Doanh nghiệp nợ bảo hiểm xã hội:

Cần biện pháp mạnh!

Doanh nghiệp nợ bảo hiểm xã hội kéo dài ảnh hưởng lớn đến quyền lợi của người lao động như chế độ thai sản, ốm đau, tai nạn lao động... Điều này khiến người lao động ít tin tưởng vào chính sách BHXH, gây khó khăn cho việc phát triển quy mô của BHXH. Đã đến lúc cơ quan chức năng cần có biện pháp mạnh, chuyển cơ quan điều tra khởi tố.

Từ doanh nghiệp nhỏ đến tập đoàn lớn nợ bảo hiểm xã hội
Sáng 29/6/2024, tại kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV đã thông qua Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) với 454/465 đại biểu tham gia biểu quyết tán thành, bằng 93,42% tổng số đại biểu Quốc hội. Bảo hiểm xã hội Việt Nam cho biết, thời gian qua, với vai trò cơ quan thuộc Chính phủ được giao tổ chức thực hiện chính sách BHXH, BHYT, BHXH Việt Nam luôn cố gắng, nỗ lực thực hiện tốt công tác chăm lo, đảm bảo an sinh xã hội cho người dân, đạt được nhiều thành tựu quan trọng. Trong đó, công tác hoàn thiện chính sách, pháp luật về BHXH được BHXH Việt Nam đặc biệt quan tâm. Đây là nền tảng quan trọng nhất cho hoạt động triển khai nhiệm vụ của Ngành.

Từ năm 2022, nhằm triển khai Nghị quyết số 50/2022/QH15 ngày 13/6/2022 của Quốc hội về chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023, điều chỉnh chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2022 và phân công tại Quyết định số 799/QĐ-TTg ngày 06/7/2022 của Thủ tướng Chính phủ, BHXH Việt Nam đã phối hợp chặt chẽ với Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội xây dựng dự thảo Luật BHXH (sửa đổi).

z6314853985692-6a068a980d8d693f0b22d1cfd5cc0ec3-775x428-1142-1740124695.jpg

Từ kết quả, số liệu, thông tin đánh giá thực tiễn triển khai, BHXH Việt Nam đã cung cấp những căn cứ thực tiễn, khoa học trong xây dựng dự thảo Luật. BHXH Việt Nam xác định, việc sửa đổi Luật BHXH nhằm bảo đảm an sinh xã hội của người dân dựa trên quyền con người theo quy định của Hiến pháp và thể chế hóa các nội dung trong Nghị quyết số 28-NQ/TW ngày 23/5/2018 Hội nghị lần thứ bảy của Ban Chấp hành Trung ương Khóa XII về cải cách chính sách BHXH theo hướng đa dạng, linh hoạt, đa tầng hiện đại, hội nhập quốc tế, tiến tới bao phủ BHXH toàn bộ lưc lượng lao động; sửa đổi căn bản các vướng mắc, bất cập từ thực tiễn thi hành Luật BHXH năm 2014 và Nghị quyết số 93/2015/QH13; bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp, tính đồng bộ, thống nhất, có tính khả thi, phù hợp tiêu chuẩn quốc tế và bảo đảm yếu tố bình đẳng giới. Đồng thời mở rộng, gia tăng quyền, lợi ích, tạo sự hấp dẫn để thu hút người lao động tham gia bảo hiểm xã hội; bảo đảm tốt nhất quyền lợi cho người lao động đang làm việc và người hưởng lương hưu. Hoàn thiện quy định quản lý nhà nước và hệ thống tổ chức thực hiện chuyên nghiệp, hiện đại, hiệu quả, công khai, minh bạch.

Điều 39 Nghị định 12/2022/NĐ-CP quy định các vi phạm về đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp sẽ bị xử phạt như: Chậm đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp; đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp không đúng mức quy định mà không phải là trốn đóng; Đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp không đủ số người thuộc diện tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp mà không phải là trốn đóng; chiếm dụng tiền đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp của người lao động.

