Vụ gian lận 75 phiếu bầu cử ở Hà Nội: Có thể bị phạt tù đến 3 năm?

Luật sư Nguyễn Minh Long cho rằng, hành vi gian lận bầu cử của cán bộ xã Tráng Việt, huyện Mê Linh (Hà Nội), ngoài xử lý hành chính, có thể còn bị xem xét trách nhiệm hình sự.

Trụ sở Đảng ủy, Ủy ban Nhân dân xã Tráng Việt (Mê Linh, Hà Nội). (Ảnh Mạnh Khánh/TTXVN)

Như Lao Động đưa tin, huyện ủy Mê Linh vừa khai trừ Đảng đối với ông Nguyễn Xuân Hùng (Phó bí thư Thường trực Đảng ủy, Chủ tịch HĐND xã Tráng Việt) và Nguyễn Hữu Hoàn (Tổ trưởng Tổ bầu cử số 4 xã Tráng Việt) vì gian lận trong cuộc bầu cử đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026.

Theo cơ quan chức năng địa phương, ông Hùng đã lợi dụng chức vụ để nhờ ông Hoàn lấy một số phiếu bầu đại biểu HĐND cấp xã.

Sau đó, Chủ tịch HĐND xã Tráng Việt đã gạch tên những ứng viên khác, chỉ để lại tên mình trên phiếu rồi nhờ 2 dân quân bỏ phiếu hộ.

Hành động này dẫn đến việc bị thừa 75 phiếu bầu đại biểu HĐND xã Tráng Việt.

Liên quan đến hành vi trên, luật sư Nguyễn Minh Long – Giám đốc Công ty Luật TNHH Dragon (Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội) cho rằng, ông Hùng và ông Hoàn đã có hành vi gian lận phiếu bầu để làm sai lệch kết quả bầu cử.

Đó là hành vi vi phạm pháp luật; cụ thể là hành vi thay đổi, thêm, bớt phiếu bầu với mục đích làm cho kết quả bầu cử không chính xác.

Theo quy định pháp luật, người có hành vi gian lận phiếu bầu để làm sai lệch kết quả bầu cử tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật, xử phạt vi phạm hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định sau:

Tại Điều 95 Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân năm 2015 quy định như sau:

“Người nào dùng thủ đoạn lừa gạt, mua chuộc hoặc cưỡng ép làm trở ngại việc bầu cử, ứng cử của công dân; vi phạm các quy định về vận động bầu cử;

Người có nhiệm vụ trong công tác bầu cử mà giả mạo giấy tờ, gian lận phiếu bầu hoặc dùng thủ đoạn khác để làm sai lệch kết quả bầu cử hoặc vi phạm các quy định khác của pháp luật về bầu cử thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật, xử phạt vi phạm hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự”.

Trong trường hợp nếu cơ quan điều tra làm rõ, việc gian lận phiếu làm sai lệch kết quả bầu cử, hành vi có thể bị xử lý theo Điều 161 Bộ luật Hình sự năm 2015.

Cụ thể Điều 161 quy định:

1. Người nào có trách nhiệm trong việc tổ chức, giám sát việc bầu cử, tổ chức trưng cầu ý dân mà giả mạo giấy tờ, gian lận phiếu hoặc dùng thủ đoạn khác để làm sai lệch kết quả bầu cử, kết quả trưng cầu ý dân, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 2 năm hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 2 năm.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 1 năm đến 3 năm:

a) Có tổ chức;

b) Dẫn đến phải tổ chức lại việc bầu cử hoặc trưng cầu ý dân.

3. Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ nhất định từ 1 năm đến 5 năm.