Với mục đích bù đắp những tổn thất do rủi ro gặp phải của mỗi người dân, bảo hiểm đã có những tác động tích cực giúp cho các bệnh nhân gặp tai nạn hay ốm đau không còn là gánh nặng của cộng đồng và duy trì mức sống của họ. Thế nhưng, trên thực tế, đã có không ít cá nhân cố tình vi phạm những quy định trong quan hệ kinh doanh bảo hiểm nhằm mục đích trục lợi cho bản thân.
“Miếng bánh béo bở”?
Mới đây, vụ việc 5 đối tượng ở Nghệ An lập khống hồ sơ bệnh án để trục lợi tiền bảo hiểm nhân thọ, bảo hiểm y tế (BHNT, BHYT) lên đến chục tỷ đồng trên địa bàn tỉnh đã và đang khiến dư luận địa phương “dậy sóng”.
Theo đó, ngày 24/7, Công an tỉnh Nghệ An đã bắt 5 đối tượng về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản, giả mạo trong công tác, gian lận trong BHYT để trục lợi tiền BHNT. Các đối tượng bị bắt giữ, bao gồm: Lê Thị Hà An (SN 1989, trú tại khối 2, phường Quán Bàu, TP Vinh), Nguyễn Thị Quỳnh An (SN 1988, trú tại xã Nghi Kim, TP Vinh), Thái Thị Mai (SN 1967, trú tại khối 4, thị trấn Tân Kỳ, huyện Tân Kỳ), Nguyễn Quốc Việt (SN 1984, trú tại khối 3, thị trấn Tân Kỳ) và Trần Đức Lượng (SN 1982, trú tại khối Trung Hòa, phường Hà Huy Tập, TP Vinh).
Nhóm đối tượng này hoạt động rất tinh vi, ma mãnh khi móc nối, cấu kết với nhau để lập khống hồ sơ bệnh án; chiếm đoạt khoảng 10 tỷ đồng tiền BHNT và BHYT.
Cụ thể, qua nắm tình hình, lực lượng Công an phát hiện một nhóm đối tượng có hành vi móc nối với nhân viên y tế trong các bệnh viện để lập khống các hồ sơ bệnh án điều trị về tai nạn, bỏng và một số bệnh thông thường khác nhằm trục lợi tiền BHNT và BHYT nên đã tiến hành đấu tranh, làm rõ.
Qua xác minh, được biết: Do có kiến thức về các gói bảo hiểm cũng như cách thức làm hồ sơ chi trả quyền lợi bảo hiểm cho khách hàng của một số công ty BHNT, Lê Thị Hà An, Nguyễn Thị Quỳnh An và Thái Thị Mai đã móc nối với Nguyễn Quốc Việt (kỹ thuật viên chụp X-Quang của Trung tâm y tế huyện Tân Kỳ) làm giả các hồ sơ bệnh án bị gãy xương cho những người có nhu cầu làm hồ sơ bệnh án để đề nghị chi trả quyền lợi BHNT.
Với mỗi hồ sơ bệnh án giả, các đối tượng trả cho Việt từ 2,5 – 5 triệu đồng. Sau khi có được hồ sơ bệnh án giả, các đối tượng chuyển cho những người có nhu cầu làm hồ sơ để thanh toán bảo hiểm với số tiền từ 300 – 400 triệu đồng/bộ hồ sơ bệnh án. Mỗi trường hợp được công ty bảo hiểm chi trả, Lê Thị Hà An hưởng lợi từ 100 – 200 triệu đồng.
Mở rộng điều tra, cơ quan Công an tiếp tục phát hiện Lê Thị Hà An còn móc nối với Trần Đức Lượng (bác sỹ Khoa Nội tim mạch, Bệnh viện Trường Đại học Y khoa Vinh) để lập khống hồ sơ bệnh án thanh toán trục lợi tiền bảo hiểm.
Cụ thể, Lượng nhận thông tin người cần làm bệnh án ngày nằm viện từ Lê Thị Hà An và một số đối tượng khác như: Hoàng Thị Hiền, Nguyễn Thị Ngọc (điều dưỡng viên Bệnh viên Đại học Y khoa Vinh), Võ Thị Vân Anh (nhân viên tư vấn của Tổng Công ty bảo hiểm Bảo Việt) rồi làm các thủ tục khám bệnh, nhập viện, chỉ định điều trị, kê y lệnh thuốc… như qui trình của bệnh viện. Đến thời hạn ra viện, Lượng làm thủ tục ra viện cho các bệnh nhân và trích sao bệnh án đưa cho Lê Thị Hà An và những người nhờ Lượng làm bệnh án.
Qua điều tra bước đầu, các đối tượng đã lập khống hàng trăm bộ hồ sơ bệnh án để chiếm đoạt tiền BHNT và trục lợi BHYT với tổng số tiền khoảng 10 tỷ đồng. Hành vi của các đối tượng trên đã gây thất thoát ngân sách Nhà nước, gây ảnh hưởng đến hoạt động của các doanh nghiệp, uy tín của các bệnh viện, cơ sở khám chữa bệnh.
Nâng cao vai trò giám sát, kiểm soát
Thông qua vụ việc trên, chúng ta cần phải thẳng thắn nhìn nhận, tình trạng trục lợi bảo hiểm hiện vẫn còn khó giám sát, kiểm soát khi các đối tượng hoạt động ngày càng tinh vi và liên kết chặt chẽ với nhau. Nhiều ý kiến cho rằng, nguyên do dẫn đến hành vi phạm tội nói trên, đó là các gói bảo hiểm bồi thường có giá trị rất lớn nên được xem là “miếng bánh béo bở” đối với những kẻ có ham muốn trục lợi cá nhân.
Rõ ràng mà nói, hiện ngành bảo hiểm nói chung, BHNT và BHYT nói riêng vẫn còn có một số “lỗ hổng” nhất định được các đối tượng khai thác, lợi dụng. Vậy, nâng cao vai trò kiểm soát, giám sát trong hoạt động bảo hiểm là nhiệm vụ cấp thiết mà các cơ quan chức năng, doanh nghiệp bảo hiểm cùng các đơn vị, tổ chức có liên quan cần phải thực hiện và phải thực hiện một cách đồng bộ, chặt chẽ.
Và quan trọng nhất, vẫn là vai trò các doanh nghiệp bảo hiểm. Đó là phải làm chặt chẽ các khâu theo đúng quy trình, thủ tục cho phép; đồng thời, khi phát hiện có dấu hiệu gian lận, trục lợi bảo hiểm, cần phải phối hợp với cơ quan chức năng để thực hiện đồng bộ các giải pháp, đấu tranh, làm rõ; tránh gây thất thoát ngân sách Nhà nước, ảnh hưởng đến các đơn vị, tổ chức, cá nhân có liên quan.
Bên cạnh đó, nhiều ý kiến cho rằng, cũng cần phải nghiên cứu, xem xét, bổ sung, chi tiết hóa các hành vi trục lợi bảo hiểm trong các văn bản pháp luật liên quan để nâng cao tính răn đe trong việc thực thi pháp luật, cần có quy định luật pháp với chế tài mạnh mẽ hơn nữa…
Mặt khác, tăng cường công tác tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức khách hàng về quyền lợi và nghĩa vụ khi tham gia bảo hiểm, đặc biệt là nghĩa vụ kê khai trung thực cũng như hậu quả khi tham gia các hành vi gian lận.