Bảo hiểm xã hội (BHXH) TP Hà Nội vừa công bố danh sách các doanh nghiệp và tổ chức trên địa bàn chậm đóng các khoản bảo hiểm bắt buộc, bao gồm BHXH, bảo hiểm y tế (BHYT), bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) và bảo hiểm tai nạn lao động - bệnh nghề nghiệp (BHTNLĐ-BNN). Danh sách này được tổng hợp đến ngày 31/1/2025, với dữ liệu cập nhật vào ngày 5/2/2025. Theo danh sách này, có 59.944 đơn vị chậm đóng BHXH từ một tháng trở lên. Không chỉ các doanh nghiệp nhỏ mà nhiều ‘ông lớn’ như Công ty Cổ phần LILAMA3 (LILAMA3), Công ty CP 116 - CIENCO 1, Công ty Cổ phần Cầu 12, Công ty Cổ phần Tập đoàn FLC … cũng được nhắc tên.

Trong đó, Công ty cổ phần anh ngữ APAX đứng đầu danh sách với số tiền nợ thuế lên tới hơn 60,7 tỷ, thời gian chậm đóng 59 tháng. Tiếp theo là Công ty Cổ phần LILAMA3 chậm đóng 118 tháng, số tiền hơn 46,9 tỷ đồng; Công ty Cổ phần Cầu 12 nợ 92 tháng với số tiền hơn 30 tỷ đồng.

Các doanh nghiệp như Chi nhánh Công ty CP ô tô Xuân Kiên VINAXUKI - NM SX ô tô số 1 (Mê Linh, Hà Nội), Công ty CP Sông Đà 6 và Công ty CP 116 - CIENCO 1 đều nợ BHXH trên 20 tỷ đồng. Đáng chú ý, trong danh sách này, Công ty TNHH Shopee (Shopee Việt Nam) đang chậm đóng BHXH hơn 15 tỷ đồng.

Nhiều doanh nghiệp lớn khác cũng có tên trong danh sách chậm đóng bảo hiểm tháng 1/2025 của BHXH TP.Hà Nội như: Công ty Cổ phần Tập đoàn FLC nợ 31 tháng bảo hiểm với số tiền 11,4 tỷ đồng; Công Ty Cổ phần Tập đoàn Golden Gate nợ 1 tháng bảo hiểm với số tiền 5,8 tỷ đồng; Công ty Cổ phần Đầu tư và Xây dựng Vina2 nợ 22 tháng với số tiền 5,4 tỷ đồng; Công ty Cổ phần VACXIN Việt Nam nợ 3,9 tỷ đồng; Công Cổ phần Thương mại Dịch vụ 30 Shine nợ 1,6 tỷ đồng...

Cần sớm khởi tố các doanh nghiệp chây ỳ, trốn đóng bảo hiểm

Theo phân tích, chia nhóm của BHXH TP.Hà Nội, hầu hết những đơn vị doanh nghiệp nợ lớn, dây dưa kéo dài như trên thuộc lĩnh vực sản xuất vật liệu xây dựng, xây dựng, giao thông, cầu đường…; một số DN thuộc lĩnh vực may mặc, giáo dục… Đây cũng là những đơn vị, DN mà BHXH phối hợp các ngành chức năng đã áp dụng nhiều biện pháp, từ tuyên truyền vận động, đến đôn đốc, nhắc nhở, thanh tra kiểm tra nhiều lần… nhưng số tiền chậm đóng BHXH vẫn còn đó như một “gánh nặng” chưa được trút bỏ, gây ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của người lao động.

Ông Nguyễn Duy Cường, Phó Vụ trưởng Vụ BHXH - Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, cho rằng nguyên nhân dẫn đến tình trạng nợ BHXH là do doanh nghiệp thực sự khó khăn, thu hẹp sản xuất, ngừng hoạt động, không có khả năng đóng BHXH đầy đủ theo quy định.

Thực tiễn công tác gửi kiến nghị khởi tố cho thấy, hầu hết các hành vi cơ quan Bảo hiểm xã hội xem xét, lập hồ sơ gửi kiến nghị khởi tố được xác định là hành vi chậm đóng.

