Truy xuất nguồn gốc: Kết nối để minh bạch hơn

Đề án triển khai, áp dụng và quản lý hệ thống truy xuất nguồn gốc, do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt vào năm 2019 (Đề án 100), đã đạt được những bước khởi đầu về truy xuất nguồn gốc hàng hóa tại Việt Nam.

Ông Bùi Bá Chính - Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm Mã số, Mã vạch Quốc gia (Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng, Bộ KH&CN) - đơn vị đầu mối thực hiện đề án, đã trao đổi với báo KH&PT về các kết quả đạt được cũng như các vấn đề xung quanh hoạt động truy xuất nguồn gốc tại Việt Nam.

1-1641095503.jpg
Ông Bùi Bá Chính - Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm Mã số Mã vạch Quốc gia.

Sau hai năm thực hiện, việc triển khai đề án 100 đã đạt được những kết quả gì, thưa ông?

Nếu nhìn vào Đề án 100, chúng ta có thể thấy nó bao gồm năm nhiệm vụ trọng tâm: hoàn thiện hệ thống văn bản pháp lý, tài liệu hướng dẫn về truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa; xây dựng, triển khai, ứng dụng hệ thống truy xuất nguồn gốc thống nhất trong cả nước; nghiên cứu áp dụng các công nghệ mới (như Blockchain, IoT, AI, Big data) để nâng cao hiệu quả hoạt động truy xuất nguồn gốc; thúc đẩy hoạt động hợp tác quốc tế trong lĩnh vực truy xuất nguồn gốc; và thiết lập, xây dựng, vận hành Cổng thông tin truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa quốc gia.

Đối với nhiệm vụ triển khai dự án xây dựng cổng thông tin truy xuất nguồn gốc sản phẩm hàng hóa quốc gia: dự kiến đến cuối năm 2022 sẽ hoàn thành, đưa vào vận hành cổng thông tin và đảm bảo khả năng kết nối với hệ thống truy xuất nguồn gốc của các bộ, ngành và 63 tỉnh/thành. Hiện tại, đáng mừng đã có trên 50 tỉnh/thành ban hành kế hoạch tổng thể thực hiện Đề án 100 tại địa phương, trong đó trên 20 tỉnh có kế hoạch xây dựng hệ thống quản lý thông tin truy xuất nguồn gốc sản phẩm hàng hóa để kết nối với cổng quốc gia. Các tỉnh/thành còn lại cũng đang phối hợp với Trung tâm Mã số, Mã vạch Quốc Gia để tiếp tục xây dựng, hoàn thiện và ban hành kế hoạch tổng thể trong năm 2022.

Là một trong những nhiệm vụ cốt lõi của đề án, việc xây dựng cổng thông tin truy xuất nguồn gốc sản phẩm hàng hóa quốc gia hướng đến mục tiêu nào, thưa ông?

Mục tiêu của cổng thông tin truy xuất nguồn gốc sản phẩm hàng hóa quốc gia hướng tới vấn đề: thu thập, lưu trữ và chia sẻ dữ liệu, từ đó đảm bảo sự kết nối giữa các hệ thống truy xuất của các bộ, ngành, địa phương. Đồng thời, cổng thông tin cũng hướng tới việc kết nối quốc tế để hỗ trợ cho việc xuất nhập khẩu sản phẩm hàng hóa, thông quan và vượt qua các yêu cầu về truy xuất nguồn gốc - một yêu cầu đang dần trở thành một rào cản phi thuế quan.

Trong pha đầu tiên dự kiến hoàn thành vào cuối năm 2022, cổng thông tin sẽ tập trung vào thu thập và chia sẻ các trường thông tin quan trọng của từng chủng loại sản phẩm thực phẩm liên quan trực tiếp tới sức khoẻ người tiêu dùng. Sau khi hoàn thành pha một, các tính năng phục vụ lĩnh vực khác, đặc biệt là lĩnh vực y tế và tài chính sẽ được triển khai trong các năm tiếp theo.

Về lâu dài, chúng tôi mong muốn xây dựng được một hệ sinh thái truy xuất nguồn gốc kết nối với tất cả các hệ thống có liên quan đến sản phẩm hàng hóa, từ đơn vị cung cấp nguyên vật liệu đến các đơn vị vận chuyển, lưu kho, phân phối, các đơn vị cung cấp giải pháp truy xuất nguồn gốc và cơ quan quản lý nhà nước. Hệ sinh thái này sẽ bao gồm việc số hóa chuỗi cung ứng, từ đó kết nối để trở thành một hệ thống giám sát và quản lý chất lượng sản phẩm hàng hóa. Với hệ sinh thái này, chúng tôi cũng đặt mục tiêu hướng tới nền thương mại điện tử D2C (Direct To Consumer), một mô hình kinh doanh mà trong đó doanh nghiệp có thể phân phối trực tiếp sản phẩm đến khách hàng, bỏ qua các khâu trung gian, kể cả hải quan.

