10 địa điểm tâm linh mà dân kinh doanh nên đến đầu năm

Có thờ, có thiêng, có kiêng, có lành. Nếu là dân kinh doanh, chắc chắn không thể bỏ qua top 10 địa điểm đi lễ đầu năm nổi tiếng linh thiêng dưới đây để cầu tài lộc đầu năm.

1. Phủ Tây Hồ

10-dia-diem-tam-linh-ma-dan-kinh-doanh-nen-den-dau-nam-pld-1-1675132393.png

Phủ Hồ Tây nằm ở phường Quảng An, quận Tây Hồ, thành phố Hà Nội nơi thờ Mẫu Liễu Hạnh (một trong tứ bất tử của nước ta). Nơi đây Mẫu đã hiện thân và xướng họa thơ với Trạng Bùng Phùng Khắc Khoan. Phủ Tây Hồ là một trong những phủ linh thiêng để cầu tài, cầu lộc dịp đầu năm mới. Mẫu Liễu Hạnh khi hạ thế xuống nhân gian là người đấu tranh mạnh mẽ cho tự do giao thương buôn bán. Nếu bạn là người chuyên về sản xuất, vận chuyển và kinh doanh thì nên đến xin Mẫu bảo hộ.

2. Tây Thiên

10-dia-diem-tam-linh-ma-dan-kinh-doanh-nen-den-dau-nam-pld-2-1675132393.png

Đến Tây Thiên là “đến với Phật, về với Mẫu” đầu năm nên hành hương đến Đền thờ Quốc mẫu Tây Thiên (Tam Đảo, Vĩnh Phúc). Quần thể di tích Tây Thiên gồm hệ thống nhiều đền chùa như đền Trình, đền Thỏng, chùa Thiên Ân, đền Cậu, đền Cô Bé, Tịnh thất, chùa cổ Phù Nghì, đền Cô Chín, đền Thượng và chùa Thượng. Nơi đây, tín ngưỡng thờ Mẫu và Phật giáo hòa quyện vào nhau, tạo thành một bầu không khí thanh tịnh, linh thiêng ít nơi nào có được.

3. Đền Hùng

10-dia-diem-tam-linh-ma-dan-kinh-doanh-nen-den-dau-nam-pld-3-1675132394.png

Nếu nói đến Tây Thiên là “về với Mẫu” thì đến Đền Hùng là về với Cha. Khu di tích lịch sử Đền Hùng thuộc thôn Cổ Tích, xã Hy Cương, TP Việt Trì, Phú Thọ, là nơi thờ cúng các Vua Hùng đã có công dựng nước. Vì tài lộc thuộc về phúc âm nên chúng ta thường lễ xin Mẫu còn công danh lại cần hiển dương nên đi lễ Đền Hùng để xin thăng quan tiến chức rất phù hợp.

4. Đền bà chúa Kho

10-dia-diem-tam-linh-ma-dan-kinh-doanh-nen-den-dau-nam-pld-4-1675132392.jpeg

Về văn hóa thờ cúng tại Đền Bà Chúa Kho Bắc Ninh thì nổi tiếng nhất về xin lộc làm ăn kinh doanh, buôn bán. Đặc biệt ở đây còn là nơi khách thập phương về lễ đền ngoài nhu cầu xin lộc rơi, lộc vãi Bà Chúa Kho còn có thể vay tiền Bà Chúa Kho để nhận lộc dương, cầu cho một năm làm ăn kinh doanh được thuận buồm xuôi gió.

5. Chùa Hương

10-dia-diem-tam-linh-ma-dan-kinh-doanh-nen-den-dau-nam-pld-5-1675132394.png

Chùa Hương là một quần thể chùa nằm tại xã Hương Sơn, huyện Mỹ Đức, thành phố Hà Nội. Đây là ngôi chùa cực kì linh thiêng và nổi tiếng lại tọa lạc nơi non nước hữu tình nên càng thu hút du khách hành hương và vãn cảnh. Vào những ngày đầu năm mới, đặc biệt là từ khi khai hội chùa Hương vào ngày 6 tháng giêng đến hết tháng 3 âm lịch lượng du khách đổ về đây lên đến hàng vạn người. Đến đây du khách không chỉ dâng hương, vái vọng tâm linh của mình lên các vị thần Phật, Bồ tát cầu xin may mắn, bình an, làm ăn tấn tới mà còn được thăm thú những cảnh đẹp đắm say lòng người như suối Yến, đền Trình, chùa Thiên Trù và động Hương Tích.

