Từ vụ cô đồng bổ cau ở Hải Dương: Lợi dụng tự do tín ngưỡng để trục lợi bị xử lý như thế nào?

Vụ việc cô đồng bổ cau ở Hải Dương bị cáo buộc lừa đảo chiếm đoạt tài sản cùng với hàng loạt vụ việc lợi dụng tự do tín ngưỡng để hành nghề mê tín dị đoan, trục lợi từ người dân, khiến dư luận bức xúc. Pháp luật quy định như thế nào về hành vi lợi dụng tự do tín ngưỡng để trục lợi?

Trả hồ sơ, điều tra bổ sung vụ cô đồng bổ cau ở Hải Dương
Tòa án nhân dân thị xã Kinh Môn (Hải Dương) vừa mở phiên tòa xét xử sơ thẩm đối với bị cáo Trương Thị Hương (được biết đến với danh xưng "Cô đồng bổ cau") về tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản".

bi-cao-0844-1724898287.jpg

Bị cáo Trương Thị Hương tại phiên tòa xét xử.

Theo cáo trạng, ngày 19/2/2022, tại chỗ ở của Trương Thị Hương (Nam Hà, Hiến Thành, thị xã Kinh Môn, tỉnh Hải Dương), Hương đã lợi dụng sự mê tín của vợ chồng anh Phạm Sơn T. (34 tuổi, ở Kinh Môn) để hoạt động mê tín dị đoan, xem bói, chiếm đoạt tiền.

Hương đã xem bói cho anh T., đưa thông tin gian dối là nếu không làm lễ giải hạn thì bố của anh T. sẽ gặp hạn, tiền của làm ra sẽ mất hết. Vợ chồng anh T. tin lời Hương nên chuyển khoản cho Hương 2 lần tiền, tổng số tiền là 62,5 triệu đồng. Sau khi nhận được tiền, Hương đã chi tiêu hết.

Ngày 6/12/2022, cũng tại chỗ ở của Hương, Hương tiếp tục lợi dụng sự mê tín của vợ chồng anh Trần Thế X. (34 tuổi, ở Lê Chân, Hải Phòng), đưa ra thông tin gian dối để vợ chồng anh X. tin tưởng là nhà anh bị yểm bùa, có ma quỷ quấy phá, gia đình có vận hạn.

Hương nói gia đình anh X. đưa 180 triệu đồng để làm lễ cúng giải hạn và giúp gia đình anh X. bán được nhà trong tháng 12/2022. Vợ chồng anh X. tin tưởng đưa cho Hương 2 lần tiền, tổng số là 180 triệu đồng. Sau khi nhận được tiền, Hương đã chi tiêu hết.

Tổng số tiền Hương chiếm đoạt của 2 gia đình nạn nhân là 242.500.000 đồng.

Cuối phiên xét xử sáng 21/8/2024, Hội đồng xét xử TAND thị xã Kinh Môn đã quyết định trả hồ sơ để điều tra bổ sung vụ án. Theo HĐXX, ngoài đưa ra thông tin gian dối để chiếm đoạt tiền của 2 gia đình nạn nhân nói trên như VKS truy tố, bị cáo còn có hành vi nhận tiền qua tài khoản để xem bói, làm lễ nhưng chưa bị điều tra, xử lý theo quy định.

HĐXX quyết định trả hồ sơ vụ án cho VKSND thị xã Kinh Môn để điều tra bổ sung các nội dung chuyển, nhận tiền qua tài khoản MBBank của bị cáo Hương. Việc điều tra nội dung trên nhằm làm rõ có hay không việc bị cáo Hương đưa ra thông tin gian dối để lừa đảo chiếm đoạt tài sản của nhiều người bằng hình thức xem bói, cúng lễ.

Cô đồng Tâm, cậu Thủy và loạt thầy bói "dỏm" xộ khám vì chiếm đoạt tài sản
Trước vụ việc cô đồng bổ cau Trương Thị Hương ở Hải Dương, dư luận nhiều lần bức xúc trước hành vi của các đối tượng lợi dụng tự do tín ngưỡng để hành nghề mê tín dị đoan, lừa đảo chiếm đoạt tài sản của người dân.

