Tham dự Lễ khởi công có đồng chí Đinh Tiến Dũng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội; Phó Chủ tịch HĐND Thành phố Phạm Quí Tiên; Phó Chủ tịch UBND Thành phố Nguyễn Mạnh Quyền; đại diện các bộ; lãnh đạo các sở, ngành thành phố và huyện Thanh Oai.
Theo Chủ tịch UBND huyện Thanh Oai Bùi Văn Sáng, 3 cụm công nghiệp: Cụm công nghiệp Thanh Thùy giai đoạn 2, Cụm công nghiệp làng nghề Phương Trung và Cụm công nghiệp Hồng Dương, khởi công hôm nay là các công trình quan trọng theo định hướng của huyện Thanh Oai, nhằm mục tiêu thu hút doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao, công nghiệp hỗ trợ; kéo giãn các hộ gia đình, doanh nghiệp đang sản xuất, kinh doanh tại các làng nghề, khu dân cư gây ô nhiễm môi trường ra sản xuất tại các cụm công nghiệp.
"Với quy mô 17,14ha, 3 cụm công nghiệp có tổng mức đầu tư hơn 500 tỷ đồng, dự kiến thu hút hơn 100 doanh nghiệp, tạo việc làm cho khoảng 3.000 lao động, hằng năm đóng góp vào ngân sách hàng trăm tỷ đồng. Đây cũng là cơ hội để Thanh Oai đẩy mạnh thị trường lao động, đất đai nhà ở và các dịch vụ đi kèm, tạo nguồn thu cho ngân sách ổn định và bền vững, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của huyện", Chủ tịch UBND huyện Thanh Oai Bùi Văn Sáng nhấn mạnh.
Các cụm công nghiệp trên được xây dựng đồng bộ về hạ tầng, kiến trúc hiện đại với nhiều tiện ích phụ trợ hiện đại, đáp ứng nhu cầu thị trường trong bối cảnh mới. Cụ thể là đáp ứng quy trình sản xuất khép kín; hệ thống phòng cháy, chữa cháy đủ tiêu chuẩn, sẵn sàng đáp ứng phòng, chống cháy nổ trong mọi tình huống; hệ thống xử lý nước thải đạt tiêu chuẩn, mức phát thải ít theo tiêu chí khu công nghiệp xanh, sạch, thân thiện với môi trường và phát triển bền vững.
Để dự án hoàn thành và đi vào hoạt động đúng tiến độ, Chủ tịch UBND huyện Thanh Oai Bùi Văn Sáng yêu cầu, chủ đầu tư tập trung nguồn lực để triển khai dự án bảo đảm chất lượng, tiến độ như đã cam kết; tuân thủ đúng quy định của pháp luật về quy hoạch, đất đai, đầu tư, xây dựng, bảo vệ môi trường và các quy định của pháp luật. Đồng thời, tuân thủ nghiêm ngặt những tiêu chuẩn, quy chuẩn xây dựng; bảo đảm chất lượng, an toàn công trình, an toàn lao động và vệ sinh môi trường; không được để quá trình thi công xây dựng ảnh hưởng đến đời sống, sản xuất, sinh hoạt của nhân dân khu vực lân cận dự án.
Phát biểu tại lễ khởi công, Phó Chủ tịch UBND Thành phố Nguyễn Mạnh Quyền nhấn mạnh, phát triển nhanh và đồng bộ hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế, xã hội được thành phố xác định là khâu đột phá, trong đó, ưu tiên phát triển hạ tầng sản xuất công nghiệp, góp phần hoàn thành chỉ tiêu tốc độ tăng trưởng bình quân ngành công nghiệp - xây dựng giai đoạn 2021-2025 đạt từ 8,5 - 9,0% theo Nghị quyết Đại hội lần thứ XVII Đảng bộ Thành phố đã đề ra, cũng như thực hiện thắng lợi Nghị quyết số 15-NQ/TƯ, ngày 5/5/2022, của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Tháng 3/2023, Thành phố đã ban hành Kế hoạch, trong đó, xác định nhiệm vụ trọng tâm là đẩy nhanh tiến độ triển khai xây dựng hạ tầng kỹ thuật đối với 43 cụm công nghiệp đã có quyết định thành lập để sớm hoàn thành, thu hút đầu tư, tạo mặt bằng sản xuất cho các doanh nghiệp, hộ sản xuất, kinh doanh, tạo bước đột phá trong phát triển sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và làng nghề của thành phố.
Đối với công tác phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp trên địa bàn huyện Thanh Oai, Thành phố luôn dành sự quan tâm, chỉ đạo sát sao. Theo đó, Thanh Oai được quy hoạch 10 cụm công nghiệp với diện tích 288,92ha; đến nay, đã có 8 cụm công nghiệp được thành lập, trong đó, 3 cụm đã đi vào hoạt động với tổng diện tích 75,4ha.
"Là địa phương với 42 làng nghề được thành phố công nhận cùng hàng nghìn cơ sở đang hoạt động sản xuất, kinh doanh, việc đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật và sớm đưa vào hoạt động ba cụm công nghiệp sẽ góp phần giải quyết nhu cầu mặt bằng sản xuất cho các cơ sở sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp trên địa bàn huyện, dần đưa các cơ sở sản xuất trong các làng nghề, khu dân cư vào khu vực sản xuất tập trung, giải quyết vấn đề ô nhiễm môi trường, thúc đẩy tiềm năng phát triển bền vững công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và làng nghề của địa phương", Phó Chủ tịch UBND Thành phố Nguyễn Mạnh Quyền nhấn mạnh.
Để đẩy nhanh tiến độ sớm hoàn thành xây dựng hạ tầng kỹ thuật 3 cụm công nghiệp, Phó Chủ tịch UBND Thành phố Nguyễn Mạnh Quyền đề nghị, các sở, ban, ngành Thành phố, huyện Thanh Oai, các xã Thanh Thùy, Phương Trung và Hồng Dương tạo điều kiện thuận lợi nhất cho chủ đầu tư trong quá trình triển khai thực hiện dự án, nhất là trong việc tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, rút ngắn thời gian thực hiện thủ tục hành chính; thường xuyên kiểm tra, đôn đốc, hướng dẫn chủ đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật cụm công nghiệp văn minh, hiện đại, bảo đảm sáng - xanh - sạch - đẹp.
Đề nghị Sở Công Thương thường xuyên kiểm tra, phối hợp giải quyết khó khăn, vướng mắc, kịp thời tham mưu cho UBND Thành phố các giải pháp, nhằm đẩy nhanh tiến độ thực hiện, bảo đảm hoàn thành các dự án đưa vào hoạt động, khai thác theo đúng quy định.
Đối với các chủ đầu tư, cần tập trung toàn bộ nguồn lực để nhanh chóng hoàn thành đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật các cụm công nghiệp, thu hút nhà đầu tư thứ phát vào sản xuất, kinh doanh để phát huy tối đa hiệu quả của dự án, đóng góp vào sự phát triển kinh tế, xã hội của huyện Thanh Oai nói riêng và thành phố Hà Nội nói chung.
Dự án Cụm công nghiệp làng nghề Thanh Thùy giai đoạn 2 có diện tích quy hoạch 7,7ha, diện tích xây dựng 6,5ha; nằm trên trục đường phát triển kinh tế phía Nam - Cienco 5 qua địa phận xã Thanh Thùy. Đến nay, dự án Cụm công nghiệp làng nghề Thanh Thùy đang hoàn thiện bóc tách đất hữu cơ, san nền. Cụm công nghiệp làng nghề Thanh Thùy giai đoạn 2 sẽ mở ra cơ hội mới cho các ngành hàng chế biến nông sản của Hà Nội nói riêng và cả nước nói chung. Đồng thời, thu hút các doanh nghiệp sản xuất cơ kim khí, các ngành nghề sản xuất, kinh doanh theo hướng công nghiệp sạch, phù hợp với quy hoạch phát triển cụm công nghiệp thành phố, góp phần gìn giữ và phát triển các làng nghề truyền thống.
Dự án Cụm công nghiệp Hồng Dương có diện tích 11,4ha nằm trên tuyến đường Hồng Dương - Liên Châu. Cụm cách quốc lộ 12B 1.300m và cách đường trục phát triển kinh tế phía Nam 250m, thuận lợi cho giao thương, vận chuyển hàng hóa và phát triển kinh tế với trung tâm Hà Nội cũng như các quận phía Nam và các huyện lân cận.
Nằm trên địa bàn xã Phương Trung, Cụm công nghiệp Phương Trung có quy mô 9,55ha, với vị trí thuận lợi, tiếp giáp Quốc lộ 21B, cách trung tâm Thành phố khoảng 25km về phía Nam.