Bộ TN&MT: Xác định 60 - 70% nguồn lực dự phòng cho các cuộc thanh, kiểm tra đột xuất năm 2022

Chánh thanh tra Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) Lê Vũ Tuấn Anh cho biết, năm 2022 Bộ sẽ xác định 60 - 70% nguồn lực dự phòng cho các cuộc thanh, kiểm tra đột xuất.

Chia sẻ về kế hoạch thanh tra đang được xây dựng, trình Bộ trưởng Bộ TN&MT phê duyệt của Thanh tra Bộ trong năm 2022, ông Lê Vũ Tuấn Anh, Chánh thanh tra, cho biết cơ quan này sẽ căn cứ định hướng công tác thanh tra của Thanh tra Chính phủ và kết quả thanh kiểm tra năm 2021 của Bộ để xây dựng kế hoạch thanh tra, kiểm tra.

unnamed

 Bộ TN&MT sẽ thanh tra diện rộng các lĩnh vực môi trường, tài nguyên trong thời gian tới

Trong gần 2 năm qua, công tác thanh tra, kiểm tra tài nguyên môi trường gặp rất nhiều khó khăn, trong đó một số kế hoạch phải dừng lại bởi ảnh hưởng của đại dịch COVID-19.

Để khắc phục các tồn tại và nâng cao hiệu lực hiệu quả của công tác thanh tra, kiểm tra trong thời gian tới, ông Lê Vũ Tuấn Anh cho biết trong kế hoạch thanh tra, kiểm tra năm 2022, Bộ TN&MT sẽ tập trung thanh tra diện rộng, thanh tra chuyên đề kết hợp nhiều lĩnh vực về đất đai, môi trường, khoáng sản, tài nguyên nước và khí tượng thủy văn đối với một số hồ thủy lợi lớn...

Đặc biệt, kế hoạch thanh tra năm 2022 xác định khoảng 60 - 70% nhiệm vụ dự phòng tương ứng với nguồn lực để bố trí phục vụ cho các cuộc thanh tra, kiểm tra đột xuất, tham gia phối hợp với các đơn vị khác trong thanh, kiểm tra khi được yêu cầu và thực hiện các nhiệm vụ phát sinh.

Cụ thể, với lĩnh vực đất đai, Bộ TN&MT sẽ thanh tra việc quản lý, sử dụng đất của các nông, lâm trường và đất có nguồn gốc từ các nông, lâm trường; thanh tra việc chấp hành pháp luật đất đai đối với các dự án đầu tư không đưa đất vào sử dụng, chậm đưa đất vào sử dụng, có sai phạm trong quản lý sử dụng đất.

Đối với lĩnh vực môi trường, Bộ TN&MT sẽ thanh tra việc chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường với các cơ sở xử lý chất thải nguy hại; việc chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường đối với các cơ sở nhiệt điện, xi măng, sản xuất gang, thép; trách nhiệm công tác quản lý Nhà nước trong lĩnh vực quản lý, xử lý chất thải rắn trên địa bàn các tỉnh, thành phố lớn; việc chấp hành pháp luật bảo vệ môi trường đối với các cơ sở có nguồn khí thải lớn.

Trong lĩnh vực khoáng sản, Bộ TN&MT sẽ thanh tra tình hình cấp phép đá vôi làm vật liệu xây dựng thông thường có thu hồi khoáng sản đi kèm là đá vôi công nghiệp, nguyên liệu xi măng, đá ốp lát trong quá trình khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường; thanh tra công tác cải tạo, phục hồi môi trường sau khai thác, đóng cửa mỏ khoáng sản.

Tương tự, đối với lĩnh vực tài nguyên nước, Bộ TN&MT sẽ thanh tra việc chấp hành các quy định của pháp luật về tài nguyên nước trong hoạt động thăm dò, khai thác, sử dụng tài nguyên nước, xả nước thải vào nguồn nước đối với các đơn vị khai thác, sử dụng nước đa mục tiêu, có quy mô lớn.

Bên cạnh đó về công tác tiếp công dân và giải quyết tranh chấp, khiếu nại, tố cáo, Bộ TN&MT sẽ thực hiện nghiêm luật Tiếp công dân, luật Khiếu nại, luật Tố cáo và các văn bản hướng dẫn thi hành. Tổ chức tiếp công dân, tiếp nhận, xử lý đơn thư khiếu nại, tố cáo của công dân kịp thời, có hiệu quả.

Tập trung xử lý, giải quyết đúng hạn các vụ việc Thủ tướng Chính phủ giao và các vụ việc thuộc thẩm quyền, trách nhiệm của Bộ trưởng; kiểm tra việc xử lý đơn thư khiếu nại, tố cáo, phản ánh, kiến nghị và thông tin qua đường dây nóng đã được Bộ chuyển về các địa phương; tiếp tục kiểm tra, rà soát, giải quyết vụ việc khiếu nại, tố cáo đông người, phức tạp, kéo dài trong lĩnh vực TN&MT.

Trong giai đoạn từ năm 2015 đến năm 2020, các đơn vị trực thuộc Bộ TN&MT đã triển khai thực hiện 729 cuộc thanh tra, kiểm tra đối với hơn 6.000 tổ chức, thực hiện 490 cuộc kiểm tra việc thực hiện kết luận thanh tra. Qua đó, Bộ này đã xử phạt vi phạm hành chính đối với 1.269 tổ chức với tổng số tiền là hơn 204 tỷ đồng, kiến nghị truy thu nộp ngân sách Nhà nước 912 triệu đồng, buộc bồi thường cho người dân các tỉnh bị ảnh hưởng là hơn 11.000 tỷ đồng.