Và cổng truy xuất nguồn gốc quốc gia mà chúng tôi đang xây dựng sẽ không nhằm tạo ra một ứng dụng truy xuất duy nhất (bởi mỗi ứng dụng có thể được thiết kế để giải quyết một vấn đề khác nhau), mà là tạo ra một “đám mây ẩn” để làm sao nhiều đơn vị cung cấp giải pháp khác nhau có thể cùng phát triển nhưng vẫn kết nối được với nhau theo một chuẩn chung thống nhất và đấu nối vào một cơ sở dữ liệu lớn là cổng truy xuất nguồn gốc quốc gia. Từ đó, người tiêu dùng có thể thoải mái lựa chọn sử dụng bất kỳ ứng dụng truy xuất nguồn gốc nào, miễn là thông tin trong ứng dụng ấy được kết nối và xác thực ở cổng quốc gia.

2-1641095505.jfif
Người tiêu dùng quét mã QR trên sản phẩm với điện thoại thông minh. Ảnh: Mỹ Hạnh

Nhưng việc kết nối các hệ thống truy xuất đang có sẵn để tạo thành một cơ sở dữ liệu lớn như vậy có dễ dàng không?

Thực ra, vốn dĩ các hệ thống truy xuất hiện nay đã không tương thích với nhau. Để có thể liên kết và chuyển đổi dữ liệu thì các hệ thống này cần phải có một chuẩn chung. Đó cũng là lý do Đề án 100 được triển khai, cùng với đó là rất nhiều tiêu chuẩn và sắp tới là quy chuẩn quốc gia được xây dựng nhằm chuẩn hóa các hệ thống và giúp các hệ thống này kết nối được với nhau.

Có một điểm rất thuận lợi là Trung tâm Mã số Mã Vạch Quốc gia là đơn vị đầu mối, phụ trách việc kết nối các hệ thống, mà tất cả các sản phẩm hàng hóa có mã số mã vạch hiện tại đều đăng ký sử dụng mã số mã vạch có trong cơ sở dữ liệu của Trung tâm, do đó chúng tôi đã có cơ sở dữ liệu về tất cả các sản phẩm cuối chuỗi. Bên cạnh đó, Trung tâm Mã số Mã Vạch Quốc gia hiện là một trong 115 thành viên của GS1 toàn cầu, nhờ đó Trung tâm có thể có được dữ liệu về các sản phẩm sản xuất trên toàn thế giới thông qua cổng kết nối toàn cầu.

Từ những vụ việc như xoài Mỹ Xương, Đồng Tháp bị gian lận xuất xứ khi xuất khẩu sang Trung Quốc, vấn đề mà nhiều người quan tâm nhất là làm sao để đảm bảo dữ liệu truy xuất nguồn gốc là chính xác?

Các dữ liệu đưa lên cổng thông tin truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa quốc gia sẽ gồm hai dạng: Thứ nhất, là các thông tin lõi để đảm bảo kết nối, đã được quy định trong Nghị định, Thông tư và quy chuẩn bắt buộc phải công khai, ví dụ như thông tin về mặt hàng kinh doanh, địa điểm kinh doanh; Thứ hai là những thông tin không quy định trong hành lang pháp lý, doanh nghiệp tự công bố và chưa có kiểm chứng. Đó là lý do tại sao cần có một bên thứ ba được chỉ định và có uy tín đứng ra chứng thực thông tin mà doanh nghiệp tự công bố, các đơn vị này sẽ chịu trách nhiệm về các thông tin đã xác nhận đó.

Do chưa chuẩn hóa và chưa có công nghệ đảm bảo sự kết nối, các thông tin trong hệ thống truy xuất không được nối và xác thực lẫn nhau. Đồng thời, do chưa có đủ dữ liệu lớn về sản phẩm nên người ta có thể gian dối về thông tin truy xuất nguồn gốc. Chẳng hạn, hiện nay nhiều đơn vị làm truy xuất nguồn gốc không thực chất, cứ để mặc định thông tin số ngày cách ly phân bón và số ngày cách ly thuốc bảo vệ thực vật đối với tất cả sản phẩm là bảy ngày, nhưng không biết là có loại chỉ cần cách ly ba ngày, có loại cách ly 14 ngày.

