách ly xã hội đã ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện của nhiều dự án đầu tư.

20201017-155622-1661589869.jpg

Quy hoạch khu dân cư hiện hữu với các dự án lân cận chưa được triển khai khớp nối, đồng bộ khiến cho nhiều nhà dân bị ngập úng mỗi khi đến mùa mưa bão (ảnh tư liệu mùa mưa năm 2021) Ảnh: Lưu Bang

Xử lý sao với dự án chậm tiến độ?

Từ thực tiễn nêu trên, Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Quảng Nam đã kiến nghị hướng xử lý đối với các dự án nhà ở, khu dân cư, khu đô thị trên địa bàn tỉnh.

Theo đó, đối với nhóm dự án kéo dài nhiều năm, chỉ mới thực hiện thủ tục đầu tư, chưa triển khai, chưa giao đất thì đề nghị dừng triển khai thực hiện.

Sở này cho rằng cần hạn chế việc cho phép nhà đầu tư điều chỉnh quy hoạch chi tiết xây dựng đã được phê duyệt.

Bên cạnh đó, cần chú trọng tập trung đẩy nhanh công tác giải phóng mặt bằng. Trường hợp khó khăn, vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng, không thể thực hiện được thì đề nghị địa phương rà soát đề xuất điều chỉnh dự án (giảm diện tích, quy mô đầu tư).

Song song với đó, không điều chỉnh tiến độ thực hiện dự án nhiều lần làm kéo dài thời gian thực hiện.

Qua khảo sát thực tế, người viết thấy nhiều dự án khu dân cư, khu đô thị tại đô thị mới Điện Nam – Điện Ngọc hiện đang đầu tư xây dựng dở dang các công trình hạ tầng, kỹ thuật.

Cạnh đó không xa, tại nhiều khu vực chưa thực hiện giải phóng mặt bằng thì người dân phải sinh sống tạm bợ trong những khu dân cư hiện hữu với cốt nền thấp nên dễ ngập úng mỗi khi đến mùa mưa.

Chưa hết, người dân sinh sống trong vùng quy hoạch dự án còn bị hạn chế rất nhiều quyền của người sử dụng đất như, đầu tư xây dựng nhà cửa, mua bán đất, tách thửa,…

Trao đổi với người viết, nhiều người dân tại thị xã Điện Bàn cho biết họ ngán ngẩm phải sống chật vật, đi không được, ở không xong tại những khu vực quy hoạch làm dự án như thế này.

Hơn lúc nào hết, người dân địa phương mong muốn chủ đầu tư các dự án cần sớm đẩy nhanh tiến độ triển khai, đầu tư xây dựng và hoàn thành dự án.

UBND tỉnh Quảng Nam cần kiên quyết thu hồi những dự án chậm tiến độ hoặc điều chỉnh quy hoạch, loại bỏ ra khỏi quy hoạch dự án những khu vực không thể giải phóng mặt bằng.

Đối với những khu vực điều chỉnh quy hoạch này, người dân đề nghị UBND tỉnh Quảng Nam thực hiện đầu tư chỉnh trang đô thị để đảm bảo khớp nối quy hoạch với các khu vực dự án lân cận.

Quảng Nam gia hạn tiến độ cho hàng loạt dự án bất động sản

Thời gian gần đây, UBND tỉnh Quảng Nam đã thống nhất chủ trương gia hạn tiến độ cho hàng loạt dự án khu dân cư, khu đô thị trên địa bàn tỉnh.

Đơn cử, tại cuộc họp ngày 22/8 vừa qua, UBND tỉnh Quảng Nam đã thống nhất điều chỉnh tiến độ hoàn thành dự án Khu đô thị Phúc Viên đến hết tháng 05/2024 và điều chỉnh tiến độ hoàn thành dự án Khu đô thị Hưng Thịnh đến hết tháng 12/2023.

Trước đó, UBND tỉnh Quảng Nam cũng đã điều chỉnh gia hạn tiến độ cho các dự án Khu đô thị An Bình Riverside, Khu đô thị phức hợp Hà My, Khu đô thị ven sông Dương Hội, Khu dân cư Ngọc Vinh, Khu dân cư và dịch vụ Cầu Hưng - Lai Nghi (giai đoạn 1), Khu đô thị Ngọc Dương Riverside mở rộng,  Khu đô thị Smart City Quảng Nam, Khu đô thị Bình Ninh - Quảng Lăng, Khu đô thị Thanh Hà (giai đoạn 2, 3, 4) ;…

Bạn đang đọc bài viết "Nên “hồi sinh” hay “khai tử” các dự án chậm tiến độ?" tại chuyên mục Đầu tư. Thông tin chi tiết xin liên hệ số hotline: 0971.008.956 hoặc gửi email về địa chỉ: bbtpld@gmail.com