Ngoài các yếu tố khách quan trên, một phần nguyên nhân nợ BHXH là do ý thức, trách nhiệm của một số người sử dụng lao động (NSDLĐ) khi chấp hành pháp luật chưa nghiêm, có trường hợp cố tình vi phạm. Do vậy, rất cần hoàn thiện pháp luật nhằm tạo cơ sở pháp lý trong việc xử lý các vi phạm về chậm, trốn đóng BHXH.

Theo bà Phạm Thị Nguyệt, Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Long An, để kéo giảm tình trạng nợ BHXH cần tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật về BHXH và thống nhất các văn bản pháp luật. Cần hướng dẫn rõ việc xử lý hệ quả khi NSDLĐ chậm đóng, trốn đóng BHXH, BHYT, BHTN, làm ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi và chế độ của người tham gia.

"Cấp ủy, chính quyền các cấp và các cơ quan liên quan cần vào cuộc mạnh mẽ. Cụ thể, công an tỉnh cần chỉ đạo công an các huyện, thị xã, thành phố tích cực điều tra, xác minh, khởi tố những đơn vị, DN cố tình chậm đóng, trốn đóng BHXH, BHYT, BHTN; phối hợp với các cơ quan chức năng đưa ra truy tố, xét xử án điểm nhằm răn đe, ngăn chặn đối với những DN cố tình chây ì, chậm đóng, trốn đóng BHXH, BHYT, BHTN cho NLĐ" - bà Nguyệt đề xuất.

Ông Phạm Chí Tâm, Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động TPHCM, đề nghị áp dụng các chế tài mạnh mẽ hơn, thậm chí là truy cứu trách nhiệm hình sự nhằm răn đe, kéo giảm tình hình vi phạm pháp luật BHXH, chậm đóng, trốn đóng BHXH cho người lao động.

Ông Tâm cho biết, Liên đoàn đã nhiều lần hỗ trợ người lao động khởi kiện doanh nghiệp ra tòa để đòi quyền lợi cho người lao động. Tuy nhiên, về xử lý hình sự thì tính đến nay chưa có trường hợp nào.

Thượng tá Ngô Thuận Lăng, Phó trưởng phòng Cảnh sát Kinh tế - Công an TPHCM, cho biết, Công an Thành phố tiếp nhận rất nhiều nguồn tin từ Cơ quan BHXH chuyển đến nhưng chưa khởi tố được vụ án nào, cũng chưa khởi tố bị can có liên quan đến đơn vị sử dụng người lao động có hành vi vi phạm pháp luật về BHXH.

Theo Công an TPHCM, nguyên nhân do các quy định pháp luật chưa đồng bộ, chưa có hướng dẫn cụ thể, khó thu thập chứng cứ nên chưa thể xử lý hình sự hành vi này.

can-co-quy-dinh-ve-quan-ly-no-bao-hiem-xa-hoi-1143jpg1-1740139729.jpg
 

Công an TPHCM đề xuất các cơ quan tố tụng sớm có hướng dẫn cụ thể về hành vi gian dối và thủ đoạn khác để cấu thành hành vi trốn đóng BHXH, BHYT, BHTN để có cơ sở xử lý vi phạm hành chính về hành vi trốn đóng BHXH, BHYT, BHTN. Từ đó, cơ quan điều tra có thể xử lý hình sự khi doanh nghiệp tái phạm.

UBND thành phố chỉ đạo BHXH TP. Hồ Chí Minh thanh tra, kiểm tra để kịp thời phát hiện hành vi vi phạm pháp luật về BHXH, kiên quyết xử phạt các hành vi chậm đóng, trốn đóng BHXH, bảo hiểm thất nghiệp theo quy định. Sở Lao động - Thương binh và Xã hội TP. Hồ Chí Minh được giao nhiệm vụ tăng cường thanh tra, kiểm tra về lao động, BHXH tại các doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp nợ đóng, trốn đóng BHXH để kịp thời chấn chỉnh và kiên quyết xử lý vi phạm.