Bên cạnh đó, mô hình chứng thực của bên thứ ba đến nay hầu như chưa có ở Việt Nam và bây giờ mới đang dần hình thành, lý do là chúng ta chưa có cơ sở dữ liệu, chưa có công cụ kết nối. Sau này, khi đã có cơ sở dữ liệu kết nối và hình thành nên các đơn vị chứng thực thì những giải pháp, hệ thống truy xuất nguồn gốc nào đã được chứng thực sẽ có thể đảm bảo dữ liệu truy xuất là chuẩn xác.

Hiện nay, hoạt động truy xuất nguồn gốc ở Việt Nam vẫn còn đứng trước nhiều thách thức, thách thức lớn nhất đó là thiếu “trọng tài” - sự quản lý của nhà nước, thiếu sự kết nối và sự hiểu biết đúng đắn về truy xuất nguồn gốc. Nhưng tôi cho rằng, theo thời gian, với yêu cầu của thị trường, sự phát triển của công nghệ cùng với xu thế số hóa của thời đại thì những vấn đề được coi là thách thức của hoạt động truy xuất nguồn gốc sẽ dần được giải quyết. Lúc đó, muốn gian dối thông tin truy xuất nguồn gốc sẽ không đơn giản nữa và lộ ra ngay.

Có doanh nghiệp lo lắng việc áp dụng truy xuất nguồn gốc theo đề án 100 sẽ gây tốn kém, tăng chi phí cho doanh nghiệp, ông nghĩ sao về điều này?

Thực ra việc đầu tư cho hệ thống truy xuất nguồn gốc không tốn kém. Nếu so sánh với các hệ thống quản lý giám sát khác như HACCP hay ISO 9001…thì các hệ thống này còn đắt hơn nhiều. Vấn đề chỉ một số doanh nghiệp chỉ quen với cách làm cũ và không muốn thay đổi.

Trong khi đó, lợi ích đầu tiên của một hệ thống truy xuất nguồn gốc chuẩn là nó sẽ hỗ trợ cho hoạt động quản lý giám sát của doanh nghiệp, giúp cho doanh nghiệp biết khâu nào lỗi để sửa chữa, khắc phục. Về lâu dài, khi số hóa cả nền kinh tế, thì những doanh nghiệp thực hiện việc truy xuất nguồn gốc minh bạch sẽ có hình ảnh sản phẩm, thương hiệu trong mắt người tiêu dùng khác hẳn những doanh nghiệp làm gian dối, không dám công khai thông tin, hoặc công khai thông tin không chính xác.

Như vậy, việc đầu tư và thực hiện truy xuất nghiêm túc sẽ giúp bảo vệ uy tín, thương hiệu của chính doanh nghiệp đó. Thực hiện truy xuất nguồn gốc tốt thì sẽ không còn hiện tượng gian lận nguồn gốc, bị ảnh hưởng thương hiệu và bị “vạ lây” như các doanh nghiệp, hợp tác xã xoài Mỹ Xương, Đồng Tháp.

Cảm ơn ông về cuộc trao đổi!

Đến nay, Bộ KH&CN đã công bố 23 tiêu chuẩn quốc gia (TCVN) về truy xuất nguồn gốc như tiêu chuẩn về kỹ thuật của hệ thống truy xuất nguồn gốc; tiêu chuẩn về nghiệp vụ truy xuất nguồn gốc một số loại sản phẩm nông sản thực phẩm, cây công nghiệp, thủy hải sản; tiêu chuẩn về yêu cầu đối với tổ chức đánh giá và chứng nhận hệ thống truy xuất nguồn gốc… Dự kiến năm 2022, Bộ KH&CN cũng sẽ công bố thêm ít nhất 22 TCVN nữa về truy xuất nguồn gốc.

Bên cạnh đó, đã có 53/63 UBND tỉnh/thành phố ban hành Kế hoạch triển khai Đề án 100 về trên địa bàn tỉnh/thành phố. Trung tâm Mã số Mã Vạch quốc gia cũng đã phối hợp với một số tỉnh xây dựng các mô hình điểm áp dụng hệ thống quản lý truy xuất nguồn gốc. Trung bình mỗi năm tổ chức được 20 khóa đào tạo cả trực tuyến và trực tiếp cho các doanh nghiệp và các cá nhân, tổ chức liên quan tại các địa phương.