Hạn chế rút BHXH một lần – Nên mở rộng trợ cấp thất nghiệp

23/09/2023 21:50

Theo dõi trên

Trước sự gia tăng của tình trạng rút BHXH một lần, góp ý Dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi), một số ý kiến cho rằng, ngoài trợ cấp gia đình, trẻ em nên mở rộng trợ cấp thất nghiệp…

Theo đó, để giải quyết bài toán rút bảo hiểm xã hội (BHXH) một lần, bên cạnh 2 phương án được đề xuất gồm: Phương án 1 – rút BHXH một lần được giải quyết với hai nhóm lao động khác nhau. Nhóm một là người đóng tham gia trước khi Luật Bảo hiểm xã hội sửa đổi có hiệu lực (dự kiến 01/7/2025), sau 12 tháng nghỉ việc mà có nhu cầu thì được nhận BHXH một lần. Nhóm hai với người bắt đầu đi làm và tham gia hệ thống từ sau ngày 01/7/2025 sẽ không được nhận BHXH một lần, trừ các trường hợp theo quy định.

du-thao-luat-bao-hiem-xa-hoi-pld-1695480460.jpg
Dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) đã đề xuất không ít giải pháp nhằm hạn chế tình trạng rút BHXH một lần – Ảnh minh họa: ITN

Phương án 2 – lao động đóng BHXH dưới 20 năm mà sau 12 tháng nghỉ việc không thuộc diện đóng bắt buộc, không tham gia BHXH tự nguyện thì được rút một lần nếu có yêu cầu. Quyền lợi giải quyết tối đa không quá 50% tổng thời gian đã đóng vào Quỹ Hưu trí tử tuất, phần còn lại được bảo lưu để hưởng chế độ sau khi đủ điều kiện.

Dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) cũng đề xuất sửa đổi, bổ sung một số điểm mới để hạn chế tình trạng rút BHXH một lần như: Giảm thời gian đóng BHXH hưởng lương hưu từ 20 xuống còn 15 năm; được hưởng trợ cấp hàng tháng trong trường hợp có thời gian đóng BHXH mà không đủ điều kiện hưởng lương hưu và chưa đủ tuổi hưởng trợ cấp hưu trí xã hội; được hưởng BHYT do ngân sách Nhà nước đảm bảo trong thời gian hưởng trợ cấp hàng tháng.

Bên cạnh đó, người lao động sau một năm nghỉ việc không nhận BHXH một lần mà tiếp tục bảo lưu thời gian đóng BHXH thì được hưởng BHYT do quỹ BHXH đóng, thời gian hưởng tối đa bằng thời gian đóng BHXH của người lao động. Đồng thời, người lao động trong thời gian bị mất việc, chưa có việc làm còn được hưởng chính sách hỗ trợ về tín dụng nhằm giải quyết khó khăn tài chính trước mắt.

Ngoài các đề xuất đã nêu, Ủy ban Xã hội của Quốc hội mới đây cũng đề nghị cơ quan soạn thảo xem xét chế độ phụ cấp cho con cái người lao động đang đóng BHXH. Theo đó, việc bổ sung trợ cấp có thể giúp lao động giảm bớt khó khăn trước mắt khi sinh và nuôi con nhỏ; giữ chân họ ở lại hệ thống an sinh thay vì rút một lần.

Thực tế, so với Luật Bảo hiểm xã hội hiện hành thì các đề xuất tại Dự thảo Luật (sửa đổi) được cho đã có những điểm mới theo hướng gia tăng quyền lợi, tăng tính hấp dẫn khuyến khích người lao động bảo lưu thời gian đóng để hưởng lương hưu, tuy nhiên, một số ý kiến cho rằng, ngoài các đề xuất đã nêu thì Luật sửa đổi vẫn cần thêm chính sách hỗ trợ để giữ chân người lao động ở lại với hệ thống BHXH lâu dài thay vì rút một lần.