Đặc biệt, đối với những doanh nghiệp cố tình trốn đóng, nợ tiền đóng BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp, UBND TP. Hồ Chí Minh yêu cầu Sở Lao động - Thương binh và xã hội lập hồ sơ phối hợp với Công an TP. Hồ Chí Minh và các đơn vị liên quan tiến hành điều tra, khởi tố các đơn vị, cá nhân vi phạm về BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp theo quy định tại Điều 216 Bộ luật Hình sự năm 2015.

Việc doanh nghiệp nợ BHXH kéo dài ảnh hưởng lớn đến quyền lợi của người lao động như chế độ thai sản, ốm đau, tai nạn lao động... điều này khiến người lao động ít tin tưởng vào chính sách BHXH, gây khó khăn cho việc phát triển quy mô của BHXH.

Theo Bảo hiểm xã hội Việt Nam, từ năm 2018 đến hết 31/12/2023, toàn ngành đã gửi 417 hồ sơ kiến nghị khởi tố sang Cơ quan điều tra. Trong đó, 34 hồ sơ kiến nghị khởi tố theo Điều 214 về Tội gian lận bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp; 4 hồ sơ kiến nghị khởi tố theo Điều 215 về Tội gian lận bảo hiểm y tế; 379 hồ sơ kiến nghị khởi tố theo Điều 216 về Tội trốn đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp. Riêng năm 2023, toàn Ngành phát sinh 26 hồ sơ kiến nghị khởi tố, trong đó 17 hồ sơ theo Điều 214, có 1 hồ sơ theo Điều 215 và 8 hồ sơ theo Điều 216.

Tính đến nay, đã có 15 hồ sơ đã được khởi tố, trong đó có 8 bản án đã có hiệu lực pháp luật với số tiền cá nhân, tổ chức phải thi hành án cho cơ quan Bảo hiểm xã hội là trên 2,69 tỷ đồng. Số tiền cơ quan Bảo hiểm xã hội đã thu hồi được từ thi hành án đạt hơn 2,38 tỷ đồng (chiếm 88,5% số tiền phải thi hành án); 220 hồ sơ không khởi tố do được xác định là không có dấu hiệu tội phạm, không có hành vi vi phạm hoặc chuyển xử lý hành chính; 23 hồ sơ tạm đình chỉ giải quyết kiến nghị khởi tố; 2 hồ sơ bị tạm đình chỉ, đình chỉ; 103 hồ sơ vẫn đang trong quá trình xem xét, giải quyết.

Riêng năm 2024, thông tin về tình hình lập hồ sơ kiến nghị khởi tố theo các tội danh lĩnh vực bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp theo quy định tại Bộ luật Hình sự, Vụ Pháp chế, Bảo hiểm xã hội Việt Nam cho biết đến nay đã gửi hàng trăm hồ sơ đề nghị khởi tố.

Theo thống kê của Bảo hiểm Xã hội Việt Nam, tình trạng nợ đóng bảo hiểm xã hội diễn ra ở mọi loại hình doanh nghiệp, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền lợi của người lao động. Theo Bảo hiểm xã hội Việt Nam, trong quá trình thực hiện lập, gửi hồ sơ kiến nghị khởi tố, cơ quan Bảo hiểm xã hội các địa phương còn gặp một số vướng mắc.

Cụ thể, cơ quan Công an xác định hành vi chậm đóng chưa đủ yếu tố cấu thành tội phạm, do không có yếu tố gian dối hoặc thủ đoạn khác.

Thực tiễn công tác gửi kiến nghị khởi tố cho thấy, hầu hết các hành vi cơ quan Bảo hiểm xã hội xem xét, lập hồ sơ gửi kiến nghị khởi tố được xác định là hành vi chậm đóng.

