Số vốn đăng ký của doanh nghiệp thành lập mới trong 6 tháng đầu năm là 942,6 nghìn tỷ đồng, tăng 34,3% so với cùng kỳ năm trước, trong khi số doanh nghiệp thành lập mới tăng 8,1%. Được biết, vốn đăng ký bình quân của một doanh nghiệp thành lập mới trong 6 tháng đạt 14,1 tỷ đồng, tăng 24,2% so với cùng kỳ năm trước. Nếu tính cả 1.152,2 nghìn tỷ đồng vốn đăng ký tăng thêm của 23,7 doanh nghiệp thay đổi đăng ký vốn thì tổng vốn đăng ký bổ sung vào nền kinh tế trong 6 tháng đầu năm là 2.095,1 nghìn tỷ đồng.
Bình luận về con số này, Cục Quản lý đăng ký kinh doanh (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) - nhận định: Đây là tín hiệu tích cực cho thấy hoạt động sản xuất, kinh doanh phục hồi khá mạnh so với năm ngoái, nên nhu cầu vốn của các doanh nghiệp khá lớn.
Cũng trong 6 tháng đầu năm, cả nước cũng ghi nhận 26,1 nghìn doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, tăng 3,9% so với cùng kỳ năm trước. Nâng tổng số doanh nghiệp thành lập mới và doanh nghiệp quay trở lại hoạt động trong 6 tháng lên 93,2 nghìn doanh nghiệp. Như vậy, trung bình mỗi tháng cả nước có 15,5 nghìn doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động.
Báo cáo của Tổng cục Thống kê cũng cho thấy, trong 6 tháng đầu năm nay, có 70,2 nghìn doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể và hoàn tất thủ tục giải thể, tăng 24,9% so với cùng kỳ năm 2020.
Cục Quản lý đăng ký kinh doanh cho biết: Doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh chủ yếu thuộc các lĩnh vực bán buôn, bán lẻ, sửa chữa ôtô, xe máy; xây dựng; công nghiệp chế biến, chế tạo. Đa số những doanh nghiệp này có quy mô vốn nhỏ, từ 0-10 tỷ đồng với 32.251 doanh nghiệp, chiếm 90,6% tổng số doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn trong 6 tháng đầu năm.
Kết quả điều tra xu hướng kinh doanh của các doanh nghiệp ngành công nghiệp chế biến, chế tạo trong quý II/2021 cho thấy, có 30,5% số doanh nghiệp đánh giá tốt hơn so với quý I/2021; 37,7% số doanh nghiệp cho rằng tình hình sản xuất kinh doanh ổn định và 31,8% số doanh nghiệp đánh giá gặp khó khăn.