Lễ kỷ niệm Ngày KH&CN Việt Nam và trao Giải thưởng Tạ Quang Bửu 2022: Khoa học cơ bản cần nguồn tài trợ bền vững

Được trao trong Năm quốc tế về Khoa học cơ bản vì sự phát triển bền vững, Giải thưởng Tạ Quang Bửu 2022 càng có thêm ý nghĩa bởi nó cho thấy vai trò nền tảng của khoa học cơ bản trong cuộc sống hôm nay cũng như tương lai.

Đánh giá đúng vai trò của khoa học cơ bản

Lễ kỷ niệm Ngày KH&CN Việt Nam và lễ trao Giải thưởng Tạ Quang Bửu 2022, diễn ra vào sáng ngày 18/5/2022, là một dịp đặc biệt để những nhà khoa học và nhà quản lý khoa học điểm lại những cột mốc quan trọng trong quá trình phát triển của KH&CN Việt Nam, đặc biệt là khoa học cơ bản.

Dẫu con đường từ khoa học cơ bản đến những sản phẩm hữu hình và hữu dụng trong cuộc sống hằng ngày hết sức gian nan và cách trở nhưng nói như nhà thiên văn học Carl Sagan “Chúng ta sống ở một xã hội phụ thuộc hoàn toàn vào KH&CN”, việc tôn trọng khoa học cơ bản và trao cho các nhà khoa học cơ hội làm nghiên cứu là cách đầu tư tốt nhất cho tương lai. Vì lẽ đó, để Ngày KH&CN Việt Nam ngày một thêm ý nghĩa, Bộ KH&CN đã tổ chức nhiều hoạt động giới thiệu, quảng bá khoa học, qua đó “góp phần nâng cao nhận thức của xã hội về vai trò của KH&CN, kêu gọi sự quan tâm đầu tư cho KH&CN” như phát biểu của Thứ trưởng Trần Văn Tùng. “Bộ KH&CN sẽ chú trọng đầu tư hơn nữa cho khoa học cơ bản, tạo điều kiện để khoa học cơ bản là nền tảng của phát triển”, ông cho biết quyết tâm của ngành trong thúc đẩy sự phát triển của khoa học cơ bản.

img-9020-1-1652947254.jpg

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam và Thứ trưởng Trần Văn Tùng trao thưởng cho GS. Ngô Việt Trung và PGS. TS Nguyễn Thị Lệ Thu. Ảnh: Mỹ Hạnh

Để khuyến khích hơn nữa những người làm khoa học, đặc biệt là khoa học cơ bản có những công trình xuất sắc, Giải thưởng Tạ Quang Bửu ra đời vào năm 2014 và nhanh chóng được cộng đồng khoa học cũng như xã hội ghi nhận. Giá trị của Giải thưởng Tạ Quang Bửu không nằm ở số tiền thưởng đi kèm mà ở chỗ, nó được xét chọn một cách công tâm, cẩn trọng và dựa trên chất lượng khoa học của các công trình được đề cử. Do đó, những nhà khoa học được trao giải thưởng đều cảm thấy tự hào. Trong lễ trao giải thưởng, giáo sư Ngô Việt Trung (Viện Toán, Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam), một trong hai nhà khoa học thắng giải năm 2022, nhấn mạnh đến ý nghĩa này “Tôi rất vinh dự và xúc động khi được trao Giải thưởng Tạ Quang Bửu. Tôi vinh dự vì Giải thưởng Tạ Quang Bửu được đánh giá rất cao trong cộng đồng khoa học và xúc động vì GS. Tạ Quang Bửu là người đã thay đổi cuộc đời tôi”.

Trong dòng ký ức về bậc tiền bối mà giải thưởng dành cho khoa học cơ bản mang tên, giáo sư Ngô Việt Trung nhớ lại “Ít người biết rằng tôi phải đi nạng khi học phổ thông, sau đó tuy đủ tiêu chuẩn đi du học nhưng không được nước nào nhận cả. Nhờ giáo sư Tạ Quang Bửu can thiệp mà tôi được đi học Toán ở Đức và được điều trị để có thể đi lại gần như bình thường. Tôi xin kính dâng giải thưởng này đến hương hồn giáo sư Tạ Quang Bửu”. Ông cũng xúc động nhắc đến những may mắn khác trong cuộc đời “Tôi may mắn được làm việc dưới sự lãnh đạo của các giáo sư Lê Văn Thiêm và giáo sư Hoàng Tụy, những nhân cách trí thức lớn của Việt Nam luôn quan tâm đến sự phát triển của Viện Toán theo các chuẩn mực quốc tế”.

