1 tuần 3 giá thép, nhà phân phối e dè nhập hàng

Hữu Việt

17/10/2022 11:22

Theo dõi trên

Nhu cầu sử dụng thép trong nước vẫn ở mức thấp, cộng thêm xuất khẩu giảm mạnh khiến sản lượng bán hàng thép xây dựng gặp nhiều khó khăn ngay trong mùa cao điểm xây dựng.

Giá thép tăng giảm khó lường

Giá thép xây dựng trong nước vốn phụ thuộc vào giá nguyên vật liệu và chi phí bán hàng. Với sự biến động của nguyên liệu đầu vào, mặt hàng này liên tục được các doanh nghiệp điều chỉnh trong vòng 1 tháng trở lại đây.

image-20221015093758-1-1665976683.jpeg

Chỉ trong vòng một tuần từ 5.10 đến 12.10, các doanh nghiệp đã có 3 đợt giảm giá thép xây dựng trong nước

Mới đây, sau lần 3 lần điều chỉnh tăng liên tiếp hồi đầu tháng 9, giá thép xây dựng lại quay về với chu kỳ giảm giá khi giảm hơn 300.000 đồng/tấn trong ngày 7.10. Tới ngày 12.10, các thương hiệu thép liên tục điều chỉnh giảm giá bán với mức giảm cao nhất lên tới 810.000 đồng mỗi tấn.

Như vậy, chỉ trong vòng một tuần (từ 5.10 đến 12.10), các doanh nghiệp đã có 3 đợt giảm giá thép xây dựng tại thị trường nội địa. Hiện giá mặt hàng này đang dao động quanh mức 14,5-15,5 triệu/tấn, tùy từng thương hiệu và loại thép.

Đơn cử, biên độ điều chỉnh giá thép của thương hiệu Hòa Phát dày nhất. Theo đó, Hòa Phát đều giảm 200.000 đồng/tấn đối với thép cuộn CB240 và 310.000 đồng/tấn đối với thép thanh vằn D10 CB300 tại cả 3 miền Bắc, Trung, Nam trong ngày 7.10. Tiếp đó, ngày 11.10, lại đã điều chỉnh giảm 510.000 đồng/tấn với dòng thép cuộn CB240 và giảm 20.000 đồng với thép thanh vằn D10 CB300.

Tới ngày 12.10, doanh nghiệp này tiếp tục giảm 210.000 đồng/tấn đối với thép cuộn CB240 và 500.000 đồng/tấn đối với thép thanh vằn D10 CB300. Sau điều chỉnh, giá mới nhất của 2 loại thép trên là 14,5 triệu đồng/tấn và 14,6 triệu đồng/tấn.

Với việc giá thép quay đầu giảm mạnh, các nhà máy thép hiện này đều gặp khó khăn do tồn kho ở mức giá cao và đối diện mức lỗ lớn hàng tháng. Cùng với đó, các đơn vị phân phối đang có xu hướng giảm bớt lượng mua vào vì tâm lý e ngại giá thép có thể giảm tiếp.

Nhu cầu thấp, tồn kho thép tăng cao

Trên thực tế, nhu cầu sử dụng thép trong nước vẫn ở mức thấp cùng với tình hình mưa bão diễn biến phức tạp nên việc tiêu thụ thép xây dựng gặp khó khăn.

image-20221015093758-2-1665976682.jpeg

Tồn kho cao là thực trạng trong những quý gần đây của ngành thép khi mà kênh tiêu thụ nội địa lẫn xuất khẩu suy yếu

Theo số liệu VSA vừa công bố, sản xuất thép thành phẩm của cả nước trong tháng 9 đạt 2,4 triệu tấn, tăng 23,4% so với tháng 8 và tăng 1,7% so với cùng kỳ 2021.

Trong khi đó, tiêu thụ thép các loại sau khi ghi nhận bật tăng trong tháng 8, thì đến tháng 9, bán hàng thép các loại quay đầu giảm, chỉ đạt gần 2 triệu tấn, giảm 7,2 % so với tháng trước và giảm gần 10% so với cùng kỳ.

Với mặt hàng thép xây dựng, sản lượng trong giai đoạn này đạt gần 1,1 triệu tấn, tăng 11,9% so với tháng 8 trước đó và tăng 47,2% so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, sản lượng bán hàng chỉ đạt 920.248 tấn, giảm gần 22% so với tháng trước và tăng 7,8% so với cùng kỳ năm 2021.

