Năm học giả Việt trong danh sách 1.000 nhà nghiên cứu hàng đầu thế giới về Cơ khí - Kỹ thuật Hàng không vũ trụ

Trong số đó, có 2 nhà nghiên cứu trong nước và 3 nhà nghiên cứu ở nước ngoài.
top1000-aero-2021-1647586439.png
Xếp hạng trên research.com | Ảnh chụp màn hình

Bảng xếp hạng dựa vào danh sách 3.637 nhà khoa học có công bố thuộc lĩnh vực này từ cơ sở dữ liệu của Google Scholar và Microsoft Academic Graph. Các tiêu chí lựa chọn bao gồm chỉ số H-Index (tối thiểu 30), tỷ lệ đóng góp trong ngành, giải thưởng và thành tựu của các nhà khoa học. Số liệu thu thập được tính từ năm 2014 đến hết ngày 6/12/2021.

Trong đó, GS. TS Nguyễn Xuân Hùng (H-Index 80) đứng thứ 42 thế giới, hiện là Viện trưởng Viện Công nghệ liên ngành CIRTech thuộc trường Đại học Công nghệ TP.HCM, và là Chủ tịch Hội Cơ học Tính toán của Việt Nam. Ông được bổ nhiệm làm giáo sư thỉnh giảng của Đại học Y Trung Quốc (Đài Loan) và Đại học Sejong (Hàn Quốc) từ năm 2015, và là thành viên ban biên tập của một số tạp chí quốc tế nổi bật như Composite Structures, Underground Space, Computers, Materials & Continua, Biomedicine, Vietnam Journal of Mechanics… Các nghiên cứu của ông tập trung vào phát triển các công cụ tính toán mô phỏng số trên máy tính ứng dụng cho cơ kỹ thuật, cơ sinh học, vật liệu tiên tiến, in 3D...

PGS. TS Nguyễn Thời Trung (H-Index 62) ở vị trí 143, hiện là Viện trưởng Viện Khoa học tính toán của trường Đại học Tôn Đức Thắng. Trước đó, ông từng giảng dạy bộ môn toán cơ tại Khoa Toán tin, Trường Đại học Khoa học Tự nhiên TP.HCM. Ông tham gia ban biên tập của một số tạp chí quốc tế như Journal of Advanced Engineering and Computation của Trường Đại học Tôn Đức Thắng, Journal of Computational Applied Mechanics của Đại học Tehran... Các nghiên cứu của ông tập trung vào phát triển phương pháp phần tử hữu hạn trơn S-FEM, tối ưu hoá kết cấu, chẩn đoán hư hỏng kết cấu và ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong phân tích kết cấu.

GS. TS Phan Thiện Nhân (H-Index 55) đứng thứ 261, hiện là Giáo sư kỹ thuật cơ khí tại Đại học quốc gia Singapore, giáo sư danh dự tại Trường Kỹ thuật hàng không vũ trụ của Đại học Sydney (Úc) và Đại học Chiết Giang (Trung Quốc). Ông là biên tập viên, thành viên ban biên tập của một số tạp chí quốc tế uy tín như Physics of Fluids, Journal of Non-Newtonian Fluid Mechanics, AIP Advances. Lĩnh vực nghiên cứu của ông tập trung vào cơ học chất lưu, tương tác thủy động lực học, lưu biến (rheology) của chất lỏng cao phân tử và các mô hình tính toán liên quan đến chất lỏng có cấu trúc hạt phức tạp. Đóng góp lớn nhất của ông cho lĩnh vực lưu biến học là mô hình mang tên ông (Phan-Thien-Tanner modeling) và các biến thể của nó.

PGS. TS Bùi Quốc Tính (H-Index 53) ở vị trí 303, hiện là giảng viên tại Khoa Kỹ thuật Xây dựng và Môi trường, Đại học Công nghệ Tokyo (Nhật Bản), và từng nhận Giải thưởng Nhà khoa học trẻ của Hiệp hội Cơ học tính toán Nhật Bản năm 2018. Ông là biên tập viên của một số tạp chí nổi bật như Applied Mathematical Modelling, Thin-Walled Structures, Engineering Analysis with Boundary Elements, Scientific Reports. Các nghiên cứu của ông liên quan đến cơ học tính toán, cơ học về hư hỏng và nứt gãy, phân tích phần tử hữu hạn, vật liệu không ổn định, vật liệu chức năng thông minh,...

PGS. TS. Võ Thục Phúc (H-Index 41) ở vị trí 564, hiện là Giáo sư Kỹ thuật kết cấu tại Đại học La Trobe (Úc). Ông từng là giảng viên tại Đại học Northumbria và Trung tâm đào tạo và phát triển vật liệu composite tiên tiến của Airbus ở Anh quốc. Các nghiên cứu của ông tập trung vào lý thuyết biến dạng cắt (shear deformation theories) nhằm xem xét các phản ứng của cấu trúc composite, động lực học kết cấu, và ứng dụng học máy cho kỹ thuật kết cấu.

Tham khảo:

*Top Mechanical and Aerospace Engineering Scientists | Research.com

*Nguyen Xuan Hung's Google site

*TS. Nguyễn Thời Trung | Đại học Tôn Đức Thắng

*Phan Thien Nhan – NUS Mechanical Engineering;

Phan Thien Nhan - The University of Sydney

*Bui Quoc Tinh's Computational mechanics | Google site

*Thuc Vo Profile | La Trobe University