Để khoa học cơ bản đóng góp nhiều hơn?

Trong niềm vui được trao giải thưởng danh giá của khoa học Việt Nam, cả giáo sư Ngô Việt Trung và PGS. TS Nguyễn Thị Lệ Thu (ĐH Bách khoa, ĐHQG TP.HCM) đều tri ân những nơi tạo điều kiện cho họ được làm việc, được nghiên cứu và có được các công trình xuất sắc. “Có hai cơquan có ảnh hưởng quan trọng đến công trình được giải thưởng. Cơ quan thứ nhất là Viện Nghiên cứu cao cấp về Toán đã tạo điều kiện cho nhóm của tôi đến làm việc khi chúng tôi bắt đầu nghiên cứu những vấn đề liên quan. Cơ quan thứ hai là Quỹ NAFOSTED đã nhiều năm tài trợ cho nhóm nghiên cứu của tôi. Không có tài trợ này của Quỹ thì tôi sẽ khó lòng thu hút và giữ chân được các cán bộ trẻ nghiên cứu toán học”, giáo sư Ngô Việt Trung nói.

Có lẽ, với những người làm nghiên cứu cơ bản, những môi trường khoa học lý tưởng đóng vai trò quyết định đến con đường sự nghiệp cũng như sự đóng góp của họ. “Quỹ NAFOSTED với cơ chế xét duyệt minh bạch, công bằng cùng cơ chế đánh giá tuy đơn giản nhưng hiệu quả đã tạo điều kiện cho các nhà khoa học nghiên cứu một cách nghiêm túc và chất lượng... Cùng với những nguồn tài trợ khác, Quỹ NAFOSTED đãhỗ trợ nhóm nghiên cứu của tôi thực hiện được nghiên cứu”, PGS. TS Nguyễn Thị Lệ Thu cho biết.

Khoa học cơ bản ở Việt Nam đã bắt đầu có được sự quan tâm của xã hội nhưng làm gì để khoa học cơ bản ngày một có nhiều đóng góp hơn? Đó cũng là vấn đề mà các nhà khoa học đang hết sức quan tâm. Có lẽ, thật khó chứng thực ngay một sớm một chiều, những kết quả nghiên cứu khoa học cơ bản vẫn được thể hiện dưới dạng bài báo, sách chuyên khảo được chuyển đổi thành sản phẩm trên thị trường. Con đường chuyển đổi rất xa xôi nhưng “nếu nhìn vào sự thăng trầm trong quá khứ của các quốc gia phát triển hiện nay, không quốc gia nào lại không dựa vào nền tảng KH&CN”, giáo sư Nguyễn Hải Nam (ĐH Dược HN) – chủ tịch Hội đồng xét chọn Giải thưởng Tạ Quang Bửu, khẳng định. Ông phân tích lý do vì sao Việt Nam cần phải tăng cường đầu tư cho khoa học cơ bản “thứ nhất, nghiên cứu cơ bản tạo tiền đề bền vững cho nghiên cứu ứng dụng; thứ hai nghiên cứu cơ bản góp phần đào tạo ra nguồn nhân lực chất lượng cao. Nếu không có nguồn nhân lực chất lượng cao thì chúng ta không thể tiếp nhận được những công nghệ cao của quốc tế; thứ ba, nghiên cứu cơ bản chính là nền tảng để một quốc gia bứt phá và dẫn dắt các quốc gia khác”.

Tốc độ tăng trưởng công bố quốc tế của Việt Nam là 25,6%, trong đó các công bố từ các đề tài do quỹ NAFOSTED tài trợ chiếm 60%.

Cũng với mong mỏi khoa học cơ bản được đầu tư quan tâm hơn nữa và qua đó, có thêm nhiều đóng góp hơn nữa cho đất nước, giáo sư Ngô Việt Trung đã nêu suy nghĩ chân thành của mình “Tôi nghe nói năm nay Quỹ NAFOSTED không đủ kinh phí để xét duyệt đề tài năm nay. Nhân dịp này, tôi thiết tha đề nghị Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam quan tâm giải quyết chuyện này để nghiên cứu khoa học cơ bản ở Việt Nam có thể phát triển một cách bền vững”.

Xét đến cùng, để phát triển một cách bền vững, không chỉ riêng trong Năm quốc tế về khoa học cơ bản, khoa học cơ bản cần có được những nguồn tài trợ bền vững và liền mạch, trước khi có được những đóng góp lớn lao và giá trị cho xã hội.