Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu tại phiên họp. (Ảnh DUY LINH) |
Tại phiên họp, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Đỗ Văn Chiến trình bày dự thảo Báo cáo về tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân gửi đến kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV, nêu rõ: Cử tri và nhân dân bày tỏ sự tin tưởng vào kết quả quan trọng của công tác xây dựng và chỉnh đốn Đảng, hoan nghênh Quốc hội đã kịp thời tổ chức các kỳ họp bất thường để bàn bạc, quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước, đồng thời ghi nhận sự cố gắng lớn của Chính phủ trong điều hành linh hoạt, hiệu quả.
Tuy nhiên, do những bất ổn của tình hình thế giới tác động vào nước ta, các đơn hàng bị cắt giảm, việc làm, thu nhập của một bộ phận lao động giảm, trở nên gay gắt, đời sống nhiều người chưa được ổn định sau đại dịch Covid-19. Một bộ phận người dân bức xúc vì đã chi tiền mua nhà ở, đất ở của các dự án nhưng do nhiều nguyên nhân không nhận được nhà ở, đất ở mà chưa lấy lại được tiền đã đầu tư, nhiều người gặp rủi ro khi gửi tiền tiết kiệm, mua trái phiếu, mua bảo hiểm…
Các vụ lừa đảo có tổ chức, xuyên quốc gia, có yếu tố nước ngoài cầm đầu thông qua gọi điện, nhắn tin, hoạt động cho vay nặng lãi, đòi nợ kiểu xã hội đen, giả danh cơ quan chức năng thực thi pháp luật hoạt động trên không gian mạng tinh vi để lừa đảo... gây ra nhiều hệ lụy khó lường cho xã hội.
Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam kiến nghị với Đảng và Nhà nước chỉ đạo việc nghiên cứu, có các chính sách, giải pháp hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn và sớm phục hồi sản xuất, kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, ổn định việc làm và thu nhập của người lao động; tăng cường hơn nữa công tác quản lý nhà nước, có chế tài đủ mạnh bảo vệ quyền lợi người dân khi tham gia ký kết các hợp đồng mua bán bất động sản, trái phiếu, bảo hiểm…
Chỉ đạo các cơ quan chức năng nghiên cứu giải pháp phòng chống, khắc phục tình trạng một số người có thẩm quyền đùn đẩy, né tránh, sợ trách nhiệm, không dám giải quyết công việc, “giữ an toàn quá mức cần thiết” gây trì trệ, ảnh hưởng hoạt động của doanh nghiệp và cuộc sống nhân dân.
Tiếp đó, trình bày dự thảo Báo cáo Công tác dân nguyện của Quốc hội trong tháng 4/2023, Trưởng Ban Dân nguyện của Ủy ban Thường vụ Quốc hội Dương Thanh Bình cho biết: Cử tri và nhân dân lo lắng trước tình hình số ca mắc Covid-19 tăng cao thời gian gần đây; vấn đề giao kết và thực hiện một số sản phẩm bảo hiểm nhân thọ thiếu minh bạch, thiếu rõ ràng, khả năng gây rủi ro và thiệt hại cho người mua; tình trạng bạo lực học đường, trẻ hóa độ tuổi phạm tội; việc vận chuyển, buôn bán, sử dụng ma túy và chất cấm có chiều hướng phức tạp; vấn đề tồn tại, hạn chế của hệ thống y tế cơ sở; việc bảo đảm các yêu cầu về quản lý nhà nước trong các lĩnh vực, nhất là ở các huyện, xã miền núi khi sáp nhập đơn vị hành chính…
Trước tình hình công dân khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh tiếp tục diễn biến phức tạp và có chiều hướng tăng nhiều so với tháng 3/2023; Ban Dân nguyện đề nghị các cơ quan hữu quan cần quan tâm hơn nữa hoạt động giám sát theo lĩnh vực phụ trách, xem xét, giải quyết dứt điểm đối với một số vụ việc bức xúc, kéo dài.
Chính phủ chỉ đạo tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra nhằm minh bạch hơn nữa thị trường bảo hiểm và bảo đảm quyền lợi của người tham gia; có giải pháp, hiệu quả nhằm ngăn chặn, phòng ngừa và giải quyết kịp thời bạo lực học đường; tăng cường giáo dục đạo đức, phổ biến pháp luật và nâng cao vai trò trách nhiệm giữa nhà trường và gia đình trong việc quản lý học sinh, thanh, thiếu niên; tập trung đấu tranh với tội phạm và tệ nạn ma túy khi độ tuổi phạm tội có xu hướng trẻ hóa, phương thức phạm tội ngày càng tinh vi.
Cho ý kiến về các nội dung nêu trên, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cơ bản tán thành các dự thảo báo cáo, đánh giá cao sự chuẩn bị của các cơ quan. Việc tổng hợp thành các nhóm ý kiến, kiến nghị là hợp lý, sát với ý kiến của cử tri và nhân dân. Qua đó, bảo đảm tính xác đáng, thiết thực, góp phần đẩy nhanh tiến độ và hiệu quả giải quyết khiếu nại, tố cáo, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp, các ngành, địa phương trong công tác chăm lo đời sống nhân dân.
Đề nghị Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Ban Dân nguyện tiếp tục nghiên cứu, đánh giá sâu sắc, làm rõ thêm các nội dung đã nêu, phối hợp các cơ quan hữu quan tổng hợp, bổ sung đầy đủ ý kiến của cử tri và nhân dân quan tâm, nhất là về các vấn đề đang nóng hiện nay để bảo đảm các báo cáo đạt chất lượng cao.
Chiều qua, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự thảo Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023-2030. Một số đại biểu nhấn mạnh, việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã là việc hệ trọng, liên quan tổ chức bộ máy, con người. Hiện nay, có nhiều ý kiến đề nghị việc sắp xếp cần được tiến hành thận trọng, kỹ lưỡng, vì vậy, để bảo đảm chất lượng, cần tiếp tục nghiên cứu, rà soát thêm.
Chỉ rõ những bất cập, hạn chế, kinh nghiệm tổ chức thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính trong giai đoạn trước, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết, việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã phải triệt để bám sát, thể chế hóa các nghị quyết, kết luận của Bộ Chính trị, Ủy ban Thường vụ Quốc hội để làm căn cứ pháp lý cho tổ chức thực hiện. Những vấn đề, nội dung lớn cần tổng hợp để xin ý kiến Đảng đoàn Quốc hội, nếu thấy cần thiết phải báo cáo Bộ Chính trị trước khi ban hành nghị quyết cụ thể.
Phát biểu ý kiến kết luận nội dung này, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định đề nghị, Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, Bộ Nội vụ tiếp thu các ý kiến tại phiên họp, thực hiện đúng chỉ đạo tại kết luận của Bộ Chính trị. Theo đó, Bộ Nội vụ cần báo cáo Ban cán sự đảng Chính phủ để hoàn thiện hồ sơ, lãnh đạo Chính phủ trình lại Đảng đoàn Quốc hội để xem xét quyết định hoặc xin ý kiến Bộ Chính trị nếu cần thiết.
Trong ngày làm việc hôm qua, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về: dự thảo Báo cáo kết quả giám sát việc giải quyết, trả lời kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV; việc tiếp tục phân bổ vốn đầu tư công trung hạn và vốn của Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội…