Theo VCBS, trong năm 2023, sức mua thực tế giảm cùng rủi ro lạm phát cao là yếu tố then chốt tác động đến triển vọng của các doanh nghiệp bán lẻ - tiêu dùng như Masan Consumer (MCH) – công ty con của Masan. Lo ngại này dựa trên (1) bức tranh vĩ mô về chính sách tiền rẻ kết thúc và lãi suất tăng cao (2) lạm phát có dấu hiệu tăng nhanh.
VCBS cho rằng, tuy danh mục sản phẩm chủ yếu là hàng hoá và thực phẩm thiết yếu, MCH vẫn sẽ chịu tác động do lạm phát sẽ khiến người tiêu dùng thuộc nhóm thu nhập trung bình có xu hướng tìm tới những nhãn hiệu có giá thấp hơn. Xu hướng này đang đi ngược với chiến lượng cao cấp hóa của MCH.
VCBS dự phóng tăng trưởng doanh thu của MCH sẽ đạt lần lượt 9,3% và 16,3% trong 2023 – 2024, trong đó ngành thực phẩm tiện lợi, gia vị (+ 10-15% so với năm trước) và thịt chế biến (+50% so với năm trước) là mũi nhọn, một phần nhờ vào thị trường còn nhiều dư địa, đặc biệt là mảng thịt chế biến với quy mô 2,4 tỷ USD năm 2027 và hiện chưa có đối thủ thống trị thị trường.
Về công ty con WinCommerce (WCM), đơn vị điều hành chuỗi bán WinMart, WinMart+ và Masan High-Tech Materials (MHT), trong năm 2022, WCM đã có nhiều thay đổi đáng kể, như mở mới 477 cửa hàng Winmart+ và 4 siêu thị Winmart. Xét về số lượng cửa hàng và hiệu quả hoạt động WCM vẫn đang chiếm vị trí số 1 tại thị trường Việt Nam (~ 50% các siêu thị nhỏ và cửa hàng tiện lợi trên toàn quốc).
WCM cũng cho ra mắt 50-70 cửa hàng WIN LIFE theo mô hình mới, tích hợp sản phẩm từ WinMart (nhu yếu phẩm), Techcombank (dịch vụ tài chính), Phúc Long (trà và cà phê), Dr. WIN (chăm sóc sức khỏe) và Reddi (dịch vụ viễn thông). Doanh thu tháng/m2 của các cửa hàng theo mô hình mới này đã gia tăng xấp xỉ 20%.
VCBS lạc quan với triển vọng tăng trưởng doanh thu của WCM trong 2023- 2024 nhờ kế hoạch mở rộng mạnh mẽ được giữ vững và tiềm năng của mô hình cửa hàng tiện lợi sẽ tiếp tục là phân khúc bùng nổ nhất tại Việt Nam. Trong kịch bản thận trọng, chúng tôi dự phóng WCM sẽ mở từ 600-800 cửa hàng mới mỗi năm, trong khi doanh thu/CH sẽ đi ngang trong 2023 do sức mua yếu trước khi tăng trở lại (+10%) trong 2024.
Với công ty con Masan MEATLife (MML), kết quả kinh doanh của MML đã có một số cải thiện tích cực trong quý 3/2022, chủ yếu đến từ gia tăng mạng lưới phân phối cho sản phẩm thịt qua Winmart và giá thịt heo cao hơn. Đến cuối quý 3/2022, thịt mát (bao gồm cả thịt gà) của MML mới được phân phối đến khoảng 4.000 cửa hàng của WCM, do đó dư địa tăng trưởng của MML còn rất nhiều chưa kể đến khả năng mở rộng quy mô 600-800 cửa hàng/năm của WCM. VCBS dự phóng doanh thu MML sẽ tăng trưởng tích cực khoảng 30%/năm trong hai năm tới.
Về cấu trúc nợ vay của MSN đến cuối tháng 9/2022 khá cân bằng với tổng nợ là 60.931 tỷ đồng, trong đó trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) chiếm 56% (33.898 tỷ đồng) và vay ngân hàng chiếm 43,8% (26.741 tỷ đồng). Vay ngắn hạn là 40.144 tỷ đồng và vay dài hạn là 20.700 tỷ, trong đó nợ đến hạn trong vòng 12 tháng là 26.167 và dư nợ bằng đồng USD là khoảng 12.368 tỷ đồng.
Chi phí tài chính của MSN chủ yếu bao gồm chi phí lãi vay và lãi/ lỗ tỷ giá.
Trong quý 3/2022, tỷ giá USD/VND tăng khoảng 2% đã khiến MSN lỗ tỷ giá khoảng 168 tỷ đồng so với quý 2. Với việc tỷ giá đã hạ nhiệt gần đây, VCBS kì vọng MSN sẽ không chịu thêm lỗ tỷ giá trong quý 4, nhưng thêm khoảng 300-340 tỷ đồng lỗ trong 2023 (giả định tỷ giá USD/VND tăng 3-4%).
Về dòng tiền, VCBS cho rằng MSN sẽ không gặp vấn đề lớn. Tại báo cáo tài chính quý 3/2022, nợ dài hạn đến hạn trả trong vòng 12 tháng của MSN là 26.167 tỷ đồng, trong đó tiền và tương đương tiền cuối kì là 7.724 tỷ đồng, cùng với khoảng 16.500 tỷ đồng mới huy động tháng 11/2022 (vay 600 triệu USD và phát hành 1.700 tỷ đồng trái phiếu bằng VND), MSN cần chuẩn bị lượng tiền mặt khoảng 8.000 tỷ đồng để đảm bảo thanh toán các khoản nợ đến quý 3/2023. Ước tính này chưa bao gồm số tiền cần cho đầu tư tài sản cố định, tuy nhiên với khả năng huy động vốn của MSN, VCBS cho rằng đây sẽ không phái thách thức lớn.