Tính chung 9 tháng đầu năm, sản xuất thép thành phẩm đạt 20,8 triệu tấn, giảm 5,8% so với cùng kỳ năm 2021. Bán hàng thép thành phẩm đạt 19,3 triệu tấn, giảm 1,6% so với cùng kỳ năm 2021. Riêng kênh xuất khẩu đóng góp gần 4,6 triệu tấn, giảm 7,4% so với cùng kỳ năm ngoái.

image-20221015093758-3-1665976682.jpeg

Các nhà máy thép đều gặp khó khăn do tồn kho ở mức giá cao và đối diện mức lỗ lớn hàng tháng

Cũng theo VSA, sản lượng tôn mạ kim loại và sơn phủ màu trong tháng 9 đạt 347.187 tấn, tăng 35,7% so với tháng 8.2021. Tuy bán hàng sản phẩm này đạt 299.326 tấn, tăng 11,26% so với tháng trước nhưng vẫn giảm 41,6% so với cùng kỳ năm 2021.

Tính từ đầu năm, sản xuất tôn mạ kim loại và sơn phủ màu đạt 3,5 triệu tấn, giảm 19,7% so với cùng kỳ. Bán hàng đạt 3,2 triệu tấn, giảm 17,3% so với cùng kỳ năm trước, trong đó xuất khẩu đạt 1,7 triệu tấn, giảm 33,3% so với cùng kỳ.

Về tình hình xuất khẩu, số liệu của VSA cập nhật đến tháng 7.2022 cho thấy, xuất khẩu thép thành phẩm của Việt Nam đạt 513.740 tấn, giảm 16,26% so với tháng trước, nhưng giảm tới hơn 66% so với cùng kỳ năm 2021. Trị giá xuất khẩu đạt gần 458 triệu USD, giảm 29% so với tháng trước và giảm 68,2% so với cùng kỳ năm ngoái.

8 tháng năm 2022, Việt Nam đã xuất khẩu khoảng 5,92 triệu tấn thép các loại, giảm 30,3% so với cùng kỳ năm trước. Giá trị xuất khẩu đạt 6,08 tỷ USD, giảm 13,4% so với cùng kỳ năm 2021.

Theo VSA, thị trường xuất khẩu thép chủ yếu của các doanh nghiệp Việt Nam trong giai đoạn này là khu vực ASEAN (35,33%), khu vực EU (19,7%), Hoa Kỳ (10,8%), Hàn Quốc (6,36%) và Hồng Kông (Trung Quốc) (4,37%).

Ở chiều ngược lại, nhập khẩu thép thành phẩm vào Việt Nam trong tháng 8.2022 đạt 785.000 tấn với kim ngạch 849 triệu USD, giảm 13,65% về lượng và giảm 17,8% về trị giá so với tháng trước. So với cùng kỳ năm ngoái, sản lượng thép nhập khẩu ghi nhận giảm 8,94% về lượng và giảm 11,3 % về trị giá.

Tính chung 8 tháng, nhập khẩu thép thành phẩm các loại về Việt Nam khoảng 8,18 triệu tấn với trị giá 8,8 tỷ USD, giảm 8% về lượng nhưng tăng 14,1% về giá trị so với cùng kỳ năm 2021.

Được biết, các thị trường cung cấp thép chính trong giai đoạn này bao gồm Trung Quốc (46%), Nhật Bản (15,67%), Hàn Quốc (11,1%), Đài Loan (9,1%) và Ấn Độ (7,22%).

Tồn kho cao là thực trạng trong những quý gần đây của ngành thép khi mà kênh tiêu thụ nội địa lẫn xuất khẩu suy yếu. Theo đó, việc không tiêu thụ được sản phẩm khiến các nhà máy thép đều đối diện mức lỗ lớn do tồn kho giá cao.

Mới đây, Thép Pomina đã phải thông báo dừng hoạt động sản xuất lò cao từ ngày 23.9.2022, đồng thời phải cắt giảm nhân sự.

Được biết, lý do Thép Pomina không thể duy trì được lò cao là do giá dầu cùng các loại hàng hóa leo thang. Trong khi đó, giá trị các sản phẩm từ thép, phôi thép giảm liên tiếp.

Với hoạt động kinh doanh khó khăn, lợi nhuận của các doanh nghiệp thép dự báo cũng sẽ sụt giảm mạnh trong mùa báo cáo tài chính quý 3 tới đây.

Bạn đang đọc bài viết "1 tuần 3 giá thép, nhà phân phối e dè nhập hàng" tại chuyên mục Kinh tế. Thông tin chi tiết xin liên hệ số hotline: 0971.008.956 hoặc gửi email về địa chỉ: bbtpld@gmail.com