Xử lý nghiêm hành vi tranh giành khách giữa các nhà xe

Theo bạn đọc phản ánh, mặc dù các đơn vị vận tải, bến xe đã áp dụng nhiều hình thức bán vé trực tiếp, trực tuyến qua mạng, qua điện thoại giúp hành khách thuận tiện hơn khi mua vé xe, tuy nhiên, số nhà xe chạy các tuyến hiện nay tăng nhanh, trong khi số lượng hành khách không tăng đã dẫn đến tình trạng cạnh tranh không lành mạnh giữa các nhà xe. Một số nhà xe bị đe dọa, hủy hoại tài sản và lái xe bị đánh đập theo kiểu “xã hội đen” gây mất an ninh-trật tự, tiềm ẩn nguy cơ tai nạn giao thông.
nha-xe-nguyen-van-pld-1693556824.jpg

Vừa qua, do có mâu thuẫn với nhà xe Nguyễn Văn về việc tranh chấp khai thác vận tải hành khách, Lê Đức T. (sinh năm 1990), trú tại xóm Phú Xuân, xã Đô Thành, huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An, cùng hai người khác đi trên ô-tô Fotuner biển số 37A-017.0x, đã chặn xe khách biển số UN-1385 của nhà xe Nguyễn Văn, khi xe đi qua khu vực Cầu Lồi trên Quốc lộ 1A đoạn qua xã Diễn Hồng, huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An để nói chuyện với anh Nguyễn Thanh Tùng là quản lý xe khách; anh Tùng không đồng ý mà tiếp tục điều khiển xe khách theo hướng Hà Nội.

Lê Đức T. sau đó lái xe đuổi theo đến khu vực cầu vượt Yên Lý, thuộc xã Diễn Yên, huyện Diễn Châu, và cùng nhóm người đi cùng lấy đá đập, ném vỡ kính ô-tô khách.

Ngay sau khi bị ném vỡ kính, lái xe khách tiếp tục điều khiển xe theo hướng thành phố Vinh đi Hà Nội. Đến thị xã Nghi Sơn, tỉnh Thanh Hóa, anh Tùng đã trình báo toàn bộ sự việc với Công an thị xã Nghi Sơn.

Sau khi tiếp nhận thông tin, Công an thị xã đã tiến hành làm việc với các bên liên quan. Xác định vụ việc không thuộc thẩm quyền giải quyết cho nên Công an thị xã đã chuyển hồ sơ tin báo cùng tang vật liên quan cho Công an huyện Diễn Châu tiếp tục xác minh, làm rõ.

Sau khi tiếp nhận thông tin, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện Diễn Châu phối hợp Phòng Cảnh sát giao thông, Công an tỉnh Nghệ An tiến hành xử lý nghiêm theo quy định.

Gần đây nhất, Công an thành phố Hạ Long đã phối hợp Phòng Cảnh sát hình sự, Công an tỉnh Quảng Ninh, triệu tập nhóm đối tượng có hành vi chặn xe, hành hung lái xe Bùi Hữu Tới (sinh năm 1991), trú tại thôn Chỉ Bồ, xã Thuỵ Trường, huyện Thái Thuỵ, tỉnh Thái Bình khi đang di chuyển trên đường. Các đối tượng bị triệu tập gồm: Trần Văn Khe (sinh năm 1972); T.T.D (sinh năm 2007), cùng trú tại Tổ 66, khu Diêm Thủy, phường Cẩm Đông, thành phố Cẩm Phả, Quảng Ninh; Nguyễn Anh Ngọc (sinh năm 1999), trú tại phường Quang Trung, thành phố Thái Bình, tỉnh Thái Bình và Đào Việt Long (sinh năm 1990), trú tại Tổ 3, khu 5B, phường Cẩm Thịnh, thành phố Cẩm Phả, Quảng Ninh.

Tại cơ quan công an, nhóm đối tượng thừa nhận là nhóm phụ xe biển số 14B-002.91 đã chặn xe, tấn công lái xe biển số 17B-021.23 tại chân cầu Bãi Cháy, phường Bãi Cháy, thành phố Hạ Long. Nhóm đối tượng này đã nhiều lần chặn xe của hãng xe Thiên Hoàng Hải-Thái Bình và đe dọa, đánh lái xe, ném mắm tôm để gây sức ép không cho đón trả khách. Nhiều lái xe vì sợ hãi nên đã xin nghỉ việc, không dám làm đơn tố cáo. Hiện vụ việc đang được xác minh, làm rõ để xử lý theo quy định.

Lý giải về tình trạng này, một chuyên gia về an toàn giao thông cho rằng, số lượng khách không tăng trong khi tổng các phương tiện vận tải hành khách trên toàn quốc trong vài năm gần đây tăng cao đã dẫn đến sự cạnh tranh không lành mạnh giữa các doanh nghiệp vận tải.

