Vì sao Bộ Giao thông xin gia hạn báo cáo xã hội hóa xây dựng cảng hàng không các tỉnh?

Bá Di

28/12/2022 14:01

Theo dõi trên

Bộ Giao thông Vận tải đề xuất Thủ tướng Chính phủ cho phép gia hạn thời hạn báo cáo kết quả nghiên cứu phương án xã hội hóa xây dựng cảng hàng không do 4/9 địa phương vẫn chưa hoàn thành đề án báo cáo.

vi-sao-bo-giao-thong-xin-gia-han-bao-cao-xa-hoi-hoa-xay-dung-cang-hang-khong-cac-tinh-pld-1672210584.jpg

Hình minh họa

Thực tiễn khó khăn khi lập đề án xã hội hóa

Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) mới đây đã có văn bản trình lên Thủ tướng Chính phủ, báo cáo về Đề án xã hội hóa, đầu tư theo phương thức PPP khai thác các cảng hàng không.

Theo đó, Bộ GTVT đã xây dựng đề cương, hướng dẫn các tỉnh nghiên cứu và lập Đề án đối với cảng hàng không thuộc địa phận của địa phương và báo cáo Tổ công tác theo kế hoạch. Song, do tính chất phức tạp về quản lý đất đai, tài sản cũng như việc tổ chức khai thác các cảng hàng không hiện hữu, công tác triển khai lập Đề án của các địa phương chưa bảo đảm theo tiến độ đề ra.

Đến nay, Bộ GTVT mới nhận được Đề án xã hội hóa đầu tư, khai thác cảng hàng không do UBND các tỉnh: Quảng Nam, Sơn La, Thanh Hóa, Lâm Đồng lập.

Còn lại các địa phương: Nghệ An, Ninh Thuận, Đồng Nai, Cần Thơ, Bộ GTVT sẽ tiếp tục đôn đốc để bảo đảm triển khai nhiệm vụ Thủ tướng Chính phủ giao.

Với tình hình triển khai nêu trên, tiến độ báo cáo Thường trực Chính phủ kết quả nghiên cứu Đề án xã hội hóa đầu tư, khai thác các cảng hàng không trong Quý 4/2022 là khó khả thi.

Từ đó, Bộ GTVT đề xuất Thủ tướng Chính phủ xem xét, cho phép gia hạn thời hạn báo cáo kết quả nghiên cứu tới thời điểm Quý 1/2023 để các địa phương có thời gian hoàn chỉnh Đề án.

Vì sao cần xã hội hóa đầu tư càng hàng không?

Theo kế hoạch của Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV), quy hoạch hàng không giai đoạn 2021 – 2030, tổng mức vốn nhu cầu để đầu tư kết cấu hạ tầng 28 sân bay là 403.000 tỉ đồng. Hiện tại chỉ mới cân đối được 275.000 tỉ đồng, cần huy động thêm khoảng 128.000 tỉ đồng.

ACV đề xuất huy động nguồn vốn còn thiếu từ nguồn xã hội hóa khi nhà nước và doanh nghiệp nhà nước khó có thể cân đối, đảm đương.

Tại một tọa đàm, đại diện Vụ Kế hoạch Đầu tư, Bộ GTVT đã đưa ra nhiều dẫn chứng, bài học kinh nghiệm quốc tế về xã hội hóa kết cấu hạ tầng CHK. Theo thống kê của ICAO năm 2016, ước tính trong số 4.300 cảng hàng không trên thế giới, có 14% cảng hàng không có sự tham gia của khu vực tư nhân. Riêng khu vực châu Âu, tư nhân tham gia vào hạ tầng cảng hàng không lên tới trên 31%. Qua nghiên cứu, hình thức đầu tư đối tác công tư - PPP phù hợp với điều kiện Việt Nam.

vi-sao-bo-giao-thong-xin-gia-han-bao-cao-xa-hoi-hoa-xay-dung-cang-hang-khong-cac-tinh-pld-1672210622.jpg

Hình minh họa

Tại Quảng Ninh, Cảng hàng không quốc tế Vân Đồn (Sun Group) được xem là hình mẫu cho sân bay do tư nhân đầu tư.

Theo đó, năm 2015, ngân sách huyện Vân Đồn là 130 tỉ đồng thì từ năm 2020, Ngân sách huyện đã vượt 1.000 tỉ. Từ năm 2022, huyện Vân Đôn là địa phương thứ 6/13 địa phương của tính tự cân đối ngân sách (dự kiến là 1.620 tỉ đồng). Khi có yếu tố tư nhân tham gia vào hàng không, các quy định, quy trình cũng sẽ dần thay đổi theo, mở ra hành lang hỗ trợ cho ngành hàng không phát triển.

Giám đốc Cảng hàng không quốc tế Vân Đồn chia sẻ, việc triển khai thành công dự án Cảng Hàng không quốc tế Vân Đồn không chỉ đánh dấu sự góp mặt hiệu quả của kinh tế tư nhân trong hoạt động đầu tư hạ tầng giao thông mà còn là động lực mạnh mẽ để Vân Đồn, Quảng Ninh thu hút, huy động nguồn lực đầu tư lớn khác, thúc đẩy sự phát triển nhanh và bền vững của tỉnh Quảng Ninh.

Phân tích hiệu quả tổng thể kinh tế - xã hội của cảng hàng không, lãnh đạo một số tỉnh thành đang đề xuất xây mới cảng hàng không với sự góp vốn từ các doanh nghiệp tư nhân.

Đại diện Cục Hàng không Việt Nam khẳng định: Việc các UBND tỉnh đề xuất về quy hoạch, đầu tư cảng hàng không là xu thế, tín hiệu rất tốt. “Đầu tư sân bay, không phải chỉ là 1-2 năm là thu hồi vốn hay lãi ngay được. Nhưng rất mừng là dù thời gian hòa vốn có thể rất dài nhưng đã có nhiều địa phương dám mạnh dạn đầu tư”, đại diện ACV nói.

Ông Trịnh Xuân Trường, Chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai khẳng định: “Đầu tư sân bay, theo PPP vẫn là tốt nhất. Các tỉnh đang đề xuất xây mới cảng hàng không đều là nơi có tiềm năng và dư địa để phát triển. Tuy nhiên, nhà nước cần có cơ chế chia sẻ doanh thu với nhà đầu tư”.

Việt Nam hiện đang khai thác hệ thống 22 cảng hàng không, trong đó 9 cảng hàng không quốc tế và 12 cảng hàng không nội địa. Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng hàng không, sân bay toàn quốc thời kỳ 2021-2030, sẽ đầu tư thêm 6-8 cảng hàng không mới bên cạnh nâng cấp 22 cảng hàng không hiện hữu, nâng tổng số cảng hàng không vận hành lên 28-30. Tầm nhìn đến năm 2050 cả nước sẽ có 33 cảng hàng không.

Bạn đang đọc bài viết "Vì sao Bộ Giao thông xin gia hạn báo cáo xã hội hóa xây dựng cảng hàng không các tỉnh?" tại chuyên mục Đầu tư. Mọi thông tin chi tiết xin liên hệ số hotline: 0775.198.669 hoặc gửi email về địa chỉ: bbtpld@gmail.com