Động thái mới của nhà sản xuất thép lớn nhất Việt Nam sau đề xuất điều tra chống bán phá giá thép

Thiên An

03/04/2024 22:19

Theo dõi trên

Thép HRC là nguyên liệu để sản xuất các sản phẩm tôn mạ, ống thép, các sản phẩm thép khác được sử dụng trong nhiều ứng dụng của ngành xây dựng, cơ khí… Tại Việt Nam, sản phẩm thép HRC chỉ có Formosa và Hòa Phát sản xuất, chiếm tới 80% thị trường nội địa.

Theo Kallanish, Tập đoàn Hòa Phát mới đây đã điều chỉnh giá bán thép cuộn cán nóng (HRC) nội địa do sự suy yếu của thị trường trong tháng qua.

Cụ thể, trong ngày 1/4, Hòa Phát đã giảm 40 USD/tấn với thép HRC, đưa giá bán loại SAE1006/SS400 giao tháng 6/2024 của nhà sản xuất ngày xuống mức 550 USD/tấn, chưa bao gồm VAT.

Mức giá này tương đương 13,74 triệu đồng/tấn, giảm 980.000 đồng/tấn so với tháng trước. Trong khi đó, các đơn chào bán HRC loại SAE 1006 HRC dày lên 2 mm từ Trung Quốc tăng 10 USD/tấn lên 550 USD/tấn.

hoa-phat-giam-gia-ban-thep-hrc-pld-1712157493.jpeg
Hòa Phát giảm giá bán thép HRC xuống 550 USD/tấn

Động thái hạ giá bán HRC của Hòa Phát diễn ra trong bối cảnh nhu cầu trong nước suy yếu và áp lực phải cạnh tranh với thép giá rẻ từ Trung Quốc.

Theo Tổng Cục hải quan, trong 2 tháng đầu năm 2024, Việt Nam đã nhập khẩu hơn 1,8 triệu tấn sắt thép từ Trung Quốc, tăng gấp 3 lần so với cùng kỳ và chiếm 70% tổng lượng nhập khẩu sắt thép.

Phía Hòa Phát cho rằng hoàn toàn có khả năng cạnh tranh trên thế giới nhờ có giá thành sản xuất tốt. Tuy nhiên, lãnh đạo doanh nghiệp này cũng bày tỏ lo ngại về sự cạnh tranh không lành mạnh, bao gồm bán dưới giá thành của một số đơn vị nước ngoài.

Theo đó, Hòa Phát cùng Formosa đã nộp đơn đề nghị khởi xướng điều tra chống bán phá giá đối với mặt hàng thép HRC nhập khẩu từ Trung Quốc.

Ngay sau đó, có 7 doanh nghiệp tôn mạ và ống thép đồng loạt lên tiếng chưa có cơ sở để điều tra chống phá giá.

Tại văn bản gửi cơ quan chức năng, các doanh nghiệp tôn mạ cho biết hiện nay, sản phẩm thép HRCtại Việt Nam chỉ có Formosa và Hòa Phát sản xuất, chiếm tới 80% ngành HRC nội địa. Trong khi đó, chỉ khoảng 20% còn lại là hàng nhập khẩu của các công ty thương mại.

Nhóm 7 doanh nghiệp lập luận sản phẩm HRC từ Trung Quốc nhập khẩu vào Việt Nam chỉ 1,26%, không vượt quá 2% nên không thể coi là bán phá giá.

Lãnh đạo một công ty tôn mạ cho biết, đối với mặt hàng thép cán nóng cung không đủ cầu dẫn đến Hòa Phát và Formosa luôn luôn bán giá cao hơn giá thép cán nóng nhập khẩu từ 10-20 USD/tấn, cao điểm có thể chênh lệch tới 40-50 USD/tấn và duy trì chênh lệch trong thời gian dài.

Từ việc mua hàng HRC nội địa, theo các doanh nghiệp, hàng hóa luôn trong tình trạng cung không đủ cầu. Các doanh nghiệp tôn mạ vẫn phải nhập vì có một số quốc gia xuất khẩu có yêu cầu đặc biệt về nguồn nguyên liệu.

Theo đó, việc khởi xướng điều tra chống bán phá giá chỉ có lợi cho một số doanh nghiệp, lo ngại khả năng độc quyền và chi phối giá cả dẫn đến giá nguyên liệu bị đẩy lên quá cao khiến toàn ngành tôn mạ và ống thép gặp khó.

Bạn đang đọc bài viết "Động thái mới của nhà sản xuất thép lớn nhất Việt Nam sau đề xuất điều tra chống bán phá giá thép" tại chuyên mục Doanh nghiệp - Doanh nhân. Thông tin chi tiết xin liên hệ số hotline: 0971.008.956 hoặc gửi email về địa chỉ: bbtpld@gmail.com