Băng biển Nam Cực suy giảm kỷ lục

Phạm vi băng biển Nam Cực giảm xuống dưới 2 triệu km vuông trong năm nay - mức tối thiểu thấp nhất kể từ khi bắt đầu được ghi nhận cách đây 43 năm.

Phạm vi băng biển Nam Cực vào ngày 25/2 là 1,92 triệu km vuông, giảm hơn 190.000 km vuông so với mức thấp nhất trước đây vào năm 2017, Trung tâm dữ liệu băng tuyết quốc gia Mỹ (NSIDC) đưa tin vào ngày 8/3.

Không giống như ở Bắc Cực, nơi băng biển liên tục giảm nhanh chóng kể từ khi các phép đo vệ tinh bắt đầu theo dõi vào năm 1979, băng biển ở Nam Cực có chu kỳ tan băng và hình thành băng mới biến động hằng năm, mỗi chu kỳ đều có hai mốc băng biển tối đa và tối thiểu. Từ khi bắt đầu được ghi nhận vào năm 1980, mức băng tối thiểu cao nhất ở Nam Cực xảy ra vào năm 2008, nhưng sau đó giảm nhanh liên tiếp vào các năm 2015, 2016, 2017, và giảm xuống mức thấp chưa từng có vào năm nay.

57dd41586-022-00550-4-20209534-1647586675.jpg

Dữ liệu phạm vi băng biển Nam Cực từ 1980 đến 2022, mỗi năm đều có một chu kỳ biến động gồm mức băng tối đa và tối thiểu.

Ở Nam Cực, băng biển sẽ hình thành ở bất cứ nơi nào đủ lạnh. Vì không có các khu vực đất liền làm rào cản như ở Bắc Cực, băng hình thành trên phạm vi rộng nhưng tạo thành lớp mỏng hơn và có thể di chuyển tự do theo gió. Cũng vì thế, băng ở biển Nam Cực phản ứng với sự thay đổi bất thường của khí quyển và đại dương.

Năm nay, gió mạnh đẩy băng ra khỏi Biển Ross, một vịnh ngoài khơi Nam Cực, đến các khu vực xa hơn về phía bắc, nơi nhiệt độ ấm hơn. Ở đó, băng vỡ ra và tan chảy, làm cho mức tối thiểu trong chu kỳ năm nay xuống mức thấp kỷ lục, Walt Meier, nhà khoa học tại NSIDC giải thích. “Tôi nghĩ phần lớn, nếu không phải là toàn bộ, sự kiện lần này là do biến thiên tự nhiên," Meier nói. Nóng lên toàn cầu có thể có vai trò trong kỷ lục mới này, nhưng vẫn còn quá sớm để kết luận.

530d41586-022-00550-4-20164336-1647586675.jpg

Không có rào cản đất liền, băng biển ở Nam Cực có thể di chuyển tự do theo hướng gió và vận động của đại dương.

Các nhà khoa học khác đồng ý rằng chưa thể kết luận, đây có thể là khởi đầu của xu hướng mất băng liên tục ở Nam Cực, tương tự như ở Bắc Cực trong 50 năm qua, nhưng cũng có thể là sự biến đổi theo chu kỳ ngắn hạn và sẽ quay trở lại mức trung bình. Nhưng về lâu dài, biến đổi khí hậu sẽ khiến lượng băng biển ở Nam Cực suy giảm, theo Zeke Hausfather, một chuyên gia khí hậu cho biết tại Viện Berkeley Earth ở California.

Nguồn:

https://www.nature.com/articles/d41586-022-00550-4

https://nsidc.org/news/newsroom