6. Đền Trần Nam Định

10-dia-diem-tam-linh-ma-dan-kinh-doanh-nen-den-dau-nam-pld-6-1675132393.jpeg

Đền Trần hết sức linh thiêng trong việc cầu tài, xin lộc. Hàng năm vào dịp đầu năm có hàng nghìn du khách ghé đến thăm, dâng lễ và cầu xin tài lộc. Đặc biệt vào ngày 14 âm lịch hàng năm, rạng sáng ngày 15 diễn ra lễ khai ấn đền Trần nhằm tri ân công của 14 vị vua nhà Trần và sau khi hành lễ xong thì du khách sẽ được phát triện ấn nhằm đem lại may mắn, phát tài phát lộc cho nhân dân.

7. Lễ hội Phủ Dầy

10-dia-diem-tam-linh-ma-dan-kinh-doanh-nen-den-dau-nam-pld-7-1675132394.png

Phủ Dầy (tương truyền là nơi Mẫu Liễu Hạnh sinh ra) là tâm điểm của hoạt động thực hành tín ngưỡng này. Phủ Dầy trước đây có tên cổ là Kẻ Dầy, cho tới khi Liễu Hạnh được suy tôn là “Mẫu nghi thiên hạ” thì Kẻ Dầy được đổi thành Phủ Dầy. Quần thể Phủ Dầy bao gồm hơn 20 di tích gắn liền với cuộc đời Thánh Mẫu Liễu Hạnh trong lần giáng sinh thứ 2. Lễ hội Phủ Dầy được tổ chức để tưởng nhớ ngày giỗ Thánh mẫu Liễu Hạnh. Hội Phủ Dầy diễn ra từ mùng 1 đến mùng 9 tháng riêng. Phủ Dầy là địa chỉ đi lễ cầu tài, cầu lộc, cầu bình an dịp đầu Xuân năm mới

8. Hội chợ Viềng Nam Định

10-dia-diem-tam-linh-ma-dan-kinh-doanh-nen-den-dau-nam-pld-8-1675132392.jpeg

Hội chợ Viềng, khu hội chợ chính nằm trong thôn Trung Thành nhưng bao xung quanh nó là cả một quần thể di tích, như đình chùa, đền phủ, lăng tẩm, rất đẹp như lăng Mẫu, đền Vua, chùa Long Vân, chùa Cao, Phủ Tiên Hương, phủ Vân Cát, đình ông Khổng... Hội chợ Viềng diễn ra vào mùng 8 tháng giêng âm lịch hàng năm, tại Xã Kim Thái, huyện Vụ Bản và thị trấn Nam Giang, huyện Nam Trực, tỉnh Nam Định. 

Chợ Viềng họp cả ngày vào mùng 8 tháng Giêng âm lịch hàng năm, nhưng người ở xa thường về từ sớm, rậm rịch họp chợ từ 11, 12 giờ đêm hôm trước, cho đến sáng và hết cả ngày hôm sau.

9. Đền Bảo Hà

10-dia-diem-tam-linh-ma-dan-kinh-doanh-nen-den-dau-nam-pld-9-1675132394.png

Đền Bảo Hà không phải là nơi thờ phụng những vị thần linh Phật hay Quan Âm, tại đây người ta tôn thờ một vị tướng lĩnh dân gian thường gọi là ông Hoàng Bẩy. Người kinh doanh hầu như ai cũng biết đến đền Ông Hoàng Bảy (Đền Bảo Hà) ở Bảo Hà, Lào Cai. Theo nét văn hóa của dân tộc “có đầu có cuối” - đầu năm xin lộc cuối năm tạ lễ đã và đang được duy trì coi đó là tấm lòng với Đức Hoàng Bảy.

10. Đền Chúa Thác Bờ

10-dia-diem-tam-linh-ma-dan-kinh-doanh-nen-den-dau-nam-pld-10-1675132394.png

Đền Chúa Thác Bờ nằm trong khu vực Thác Bờ giữa dòng sông Đà thuộc xã Vầy Nưa, huyện Đà Bắc, Hòa Bình. Đền thờ Chúa Thác Bờ hay còn gọi là đền Cô Bé Thác Bờ bao gồm có đền Trình (đền Chúa) và đền Chầu (đền ông Chẩu). Đền Thác Bờ tuy không hoành tráng, đồ sộ như nhiều nơi khác nhưng nổi tiếng linh thiêng. Lễ hội Đền Bờ diễn ra từ ngày 7 tháng Giêng và kéo dài tới hết tháng 3 âm lịch. Tuy nhiên, ngay từ tháng Chạp, nơi đây đã tấp nập dòng người đổ về lễ tạ.