Theo đó, đơn vị sử dụng lao động đã kê khai đầy đủ số người tham gia bảo hiểm xã hội, số tiền khải đóng, khấu trừ tiền lương của người lao động để đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, nhưng chưa đóng được cơ quan Công an xác định là không có thủ đoạn gian dối hoặc thủ đoạn khác, nên không thỏa mãn dấu hiệu tội phạm quy định tại khoản 1 Điều 216.

Thứ hai, về dấu hiệu “đã bị xử phạt vi phạm hành chính mà còn vi phạm”, Cơ quan điều tra không thụ lý hồ sơ do quyết định xử phạt vi phạm hành chính, do cơ quan Bảo hiểm xã hội ban hành được xác định đối với hành vi chậm đóng, nên chưa đủ yếu tố cấu thành tội phạm theo quy định.

Ngoài ra, Biên bản xử phạt vi phạm hành chính xác định chủ thể là đơn vị sử dụng lao động, nên việc truy cứu trách nhiệm hình sự đối với cá nhân không có căn cứ.

Liên quan dấu hiệu “đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này mà còn vi phạm” còn có cách hiểu khác nhau: Hành vi đã bị xử phạt vi phạm hành chính mà còn vi phạm được hiểu là cùng hành vi vi phạm đã bị xử phạt vi phạm hành chính, nhưng đơn vị sử dụng lao động không nộp số tiền vi phạm, hay là hành vi vi phạm tiếp tục tái diễn sau khi đã bị phạt vi phạm hành chính.

Bên cạnh đó, đối với hành vi chậm đóng mà đơn vị sử dụng lao động đã kê khai đầy đủ số người, số tiền phải đóng, nhưng không đóng (lý do phía đơn vị đưa ra là do khó khăn trong sản xuát kinh doanh, không có thủ đoạn gian dối), cơ quan điều tra có ý kiến “Đơn vị nợ do khó khăn, đề nghị khởi kiện vụ án dân sự theo quy định pháp luật”.

Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các bộ, ngành đã có nhiều văn bản chỉ đạo các địa phương tăng cường thực hiện đồng bộ các giải pháp, biện pháp để hạn chế tình trạng chậm đóng BHXH đảm bảo quyền lợi cho người lao động, qua đó, tình trạng chậm đóng BHXH đã từng bước được cải thiện qua từng năm.

Theo quy định tại Điều 216 Bộ luật Hình sự 2015, tội trốn đóng bảo hiểm xã hội (BHXH), bảo hiểm y tế (BHYT), BH thất nghiệp có thể bị phạt tù đến 07 năm, phạt tiền đến 3 tỉ đồng Điều 214 và Điều 215 Bộ Luật Hình sự quy định hành vi gian lận bảo BHXH, BHTN, BHYT có thể bị phạt tù lên tới 10 năm.

Các hành vi bị xử phạt gồm: Lập hồ sơ giả hoặc làm sai lệch nội dung hồ sơ BHXH, BHTN lừa dối cơ quan BHXH; dùng hồ sơ giả hoặc hồ sơ đã bị làm sai lệch nội dung lừa dối cơ quan BHXH để hưởng các chế độ bảo hiểm liên quan.

Tùy vào số tiền chiếm đoạt, gây thiệt hại và trường hợp vi phạm sẽ bị xử phạt hành chính hoặc phạt tù. Nếu số tiền chiếm đoạt từ 10 triệu đồng đến dưới 100 triệu đồng hoặc gây thiệt hại từ 20 triệu đồng đến dưới 200 triệu đồng thì có thể bị phạt tiền từ 20-100 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 2 năm hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 2 năm.

Đối với số tiền chiếm đoạt từ 100 triệu đồng đến dưới 500 triệu đồng hoặc gây thiệt hại từ 200 triệu đồng đến 500 triệu đồng, hành vi phạm tội có tổ chức, có tính chất chuyên nghiệp, thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt, tái phạm nguy hiểm thì bị phạt tiền từ 100-200 triệu đồng hoặc phạt tù từ 1-5 năm.

Hình phạt cao nhất là phạt tù từ 5-10 năm nếu số tiền chiếm đoạt tiền BHXH, BHTN, BHYT hoặc gây thiệt hại từ 500 triệu đồng trở lên.