Cô đồng Tâm "cúng lễ giải hạn", chiếm đoạt 650 triệu đồng
Mới đây, ngày 13/6/2024, Tòa án nhân dân TP Hà Nội tuyên phạt bị cáo Phùng Thị Tâm (tên gọi khác là "cô đồng Tâm", 50 tuổi, trú tại Ba Vì, Hà Nội) mức án 11 năm tù về tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản".

co-dong-tam-2488jpg-0815-1724898286.jpg
Bị cáo Phùng Thị Tâm tại phiên tòa xét xử.

Cô đồng Tâm lập điện thờ tại nhà ở thôn Đông Lâu, xã Phú Đông, huyện Ba Vì (Hà Nội), hành nghề xem bói, cúng lễ. Do vay mượn tiền của người khác không có khả năng trả nợ, cô đồng Tâm nảy sinh ý định lợi dụng việc xem bói để đưa ra các thông tin gian dối nhằm chiếm đoạt tài sản.

Bằng thủ đoạn này, từ ngày 11/5/2022 đến 9/6/2022, bị cáo Phùng Thị Tâm lấy lý do cúng lễ giải hạn cho anh Chu Văn T. (30 tuổi) để chiếm đoạt của gia đình anh này hơn 420 triệu đồng; cúng lễ cho con trai bà Vũ Thị Q., chiếm đoạt của bà này gần 230 triệu đồng. Tổng số tiền mà "cô đồng Tâm" chiếm đoạt của các bị hại là hơn 650 triệu đồng.

" Cắt vía âm, đổi vía dương", cô đồng 'cá kiếm' hơn 1,6 tỷ đồng
Trước đó, Phòng cảnh sát hình sự Công an tỉnh Nghệ An cũng đã tạm giữ hình sự đối tượng Trần Thị Soa (38 tuổi, quê xã Tiến Thành, huyện Yên Thành, Nghệ An), để điều tra làm rõ hành vi Lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Lợi dụng lòng tin, Trần Thị Soa Đã lừa chị T.T.Q (SN 1968, trú tại thị xã Thái Hòa, tỉnh Nghệ An) chiếm đoạt số tiền hơn 1,6 tỷ đồng. Soa đưa ra chuyện chị Q và con trai chị sẽ gặp nạn, “phải đặt tiền làm lễ đáo cung, cắt vía âm, đổi vía dương”. Với thủ đoạn này, Trần Thị Soa đã 3 lần lừa đảo, chiếm đoạt tài sản của chị Q với tổng số tiền 1,63 tỷ đồng.

co-dong-soa-0844-1724898286.jpg
Cơ quan điều tra lấy lời khai của Trần Thị Soa.

Cụ thể, theo kết quả điều tra ban đầu, từ năm 2011, Trần Thị Soa đã lập ban thờ “Tứ phủ” tại nhà và Soa cũng đi hầu đồng ở nhiều đền, chùa. Qua những lần hầu đồng, Soa thường giả giọng “thánh mẫu” Thiên Y A Na (là vị thần được cư dân Việt và Chăm thờ phụng) để “chỉ bảo” những việc làm như mua lễ, đặt lễ... Tin tưởng Soa, nhiều người dân trong vùng đã đến “nhờ cậy” cúng bái.

Năm 2017, Trần Thị Soa quen chị T.T.Q.. Trong quá trình này, hai người thường xuyên đi lễ chùa với nhau, thậm chí còn chung nhau đầu tư bất động sản. Biết chị Q. là người rất tin vào chuyện tâm linh nên Soa rỉ tai về việc xem bói, làm lễ...

Tháng 5/2023 do đầu tư qua mạng thua lỗ nên Soa đã nảy sinh ý định lợi dụng chị Q. để lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Từ ngày 14 đến 16/5, để thực hiện hành vi, Soa lấy lý do chị Q. và con trai chị gặp nạn. Theo lời phán của “cô đồng” này, con trai chị Q. phải đặt tiền làm lễ “đáo cung, đáo hạn”, “cắt vía âm, đổi vía dương”, nếu không sẽ bị chết yểu. Khi nghe thông tin này, vợ chồng chị Q. vô cùng hoang mang. Sau đó, vợ chồng chị Q. bàn bạc nhau bằng mọi giá phải vay mượn tiền để lo cho con.

Ban đầu, Soa thông báo, gia đình phải lo đủ 800 triệu đồng thì “thánh mẫu” mới làm lễ giải hạn. Sau khi bán vàng và vay mượn của người thân, gia đình chị Q. mới xoay xở được 700 triệu đồng. Soa vẫn đồng ý làm lễ và cho biết, với số tiền này thì con trai chị này mới sống được 15-17 năm thôi, còn nếu muốn con sống trọn đời thì phải lo thêm. Ngoài ra, Soa còn đưa ra lý do ngoài làm lễ cho con trai chị Q. thì phải lo tiền làm lễ cho bản thân Soa nữa thì việc mới trọn vẹn.

Với những thủ đoạn trên, Trần Thị Soa lừa đảo, chiếm đoạt tài sản của chị Q. với tổng số tiền 1,63 tỷ đồng. Sau một thời gian phát hiện hành vi lừa đảo của đối tượng, bị hại đã đến cơ quan chức năng trình báo. Riêng Trần Thị Soa từ khi đạt được mục đích đã cắt đứt mọi liên lạc và trốn sang Thái Lan.

Sau thời gian áp dụng đồng bộ các biện pháp nghiệp vụ, ngày 30/10/2023 Phòng Cảnh sát hình sự Công an Nghệ An bắt giữ Trần Thị Soa về hành vi lừa đảo, chiếm đoạt tài sản. Tại cơ quan Công an Soa đã thừa nhận toàn bộ hành vi phạm tội của mình. Hiện, vụ án đang tiếp tục được điều tra, mở rộng.

Lừa đảo tìm hài cốt liệt sĩ, cậu Thủy chiếm đoạt hơn 8 tỷ đồng
Vào năm 2013, liên quan đến việc lợi dụng tự do tín ngưỡng để lừa đảo, nhóm đối tượng do Nguyễn Văn Thúy (tức Cậu Thủy, 54 tuổi) cầm đầu thực hiện hành vi lừa đảo thông qua việc tìm kiếm hài cốt liệt sĩ.

cau-thuy-0850-1724898286.jpg
Bị cáo Nguyễn Văn Thúy tại phiên xét xử.

Theo nội dung vụ việc, từ năm 2008, nhóm đối tượng này đã thực hiện việc tìm kiếm, cất bốc hài cốt cho những gia đình có nhu cầu. Khoảng cuối tháng 11/2010 đến ngày 25/3/2013, Thúy và các đồng phạm đã có hành vi cạy phần thân mộ lấy trộm khoảng 70 bộ hài cốt liệt sĩ tại các nghĩa trang liệt sĩ ở tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế và mua hài cốt tại nghĩa trang huyện Đăk Tô (Kon Tum). Thúy chỉ đạo các đồng phạm chia hài cốt, khắc giả di vật và làm giả hiện trường nơi có chôn cất 105 liệt sĩ.

Với thủ đoạn trên, Thúy và đồng phạm đã chiếm đoạt trên 8 tỷ đồng, trong đó Công đoàn Ngân hàng chính sách xã hội Việt Nam 7 tỷ, còn lại là của thân nhân liệt sĩ.

Nguyễn Văn Thúy bị tuyên án tù chung thân về tội danh “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. Các đồng phạm của Thúy bị cáo buộc “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” và “Xâm phạm mồ mả, hài cốt”. Trong đó, Mẫn Thị Duyên (vợ của Nguyễn Văn Thúy) bị tuyên phạt 25 năm tù giam; các bị cáo còn lại nhận mức án từ 1 năm án treo đến 23 năm tù giam.

Lợi dụng tự do tín ngưỡng để trục lợi bị xử lý như thế nào?
Từ những vụ việc trên, thấy được hậu quả nghiêm trọng của việc mê tín dị đoan bị các đối tượng xấu lợi dụng để trục lợi. Vậy những hành vi lợi dụng tự do tín ngưỡng để hoạt động mê tín, dị đoan, thậm chí chiếm đoạt tài sản sẽ bị pháp luật xử lý như thế nào?

Trao đổi với PV Pháp luật và Phát triển, luật sư Diệp Năng Bình - Trưởng phòng Luật sư Tinh thông luật, Đoàn luật sư TP.HCM nêu rõ - việc lợi dụng tự do tín ngưỡng để trục lợi được xem là hành vi vi phạm pháp luật. Tùy vào tính chất và mức độ của hành vi mà chủ thể vi phạm có thể bị xử lý vi phạm hành chính hoặc xử lý hình sự và bồi thường thiệt hại (nếu có).

Phân biệt "Tín ngưỡng" và "Mê tín dị đoan"
Tín ngưỡng là gì?

