Trong bối cảnh doanh nghiệp rơi vào khủng hoảng về vốn, về tài chính, nhiều doanh nghiệp phải đóng cửa, số còn lại phải thu hẹp quy mô sản xuất, kinh doanh nhưng doanh nghiệp còn đang bị thêm những áp lực nặng nề bởi các quy định BHXH và PCCC.
Theo đó, Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thuỷ sản Việt Nam (VASEP) đưa ra bất cập như việc khai báo và đóng BHXH tại Quyết định 490/QĐ-BHXH của BHXH Việt Nam, ban hành ngày 28/3/2023 và có hiệu lực từ ngày 1/4/2023.
Trước thời điểm 1/4/2023, theo Điều 122 của Luật BHXH 2014, doanh nghiệp nợ BHXH dưới 30 ngày vẫn được coi là chấp hành thu nộp BHXH tốt. Sau 1/4/2023 theo quy định mới, thì doanh nghiệp, dù là nợ xấu hay nợ bình thường đều bị coi là vi phạm và bị xử phạt, kể cả chậm nộp BHXH dưới 30 ngày.
Quy định kể trên buộc doanh nghiệp phải nộp tiền BHXH ngay lập tức, như vậy là chưa phù hợp với thực tiễn sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp và làm giảm sức cạnh tranh của doanh nghiệp.
Do vậy, ngày 24/4/2023, Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP) đã gửi công văn số 35/CV-VASEP tới Bảo hiểm Xã hội Việt Nam đề nghị sửa đổi bất cập trong các quy định nói trên tại Quyết định số 490/QĐ-BHXH ngày 28/3/2023.
Đồng thời, hủy bỏ các quyết định xử phạt (nếu có) đối với các vi phạm quy định này kể từ ngày Quyết định số 490/QĐ-BHXH có hiệu lực.
Tuy nhiên, đến nay đã 3 tháng trôi qua, VASEP cho biết, Hiệp hội và cộng đồng doanh nghiệp vẫn chưa nhận được ý kiến phản hồi từ phía Bảo hiểm Xã hội Việt Nam cho vấn đề này.
Một bất cập nữa liên quan đến quy định về phòng cháy chữa cháy (PCCC) đang khiến cho doanh nghiệp rơi vào tâm lý lo lắng.
Theo đó, VASEP phản ánh, Nhà nước đang áp dụng các tiêu chuẩn mới về thẩm duyệt và nghiệm thu công trình PCCC trong doanh nghiệp. Các quy định về điều kiện đảm bảo PCCC này chưa phân loại theo mức độ rủi ro, chưa phân biệt về mặt quy mô và chức năng vận hành của từng công trình, điều kiện quá khắc nghiệt và làm tăng chi phí quá mức cho doanh nghiệp, một số quy định đưa ra các yêu cầu ngặt nghèo, không có tính khả thi trong thực tế.
Liên quan đến quy định này, Hiệp hội VASEP đã cùng 6 Hiệp hội doanh nghiệp khác gửi văn bản lên Thủ tướng và các bộ, các đơn vị liên quan, kiến nghị đề xuất giải pháp theo hướng rà soát, sửa đổi các quy định về PCCC để phân loại mức độ rủi ro về PCCC đối với các hoạt động sản xuất, kinh doanh; áp dụng các điều kiện về PCCC theo mức độ rủi ro; giảm tối đa các chi phí không cần thiết cho doanh nghiệp.
Đối với các nhà máy đã quy hoạch xây dựng từ trước, thiếu hoặc chưa bảo đảm quy định các công trình về PCCC, như bể PCCC, quy định lắp báo cháy tự động trong các kho đông lạnh… các Hiệp hội doanh nghiệp kiến nghị cần cân nhắc sự phù hợp và có lộ trình áp dụng để tạo điều kiện cho doanh nghiệp hoạt động và khắc phục.
Đối với các đơn vị đã được thẩm duyệt và nghiệm thu PCCC theo tiêu chuẩn cũ: kéo dài thời gian được hoạt động tối thiểu từ 2-3 năm để doanh nghiệp có thời gian và kinh phí nâng cấp, sửa chữa, thay thế hệ thống PCCC theo tiêu chuẩn mới đáp ứng yêu cầu của pháp luật.
VASEP nhấn mạnh, Thủ tướng CP đã ban hành Nghị quyết số 58/NQ-CP về một số chính sách, giải pháp trọng tâm hỗ trợ doanh nghiệp chủ động thích ứng, phục hồi nhanh và phát triển bền vững đến năm 2025. Do đó, doanh nghiệp thuỷ sản rất mong rằng các quy định và chính sách trong giai đoạn này nên phù hợp với nghị quyết của Chính phủ, làm sao để doanh nghiệp còn có đủ sức khỏe để tồn tại, phát triển và tiếp tục đóng góp cho kinh tế đất nước.
Ngoài các chính sách hỗ trợ mà cộng đồng doanh nghiệp thủy sản đang trông đợi thực tiễn thực hiện và hiệu quả thực hiện, như các gói tín dụng 15.000 tỷ đồng và chính sách giảm lãi suất cho vay, chính sách giãn nợ mà Thủ tướng CP Phạm Minh Chính đã đề cập nhiều lần trong những tháng gần đây, doanh nghiệp cũng mong rằng, các quy định, chính sách khác áp đặt cho doanh nghiệp giai đoạn hiện nay, cũng nên xem xét đến tính phù hợp, tính thực tiễn của bối cảnh hiện tại và thực trạng của các ngành sản xuất như ngành thủy sản.
Chia sẻ về vấn đề này tại Diễn đàn phát triển kinh doanh: Tháo gỡ khó khăn, tạo không gian phát triển mới cho doanh nghiệp” mới đây, ông Hoàng Văn Cường, Đại biểu Quốc hội khoá XV, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế Quốc dân cũng nhận định, bên cạnh chính sách tài khoá được doanh nghiệp đồng tình nhưng các phần chi phí như bảo hiểm xã hội, công đoàn… doanh nghiệp phải đóng hơn 30% cho các chi phí này là gánh nặng, làm doanh nghiệp phải sa thải bớt lao động trong bối cảnh khó khăn. Do đó, ông Cường nhấn mạnh chúng ta phải phân tích kỹ và tính đến giãn hoãn, thậm chí cắt giảm các chi phí này.