Giữ vững kỷ cương giáo dục
Kỷ cương là gốc của giáo dục và được thể hiện mọi lúc, mọi nơi trong quá trình dạy và học. Tháng 8, khi học sinh cả nước chuẩn bị bước vào năm học mới 2023-2024, những học sinh khối 10 Trường THPT Tiên Yên (Quảng Ninh) cũng tranh thủ lao động, dọn dẹp vệ sinh các khu phòng học và khuôn viên nhà trường. Với các em, đây không chỉ là sự chuẩn bị cơ sở vật chất chỉn chu cho năm học mới mà còn thể hiện ý thức với việc học, với trường lớp. Cô giáo Trương Thị Thanh Châm, Phó hiệu trưởng phụ trách nhà trường cho biết: "Để thực hiện kỷ cương giáo dục, cùng với chuẩn bị tốt cơ sở vật chất, chúng tôi đã sớm triển khai cho học sinh nắm bắt quy chế, kỷ luật, nội quy của nhà trường và quán triệt kỹ về việc chấp hành pháp luật đối với học sinh và cha mẹ học sinh; tổ chức họp về kỷ luật, kỷ cương và trách nhiệm, nền nếp, tác phong, nghề nghiệp cho cán bộ, giáo viên nhà trường trong năm học mới. Nhiều năm liên tục, Trường THPT Tiên Yên không có giáo viên vi phạm kỷ luật, kỷ cương của nhà trường, pháp luật của Nhà nước; học sinh ngoan, thực hiện rất tốt các quy định của trường lớp, rèn luyện và học tập tốt. Năm học vừa qua, nhà trường đã được đề nghị tặng cờ thi đua của Thủ tướng Chính phủ".
Là một trường vùng ven của TP Việt Trì (Phú Thọ), lại nằm cạnh một trường tiểu học, lâu nay, với học sinh Trường THCS Dữu Lâu, việc đi đúng luật giao thông khi đến và tan trường là yêu cầu thường xuyên phải chấp hành. Thầy giáo Nguyễn Tiến Thịnh, Tổ trưởng chuyên môn Trường THCS Dữu Lâu bày tỏ: "Với lứa tuổi học sinh THCS, để rèn kỷ luật, kỷ cương, thầy cô giáo phải bám sát, rèn các em từ những điều nhỏ nhất. Những vấn đề như tình yêu của tuổi học trò hay chuyện đánh nhau... là việc không đơn giản, dễ ảnh hưởng tiêu cực tới tâm lý học sinh nói riêng, việc chấp hành kỷ luật, kỷ cương trong nhà trường nói chung".
Lý giải sự cần thiết của kỷ cương giáo dục, TS Nguyễn Tùng Lâm, Chủ tịch danh dự Hội Tâm lý giáo dục Hà Nội, Chủ tịch Hội đồng giáo dục Trường THPT Đinh Tiên Hoàng (Hà Nội) cho rằng, kỷ cương giáo dục là trường học phải gương mẫu về giờ giấc, nội quy... Nhưng quan trọng nhất, đúng như cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã nói, là phải làm cho trường ra trường, lớp ra lớp, thầy ra thầy, trò ra trò. Học sinh và đội ngũ nhà giáo không những phải thực hiện kỷ cương, kỷ luật mà còn cần hỗ trợ nhau hoàn thành phần việc của mình. Thầy cô giáo phải gương mẫu, nền nếp, đúng giờ và làm sao để học sinh thấy rằng các em không chỉ bị yêu cầu thực hiện kỷ luật, kỷ cương mà còn được yêu cầu lại với thầy cô. Học sinh khi đến trường phải thực hiện đúng nội quy, nền nếp văn hóa của mỗi nhà trường đặt ra và coi đó là trách nhiệm, nghĩa vụ nhưng cũng là vinh dự. Mục tiêu của giáo dục là giúp mỗi người phát triển bản thân, nâng cao giá trị, phẩm chất. Vì thế, mỗi học sinh cần hiểu mình là nhân vật chính tạo nên giá trị cho mỗi nhà trường, giá trị cho bản thân chứ không chỉ hưởng thụ những thứ thầy cô, nhà trường mang đến. Để xây dựng kỷ cương giáo dục, xã hội cần quan tâm, gia đình phải phối hợp với nhà trường. Mỗi địa phương phải quan tâm tới từng nhà trường để giúp thầy cô làm tốt nhất phần việc của mình, đặc biệt khi Chương trình giáo dục phổ thông 2018 yêu cầu rất nặng việc thực hành, tổ chức cho học sinh hoạt động, trải nghiệm.
