Ấn Độ vừa khởi xướng điều tra chống bán phá giá đối với sản phẩm thép cuộn cán nóng (HRC) nhập khẩu từ Việt Nam. Cuộc điều tra sẽ bao gồm cả thép không hợp kim và thép hợp kim. Các sản phẩm thép không gỉ không nằm trong diện điều tra lần này.
Theo thông báo của Bộ trưởng Thương mại Ấn Độ, quyết định điều tra được đưa ra dựa trên đề nghị của Hiệp hội Thép Ấn Độ. Cuộc điều tra sẽ được Tổng cục Phòng vệ Thương mại Ấn Độ thực hiện.
Các nhà sản xuất thép Ấn Độ cáo buộc rằng sản phẩm thép Việt Nam được nhập khẩu với giá bán phá giá và gây thiệt hại cho ngành sản xuất trong nước. Các nhà sản xuất thép Ấn Độ cho rằng không có sự khác biệt đáng kể nào giữa sản phẩm do họ sản xuất và sản phẩm nhập khẩu từ Việt Nam và yêu cầu áp dụng thuế chống bán phá giá đối với thép nhập khẩu từ Việt Nam.
Các sản phẩm thép dẹt cán nóng trong diện điều tra của Ấn Độ lần này thường được sử dụng trong công nghiệp ô tô, đường ống dẫn dầu và khí đốt/thăm dò, sản phẩm thép cán nguội, sản xuất ống, kỹ thuật và chế tạo nói chung, thiết bị xử lý xi măng, phân bón, nhà máy lọc dầu, chuyển động trái đất,…
Trung Quốc cũng có tên trong danh sách cáo buộc bán phá giá vào Ấn Độ. Mối lo ngại xoay quanh thực tế là Trung Quốc đang định tuyến các sản phẩm giá thấp hơn thông qua một số quốc gia thứ 3 vào nước này.
Việt Nam hiện nằm trong top 5 nước bán thép nhiều nhất vào Ấn Độ. Trong năm tài chính 2023-2024, kim ngạch nhập khẩu thép của Ấn Độ từ Việt Nam trị giá 722 triệu USD.
Nhập khẩu thép cuộn cán nóng (HRC) và thép tấm từ Việt Nam sang Ấn Độ đứng ở mức 576.000 tấn từ tháng 4 năm 2023 đến tháng 3 năm 2024, tăng khoảng 203% so với giai đoạn tháng 4 năm 2022-2023 ở mức 190.000 tấn. Nhưng giai đoạn tháng 4/2021 đến tháng 3/2022, Ấn Độ lại không nhập của Việt Nam, theo dữ liệu của Ủy ban Liên hợp Nhà máy Ấn Độ.
Trước đó vào ngày 26/7/2024 vừa rồi, Bộ Công Thương Việt Nam cũng vừa ban hành Quyết định số 1985/QĐ-BCT về việc điều tra áp dụng biện pháp chống bán phá giá đối với một số sản phẩm thép cán nóng có xuất xứ từ Ấn Độ và Trung Quốc. Theo đó, việc điều tra áp dụng biện pháp chống bán phá giá với thép cán nóng có xuất xứ từ Ấn Độ và Trung Quốc sẽ thực hiện theo quy định pháp luật về phòng vệ thương mại của Việt Nam, có hiệu lực từ ngày 26/7 vừa qua.
Quyết định tiến hành điều tra được ban hành căn cứ theo kết quả thẩm định đối với hồ sơ yêu cầu điều tra áp dụng biện pháp chống bán phá giá được nộp đầy đủ và hợp lệ của Tập đoàn Hòa Phát và Công ty TNHH Gang Thép Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh hồi tháng 3/2024.
Lũy kế 6 tháng đầu năm nay, sản lượng thép HRC nhập khẩu vào Việt Nam lên đến gần 6 triệu tấn, tăng 32% so với cùng kỳ 2023. Lượng nhập khẩu này bằng 173% so với sản xuất trong nước. Trong đó, Ấn Độ cùng Đài Loan, Hàn Quốc, Nhật Bản chiếm tới gần 1 tỷ USD kim nghạch nhập khẩu thép của Việt Nam.
Như vậy là, quyết định điều tra thép Việt Nam bán phá giá của Ấn Độ dường như giống một động thái “trả đũa” việc Việt Nam điều tra Ấn Độ bán phá giá vào Việt Nam của đất nước tỷ dân này.