Góp ý Dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi), ngoài đề xuất đưa chính sách trợ cấp gia đình, trẻ em vào Luật sửa đổi, Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) và Ngân hàng Thế giới (WB) tiếp tục khuyến nghị, nên mở rộng trợ cấp thất nghiệp.

cac-chuyen-gia-cua-ilo-va-wb-cung-khuyen-nghi-pld-1695480460.jpg
Ngoài các giải pháp đã được đề xuất tại Dự thảo, các chuyên gia của ILO và WB cũng khuyến nghị, nên mở rộng trợ cấp thất nghiệp – Ảnh minh họa: ITN

Theo các chuyên gia của ILO và WB, xét tính đa chiều của các vấn đề khiến người lao động thường xuyên rút BHXH một lần ở Việt Nam, có thể thấy rõ không thể giải quyết triệt để vấn đề với những biện pháp hay thay đổi chính sách đơn lẻ. Thay vào đó, một gói các chính sách nhất quán và toàn diện có thể giải quyết các thách thức khác nhau, giúp đảm bảo an ninh thu nhập của người lao động trong dài hạn mà không ảnh hưởng nghiêm trọng đến mức sống của họ trong ngắn hạn.

Có hai chế độ BHXH ngắn hạn phù hợp để đáp ứng một số nhu cầu mà người lao động hay sử dụng tiền BHXH một lần đó là đưa vào chế độ trợ cấp trẻ em/gia đình, tăng và mở rộng trợ cấp thất nghiệp. Việc thêm vào chế độ trợ cấp trẻ em đa tầng vào hệ thống an sinh xã hội hiện có sẽ mang lại hỗ trợ thu nhập ngay lập tức cho hàng triệu gia đình đã có con ở độ tuổi đủ điều kiện, do đó, khuyến khích những người lao động trẻ tiếp tục ở lại hệ thống và cũng tham gia đóng góp các chế độ này.

Tiếp đó, mở rộng diện bao phủ và tăng mức trợ cấp thất nghiệp ở Việt Nam có thể là một chính sách quan trọng nhằm giảm bớt động cơ rút BHXH một lần của người lao động. Việc làm này sẽ cho phép người lao động giữ các quyền và lợi ích của họ đối với lương hưu và bảo đảm thu nhập tuổi già.

“Tuy nhiên, chính sách này cần được bổ sung bằng các cơ chế, chính sách kích hoạt mạnh mẽ và hiệu quả hơn. Việc tiếp cận tốt hơn với đào tạo nghề, dịch vụ giới thiệu việc làm và tín dụng có thể giúp người lao động tìm được công việc mới phù hợp với năng lực của người lao động nhanh hơn và do đó giảm nhu cầu rút tiền trợ cấp một lần để đảm bảo thu nhập”, các chuyên gia của ILO và WB khuyến nghị.

Cùng với khuyến nghị đã nêu, để hạn chế tình trạng rút BHXH một lần, nhiều ý kiến cũng cho rằng, ngoài giải pháp trực tiếp là sửa Luật thì song hành với đó phải là giải pháp gián tiếp về cơ chế tính dụng, chính sách bảo đảm việc làm ổn định để đáp ứng nhu cầu đời sống của người lao động.

Được biết, hạn chế rút BHXH một lần không phải câu chuyện mới, tuy nhiên, để có lời giải tối ưu cho bài toán này cũng không phải dễ.

Cho ý kiến góp ý Dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) mới đây tại phiên họp thứ 26 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội – Vương Đình Huệ cho rằng, để hạn chế hưởng BHXH một lần, biện pháp lớn nhất là giảm thời gian đóng hưởng BHXH từ 20 năm xuống 15 năm và tới đây sẽ có lộ trình để giảm xuống còn 10 năm.

“Rút hay không vẫn là quyền của người lao động. Chúng ta xử lý trong Luật vẫn đảm bảo quyền này”, Chủ tịch Quốc hội nêu quan điểm.

Đồng thời đề nghị cơ quan soạn thảo, thẩm tra Dự án Luật “không nóng vội”, tuân thủ quy trình xây dựng pháp luật khi nghiên cứu nội dung này vì đây là việc nhạy cảm, hệ trọng…

Bạn đang đọc bài viết "Hạn chế rút BHXH một lần – Nên mở rộng trợ cấp thất nghiệp" tại chuyên mục Dân sinh. Thông tin chi tiết xin liên hệ số hotline: 0971.008.956 hoặc gửi email về địa chỉ: bbtpld@gmail.com