Trong khi ngành công nghiệp dệt may của Việt Nam gặp vô vàn khó khăn do mất đơn hàng, thị trường tiêu thụ ảm đạm thì đối thủ cùng ngành ở Banglades vẫn tăng trưởng ổn định, đã soán ngôi Việt Nam trở thành nhà sản xuất thứ 2 thế giới sau Trung Quốc.
Một trong những bí quyết của quốc gia Nam Á là công nghệ tiên tiến, họ đang sở hữu 9/10 nhà máy “xanh” lớn nhất thế giới.
Ông Vương Đức Anh, chánh văn phòng Tập đoàn dệt may Vinatex chỉ ra nguyên nhân: “Banglades nhanh chân “xanh hóa” ngành dệt may, đáp ứng tiêu chuẩn ngày càng khắt khe của châu Âu, Mỹ”.
Hồi tháng 4, Uỷ ban châu Âu (EC) đề xuất áp dụng một số quy định sinh thái mới với sản phẩm ngành dệt may. Theo đề xuất của EC, mặt hàng dệt may xuất khẩu vào thị trường này phải có tuổi thọ cao, có thể tái sử dụng và tái chế… Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – Liên minh châu Âu đã có hẳn 1 chương quy định về “Sản xuất và tiêu dùng bền vững”.
Có nghĩa rằng, nhà sản xuất phải đầu tư mới công nghệ, sử dụng nguyên vật liệu mới; bao gồm cả tiêu chuẩn liên quan đến môi trường, sinh thái, sử dụng lao động đúng quy định. Việt Nam đa phần sản xuất gia công nên nếu sản xuất thông thường như trước đây sẽ rất khó cạnh tranh. Vì làm theo truyền thống thì hiện nay Ấn Độ và Banglades làm rất tốt, ngoài ra còn có một số nước như Indonesia, Thái Lan. Gần đây, Thái Lan đã áp dụng công nghệ cao trong sản xuất dệt may.
Theo ông Phạm Văn Việt – Phó Chủ tịch Hội Dệt may thêu đan TPHCM, thị trường EU đã đưa ra tiêu chuẩn phát triển xanh, tiếp đó là Mỹ. Sắp tới đây thị trường Nhật Bản cũng áp dụng và có thể mở rộng ra các thị trường khác. Nếu như 2-3 năm tới chúng ta không đi theo hướng xanh hóa ngành dệt may, sẽ khó thâm nhập vào các thị trường EU, Mỹ, Nhật Bản.