Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam kỷ niệm 15 năm thành lập

Với vai trò là cơ quan tư nhân lưu trữ, trưng bày về lịch sử khoa học ở Việt Nam, thành công lớn nhất của Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam (MEDDOM) là trở thành địa chỉ tin cậy để các nhà khoa học gửi trao hiện vật nghiên cứu khoa học, được các nhà quản lý quan tâm và công chúng biết tới loại hình di sản mới mẻ này.

Đó là nhận định chung của đội ngũ xây dựng MEDDOM và các nhà khoa học tại lễ kỷ niệm 15 năm thành lập MEDDOM.

Ra đời trong bối cảnh chưa từng có công trình nào tìm hiểu toàn diện về lịch sử khoa học Việt Nam và trong quy hoạch của nhà nước về hệ thống bảo tàng cũng chưa đề cập đến việc xây dựng một bảo tàng về các nhà khoa học Việt Nam, MEDDOM đã thuyết phục cộng đồng khoa học và công chúng tin vào giá trị của một loại hình trung tâm lưu trữ di sản khoa học.

Đến nay MEDDOM lưu trữ được tư liệu của gần 3.000 nhà khoa học ở tất cả các lĩnh vực khoa học, với gần 1 triệu tài liệu hiện vật, hàng trăm ngàn phút ghi âm, ghi hình ký ức, câu chuyện làm khoa học. Đối với MEDDOM, niềm tin đó của cộng đồng khoa học là những “tài sản quý báu nhất mà MEDDOM có được”, như chia sẻ của PGS.TS Nguyễn Văn Huy, Giám đốc chuyên môn của MEDDOM. Nhờ niềm tin đó mà MEDDOM lưu trữ, và sẽ trưng bày, phát huy khối di sản khổng lồ có ý nghĩa quan trọng trong việc tìm hiểu, nghiên cứu về lịch sử cuộc đời các nhà khoa học, lịch sử các ngành/lĩnh vực khoa học, lịch sử giáo dục, chính trị-xã hội…

MEDDOM đã xuất bản hàng chục ấn phẩm liên quan đến các nhà khoa học, như bộ sách “Di sản ký ức của nhà khoa học” (8 tập), “Những câu chuyện hiện vật” (5 tập), “Hồ sơ những hạt giống bí mật”, “Muôn nẻo đường đến thành công”… Hàng chục trưng bày, triển lãm được thực hiện như: “Khát vọng học hỏi và sáng tạo”, “Thẳm sâu trong từng kỷ vật”, “Chuyện nghề địa chất”, “Giải thưởng Hồ Chí Minh của các nhà khoa học Việt Nam”… đã thu hút công chúng và đặc biệt là tạo môi trường học tập, trải nghiệm cho thế hệ trẻ.