Mặt bằng giá đã thiết lập mức cao
Hoài Đức – huyện vùng ven dự kiến lên quận năm 2025 là khu vực mà giá đất liên tục biến động trong 2 năm đại dịch với mức tăng giá trung bình từ 20 - 40%/năm. Đến thời điểm hiện tại, giá bất động sản huyện Hoài Đức ở những vị trí đắc địa như mặt tiền đường quốc lộ 32 thuộc thị trấn Trạm Trôi, mặt phố Lai Xá, giá bán đã ngoài 200 triệu đồng/m2. Bất động sản vị trí mặt tiền đường thuộc Thiên Đường Bảo Sơn, giá chào bán cũng đang ở mức 150 – 180 triệu đồng/m2. Khu vực Kim Chung Di Trạch giá đất đang ở mức khoảng 100 – 140 triệu đồng/m2. Ngay cả các vị trí sâu trong làng, ngõ nhỏ rộng khoảng 2m, ô tô không vào được thuộc An Khánh, An Thọ, La Phù, Đông La… giá đất được chào bán 30-35 triệu đồng/m2. Mức giá này đã tăng 30-50% so với 2 năm về trước.
Tại Thanh Trì, nhà đất vị trí mặt tiền các tuyến đường Quang Lai, Trần Thủ Độ, Tả Thanh Oai, Yên Xá… giá bán đều đã thiết lập mức 200-250 triệu đồng/m2. Nhà đất mặt tiền một số tuyến phố như Ngọc Hồi, Tứ Hiệp, Vĩnh Ninh… giá bán cũng đang ở mức 100-120 triệu đồng/m2. Đất ô tô vào được ở Ngọc Hồi, Vĩnh Quỳnh, Ngũ Hiệp… có mức giá 40-50 triệu đồng/m2. Những vị trí ngõ nhỏ, ô tô không vào được ở Đông Mỹ, Liên Ninh, Thượng Phúc, Đại Áng… được chào bán 27-35 triệu đồng/m2. Mức giá này cũng tăng trung bình 30% so với hai năm trước đó.
Tại Đan Phượng, giá đất cao nhất ở thị trấn Phùng hiện đang ở mức 130 - 150 triệu đồng/m2. Đất Tân Hội gần dự án của Vingroup giá chào bán cũng đang ở mức 80-120 triệu đồng/m2. Đất trong các ngõ nhỏ ở Liên Hồng, Hồng Hà, Liên Trung, Trung Châu… có mức giá từ 18-25 triệu đồng/m2. Mức giá này cũng đã tăng trung bình 20-40% so với đầu năm 2021.
Tại Sóc Sơn, các vị trị mặt tiền đường phố lớn kinh doanh buôn bán như Đa Phúc, đường Quốc lộ 3, đường quốc lộ 2, giá bất động sản được chào bán ở mức 100-130 triệu đồng/m2. Đất các xã như Minh Tri, Hiền Minh, Phú Cường… đường ô tô vào được, mức giá dao động 15-20 triệu đồng/m2. So với năm 2020, đất Sóc Sơn cũng đã tăng trung bình 25-40%.
Thanh khoản thị trường chậm
Sau những cơn sốt đất trong 2 năm đại dịch và cơn sốt thời điểm đầu năm 2022, giá đất nền vùng ven Hà Nội đã bị đẩy lên cao. Các hoạt động mua đi bán lại, dù chủ yếu là giữa các nhà đầu cơ trong các cơn sốt diễn ra khá sôi nổi. Tuy nhiên ở thời điểm hiện tại, thị trường đất nền vùng ven Hà Nội lại đang khá trầm lắng.
Anh Phạm Văn Phi, môi giới đất nền tại Thanh Trì cho biết, trong hai tháng qua, các giao dịch anh thực hiện thành công chủ yếu tập trung tại các khu vực vị trí ngõ nhỏ, ô tô không vào được ở Đông Mỹ, Liên Ninh, Thượng Phúc, Đại Áng… với mức giá từ 27-35 triệu đồng/m2. Tổng giá trị một nền đất có diện tích 30-50m2 chỉ dao động từ 1-1,5 tỷ đồng. Phân khúc này hướng đến nhóm người mua ở thực. Ở những vị trí đẹp, giá từ 40-50 triệu đồng/m2 trở lên, giao dịch trên thị trường khá chậm chạp, thậm chí gần như trong cả tháng, anh và nhiều môi giới địa phương không phát sinh giao dịch ở phân khúc này. Các khu vực như Hoài Đức, Sóc Sơn, Đan Phượng… cũng đang ghi nhận tình trạng ảm đạm trên thị trường giao dịch khi giao dịch diễn ra rất chậm chạp, đặc biệt ở những phân khúc đã thiết lập mặt bằng giá cao.
Nhà đầu tư Nguyễn Văn Lẫm (Đào Nguyên, An Thượng, Hoài Đức) cho biết đầu tư bất động sản ven Hà Nội đã không còn nhiều dư địa tăng giá. Nguyên nhân là do giá bất động sản vùng ven hiện đã ở mức khá cao và đã tăng khá mạnh trong năm 2020 – 2021. Do đó, khi cơn sốt qua đi, bất động sản vùng này không còn sức hút với nhà đầu tư. Thực tế đã ghi nhận là khi thị trường chững, những khu vực từng sốt nóng nhanh chóng nguội lạnh, tính thanh khoản cũng rất thấp. Ông Lẫm cho rằng thay vì tìm kiếm cơ hội đầu tư ở vùng ven, nhà đầu tư có thể tìm kiếm các bất động sản ở các khu vực có mức giá còn thấp và còn nhiều tiềm năng tăng trưởng. Và nhà đầu tư nên có một tầm nhìn dài hạn để đầu tư bất động sản an toàn, hiệu quả.