Một số bến xe, đơn vị vận tải bố trí các xe chạy các tuyến liên tỉnh hoặc văn phòng đại diện trung chuyển khách chưa hợp lý. Hơn nữa khi “cung” đã vượt “cầu” và để có khách, các nhà xe tìm đủ mọi cách như thuê “cò”, nấn ná ở cổng bến, bắt khách dọc đường, thậm chí xe nọ còn “đè” xe kia để chạy trước bắt khách gây mất trật tự an toàn giao thông. Nhiều vụ ẩu đả, đánh nhau kiểu “xã hội đen” để tranh giành khách giữa các nhà xe diễn ra gây thiệt hại về tài sản và ảnh hưởng tính mạng lái xe.

Để giải quyết tình trạng cạnh tranh không lành mạnh giữa các đơn vị vận tải, ông Bùi Hồng Minh, Phó Giám đốc Sở Giao thông vận tải tỉnh Quảng Ninh khuyến cáo hành khách nên vào bến mua vé hoặc đặt vé qua điện thoại...; không nên bắt xe dù tại các bến cóc, gây mất an toàn giao thông và vô tình tạo nên hiện tượng giành khách giữa các nhà xe. Bên cạnh đó, Sở Giao thông vận tải đã ban hành nhiều văn bản yêu cầu lãnh đạo các bến xe, đơn vị vận tải hành khách phải đặc biệt quan tâm đến sự an toàn của hành khách; đồng thời, ứng xử văn minh, lịch sự với hành khách, các nhà xe chạy cùng tuyến.

Các nhà xe không đạt điều kiện tiêu chuẩn kinh doanh vận tải và ứng xử thiếu văn hóa, có biểu hiện “xã hội đen” thì kiên quyết dừng hoạt động. Lực lượng thanh tra của Sở Giao thông vận tải thường xuyên tuần tra, kiểm soát trên đường và tại các bến xe nhằm sớm phát hiện, ngăn chặn, xử lý những vi phạm của các nhà xe. Lãnh đạo Sở Giao thông vận tải cũng công khai các số điện thoại đường dây nóng của Sở trên cổng thông tin của tỉnh (0899009889 và 0915105255), thường xuyên kiểm tra hành trình, camera giám sát qua hệ thống giám sát hành trình của Cục Đường bộ Việt Nam.

Hiện nay, Sở Giao thông vận tải đang phối hợp Công an tỉnh, Ủy ban nhân dân các địa phương triển khai các kế hoạch chuyên đề về tổng rà soát phương tiện vận tải, kiểm tra, xử lý vi phạm theo chỉ đạo của Bộ Công an, Bộ Giao thông vận tải, Ủy ban nhân dân tỉnh, trong đó có hoạt động của các xe khách liên tỉnh, nhất là hiện tượng tranh giành khách, xe dù, bến cóc.

Lãnh đạo Phòng Cảnh sát giao thông Công an tỉnh đã chỉ đạo các đơn vị, tổ, đội Cảnh sát giao thông tại các huyện, thành phố thường xuyên tuần tra, xử lý nghiêm các phương tiện kinh doanh vận tải hành khách có hành vi vi phạm về tốc độ, cố tình đi “rùa bò” để bắt khách; đi sai phần đường, làn đường gây mất an toàn giao thông; tăng cường xử lý phạt nguội đối với vi phạm của các xe khách qua hệ thống camera giám sát tại các tuyến đường; phối hợp chặt chẽ với Phòng Cảnh sát hình sự của tỉnh xử lý nghiêm các đối tượng có biểu hiện hoạt động “cò mồi”, “bảo kê”, hành hung hành khách, lái xe, phụ xe để tranh giành khách. Bên cạnh đó, lãnh đạo Phòng Cảnh sát giao thông cũng yêu cầu các cán bộ, chiến sĩ tại các tổ, đội tăng cường tuyên truyền, vận động các lái xe, phụ xe tuân thủ nghiêm các quy định về an toàn giao thông.

Thượng tá TRẦN NGỌC TUẤN, Trưởng phòng Cảnh sát giao thông Công an tỉnh Yên Bái

Việc các lái xe, phụ xe tự ý sang nhượng hành khách cho các xe khác; đe dọa, xúc phạm, tranh giành, lôi kéo hành khách; bắt ép hành khách sử dụng dịch vụ ngoài ý muốn... là hành vi vi phạm pháp luật. Căn cứ để xử phạt hành chính đối với các hành vi vi phạm này là Khoản 5b Điều 23 Nghị định 100/2019/NĐ-CP ngày 30/12/2019 của Chính phủ quy định về xử phạt hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt, mức phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng. Nếu các hành vi vi phạm nêu trên gây mâu thuẫn giữa lái xe, phụ xe với hành khách hoặc tranh giành khách giữa các nhà xe dẫn đến gây rối trật tự công cộng, đập vỡ kính xe ô-tô, thậm chí giết người,… thì có thể truy cứu trách nhiệm hình sự theo các Điều 123, 133, 134, 178,… Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017).

Luật sư CẤN CAO QUYỀN (Văn phòng Luật sư Phụng Hiến, Hà Nội)