Việt Nam tăng hơn 50% lượng nhập khẩu thép phế liệu trong tháng 8

Mặc dù lượng nhập khẩu thép phế liệu tăng trở lại trong tháng 8 nhưng vẫn thấp hơn lượng nhập khẩu trung bình hàng tháng do nhu cầu tiêu thụ mặt hàng thép vẫn tiếp tục suy yếu.

Tại Việt Nam, do nguồn cung cấp sắt thép vụn trong nước chỉ đạt gần 40% nhu cầu nên các doanh nghiệp phải sử dụng 60% nguyên liệu sắt thép phế liệu nhập khẩu để đáp ứng đủ cho sản xuất.

Theo thống kê của Tổng cục Hải quan, sản lượng nhập khẩu phế liệu của Việt Nam trong tháng 8/2022 đạt khoảng 329.000 tấn, tăng 51,6% so với tháng trước và tăng gần 11% so với cùng kỳ năm ngoái.

Tính chung 8 tháng đầu năm, lượng thép phế liệu nhập vào Việt Nam ở mức 3,08 triệu tấn, giảm 32% so với cùng kỳ năm 2021.

image-20220919161943-1-1663661354.jpeg

Việt Nam tăng hơn 50% lượng nhập khẩu thép phế liệu trong tháng 8

Được biết, các thị trường cung cấp thép phế liệu lớn nhất của Việt Nam hiện nay là Nhật Bản, Mỹ, Australia, Hồng Kông. Trong đó, Nhật Bản là quốc gia cung cấp thép phế lớn nhất của nước ta trong tháng 8 với 121.196 tấn, giảm 22% so với cùng kỳ. Tính từ đầu năm, lượng thép phế nhập từ quốc gia này đạt 891.000 tấn, giảm tới 48% so với cùng kỳ năm 2021.

Tương tự, tình trạng suy giảm lượng thép phế nhập khẩu trong giai đoạn này còn xuất hiện ở các thị trường Mỹ, Úc…

Trên thị trường, theo số liệu cập nhật nhất của Hiệp hội Thép Việt Nam, giá nguyên liệu thép phế ghi nhận tăng mạnh trong giai đoạn này. Cụ thể, giá thép phế nội địa trong tháng 8 tăng từ 400.000-700.000 đồng/tấn, hiện đang ở mức 8,9-10,1 triệu đồng/tấn.

Trong khi đó, giá thép phế liệu loại HMS 1/2 80:20 nhập khẩu cảng Đông Á được điều chỉnh tăng 70 USD/tấn so với tháng 8, ở mức 440 USD/tấn tại thời điểm ngày 6/9.

Thời gian qua, hoạt động kinh doanh xuất khẩu phôi thép của Việt Nam tiếp tục bị gián đoạn do dòng nguyên liệu rẻ hơn từ Nga, Iran và Indonesia đổ vào thị trường Đông Nam Á. Bên cạnh đó, nhu cầu thép trong nước cũng bị hạn chế bởi mùa mưa vào mùa hè và tín dụng thắt chặt hơn đối với ngành bất động sản.

Với việc giá phế liệu - nguyên liệu đầu vào trong sản xuất thép tăng trở lại, các thương hiệu thép xây dựng mới đây đã điều chỉnh tăng giá bán lần thứ 3 liên tiếp trong ngày 13/9 với mức tăng cao nhất lên tới 880.000 đồng/tấn.

Đơn cử, với thép Hòa Phát, thương hiệu này điều chỉnh tăng 400.000 đồng/tấn đối với thép cuộn CB240, còn thép thanh vằn D10 CB300 giữ nguyên với 15,12 triệu đồng/tấn tại khu vực miền Bắc. Theo đó, giá bán mới ngày 14/9 của 2 loại thép này lần lượt là 15,22 triệu đồng/tấn và 15,43 triệu đồng/tấn (chưa bao gồm VAT).

Hiện giá bán mặt hàng thép xây dựng đang dao động trong khoảng 15-16,5 triệu đồng/tấn, tùy loại thép và thương hiệu.