Theo khoản 1, 2 Điều 2 Luật Tín ngưỡng, tôn giáo năm 2016, “Tín ngưỡng” là niềm tin của con người được thể hiện thông qua những lễ nghi gắn liền với phong tục, tập quán truyền thống để mang lại sự bình an về tinh thần cho cá nhân và cộng đồng.

“Hoạt động tín ngưỡng” là hoạt động thờ cúng tổ tiên, các biểu tượng linh thiêng; tưởng niệm và tôn vinh người có công với đất nước, với cộng đồng; các lễ nghi dân gian tiêu biểu cho những giá trị lịch sử, văn hóa, đạo đức xã hội.

Mê tín dị đoan là gì?
“Mê tín dị đoan” mặc dù chưa được pháp luật quy định cụ thể, nhưng trên thực tế, mê tín dị đoan có thể được hiểu là có niềm tin mãnh liệt vào những điều phù phiếm, mơ hồ, không căn cứ nào để chứng minh, không phù hợp với lẽ tự nhiên (như là tin vào bói toán, chữa bệnh bằng phù phép, thần thánh, ma quỷ...) với mục đích trục lợi, có thể gây ra hậu quả xấu cho cá nhân, gia đình, cộng đồng, xã hội.

diep-nang-binh-0920-1724898286.jpg
Luật sư Diệp Năng Bình - Trưởng văn phòng luật sư Tinh thông luật.

Sự khác nhau giữa "Tín ngưỡng" và "Mê tín dị đoan"
Dựa theo các khái niệm trên, có thể thấy mê tín dị đoan khác biệt với hoạt đông tín ngưỡng ở các điều sau:

- Về mặt niềm tin: Tín ngưỡng là thể hiện niềm tin, sự sùng bái còn mê tín dị đoan là quá tin (đến mức mê muội, mù quáng).

- Về phương thức hoạt động: Mê tin dị đoan thông qua các hoạt động phi pháp, chưa được thừa nhận trong khi hoạt động tín ngưỡng được thừa nhận, phù hợp với quy định của pháp luật.

- Về mục đích: Mê tín dị đoan thường hoạt động với mục đích trục lợi, còn hoạt động tín ngưỡng mang lại điều tốt đẹp cho con người, làm nổi bật giá trị lịch sử, văn hóa, đạo đức xã hội.

Lợi dụng tự do tín ngưỡng, hành nghề mê tín dị đoan bị xử lý như thế nào?
Luật sư Diệp Năng Bình phân tích, theo Điều 24 Hiến pháp năm 2013, mọi người có quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, theo hoặc không theo một tôn giáo nào. Các tôn giáo bình đẳng trước pháp luật. Nhà nước tôn trọng và bảo hộ quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo. Không ai được xâm phạm tự do tín ngưỡng, tôn giáo hoặc lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo để vi phạm pháp luật.

Thêm vào đó, các quy định về hoạt đông tín ngưỡng, tôn giáo; các quyền và nghĩa vụ của cá nhân, tổ chức, cơ quan... được quy định chi tiết tại Luật Tín ngưỡng, tôn giáo năm 2016 và các văn bản hướng dẫn Luật Tín ngưỡng, tôn giáo và luật khác có liên quan.

Đối với mê tín dị đoan, theo luật sư Trương Anh Tú - Giám đốc Công ty luật TNHH Trương Anh Tú - hiện pháp luật Việt Nam có một hành lang pháp lý đầy đủ xác định và xử lý các hành vi được cho là mê tín dị đoan.

Theo đó, hành vi tổ chức hành nghề mê tín dị đoan khi chưa gây ra hậu quả đáng kể sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính theo theo định tại Điểm đ, Điều 14, Nghị định 38/2021/NĐ-CP quy định xử phạt hành chính đối với hoạt động mê tín dị đoan. Cụ thể, người thực hiện hành vi tổ chức hoạt động mê tín dị đoan sẽ bị phạt tiền từ 15.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng.

Ngoài ra, hành vi hành vi lợi dụng hoạt động lên đồng, xem bói, gọi hồn, xin xăm, xóc thẻ, yểm bùa, phù chú, truyền bá sấm trạng và các hình thức tương tự khác để trục lợi bị xử phạt hành chính điểm a, Khoản 2 và Khoản 4 Điều 15 Nghị định 158/2013/NĐ-CP với mức tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng.