Phạt tiền từ 50- 200 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 1 năm hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 1năm nếu trốn đóng bảo hiểm từ 30 triệu đồng đến dưới 300 triệu đồng hoặc trốn đóng bảo hiểm cho từ 10 đến dưới 50 người lao động.

Mức phạt tăng lên 200-500 triệu đồng hoặc phạt tù từ 6 tháng năm đến 3 năm nếu phạm tội thuộc một trong các trường hợp: Phạm tội 2 lần trở lên; trốn đóng bảo hiểm từ 30 triệu đồng đến dưới 1 tỷ đồng; trốn đóng bảo hiểm cho từ 50 người đến dưới 200 người. Mức phạt cao nhất là bị phạt tiền từ 500 triệu đồng đến 1 tỷ đồng hoặc bị phạt tù từ 2-7 năm nếu trốn đóng bảo hiểm 1 tỉ đồng trở lên hoặc trốn đóng bảo hiểm cho 200 người trở lên; Hành vi không đóng số tiền bảo hiểm đã thu hoặc đã khấu trừ của người lao động cũng sẽ bị xử phạt từ 200 triệu đồng đến 1 tỷ đồng hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 7 năm tùy theo số tiền, số người lao động bị trốn đóng bảo hiểm. Đặc biệt, pháp nhân thương mại (doanh nghiệp) nếu trốn đóng BHXH, BHYT, BHTN cho người lao động thì có thể bị xử phạt từ 200 triệu đồng đến 3 tỉ đồng.

Tài liệu tham khảo:

1. An Như, Xử lý nghiêm hành vi nợ bảo hiểm xã hội, Báo điện tử Nhân dân - https://nhandan.vn/xu-ly-nghiem-hanh-vi-no-bao-hiem-xa-hoi-post794995.html

2. Ngọc Anh, Gần 60.000 doanh nghiệp chậm đóng BHXH: LILAMA3, Shopee Việt Nam... góp mặt, Tạp chí lao động xã hội - https://tapchilaodongxahoi.vn/gan-60000-doanh-nghiep-cham-dong-bhxh-lilama3-shopee-viet-nam-gop-mat-1334540.html

3. TA, Có thể xử lý hình sự các doanh nghiệp nợ bảo hiểm xã hội, https://binhphuoc.baohiemxahoi.gov.vn/tintuc/Pages/bao-hiem-xa-hoi.aspx?CateID=266&ItemID=3735

4. Vương Lê, Kiến nghị xử lý hình sự doanh nghiệp nợ bảo hiểm xã hội, Báo điện tử đảng cộng sản, https://dangcongsan.vn/xa-hoi/kien-nghi-khoi-to-hinh-su-doanh-nghiep-no-bao-hiem-xa-hoi-573313.html

5. Kim Dung - Kiều Oanh, Nợ bảo hiểm xã hội: Nhiều vướng mắc khi xử lý hình sự, Báo điện tử VOV, https://vov.vn/phap-luat/no-bao-hiem-xa-hoi-nhieu-vuong-mac-khi-xu-ly-hinh-su-post1112217.vov

6. Thu Cúc, Cần chế tài mạnh xử lý doanh nghiệp trốn, nợ bảo hiểm xã hội, Báo điện tử Chính phủ, https://baochinhphu.vn/can-che-tai-manh-xu-ly-doanh-nghiep-tron-dong-bao-hiem-xa-hoi-102230721184811744.htm

7. Mai Chi, Khó xử lý hình sự doanh nghiệp nợ bảo hiểm, Báo Người lao động, https://nld.com.vn/kho-xu-ly-hinh-su-doanh-nghiep-no-bao-hiem-196240319205647836.htm

8. Mai Chi, Ách tắc xử lý hình sự doanh nghiệp nợ bảo hiểm, Báo Người lao động, https://nld.com.vn/cong-doan/ach-tac-xu-ly-hinh-su-doanh-nghiep-no-bhxh-20221001175354848.htm