Xây dựng môi trường văn hóa học đường lành mạnh
Thực tế cho thấy, tại các nhà trường, xây dựng văn hóa học đường lành mạnh chính là yếu tố quan trọng giúp giữ vững kỷ cương giáo dục. Chia sẻ kinh nghiệm đã được vận dụng thành công ở Trường THPT Đinh Tiên Hoàng, TS Nguyễn Tùng Lâm cho rằng: "Nhà trường phải tạo ra văn hóa, trường học hạnh phúc, lớp học hạnh phúc. Trường THPT Đinh Tiên Hoàng là ngôi trường duy nhất của Hà Nội không chọn lọc đầu vào. Tuy nhiên, không có nghĩa là học sinh vào trường muốn làm gì thì làm mà phải chấp nhận yêu cầu giáo dục của nhà trường. Trường luôn giúp học sinh có phong cách sống “5 tự” gồm: Biết tự học sáng tạo (biết thích học, thói quen học, có kết quả chứ không thể lười học, chống lại thầy cô); tự chủ (có mục tiêu học tập và phấn đấu cho mục tiêu chứ không thả nổi mình); tự trọng (tôn trọng danh dự của mình và người khác); tự tin (để khẳng định bản thân chứ không phải cao ngạo, có đủ năng lực biết việc mình làm là đúng và phấn đấu làm những việc có giá trị); tự chịu trách nhiệm (sẵn sàng nhận và khắc phục lỗi). Bên cạnh đó, các em phải có văn hóa phát triển bản thân theo công thức riêng của nhà trường là "đ.t.h-x2" (đổi mới; tận tâm, tận hiến với trí sáng, tâm an, thân khỏe; học hỏi, hợp tác để cùng phát triển và trừ đi những gì xấu xí do tự học sinh nhìn ra rồi sửa chữa). Khi có "5 tự" và văn hóa phát triển bản thân, cộng với các hoạt động tập thể hữu ích, học sinh sẽ không vi phạm kỷ luật.
Cách đây vài năm, vụ việc hơn 500 học sinh Trường THPT Tiên Yên nghỉ học không lý do vì liên quan đến chủ trương chuyển đổi mô hình nhà trường từ trường công lập ra ngoài công lập, tuy không để lại hậu quả nghiêm trọng nhờ có sự giải thích cụ thể với phụ huynh, học sinh nhưng cũng là bài học quý để thầy trò nhà trường rút kinh nghiệm về việc phải làm tốt công tác tuyên truyền, vận động, tạo sự đồng thuận trong thực hiện kỷ cương giáo dục. Cô giáo Trương Thị Thanh Châm cho biết: “Chúng tôi đã giáo dục truyền thống gia đình, địa phương, tình yêu thương con người, tinh thần đoàn kết giữa các khối lớp trong nhà trường. Thông qua hoạt động giáo dục ngoài giờ, trong giờ giáo dục công dân... chúng tôi nhận thấy học sinh có chuyển biến đáng kể. Bên cạnh đó, nhà trường có những “vệ tinh” thường xuyên nắm bắt tâm tư, tình cảm, thậm chí mâu thuẫn, nguy cơ vi phạm còn tiềm ẩn trong học sinh để kịp thời tuyên truyền và xử lý ngay mầm mống vi phạm”.
Tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ năm học 2023-2024 do Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức mới đây, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cũng lưu ý 6 vấn đề ngành giáo dục cần tập trung triển khai trước mắt và lâu dài. Trong đó 3 vấn đề liên quan tới văn hóa học đường và gây ảnh hưởng lớn tới kỷ cương giáo dục gồm: Kiên trì, kiên quyết không để ma túy vào trường học; khắc phục tình trạng bạo lực học đường, bảo đảm an ninh, an toàn cho học sinh, giáo viên trong mọi hoàn cảnh; rà soát môn học giáo dục công dân trong trường phổ thông. Giải quyết tốt những vấn đề này, thầy và trò các nhà trường sẽ tự tin bước vào năm học mới với sự đoàn kết, sáng tạo, đổi mới.