Trường hợp hành vi hành nghề mê tín dị đoan đã gây ra một hậu quả tới mức xem xét xử lý hình sự thì người thực hiện hành vi hành nghề mê tín dị đoan sẽ bị xem xét, truy cứu trách nhiệm hình sự về “Tội hành nghề mê tín, dị đoan” theo Điều 320 Bộ luật Hình sự hiện hành.

truong-anh-tu-2jpeg-0921-1724898287.jpg
Luật sư Trương Anh Tú.

Lợi dụng tự do tín ngưỡng, hành nghề mê tín dị đoan để chiếm đoạt tài sản: Chứng minh hành vi phạm tội như thế nào?
Đối với các vụ việc cậu Thủy, công đồng Tâm, cô đồng Soa hay mới đây nhất là công đồng bổ cau ở Hải Dương, dư luận băn khoăn, làm thế nào để chứng minh những người này chiếm đoạt tài sản?

Theo luật sư Diệp Năng Bình, để chứng minh người hành nghề mê tín dị đoan chiếm đoạt tài sản cần dựa trên kết luận của cơ quan chức năng trong quá trình kiểm tra, xác minh và xử lý vi phạm.

Trên thực tế, dựa theo khái niệm, có thể nhìn nhận được hành vi mê tín dị đoan thông qua một số biểu hiện như lệch lạc về niềm tin; phương thức thực hiện hành vi (bói toán, chữa bệnh bằng bùa ngải, bùa, gọi hồn, ma quỷ...), mục đích của hành vi và hậu quả thiệt hại về tài sản đối với người tham gia.

Do đó, nạn nhân có thể cung cấp các bằng chứng như video, hình ảnh, ghi âm về việc mê tín dị đoan và xác định được thiệt hại để thuận tiện cho cơ quan chức năng trong quá trình giải quyết vụ việc.

Trong khi đó, luật sư Trương Anh Tú đánh giá, để nhận định một hành vi là mê tín dị đoan hay là hoạt động tín ngưỡng được pháp luật thừa nhận không khó. Tuy nhiên, để có thể xử lý được các hành vi này thì không phải lúc nào cũng dễ dàng, đặc biệt là hành nghề mê tín dị đoan nhằm trục lợi, chiếm đoạt tài sản của “con nhang, đệ tử”.

Theo luật sư Tú, những đối tượng hành nghề mê tín dị đoan để trục lợi thường sử dụng những thủ đoạn tinh vi nhằm che giấu hành vi của mình như: nhận tiền nhưng không lập văn bản, giấy tờ; nhận tiền một cách lén lút, không có người chứng kiến…

Để trình báo, tố giác hành vi hành nghề mê tín dị đoan chiếm đoạt tài sản, qua đó để cơ quan có thẩm quyền có căn cứ xử lý, người trình báo, tố giác cần phải cung cấp thông tin, tài liệu ban đầu cho các cơ quan có thẩm quyền như giấy biên nhận tiền, ghi âm, video ghi lại hành vi của người hành nghề mê tín dị đoan, lời khai của nạn nhân và nhân chứng ...

Làm gì để ngăn chặn những hệ lụy của mê tín dị đoan?
Mê tín dị đoan thường đem lại nhiều hệ lụy xấu cho xã hội. Không chỉ ở Việt Nam mà nhiều quốc gia trên thế giới cũng đang quyết tâm để tiến đến bài trừ, xóa bỏ những hủ tục lạc hậu, mê tín dị đoan.

Theo Luật sư Diệp Năng Bình, để có thể xóa bỏ, bài trừ được mê tín dị đoan thì cần có những giải pháp sau:

Thứ nhất, Nhà nước cần có quy định cụ thể về mê tín dị đoan. Việc xác định được hành vi mê tín dị đoan hiện nay vẫn chưa được rõ ràng, dẫn đến người dân chưa thực sự hiểu biết rõ về các vấn đề liên quan đến mê tín dị đoan. Thông qua đó, việc xử lý sai phạm cũng trở nên dễ dàng, hiệu quả hơn.

Thứ hai, các cấp chính quyền địa phương cần chủ động tuyên truyền, vận động người dân, nhất là những địa phương vẫn còn tồn tại những hủ tục lạc hậu, mê tín dị đoan, để hướng tới xóa bỏ hoàn toàn chúng.

Thứ ba, người dân cần có nhận thức đúng đắn, kiên định với niềm tin của bản thân trong việc thực hành tín ngưỡng, tôn giáo phù hợp với quy định của pháp luật để không khỏi lệch lạc về hành vi, niềm tin, lún sâu vào mê muội.